Kiến tạo bản sắc, phát triển bền vững du lịch Nghệ An
Minh Quân•09/07/2025 14:04
Thời gian qua, du lịch Nghệ An đã có bước chuyển mình rõ nét, ghi dấu bằng những con số tăng trưởng ấn tượng về lượng khách, doanh thu và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, để du lịch thực sự bứt phá, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần được tháo gỡ.
du lịch
Những kết quả nổi bật
Giai đoạn 2024–2025, chứng kiến sự vào cuộc quyết liệt và linh hoạt của ngành Du lịch Nghệ An trong thu hút du khách. Từ miền biển Cửa Lò đến non cao miền Tây, hình ảnh du lịch Nghệ An ngày càng được “phủ sóng” rộng rãi, chuyên nghiệp và sáng tạo. Hàng loạt chương trình quảng bá được triển khai đồng bộ, tận dụng tối đa nền tảng số: từ Fanpage “Visit Nghệ An” thu hút hàng trăm nghìn lượt tương tác, đến các màn hình LED hiện đại tại sân bay, ga tàu – nơi mỗi ngày đều đón hàng ngàn lượt hành khách.
Du khách tham quan Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên. Ảnh: Minh Quân
Các sự kiện quy mô như Lễ hội Làng Sen toàn quốc 2025, Lễ hội Du lịch Cửa Lò được tổ chức bài bản, đầy màu sắc văn hóa – lịch sử, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Hội nghị xúc tiến “Hành trình du lịch xanh” phối hợp với các tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình không chỉ là nơi kết nối điểm đến mà còn thể hiện khát vọng định vị du lịch Nghệ An trong chuỗi liên kết vùng bền vững.
Lễ hội Làng Sen toàn quốc năm 2025 - một sự kiện văn hóa thu hút đông đảo khách du lịch. Ảnh tư liệu: Thành Cường
Đáng chú ý, ngành đã chủ động tổ chức các đoàn famtrip quy tụ nhiều doanh nghiệp lữ hành hàng đầu cả nước, tạo điều kiện để các “ông lớn” trong ngành dịch vụ trực tiếp trải nghiệm và xây dựng sản phẩm phù hợp với thị trường. Việc hợp tác sâu với Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội hay các sở du lịch địa phương khác đã mở ra cơ hội đưa Nghệ An “hòa nhịp” cùng bản đồ du lịch quốc gia.
Du khách đổ về biển Cửa Lò trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Ảnh tư liệu: Quang An
Song song với xúc tiến quảng bá, công tác nâng cao chất lượng nhân lực cũng đặc biệt được chú trọng. Những lớp tập huấn nghiệp vụ bài bản về khách sạn, nhà hàng, an toàn vệ sinh thực phẩm, cập nhật kiến thức hướng dẫn viên... đã trang bị kỹ năng cần thiết cho hàng nghìn lao động trực tiếp trong ngành.
Về hạ tầng, tuyến đại lộ Vinh – Cửa Lò hoàn thành là một cú hích lớn. Tuyến đường ngắn lại, nhưng hành trình du lịch thì mở rộng: chỉ mất chưa đến 15 phút để từ trung tâm phường Vinh Phú đặt chân đến bãi biển sôi động nhất miền Trung – Cửa Lò. Đây không chỉ thuận lợi về giao thông, mà còn là minh chứng cho sự đầu tư đúng hướng, tạo lực thúc đẩy phát triển vùng ven biển.
Năm 2024, Nghệ An đón khoảng 9,45 triệu lượt khách, trong đó gần 6 triệu lượt lưu trú. Tổng thu từ du khách đạt hơn 28.500 tỷ đồng – một con số ấn tượng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GRDP tỉnh. Riêng 6 tháng đầu năm 2025, lượng khách đạt 6,2 triệu lượt, tăng tới 113% so với cùng kỳ.
Các điểm đến thuộc phường Cửa Lò, các xã: Quỳnh Anh, Kim Liên, Châu Tiến, Vườn Quốc gia Pù Mát - xã Con Cuông... tiếp tục là những điểm sáng trên bản đồ du lịch Nghệ An. Nghệ An cũng đang từng bước “định hình” dòng sản phẩm đặc trưng: du lịch biển kết hợp nghỉ dưỡng và văn hóa ẩm thực; du lịch tâm linh gắn với di sản; du lịch sinh thái cộng đồng ở miền Tây; du lịch MICE, du lịch thể thao biển…
Còn nhiều khó khăn, thách thức
Tuy đạt được những con số tăng trưởng đáng khích lệ, nhưng vẫn còn không ít nỗi trăn trở của những người tâm huyết với du lịch xứ Nghệ. Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp thẳng thắn nhìn nhận: Du lịch Nghệ An vẫn chưa thực sự phát huy hết tiềm năng vốn có. Một trong những ví dụ điển hình là du lịch tâm linh – lĩnh vực được ví như “mỏ vàng” của địa phương. Dù Nghệ An sở hữu hàng chục di tích, đền chùa cổ kính và lễ hội truyền thống đặc sắc, nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa có một chiến lược tổng thể và dài hơi để khai thác hiệu quả kho tàng này.
Du khách khám phá Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: CSCC
Một lực cản khác đến từ chậm tiến độ của các dự án du lịch trọng điểm, ví dụ như khu nghỉ dưỡng Cầu Cau hay May Resort... Sự trì trệ kéo dài của các dự án du lịch trọng điểm không chỉ làm chậm quá trình làm mới diện mạo du lịch Nghệ An, mà còn khiến tỉnh khó tạo được sức hút với các nhà đầu tư chiến lược – đặc biệt là những tập đoàn lớn trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm phát triển điểm đến đẳng cấp. Trong khi đó, lượng khách quốc tế đến Nghệ An vẫn còn khá khiêm tốn, phần lớn do các thủ tục hành chính rườm rà, quy trình cấp thị thực chưa thực sự thuận tiện và thiếu các chính sách linh hoạt hỗ trợ tiếp cận thị trường quốc tế.
Nguồn nhân lực – một yếu tố then chốt của phát triển du lịch, cũng đang là điểm yếu cố hữu. Ngành Du lịch Nghệ An hiện thiếu hụt nghiêm trọng hướng dẫn viên quốc tế và nhân sự chất lượng cao. Sự thiếu ổn định về nhân lực không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ mà còn khiến nhiều doanh nghiệp khó duy trì hoạt động hiệu quả, đặc biệt trong mùa thấp điểm.
Bên cạnh đó, tính mùa vụ rõ rệt cũng khiến thị trường du lịch Nghệ An thiếu tính bền vững. Mùa hè – đặc biệt là cao điểm du lịch biển, các điểm đến như bãi biển Cửa Lò (sau sáp nhập thuộc phường Cửa Lò), Quỳnh Nghĩa (sau sáp nhập thuộc xã Quỳnh Phú)… tấp nập đông đúc, nhưng khi mùa Đông đến hay sau kỳ nghỉ Tết, không ít cơ sở lưu trú phải hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa. Trong khi đó, hạ tầng phục vụ du lịch tại nhiều địa phương vẫn chưa thực sự đồng bộ, gây khó khăn cho việc kết nối tour, tuyến và nâng tầm trải nghiệm du khách.
Không chỉ vậy, công tác chỉ đạo và phối hợp quản lý hoạt động du lịch tại một số địa phương có dấu hiệu chững lại, một phần do ảnh hưởng từ quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp.
Cựu TNXP tham quan Khu Di tích Truông Bồn. Ảnh: Minh Quân
Theo bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nghệ An, thời gian tới, với vai trò là cơ quan tham mưu và quản lý nhà nước, Sở sẽ đề xuất với UBND tỉnh các cơ chế, chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, từ giảm thuế, tiếp cận vốn đến đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trọng tâm là hoàn thiện Nghị quyết phát triển du lịch giai đoạn 2026–2030, trong đó xác định rõ các giải pháp thúc đẩy đầu tư chiến lược, nâng cao chất lượng dịch vụ và năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch Nghệ An trong bối cảnh hội nhập. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng du lịch sẽ tiếp tục được ưu tiên đầu tư đồng bộ, từ kết nối giao thông, cơ sở lưu trú, điểm đến, cho đến dịch vụ tiện ích, góp phần tạo nên một “bức tranh du lịch” hiện đại, thuận tiện và hấp dẫn hơn đối với du khách.
Về sản phẩm, Sở sẽ chú trọng phát triển các loại hình du lịch mang dấu ấn đặc sắc của xứ Nghệ. Một trong những hướng đi mới là xây dựng tour du thuyền trên sông Lam kết hợp trình diễn dân ca ví, giặm – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại – qua đó tạo nên những trải nghiệm văn hóa sống động và sâu sắc. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái tại các huyện miền Tây nhằm khai thác lợi thế cảnh quan, bản sắc vùng cao và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Cùng với đó, các hoạt động xúc tiến, quảng bá sẽ được nâng tầm theo hướng hiện đại, linh hoạt và thích ứng chuyển đổi số. Tỉnh cũng chủ động mở rộng hợp tác liên kết vùng và quốc tế, tăng cường phối hợp với các hãng hàng không để mở thêm đường bay đến Nghệ An và thúc đẩy cải thiện chính sách thị thực, tạo thuận lợi tối đa cho khách quốc tế đến với Nghệ An.
“
Các doanh nghiệp cần “bắt tay” hình thành các “liên minh du lịch” – cùng nhau hợp tác, cùng đầu tư và phát triển sản phẩm chung, thay vì cạnh tranh manh mún và dàn trải. Đồng thời, các cơ sở lưu trú, điểm đến cần xây dựng chính sách ưu đãi hợp lý cho các công ty lữ hành đưa khách về địa phương. Sự đồng hành, chia sẻ và kết nối giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng chính là yếu tố then chốt để xây dựng một ngành Du lịch Nghệ An thực sự bền vững và có bản sắc riêng.
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nghệ An
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.