Kiềm chế lạm phát: Ngân hàng vào cuộc
Trong hai tháng đầu năm 2011, giá cả tăng cao gần 3,8%. Vì vậy, Chính phủ chỉ đạo bằng mọi giải pháp, mọi nguồn lực để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Và ngân hàng là một trong những ngành quan trọng được chỉ đạo phải “thắt lưng buộc bụng”, hy sinh quyền lợi trong ngắn hạn vì mục tiêu chung. Tại Nghệ An, nhiều giải pháp đang được thực hiện.
(Baonghean) - Trong hai tháng đầu năm 2011, giá cả tăng cao gần 3,8%. Vì vậy, Chính phủ chỉ đạo bằng mọi giải pháp, mọi nguồn lực để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Và ngân hàng là một trong những ngành quan trọng được chỉ đạo phải “thắt lưng buộc bụng”, hy sinh quyền lợi trong ngắn hạn vì mục tiêu chung. Tại Nghệ An, nhiều giải pháp đang được thực hiện.
Ổn định mặt bằng lãi suất
Còn nhớ, dịp đầu năm 2010, diễn ra một cuộc chạy đua giữa các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thi nhau tăng lãi suất huy động, còn người dân băn khoăn trước sự lựa chọn: Gửi ngân hàng nào để có sinh lợi lớn nhất cho đồng tiền của mình. Thế nhưng, đầu năm 2011, trước những động thái quyết liệt của Chính phủ, của Thống đốc ngân hàng, một trật tự mới được thiết lập trên thị trường vốn.
Đầu tháng 3, không còn cảnh lén lút tặng tiền, cò cưa thỏa thuận lãi suất huy động với khách hàng, tất tật các ngân hàng trên địa bàn thành phố Vinh đều chung một mặt bằng lãi suất công khai trên bảng niêm yết. Tại Ngân hàng Sea Bank trên đường Lê Nin, một khách hàng chần chừ trước quyết định gửi món tiền hơn 100 triệu đồng vì muốn được hưởng lãi suất cao hơn niêm yết. Cô nhân viên giao dịch nhũn nhặn giải thích, quy định như vậy nên không ai dám làm sai. Trước tết còn có hiện tượng thưởng tiền, tặng lãi suất chứ bây giờ, làm trái quy định sẽ bị “tuýt”.
|
Trước yêu cầu ổn định mặt bằng lãi suất, giảm tỷ giá của Chính phủ, lãi suất huy động VND bình quân trên thị trường hiện ở mức 14%/năm, được coi là mức lãi suất hỗ trợ tốt nhất cho chính sách thắt chặt tiền tệ của NHNN. Nguyên nhân khác, ngoài chuyện quy định thì hiện nay ra tết không còn chuyện nóng nhu cầu vay vốn. Giám đốc một ngân hàng trên đường Quang Trung còn cho rằng, hiện nay mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao. Mức lãi suất hợp lý nên vào khoảng 12,5%/năm.
Giải pháp mạnh
Ngay sau khi có chỉ đạo, Ngân hàng nhà nước chi nhánh Nghệ An đã ngay lập tức vào cuộc. Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP và Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 01/03/2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Nghệ An đã xây dựng Đề án về những giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Nhiều giải pháp mạnh được đưa ra, trong đó, đặc biệt coi trọng vấn đề kiểm soát tăng trưởng và cơ cấu tín dụng của các TCTD trên địa bàn. Ngân hàng nhà nước yêu cầu các Ngân hàng thương mại cổ phần và quỹ tín dụng nhân dân cơ sở xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2011 trong đó đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống dưới 20%. Các TCTD trên địa bàn có phương án chuyển dịch cơ cấu tín dụng hợp lý, trong đó tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với đó là giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất (nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng) để tập trung vốn ưu tiên cho vay phát triển kinh tế tại địa phương.
Bà Thu Thu – Phó GĐ Ngân hàng nhà nước chi nhánh Nghệ An cho biết: Nhiều năm liền tăng trưởng tín dụng ở mức 25-27%. Tổng nguồn vốn hoạt động của các TCTD trên địa bàn đến 31/12/2010 đạt 63.056 tỷ đồng, nguồn vốn huy động đạt 28.174 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động hàng năm khá cao, giai đoạn 2006-2010 đạt gần 30%/năm, năm 2010 đạt 25,6%. Tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn đạt đến 31/12/2010 đạt 46.342 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm cao, bình quân 5 năm 2006-2010 đạt 40%/năm, năm 2010 là 53,4% (không kể tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Phát triển là 49,2%), nợ xấu chỉ chiếm 0,6% trong tổng dư nợ. Hoạt động ngân hàng trên địa bàn luôn luôn ổn định, an toàn, có hiệu quả.
|
“Với bức tranh chung như vậy, vì mục tiêu chung của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, các TCTD trên địa bàn hoàn toàn có khả năng thực hiện đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống dưới 20% cũng như các yêu cầu cầu của Nghị quyết 11 và Chỉ thị 01.”- Bà Thu khẳng định.
Ngân hàng nhà nước chi nhánh Nghệ An cũng yêu cầu, đối với Ngân hàng TMCP Bắc Á cần xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể, đảm bảo tỷ trọng cho vay lĩnh vực phi sản xuất trên tổng dư nợ đến 30/6/2011 tối đa 22%, đến 31/12/2011 tối đa 16%. Đối với các Chi nhánh NHTM: thực hiện theo lộ trình và chỉ tiêu do Hội sở chính giao, đối với các Chi nhánh có tỷ lệ do Hội sở chính giao vượt tỷ lệ trên, căn cứ tình hình thực tế NHNN Chi nhánh tỉnh Nghệ An sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra tình hình thực tế.
Ngoài ra, công tác kiểm tra giám sát việc cho vay bằng ngoại tệ của các TCTD trên địa bàn được thắt chặt, đảm bảo khả năng thu hồi nợ vay bằng ngoại tệ; theo dõi và chỉ đạo các TCTD trên địa bàn giảm thiểu việc huy động và cho vay bằng vàng để tránh rủi ro khi NHNN thay đổi cơ chế; các TCTD trên địa bàn hạn chế cho vay nhập khẩu hàng hoá không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu theo danh mục do Bộ Công thương ban hành…
Thu Huyền