Kì 1: Nhiều nơi chưa thực hiện đúng quy định
(Baonghean)- Những năm gần đây, ngành Điện đã có chủ trương chuyển sang bán điện tại gia, tạo điều kiện cho người dân được hưởng giá điện theo đúng quy định và không phải mất các khoản phí khác. Thế nhưng, chủ trương này đã bị nhân viên điện lực lợi dụng để gây khó dễ người dân. Nếu ai có tiền bồi dưỡng thì mắc điện ngay, còn không thì phải chờ... dài dài.
(Baonghean)- Những năm gần đây, ngành Điện đã có chủ trương chuyển sang bán điện tại gia, tạo điều kiện cho người dân được hưởng giá điện theo đúng quy định và không phải mất các khoản phí khác. Thế nhưng, chủ trương này đã bị nhân viên điện lực lợi dụng để gây khó dễ người dân. Nếu ai có tiền bồi dưỡng thì mắc điện ngay, còn không thì phải chờ... dài dài.
Khối 2, Thị trấn Lạt (Tân Kỳ) nằm giữa thị trấn, nhưng đại đa số người dân ở đây vẫn phải dùng điện qua công tơ tổng và đang sử dụng điện tại các cột cuối nguồn của lưới điện 0,4 KV trạm 2 thị trấn. Năm 2011, sau khi ngành Điện xây dựng trạm mới gần khu vực của khối để san tải, các hộ dân ở đây đã có nguyện vọng xin được bắt điện tại gia.
Vì nhu cầu cấp bách, người dân đã chấp nhận tự thỏa thuận bỏ kinh phí để đóng góp tiền hộp và các phụ phí khác. Ban đầu, tại cuộc họp giữa ban điện và nhân dân khối 2, mức giá được thống nhất đưa ra là 400.000 đồng/hộp (4 gia đình). Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì kế hoạch này không thực hiện được. Để tiếp tục được bắt điện, người dân phải trực tiếp làm việc với cán bộ điện lực, tự đi mua các thiết bị để về bắt điện và mỗi nhóm trích kinh phí riêng để bồi dưỡng cho cán bộ điện lực. Ông Trần Công Quế (khối 2) bức xúc: "Đáng lẽ theo quy định của ngành Điện chúng tôi phải được hỗ trợ các thiết bị bắt điện. Đằng này vừa phải đi mua, chúng tôi lại còn bị ngành Điện làm khó dễ. Bản thân chúng tôi cũng không biết việc tự mua thiết bị này có đảm bảo hay không, vì mỗi người mua một nơi, không đúng theo quy chuẩn của ngành Điện. Gia đình tôi để tiết kiệm đã mua một chiếc công tơ cũ".
Chẳng riêng gì người dân khối 2 mà nhiều gia đình khác ở Thị trấn Lạt, ở xã Tân An, huyện Tân Kỳ cũng đã phải bỏ kinh phí để xin được nối điện tại gia. Như gia đình chị Tú, chị Vân (xóm 1, xã Kỳ Sơn). Năm 2010, sau khi xây xong nhà mới, để bắt điện tại gia, gia đình đã phải trực tiếp lên Phòng Kinh doanh ở Điện lực Tân Kỳ nộp mỗi người 1 triệu đồng để được bắt điện. Mặc dù biết việc này là không đúng theo quy định của ngành Điện, nhưng chị Tú nói: Ở đó chúng tôi thấy có hàng chồng hồ sơ người dân xin được bắt điện, nếu không nộp tiền theo gợi ý thì chẳng biết bao giờ mới đến gia đình mình. Khi nộp cũng chẳng có hóa đơn, chứng từ nào cả. Cứ người sau "rỉ tai" người trước khoản kinh phí phải nộp thôi...
Ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, cán bộ ngành Điện lại còn trắng trợn hơn khi yêu cầu mỗi hộ dân muốn bắt điện tại gia phải nộp từ 1 triệu đến 2 triệu đồng. Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, ông Vũ Nguyễn Sơn thay mặt cho các hộ dân ở xóm 3, xã Sơn Hải phản ánh: Khi vừa xây xong nhà mới, vì muốn tách hộ nên gia đình đã viết đơn để được mắc điện tại gia. Sau đó, qua hướng dẫn của ông Đồng Mạnh Hòa và Đậu Ngọc Lợi (thợ điện), gia đình đã phải nộp 900 ngàn đồng để được mắc điện. Ngoài ra, các hộ khác như gia đình ông Thái Bá Dương (xóm 2), gia đình ông Nguyễn Huy Đức cũng phải nộp 1 triệu đồng. Riêng gia đình ông Hoàng Đình Hoàn (xóm 5) và gia đình ông Đồng Văn Cảnh (xóm 3) phải nộp từ 3,5 - 4,5 triệu đồng mới được bắt điện để sản xuất.
Sau khi người dân phát hiện được sai phạm trên, "hai cán bộ ngành Điện đã đưa tiền đến cho một số hộ dân để thỏa thuận ngầm để lẩn tránh trách nhiệm"... Sau khi sự việc trên được phát hiện và bị hàng chục hộ dân cùng kiến nghị, ngày 13/2/2012, UBND xã Sơn Hải đã tổ chức một cuộc họp giải quyết đơn kiến nghị của nhân dân. Tại cuộc họp này, ông Đậu Ngọc Lợi đã thừa nhận việc "thu tiền là anh em tự thỏa thuận với nhau chứ không có chủ trương của ngành Điện" và đã hứa sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền cho người dân.
Tại huyện Nam Đàn, việc giải quyết sẽ còn phức tạp hơn vì cho đến thời điểm này đã có trên 200 lá đơn của các gia đình gửi đến Công an huyện Nam Đàn kiến nghị về việc cán bộ ngành Điện tự ý thu tiền điện của các hộ dân phát triển điện mới, hoặc các hộ dân sản xuất kinh doanh. Riêng tại xã Kim Liên, ông Trần Văn Thiện, Trưởng Công an xã cho biết: chỉ một ngày sau khi nhận được thông tin phát triển điện mới không mất tiền đã có hơn 50 hộ đến trình báo. Người mất ít, người mất nhiều, nhưng nhìn chung việc thu tiền này đều không có hóa đơn chứng từ mà phần lớn là thỏa thuận ngầm giữa cán bộ ngành Điện và các hộ dân...
(Còn nữa)
Hà Linh- Song Hoàng