Kích cầu đầu tư cho nông dân ở Tân Kỳ
(Baonghean) - Những năm gần đây, nông nghiệp, nông thôn Tân Kỳ có những đổi mới về chiều sâu, đó là việc tăng cường áp dụng KHKT, lựa chọn đối tượng cây, con cho hiệu quả bền vững về đầu ra. Kết quả đó là nhờ sự đổi mới trong lãnh đạo, điều hành của chính quyền địa phương, nhất là sự đầu tư kinh phí có hiệu quả của huyện cho hàng trăm mô hình để thoát nghèo.
Chị Đoàn Thị Toàn ở xóm 3, Nghĩa Đồng, Tân Kỳ chăm sóc tằm. |
Mô hình mới
Gia đình anh Nguyễn Văn An xóm Tân Thành, xã Tân An - Tân Kỳ được chương trình nông thôn mới của huyện đầu tư 30 triệu đồng. Số vốn đó cùng với vốn vay của người thân, ngân hàng anh đầu tư làm trang trại chăn nuôi 60 con lợn và 240 con gà đồi. Bắt đầu từ năm 2013, đến nay đàn gà đã cho thu nhập quay vòng, đàn lợn thịt cũng đã xuất chuồng 2 lứa, tổng thu nhập hơn 100 triệu đồng/ năm. Chăn nuôi phải đối mặt với nhiều rủi ro nhưng may nhờ có chị vợ học trung cấp thú y nên đàn gia súc, gia cầm của gia đình vẫn khỏe mạnh. Anh An ở xã Tân An chỉ là một trong hàng trăm hộ trên địa bàn được hưởng lợi từ đầu tư của huyện cho nông nghiệp, nông thôn để thoát nghèo, góp phần vào xây dựng phong trào xây dựng nông thôn mới. Xác định lợi thế tiềm năng trên địa bàn, từ vườn đồi, vườn rừng, nguồn thức ăn chăn nuôi, tiềm năng đất bãi… sau khi tổ chức tham quan, học hỏi Tân Kỳ đã khuyến khích phát triển trồng trọt, chăn nuôi, chú trọng các đối tượng cây, con có đầu ra thuận lợi.
Bởi vậy, huyện đã dành nguồn ngân sách phân bổ cho một số hộ có khả năng sản xuất, kinh doanh mỗi hộ 30 – 50 triệu đồng để “kích cầu” đầu tư, tạo nguồn lực ban đầu cho bà con vươn lên thoát nghèo. Huyện đã đầu tư cho sản xuất bí xanh trên đất 2 lúa hiệu quả ở xóm 1, Nghĩa Hành, đầu tư cho anh Đậu Tiến Sỹ ở xóm Quỳnh Lưu - Tân An 25 triệu đồng trồng quýt PQ1, ông Hồ Thọ Dương ở Nghĩa Hợp sản xuất sắn dây, anh Hùng ở Tân Phú nuôi cá diêu hồng….
Ngoài ra còn nhiều mô hình được đầu tư khác như ương nuôi cá giống ở Tân Hương, nuôi lợn ở Giai Xuân, nuôi lợn đen ở Nghĩa Đồng, mô hình nuôi lợn rừng ở thị trấn, chăn nuôi bò sinh sản ở Nghĩa Đồng, trại cao su ở Nghĩa Hoàn, nuôi lợn rừng ở thị trấn, trồng dưa hấu xen cao su ở Tân Phú, cánh đồng mẫu lớn BTE 1 về lúa hơn 30 ha tại Nghĩa Thái, thâm canh mía ở Nghĩa Đồng, Giai Xuân, Tân Xuân. Đặc biệt là liên doanh, liên kết với DN xây dựng những cánh đồng trồng ớt cay xuất khẩu tại Công ty NN Sông Con, xã Nghĩa Bình, Nghĩa Dũng với diện tích trên 100 ha cho hiệu quả cao. Mỗi năm ngân sách huyện dành khoảng 1,5 tỷ đồng cho xây dựng các mô hình sản xuất và lồng ghép vào các chương trình, dự án. Huyện đã đưa chương trình này vào các nghị quyết của hội đồng.
Tinh thần nông thôn mới
Gia đình chị Phan Thị Phương ở xóm 6A, Nghĩa Đồng Tân Kỳ có 3 sào dâu, với 3 sào dâu đó chị có 12 nong tằm, một tháng tằm cho khoảng 48 kg kén, với giá 90.000 đồng/ kg kén, chị có thu nhập từ 4,8 đến 5 triệu đồng. Đó là nguồn thu nhập ổn định nhất của gia đình chị trong nhiều năm lại đây. Gia đình chị Đoàn Thị Toàn ở xóm 3 Nghĩa Đồng cũng vậy, nhờ có 20 nong tằm, chị có thu nhập 5 triệu đồng, có thể nuôi các con ăn học và sửa sang nhà cửa. Trồng dâu nuôi tằm đang được khôi phục ở Tân Kỳ cũng nhờ thực hiện quy hoạch nông thôn mới, xã dành qũy đất cho diện tích trồng dâu, đó là cho người dân mượn đất 5% của xã, đất ven sông, đất hoang chưa sử dụng, từ đó người dân có điều kiện phát triển sản xuất thêm ngoài diện tích đất được chia của gia đình.
Không chỉ tạo điều kiện về đất, Tân Kỳ còn hỗ trợ cho nông dân tập huấn trồng dâu nuôi tằm. Khi bán kén, xóm trưởng là người đứng ra chịu trách nhiệm thu gom kén, thu tiền về cho dân, rồi lại đưa trứng tằm về cho bà con sản xuất. Xóm trưởng Nguyễn Xuân Giáo đã đồng hành với bà con trong xóm từ lâu nay như vậy với tinh thần tự nguyện hoàn toàn. Đó là một “tinh thần nông thôn mới” ở xóm 3, Nghĩa Đồng – Tân Kỳ. Cũng nhờ sự quan tâm từ huyện, từ xã, từ xóm, đời sống người trồng dâu nuôi tằm ở đây được ổn định, là kết quả sự đồng lòng, đồng sức từ tỉnh xuống huyện, xuống xã, khẳng định tầm quan trọng về tiêu chí thu nhập trong nông thôn mới. Và gần đây là mô hình sản xuất ớt xanh, ớt đỏ xuất khẩu ở Tân Phú, Nghĩa Dũng. Ớt thu hoạch xong được nhập cho công ty, qua sơ chế tuyển lựa trở thành rau gia vị sạch và xuất sang Hàn Quốc qua Cảng Hải Phòng. Thu nhập từ ớt (một năm 6 - 9 lứa ớt) đạt tới 160 triệu đồng/ha. Sản xuất ớt ở Tân Kỳ đã tạo ra khí thế mới trên đồng ruộng với máy móc hiện đại, tác phong công nghiệp.
Trang trại lợn của anh An ở xã Tân An, Tân Kỳ. |
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy Tân Kỳ đã ban hành một số nghị quyết, kế hoạch về đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; Tổ chức cho các xã ký cam kết hoàn thành các tiêu chí trong năm 2014 và xây dựng nông thôn mới trở thành một trong những tiêu chí bình xét thi đua khen thưởng hàng năm. Đến tháng 6/2014, Nghĩa Đồng đã đạt 19/19 tiêu chí, Tân Phú đạt 18 tiêu chí, nhóm đạt từ 10 – 14 tiêu chí có 6/21 xã gồm Nghĩa Bình, Tân An, Kỳ Tân, Nghĩa Thái, Nghĩa Hoàn, Tân Long.
Ông Phạm Văn Hóa – Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ khẳng định: Tiêu chí là chỗ dựa, đầu tư cơ sở là tiền đề, phát triển sản xuất là gốc. Nâng cao đời sống của người dân là mục tiêu, lợi ích mang lại cho người dân là động lực; sự đồng lòng, góp sức của cộng đồng dân cư là bí quyết thành công trong việc triển khai thực hiện chương trình. Bởi vậy Tân Kỳ đã tiếp cận các nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh hỗ trợ cho huyện; dành nguồn lực đầu tư cho nông dân thông qua các mô hình, từ các mô hình đó, tạo động lực, đòn bẩy để bà con học hỏi, nhân rộng. Chú trọng sản xuất sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng sức cạnh tranh, gắn chế biến với tiêu thụ sản phẩm; quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ, hỗ trợ thành lập các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, doanh nghiệp, đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Châu Lan