Khủng hoảng niềm tin ở Mỹ

Thanh Tâm 26/05/2020 09:00

Năm 2019, chỉ có 17% người Mỹ tin tưởng vào chính phủ liên bang. Nhưng mức độ tín nhiệm có nguy cơ tiếp tục sụt giảm vì Covid-19.

Patricia Millner, y tá ở Hershey, Pennsylvania, sinh ra vào năm 1956, thời điểm cố Tổng thống Dwight D. Eisenhower tái đắc cử. Nền kinh tế Mỹ bùng nổ và niềm tin của người dân vào chính phủ rất cao. Hai năm sau, các cuộc thăm dò quốc gia cho thấy khoảng 3/4 người Mỹ cho biết họ tin tưởng vào mọi quyết định của chính phủ liên bang.

Rất nhiều thứ đã thay đổi kể từ đó. Chiến tranh Việt Nam xảy ra và sau đó là vụ Watergate năm 1972, bê bối chính trị khiến Tổng thống Richard Nixon phải từ chức. Trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, bà Millner đã thấy nhiều ngân hàng được chính phủ giải cứu, trong khi người dân chịu cảnh mất nhà.

Khi Covid-19 tấn công và khiến gần 39 triệu người mất việc, bà Millner một lần nữa lại thấy chính phủ quan tâm đến những người giàu có, trong khi nhiều người khác phải tự tìm cách cứu lấy mình.

"Mỗi lần xem một đoạn quảng cáo trên tivi nói rằng tất cả chúng tôi đều có chung hoàn cảnh, máu của tôi lại sôi lên. Chúng tôi không hề như vậy. Tầng lớp thượng lưu vẫn ổn thôi, nhưng 2/3 đất nước này đang bị hủy hoại", bà nói.

Người đàn ông cầm cờ Mỹ biểu tình phản đối phong tỏa vì Covid-19 tại thành phố Lansing, bang Michigan, hồi tháng 4. Ảnh: AP.

Người đàn ông cầm cờ Mỹ biểu tình phản đối phong tỏa vì Covid-19 tại thành phố Lansing, bang Michigan, hồi tháng 4. Ảnh: AP.

Rất lâu trước khi Covid-19 xuất hiện, Mỹ đang đối mặt với khủng hoảng khác là niềm tin của người dân vào chính phủ liên bang ngày một giảm. Sự suy giảm này diễn ra trong nhiều thập kỷ, qua nhiều chính quyền từ Dân chủ tới Cộng hòa. Năm 2019, Mỹ ghi nhận tỷ lệ tín nhiệm của người dân thấp nhất kể từ khi các cuộc thăm dò được tiến hành, khi chỉ có 17% người Mỹ tin chính phủ "luôn luôn hoặc đa phần làm đúng", theo khảo sát của trung tâm nghiên cứu Pew.

Washington thiếu sự tín nhiệm không có nghĩa người dân không tin vào bất kỳ cơ quan nào của chính phủ. Các cuộc khảo sát chỉ ra người dân có xu hướng tin vào chính quyền địa phương hơn và một số thống đốc cũng nhận được tỷ lệ ủng hộ cao vì cách xử lý đại dịch.

Trong hơn 20 cuộc phỏng vấn mà NYTimes thực hiện, người Mỹ cho biết chính phủ liên bang không đối phó tốt với khủng hoảng Covid-19. Nhiều người chỉ ra rằng các tập đoàn dường như nhận được phần lớn tiền cứu trợ của liên bang, trong khi các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn. Họ thấy hoang mang khi được yêu cầu ở nhà và hy sinh lợi ích cá nhân vì tập thể, nhưng không được hỗ trợ đủ tài chính để làm như vậy. Một số người thậm chí cho rằng việc phong tỏa toàn bộ bang là điều vô nghĩa khi không phải nơi nào cũng bị ảnh hưởng nhiều như nhau.

Mỹ đang tung ra một trong những gói cứu trợ của chính phủ lớn nhất trong lịch sử gần đây. Nhiều người nói rằng họ đã nhận được tiền, nhưng nó không đủ để giải quyết các vấn đề tài chính lớn hơn của họ, như tiền thuê nhà và thanh toán các khoản thế chấp.

"Tôi không tin tưởng tất cả họ", Curtis Devlin, 42 tuổi, cựu chiến binh trong chiến tranh Iraq sống ở California, ám chỉ tới những lãnh đạo quốc gia ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. "Họ chỉ đại diện cho lợi ích của những nhà tài trợ, những nhà môi giới quyền lực và các đảng", ông nói.

Khủng hoảng quốc gia thường có xu hướng xây dựng sự đoàn kết và tăng cường niềm tin của người dân vào chính phủ. Trong lịch sử gần đây, thời điểm chính phủ Mỹ giành được tín nhiệm cao nhất là sau vụ khủng bố 11/9/2001. Nhưng tỷ lệ này bắt đầu giảm sau khi Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh Iraq, dưới thời Tổng thống Barack Obama và hiện tại là chính quyền Donald Trump. Kể từ năm 2008, tỷ lệ tín nhiệm chưa bao giờ vượt 25%.

Sự thất vọng vào chính phủ liên bang còn được thể thiện trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Tổng thống Trump luôn tự nhận mình là người đấu tranh cho những người dân bị chính sách của Washington bỏ lại. Joe Biden, ứng viên đảng Dân chủ, cũng cam kết về điều này. Nhưng với những người Mỹ không còn tin tưởng vào chính phủ, lời hứa này thật sự sáo rỗng, ngay cả nó có đến từ chính ứng viên trong đảng của họ.

"Chúng tôi vẫn không được hưởng dịch vụ chăm sóc y tế và vẫn phải mua thuốc men với giá cao. Chúng tôi vẫn đang trong cuộc chiến kéo dài suốt 17 năm. Nếu tôi bỏ phiếu cho ông Joe Biden, mọi chuyện cũng không có gì thay đổi. Đó là điều khiến tôi thấy thất vọng", bà Millner nói.

Jacob Hacker, nhà khoa học chính trị tại Đại học Yale, tranh luận rằng lý do khiến người dân ngày càng mất niềm tin vào hai đảng nằm ở hai câu hỏi: Mọi thứ sẽ tốt hơn hay không? Và chính phủ có đại diện cho lợi ích của tôi hay không? Khi bất bình đẳng ngày càng gia tăng, câu trả lời cho cả hai vấn đề đều là không.

"Bất bình đẳng gia tăng là một cú sốc lớn đối với hệ thống chính trị và xã hội của chúng tôi. Người dân cảm thấy họ không được hưởng lợi và chính phủ không đáp ứng các nguyện vọng của người dân, hay có thể nói chính phủ không đại diện cho lợi ích của dân thường", Hacker chia sẻ.

Ông thêm rằng kết quả là "nền dân chủ của chúng tôi không hoạt động hiệu quả như kỳ vọng".

Mức độ tín nhiệm vào chính phủ là thước đo sức mạnh của một nền dân chủ. Những nền dân chủ có tỷ lệ tín nhiệm không cao thường có xu hướng kém ổn định.

Patricia Bolgiano đã sống qua nhiều đợt suy thoái kinh tế ở Mỹ. Trong mỗi lần như vậy, bà cho biết những biện pháp mà các nhà lãnh đạo đưa ra để đối phó với suy thoái thường khiến gia đình bà bị "bỏ rơi", trong khi một số ít người được hưởng lợi trở nên giàu có hơn.

Bà Bolgiano làm việc tại trung tâm chăm sóc khách hàng của một ngân hàng ở Maryland, khi thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ năm 1987 và cuộc khủng hoảng cho vay - tiết kiệm trong thập niên 80-90. Bà vẫn nhớ giọng nói đầy sợ hãi của khách hàng khi đó và câu chuyện về những chiếc dù vàng (gói bồi thường mất việc gắn với hợp đồng của các giám đốc điều hành cấp cao trong trường hợp họ bị sa thải).

20 năm sau đó, điều này một lần nữa lặp lại. Một buổi tối năm 2008, bà đang lái xe và nghe tin tức trên đài. Các ngân hàng đã sụp đổ. Bà biết rằng điều gì sẽ đến sau đó: phố Wall được giải cứu và không phải giải trình về những gì họ đã làm khiến nền kinh tế bị tổn hại.

"Họ biết họ có thể bình an vô sự", bà nói.

Người phụ nữ cầm bảng với dòng chữ Gói cứu trợ của chúng tôi ở đâu trong cuộc biểu tình phản đối giải cứu các ngân hàng lớn vì khủng hoảng tài chính tại New York, hồi năm 2008. Ảnh: NYTimes.

Người phụ nữ cầm bảng với dòng chữ "Gói cứu trợ của chúng tôi ở đâu" trong cuộc biểu tình phản đối giải cứu các ngân hàng lớn vì khủng hoảng tài chính tại New York, hồi năm 2008. Ảnh: NYTimes.

Bà Bolgiano cho rằng kịch bản cũ sẽ lặp lại với đại dịch này. Người dân được yêu cầu ở nhà và thích nghi với việc sống chung với Covid-19, dù họ không có một khoản tiết kiệm nào. Dù chính phủ đã giải ngân rất nhiều tiền, bà không tin rằng nó sẽ đến tay những người thực sự cần.

"Tại sao những doanh nghiệp hàng triệu đôla nhận được gói giải cứu trong khi những người kinh doanh nhỏ lại không? Các nhà lãnh đạo dường như đưa ra các quy tắc và các gói giải cứu cho gia đình và bạn bè của họ, chứ không phải cho công chúng", bà nói.

Mức độ tín nhiệm thấp trong bộ phận lớn người dân có thể là điều kiện tốt cho các thuyết âm mưu xuất hiện. Amanda Robert, nhà phân tích chính trị ở Michigan, lớn lên trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động và hiểu những thuyết âm mưu đó có nguồn gốc từ đâu. Cảm giác bất lực càng khoét sâu thêm nỗi lo lắng và khao khát tìm kiếm một lời giải thích, một cách để kiểm soát cuộc sống xung quanh.

"Thật đáng sợ khi phải chứng kiến mọi người cố gắng làm sáng tỏ mọi thứ bởi họ bị mất niềm tin", Robert chỉ ra rằng thuyết âm mưu đang được lan truyền trên mạng xã hội từ những người cô không ngờ tới.

Một người bạn của Robert đã chia sẻ một chương trình tài liệu giả mạo nói rằng đại dịch đã được cố tình tạo ra, trong khi một người khác làm ở trường mầm non khăng khăng cho rằng mọi người không cần cách ly. Khi Robert đề nghị một người bạn liên hệ tới một nghị sĩ bang để được giúp đỡ về vấn đề trợ cấp thất nghiệp, người này đã lên tiếng chỉ trích.

"Câu trả lời tôi nhận được là 'Tớ không tin họ sẽ giúp bất kỳ điều gì. Họ khiến chúng ta thất nghiệp để khiến mình phải phụ thuộc vào họ mà thôi'", Robert kể lại.

Theo vnexpress.net
Copy Link

Mới nhất

x
Khủng hoảng niềm tin ở Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO