Kì III: Cần bảo đảm các điều kiện sản xuất, sinh hoạt cho người dân

28/11/2011 14:12

(Baonghean.vn) Piêng Cu có những dãy nhà sàn mái ngói đỏ tươi nằm san sát nhau, có những con đường bê tông dài tít tắp kéo đến từng con ngõ... tạo cảm giác sung túc, no đủ. Nhưng thực tế, bức tranh Piêng Cu hãy còn thiếu những mảnh ghép để hiện thực hóa giấc mơ về một cuộc sống mới cho đồng bào.

(Baonghean.vn) Piêng Cu có những dãy nhà sàn mái ngói đỏ tươi nằm san sát nhau, có những con đường bê tông dài tít tắp kéo đến từng con ngõ... tạo cảm giác sung túc, no đủ. Nhưng thực tế, bức tranh Piêng Cu hãy còn thiếu những mảnh ghép để hiện thực hóa giấc mơ về một cuộc sống mới cho đồng bào.


Từ Nong Đanh chuyển về Piêng Cu mấy tháng nay, gia đình 5 người của anh Lê Văn Nam (35 tuổi) đang phải tá túc trong căn lều tạm được dựng vội bằng nứa, bằng tranh ở khu đất nhỏ phía sau căn nhà chính đang được các thợ nề xây dựng. Chúng tôi vào thăm gia đình Nam khi trời đã về chiều, căn lều nhỏ chỉ đủ chỗ kê một cái phản cho 5 người ngả lưng và một bếp lửa vừa để đun nấu, vừa sưởi ấm.



Gia đình Lê Văn Nam trong căn lều dựng tạm.


Nam

cho biết: "Cả nhà tôi vừa chuyển về khu tái định cư (TĐC) Piêng Cu, nhà cửa đang chờ người ta xây xong mới bàn giao nên đành làm lán ở tạm. Những ngày trời nắng ráo còn đỡ chứ hôm nào mà mưa là cả nhà phải sơ tán sang nhà hàng xóm". Đang nói chuyện thì vợ Nam về, tay khệ nệ xách can nhựa 20 lít chứa đầy nước. Nam chạy vừa vội ra đỡ giùm vợ can nước, vừa phân trần: "Hai tháng nay, nhà mình toàn phải dùng nước suối để sinh hoạt, chứ hệ thống nước bây giờ không sử dụng được nữa. Nghe cán bộ nói lâm tặc lao gỗ làm hư hỏng hết đường ống dẫn nước".

Tối muộn, chúng tôi rời nhà Nam, đi dọc con đường trung tâm Piêng Cu, hình ảnh những đứa bé đang phải đánh vật với những can nhựa nước to gần bằng người nhọc nhằn đem nước từ dưới con suối Nậm Hạt chảy ven khu TĐC về sinh hoạt cứ nối tiếp nhau. Gặp Huyền, một học sinh đang khệ nệ bê can nước từ suối lên, em cho biết: "Gần 2 tháng nay, chiều nào em cũng phải ra suối lấy nước về cho gia đình nấu nướng, còn tắm giặt thì cả nhà ra suối, biết là nước suối không được sạch nhưng chẳng còn cách nào khác anh à".


Piêng Cu, xã Tiền Phong (Quế Phong) là khu TĐC đầu tiên trong 16 khu TĐC của Thủy điện Hủa Na đón người dân về sinh sống. Cư dân hiện nay của Piêng Cu gồm có 103 hộ, trong đó có 93 hộ ở bản Nong Đanh và 10 hộ ở bản Piêng Pùng chuyển ra từ tháng 11/2010. Khi chuyển về, mỗi khẩu được hỗ trợ 30kg gạo/tháng, tiền sử dụng điện, chất đốt... trong vòng 48 tháng.


Một năm qua đi, mặc dù được thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước như vậy, nhiều gia đình được sống trong những ngôi nhà khang trang, bề thế hơn khi ở bản cũ nhưng lòng người Piêng Cu vẫn như có lửa đốt. Bí thư chi bộ bản Nong Đanh (nay là khu TĐC Piêng Cu) Lô Hồng Khuyên chia sẻ: Cuộc sống ở đây có nhiều cái hơn bản cũ, bản làng khang trang sạch đẹp, giao thông đi lại thuận lợi hơn trước nhiều, đồng bào có điều kiện giao lưu văn hóa, con cháu đi học không vất vả như trước. Hồi còn ở Nong Đanh, cứ vào mùa mưa, nước khe suối dâng lên là các cháu phải nghỉ học, dẫn đến tình trạng bỏ học tăng theo từng năm, hiếm hoi lắm mới có cháu theo học lên đến cấp 2, cấp 3. Nhưng nay, Trường tiểu học Tiền Phong 4 được xây dựng gần bản, cả khu TĐC không có trường hợp nào bỏ học cả, 100% các cháu đi học đều.


Thế nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, tâm trạng ông Khuyên cũng chẳng mấy vui, bởi từ khi chuyển ra đây, dân bản chủ yếu ăn không ngồi rồi vì chưa có đất sản xuất; điện, nước phập phù, lúc có lúc không; đến đầu tháng 11/2011, 36 hộ vẫn chưa có nhà TĐC, đành phải sống tạm bợ trong các lán trại. Ông Bí thư chi bộ bức xúc: "Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư đào 12 giếng cung cấp nước cho bà con theo cụm, cứ trung bình 15 hộ dùng chung một giếng nước. Nhưng hơn 2 tháng qua, họ mới chỉ hoàn thành có 2 giếng, trong khi hàng ngày bà con phải dùng nước suối rất mất vệ sinh. Ngoài ra, sau gần 1 năm, bà con vẫn chưa được chia đất sản xuất nên không biết làm gì, trong khi đa số đều dùng tiền đền bù chi tiêu mua sắm, xây dựng nhà cửa hết rồi. Mọi người đang lo lắng lắm!".


Chứng kiến những mảng sáng, mảng tối tại quê hương mới Piêng Cu, già làng Lô Kim Liên (ngoài 80 tuổi) giọng vừa mừng, vừa lo: "Nhà nước chủ trương di dời nhường đất bản lại làm thủy điện thì gia đình mình vui vẻ chấp hành. Vì thế, Nong Đanh là bản đầu tiên trong 14 bản vùng lòng hồ đồng ý chuyển đi. Ra đây, nhìn bản làng, lòng già vui lắm! Con cháu có điều kiện ăn ở tốt hơn đời già này nhiều. Nhưng mà, đất sản xuất không có, sợ chúng nó rảnh rỗi lại hư hỏng, mà đồng bào mình cả đời quen làm nông, giờ mà phải xa tay cuốc, tay cày thì cuộc sống mai sau biết dựa vào cái gì. Rất mong chính quyền nhanh chóng cấp đất sản xuất cho bà con".


Trao đổi với ông Trịnh Bảo Ngọc - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na về những tồn tại ở khu TĐC Piêng Cu, được biết, hiện nay công ty đang thúc giục các nhà thầu triển khai công tác xây dựng các hạng mục cơ bản như nhà cửa, sửa chữa đường ống dẫn nước, đào các giếng nước phục vụ sinh hoạt cho người dân. Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên - Môi trường thuộc Sở Tài nguyện - Môi trường tỉnh gấp rút đo đạc nhằm sớm hoàn thành việc chia đất sản xuất cho bà con.


Piêng Cu chỉ là điểm khởi đầu, bởi phía sau Piêng Cu còn 15 khu TĐC và hơn 1000 hộ dân còn lại. Thực tiễn ở Piêng Cu sẽ là bài học kinh nghiệm cho chính quyền sở tại và cả phía nhà đầu tư về công tác di dân TĐC, với mục tiêu cao nhất là tạo điều kiện cho toàn bộ người dân phải di dời về các khu TĐC có cuộc sống tốt hơn, hoặc ít nhất là bằng nơi ở cũ.


Nguyễn Thành Duy

Mới nhất
x
Kì III: Cần bảo đảm các điều kiện sản xuất, sinh hoạt cho người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO