Kinh tế Việt Nam: Biến sự cố thành cơ hội

06/06/2014 16:31

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng: “Sự kiện biển Đông là điều đáng tiếc nhưng quan trọng là Việt Nam đã có thể đảo ngược được tình hình. Việt Nam có thể chuyển bất lợi thành có lợi”.

Tạo mọi thuận lợi cho nhà đầu tư

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) ngày 5/6, bà Victoria Kwakwa bày tỏ: "Cải thiện môi trường kinh doanh là trọng tâm chính hiện nay của Việt Nam. Một số vấn đề mang tính kỹ thuật đòi hỏi nhiều thời gian hơn nhưng có những việc làm nhanh và dễ dàng, chỉ cần thời gian. Vì vậy, hy vọng Chính phủ sẽ tìm được biện pháp nhanh nhất để cải thiện môi trường kinh doanh của mình".

"Sự kiện biển Đông là điều đáng tiếc nhưng quan trọng là Việt Nam đã có thể đảo ngược được tình hình. Việt Nam có thể chuyển bất lợi thành có lợi, bởi đây là thời điểm Việt Nam thực sự quan tâm đến an toàn của nhà đầu tư, tiến hành cải cách và chứng tỏ khả năng đứng vững trước những cú sốc", bà Victoria Kwakwa nói.

Tham dự diễn đàn này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ghi nhận và chia sẻ mọi băn khoăn, khúc mắc về môi trường đầu tư kinh doanh của cộng đồng các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF)

Thủ tướng nhấn mạnh: "Việt Nam sẽ là bạn, đối tác tin cậy của các quốc gia, là đối tác tích cực xây dựng của cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ tiếp tục đưa kinh tế phát triển nhanh, bền vững, đi liền với tiến bộ công bằng xã hội, đồng thời, sẽ tiếp tục là nền kinh tế thị trường hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới".

Với đường hướng đó, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, năng động, hiệu quả hơn, chủ động đẩy nhanh tiến trình hội nhập sâu rộng với cộng đồng quốc tế, thực hiện đầy đủ những quy luật của kinh tế thị trường, nhất là cơ chế giá theo kinh tế thị trường, phân bổ nguồn lực.

Sau Diễn đàn VBF, Thủ tướng khẳng định sẽ có chỉ thị giao cho các bộ trưởng giải quyết các kiến nghị của các doanh nghiệp một cách thích hợp, minh bạch, bình đẳng. Mong muốn của Việt Nam là làm sao cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi thuận lợi cho các thành phần kinh tế và trong đó, thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh tốt ở Việt Nam.

"Việt Nam là quốc gia 90 -100 triệu dân, một quốc gia chính trị xã hội ổn định, là một nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, là một môi trường đầu tư kinh doanh minh bach, thân thiện, công bằng", Thủ tướng cam kết.

Đổi mới và sáng tạo

Trên thực tế, lắng nghe và tiếp thu nhiều ý kiến sau mỗi kỳ họp Diễn đàn VBF, môi trường đầu tư kinh doanh những năm qua của Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt.

Trong đó, chuyển biến tích cực nhất là điện khi "chưa bao giờ tình cung ứng điện đạt trạng thái tốt như hiện nay, không chỉ đủ cho đời sống kinh tế mà còn có hệ số dự phòng 20-30%", Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết.

Cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI đều mong muố được đối xử công bằng trong việc tiếp cận vốn, đất đai (ảnh Phạm Huyền)

Hoặc vấn đề thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, thuế năm vừa qua đều đã được áp dụng cơ chế hải quan điện tử, kê khai thuế điện tử. Cùng đó, hệ thống pháp luật của Việt Nam đang gấp rút cải cách mạnh mẽ, như việc sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, ban hành Luật Đầu tư công... để phù hợp với các hiệp định thương mại đang đàm phán.

Việt Nam trở thành nước có số doanh nghiệp Nhật Bản quy mô lớn thứ hai trong các nước ASEAN, chỉ sau Thái Lan. Con số này đã tăng gấp hơn hai lần so với 604 doanh nghiệp năm 2007. Hiện 70% doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam năm 2013 tiếp tục coi Việt Nam là một thị trường quan trọng cũng như duy trì chiến lược “mở rộng hoạt động” trong năm 2014, có một tỉ lệ cao so với phần lớn các quốc gia khác.

Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều điểm cần cải cách hơn nữa theo kiến nghị của các nhà đầu tư.

Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) đề nghị: "Doanh nghiệp nhà nước cần được tái cơ cấu và được quản lý với tính minh bạch và trách nhiệm. Họ phải hoạt động trên một sân chơi bình đẳng với các doanh nghiệp khu vực tư nhân, cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI, cần phải có sự đối xử công bằng trong việc tiếp cận vốn, đất đai".

Ông Simon Andrew, Giám đốc khu vực Tổ chức Tài chính quốc tế IFC, chia sẻ: "Khu vực Nhà nước chiếm 2/3 tổng nguồn vốn xã hội nhưng lại chỉ tạo ra 1/3 GDP. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế. Cổ phần hóa chính là một bước đi - hay cải cách ngân hàng cũng là một yếu tố cung cấp vốn cho khu vực tư nhân phát triển".

Bà Liu Mei Tel, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Đài Loan, bày tỏ, rất mong Việt Nam sẽ có 1 trung tâm đào tạo kỹ sư để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. "Nếu Chính phủ quyết định thành lập trung tâm, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ vì chúng tôi có nhiều kinh nghiệm trong việc đào tạo", bà Liu nói.

Trước những băn khoăn này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã trở thành một bộ phận kinh tế quan trọng của Việt Nam. “Chúng tôi nghiêm túc thấy rằng, vẫn còn nhiều vấn đề, rào cản cần sửa đổi, phù hợp thông lệ quốc tế. Chính phủ sẽ quyết tâm làm, cải cách mạnh mẽ để Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện cho các tập đoàn quốc tế" - ông nói.

Theo đọc báo

Mới nhất
x
Kinh tế Việt Nam: Biến sự cố thành cơ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO