Kì I: "Nóng" tình trạng bỏ trốn

12/10/2011 17:55

Gần 20 năm trở lại đây, Hàn Quốc là thị trường lao động hấp dẫn đối với lao động Việt Nam nói chung, lao động Nghệ An nói riêng vì mức thu nhập tương đối cao, trong khi điều kiện gia nhập thị trường lại dễ chịu hơn so với một số nước như Nhật Bản, Hoa Kỳ... Tuy nhiên, tình trạng lao động Việt Nam nói chung và lao động Nghệ An nói riêng bỏ trốn sau khi hết hợp đồng hoặc tự ý phá vỡ hợp đồng ngấm ngầm trong thời gian qua đã dần làm mất đi uy tín của lao động Việt.

(Baonghean) - Gần 20 năm trở lại đây, Hàn Quốc là thị trường lao động hấp dẫn đối với lao động Việt Nam nói chung, lao động Nghệ An nói riêng vì mức thu nhập tương đối cao, trong khi điều kiện gia nhập thị trường lại dễ chịu hơn so với một số nước như Nhật Bản, Hoa Kỳ... Tuy nhiên, tình trạng lao động Việt Nam nói chung và lao động Nghệ An nói riêng bỏ trốn sau khi hết hợp đồng hoặc tự ý phá vỡ hợp đồng ngấm ngầm trong thời gian qua đã dần làm mất đi uy tín của lao động Việt.

Lao động bỏ trốn ngày càng tăng

Cùng với Anh Sơn và Nghi Lộc, Thị xã (TX) Cửa Lò là 1 trong 3 địa phương của tỉnh Nghệ An bị phía Hàn Quốc điểm mặt chỉ tên vì "thành tích" có lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc. Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức số lao động quê Cửa Lò hiện đang cư trú bất hợp pháp tại xứ sở kim chi, song qua tìm hiểu thì số này không phải là ít và hiện cuộc sống của họ rất bấp bênh, khó khăn tại xứ người không thể kể xiết.

Gia đình bà L.T.K ở khối Đông Hòa, phường Nghi Hòa, TX Cửa Lò có con trai là L.A.P đang sống bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ nhiều tháng nay sau khi phá bỏ hợp đồng lao động với chủ tàu đánh cá và trốn lên bờ. Hôm chúng tôi đến nhà, tâm trạng cả gia đình hết sức rối bời vì theo lời kể, tàu đánh cá anh P. làm việc có 7 lao động Việt Nam thì 6 lao động bỏ trốn lên bờ trước, chỉ còn lại anh P.

Ở lại nhưng sau khi bị thuyền viên người Hàn cùng tàu đánh đập, anh cũng bỏ tàu lên bờ tìm việc và sống bất hợp pháp không giấy tờ, hộ chiếu. Bà K - mẹ anh P. rơm rớm nước mắt, nghẹn lời: "Bốn tháng nay, P. chưa gửi về cho gia đình được đồng nào, liên lạc thì không được vì lúc nó ở chỗ này, lúc ở chỗ nọ. Hôm trước, nó mới gọi điện về nói đang phải trốn trên núi vì bị cảnh sát Hàn Quốc truy bắt gắt gao quá". Mong mỏi một cuộc sống ổn định nơi xứ người, có kinh tế vững vàng để gửi về phụ giúp gia đình, thế nhưng giờ đây điều duy nhất P. và gia đình nhận được là phải đối mặt với khoản nợ 270 triệu đồng- một con số "khủng khiếp" đối với gia đình thuần nông này.

Không chỉ có gia đình bà K, khi tìm đến nhiều địa chỉ gia đình có thân nhân là lao động ở Hàn Quốc bỏ trốn, chúng tôi đều bắt gặp những hoàn cảnh éo le tương tự. Gia đình chị L.T.D trú tại khối Trung Hòa, phường Nghi Hòa, TX Cửa Lò cũng đang ngày đêm khắc khoải chờ tin của người chồng là anh N.K.N. Chị cho biết, anh N. đã cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc mấy năm nay và hiện gặp rất nhiều khó khăn vì lực lượng chức năng Hàn Quốc đang truy quét gắt gao, chồng chị đang phải lên núi lẩn tránh, thi thoảng lắm anh mới gọi được về nhà thông báo tình hình. "Anh gọi về lần nào cũng vội vội vàng vàng, nói được vài câu đã tắt máy. Tôi hỏi hàng ngày ăn uống, lao động thế nào thì anh im lặng hồi lâu rồi nói: Khổ lắm! rồi thôi...", chị D nước mắt lưng tròng.

Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND phường Nghi Hòa, TX.Cửa Lò, hiện nay trên địa bàn phường có 13 lao động thuộc diện bỏ trốn, sống bất hợp pháp tại Hàn Quốc, đa số là những lao động hết hạn hợp đồng, trốn ở lại và một số ít tự ý phá bỏ hợp đồng với Công ty ra làm ngoài vì nhiều lý do. Người thì chê lương thấp, người thì do công việc được giao không đúng như đăng ký trước lúc đi, có người lại bị chủ hoặc đồng nghiệp người bản địa đánh đập, ngược đãi... Muôn vàn lý do để lao động bỏ trốn, rơi vào cảnh sống bất ổn và nguy hiểm.

Không chỉ TX.Cửa Lò là địa phương có lao động bỏ trốn mà cả lao động các huyện Anh Sơn và Nghi Lộc cũng nằm trong số này. Gần đây nhất có 22 lao động bỏ trốn ngay tại sân bay sau khi nhập cảnh Hàn Quốc, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng và bức xúc cho chủ sử dụng lao động Hàn Quốc. Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, những người này đến từ một số tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình... và có cả 5 lao động quê ở xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc; phường Nghi Hải, Nghi Hòa, TX.Cửa Lò và xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn.

Nguy cơ đánh mất thị trường

Tính đến thời điểm này đã có 8.780 lao động Việt Nam, trong đó Nghệ An có khoảng 500 lao động bỏ trốn và đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Từng ấy lao động bỏ trốn là chúng ta đã tự đánh mất đi hàng nghìn, thậm chí hàng vạn công việc hợp pháp và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho chính mình. Không ai đảm bảo được rằng, dù đã có nhiều biện pháp khắc phục từ tuyên truyền, định hướng, giáo dục... người lao động trước khi sang xứ người làm việc thì tình trạng bỏ trốn của lao động nước ta sẽ không còn tăng lên. Nước bạn Hàn Quốc đã nhiều lần lên tiếng về hiện tượng này và nếu người lao động nước ta, cụ thể là lao động trên địa bàn tỉnh ta không có được nhận thức đúng đắn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình thì cánh cửa xuất khẩu lao động sang thị trường Hàn Quốc sẽ dần khép lại.

Nghệ An hiện đang có 6.500 lao động đã thi đậu kỳ thi tiếng Hàn, trong đó có 4.000 lao động đã xuất cảnh, 2.500 lao động đang chờ phía Hàn Quốc cấp phép để xuất cảnh. Hàng năm, số ngoại tệ do lực lượng lao động tại Hàn Quốc gửi về lên đến 100 triệu USD đã làm thay da, đổi thịt nhiều miền quê nghèo. Tuy nhiên, theo thông tin từ Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trước tình hình một số lao động không về nước sau khi kết thúc hợp đồng lao động hoặc trốn sau khi nhập cảnh tại sân bay Hàn Quốc, Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc đã hoãn kỳ kiểm tra tiếng Hàn dành cho người lao động Việt Nam làm việc theo Chương trình cấp phép việc làm cho người lao động nước ngoài (EPS) đến khi người lao động hết hạn hợp đồng lao động trở về nước thì mới tổ chức kiểm tra tiếng Hàn và phía Hàn Quốc cũng đang xem xét việc dừng tiếp nhận lao động Việt Nam.

Như vậy, nếu tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp không được giải quyết kịp thời, khả năng phía Hàn Quốc dừng tiếp nhận lao động nước ta, trong đó có lao động Nghệ An rất có thể xảy ra trong thời gian tới. Đánh mất thị trường lao động này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động, như vậy, mục tiêu đưa 85.000 lao động sang các nước của Chính phủ trong năm nay sẽ rất khó về đích.


Nguyễn Thành Duy

Mới nhất
x
Kì I: "Nóng" tình trạng bỏ trốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO