Xây dựng Đảng

Kỳ 1: Cần đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri

Nhóm PVTS 19/11/2024 06:00

Thời gian qua, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đã có những đổi mới tích cực, góp phần kết nối ý chí của cử tri với cơ quan dân cử, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy không ít bất cập vẫn tồn tại, còn có các cuộc tiếp xúc cử tri mang tính hình thức, với sự tham gia chủ yếu của “đại cử tri”, “cử tri chuyên nghiệp”.

txct-b1cover.png

Nhóm Phóng viên Thời sự-Chính trị • 19/11/2024

Thời gian qua, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đã có những đổi mới tích cực, góp phần kết nối ý chí của cử tri với cơ quan dân cử, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy không ít bất cập vẫn tồn tại, còn có các cuộc tiếp xúc cử tri mang tính hình thức, với sự tham gia chủ yếu của “đại cử tri”, “cử tri chuyên nghiệp”. Điều này khiến việc thu thập ý kiến, phản ánh tâm tư, nguyện vọng thực chất của đông đảo người dân chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.

txct-b1-tit1.png

Tiếp xúc cử tri là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đại biểu dân cử đã được luật định. Thực hiện tốt công tác tiếp xúc cử tri, giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng và những bức xúc của cử tri sẽ góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, đồng thời nâng cao vai trò, vị trí của người đại biểu dân cử, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn vấn đề về hình thức tiếp xúc cử tri, thành phần hội nghị tiếp xúc cử tri, nội dung các cuộc tiếp xúc, chất lượng, hiệu quả, tính thực chất hoạt động tiếp xúc cử tri… Đó là hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu HĐND các cấp chủ yếu tập trung vào trước và sau các kỳ họp. Các đại biểu mới thực hiện tiếp xúc với cử tri ở đơn vị bầu ra mình. Các cuộc tiếp xúc cử tri vẫn chưa thật sự sâu, rộng; chương trình, thời gian, địa điểm tiếp xúc cử tri chủ yếu là tại các hội trường UBND cấp xã, thành phần hội nghị tiếp xúc cử tri chủ yếu là những cử tri đại diện, “cử tri chuyên nghiệp”.

Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Ảnh Thành Cường
Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Ảnh: Thành Cường

Hình thức tiếp xúc cử tri chủ yếu là tiếp xúc chung theo các Tổ đại biểu, chưa mở rộng tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc hoặc theo chuyên đề, theo nhóm đối tượng, đặc biệt là cấp xã. Việc trực tiếp gặp gỡ, đối thoại để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri và những vấn đề cử tri quan tâm chưa được nhiều đại biểu thực hiện nên kết quả các cuộc tiếp xúc cử tri còn nhiều hạn chế. Những kiến nghị của cử tri chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền chưa được giải quyết dứt điểm, còn kéo dài.

Sau các cuộc tiếp xúc cử tri, công tác tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri có lúc, có nơi còn chậm, chưa đầy đủ. Việc giải quyết một số kiến nghị cử tri gửi đến các kỳ họp HĐND các cấp thuộc trách nhiệm của một số cơ quan có thẩm quyền chưa được giải quyết dứt điểm, thấu đáo,… Có những vấn đề được cử tri nêu đi nêu lại trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ cơ quan chức năng nên chưa đáp ứng được mong muốn và sự hài lòng của cử tri.

 8
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Võ Thị Minh Sinh trao đổi với cử tri xã Nghi Yên (Nghi Lộc). Ảnh: Thanh Lê

Tại Nghệ An, qua tổng kết 10 năm (2012 - 2022) thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525/NQLT/UBTVQH13- ĐCTUBTWMTTQVN về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (Nghị quyết liên tịch) đã chỉ ra rằng: “Hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH chủ yếu thực hiện theo hình thức tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, chưa tổ chức nhiều và thường xuyên các cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, nhóm đối tượng cử tri, tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn”.

Thực trạng trên không chỉ diễn ra ở Nghệ An, tháng 7/2023, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã tổng kết, rà soát 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch 525/NQLT/UBTVQH13. Tại hội nghị này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chia sẻ: “Qua thực tiễn tham gia Quốc hội, tham gia hoạt động của các đoàn ĐBQH và dự một số phiên chuyên đề với các đoàn khác, cho thấy công tác tiếp xúc cử tri rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay như báo cáo đánh giá chủ yếu tiếp xúc trước kỳ họp và sau kỳ họp, còn tiếp xúc chuyên đề, tiếp xúc nơi làm việc, nơi cư trú rất ít. Tiếp xúc chuyên đề được 3%, nơi cư trú khoảng hơn 1%”.

nguyenkhacdinh-quotes.png

Thực tế cách thức tổ chức tiếp xúc cử tri ở các địa phương cũng đang làm rất khác nhau. Có địa phương tổ chức cho các đại biểu luân chuyển đi tiếp xúc cử tri đi khắp các huyện; có địa phương phân công đại biểu tiếp xúc cử tri cố định; có địa phương tổ chức theo nhóm đại biểu, có địa phương đi tập thể, đi đến đơn vị bầu cử. Bên cạnh đó, cách thức tổ chức điều hành tại hội nghị tiếp xúc cử tri cũng chưa thống nhất; có nơi Mặt trận Tổ quốc ở huyện điều hành; có nơi Mặt trận Tổ quốc chỉ khai mạc, còn lại giao cho Đoàn ĐBQH điều hành.

Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đã được luật định và nhận thức rõ vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa cử tri và cơ quan quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn nhiều bất cập về hình thức, nội dung, chất lượng, cũng như hiệu quả thực tế của các cuộc tiếp xúc cử tri. Những hạn chế này không chỉ ảnh hưởng đến việc đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của cử tri mà còn làm giảm niềm tin của người dân vào hoạt động của đại biểu dân cử và cơ quan quyền lực nhà nước.

Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại khu tái định cư huyện Thanh Chương. Ảnh Công Kiên
Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại khu tái định cư huyện Thanh Chương. Ảnh: Công Kiên
txct-b1-tit2.png

“Đại cử tri”, “cử tri chuyên nghiệp”, “cử tri đại diện” là những cụm từ thường dùng để chỉ thành phần cử tri “quen mặt, biết tên”, thường xuyên có mặt tại các hội nghị tiếp xúc cử tri. Qua những lần trực tiếp theo dõi, đưa tin các hội nghị của đại biểu dân cử tiếp xúc cử tri, dễ nhận thấy rằng nếu thành phần đại biểu không có những vị giữ chức vụ cao, lãnh đạo chủ chốt ở các cấp, thì rất ít thu hút các tầng lớp Nhân dân tham gia. Thành phần cử tri tham dự chủ yếu là bí thư, xóm trưởng, người cao tuổi, cán bộ hưu trí, cán bộ, công chức các địa phương… còn những cử tri thực sự có nguyện vọng muốn tiếp xúc với đại biểu không nhiều.

Cử tri dự hội nghị tiếp xúc cử tri với ĐBQH trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh Thành Duy
Cử tri dự hội nghị tiếp xúc cử tri với ĐBQH trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Thành Duy

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nam Sơn (huyện Đô Lương), Nguyễn Thị Phương Dung phản ánh: Thực tế tại địa phương, các kỳ tiếp xúc cử tri từ đại biểu HĐND huyện trở lên, thành phần tham gia chủ yếu là cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ở xóm; còn cử tri là người dân rất ít, chỉ chiếm khoảng 10%. Nguyên nhân, do người dân trong độ tuổi lao động lo đi làm ăn. Mặt khác, thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, người dân đã kịp thời nắm bắt các chủ trương, chính sách, quyền lợi của mình. Một lý do nữa là tình trạng suy thoái, vi phạm pháp luật trong cán bộ cũng làm giảm niềm tin trong Nhân dân; thêm vào đó là nhiều nguyện vọng chính đáng của cử tri được đề xuất nhiều lần mà không được giải quyết thì họ không muốn đi nữa, không muốn kiến nghị nữa, như ở Nam Sơn, thực trạng hạ tầng lưới điện xuống cấp dù kiến nghị nhiều lần nhưng do nguồn lực ngành Điện không đáp ứng được.

bna_ cử tri 3. anht thanh lê.jpg
Cử tri xã Yên Sơn, huyện Đô Lương kiến nghị về chế độ chính sách với đại biểu Quốc hội. Ảnh: Thanh Lê

“Một số nơi tiếp xúc cử tri chưa thu hút sự tham gia đông đảo cử tri ở xóm, khối, bản, những người trong độ tuổi lao động mà đối tượng cử tri chủ yếu là cán bộ xóm, khối, bản, đoàn thể, người già, có những “cử tri chuyên nghiệp”. Vì vậy việc ghi nhận ý kiến, kiến nghị cử tri chưa bao quát, toàn diện. Nhiều cử tri kiến nghị những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã, cấp huyện, chưa có nhiều ý kiến đóng góp vào nội dung, chương trình kỳ họp, những kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Trung ương”, báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An tổng kết Nghị quyết liên tịch đã thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, bất cập.

Trưởng Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình khi trình bày báo cáo về Nghị quyết liên tịch số 525/NQLT/UBTVQH13 cũng đánh giá: “Tại một số địa phương vẫn còn tình trạng nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu chưa thực sự thu hút được sự tham gia đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Cử tri tham dự vẫn chủ yếu là người cao tuổi, cán bộ hưu trí, cán bộ cấp huyện, cấp xã, thôn, ấp, những người có khiếu nại về chế độ, chính sách. Vì vậy tình trạng “đại cử tri”, “cử tri chuyên nghiệp”, “cử tri đại diện”, “đại biểu cử tri” còn phổ biến…”.

duongthanhbinh-quotes.png

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng phân tích: Hình thức tiếp xúc cử tri khác như tại nơi cư trú, nơi làm việc hay là tiếp xúc cử tri theo đối tượng, theo chuyên đề, theo lĩnh vực, tiếp xúc cử tri ở ngoài địa bàn đại biểu Quốc hội ứng cử còn ít là một trong những tồn tại, hạn chế được báo cáo nêu ra. Báo cáo phản ánh đúng thực trạng.

Theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đều là “người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân”. Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu là sự thể hiện rõ nhất vai trò “người đại diện” của đại biểu dân cử. Do đó, cần xác định hoạt động tiếp xúc cử tri không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là trách nhiệm của người đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, của cử tri địa phương với các đại biểu HĐND và với cử tri cả nước đối với đại biểu Quốc hội.

Cho nên việc thiếu linh hoạt, thực hiện chưa đầy đủ, thường xuyên các hình thức tiếp xúc cử tri như: trước và sau mỗi kỳ họp, chuyên đề, nơi cư trú… đã được quy định, dẫn đến tình trạng “đại biểu chuyên trách”, nghĩa là đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp chỉ gần như tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử của mình và thành phần tham dự chỉ là “đại cử tri”, “cử tri chuyên nghiệp”, “cử tri đại diện”. Hệ quả là sẽ giảm sút đi ý nghĩa, vai trò, vị trí của “người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân” đã được hiến định, luật định.

Cử tri phát biểu kiến nghị, đề xuất với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Ảnh Thành Duy - Bá Hậu - Việt Hùng - Mai Hoa
Cử tri phát biểu kiến nghị, đề xuất với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Ảnh: Thành Duy - Bá Hậu - Việt Hùng - Mai Hoa

Thực tiễn trong hoạt động tiếp xúc cử tri những năm qua đã có nhiều đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức; song sự đổi mới đó vẫn chưa tới độ; dẫn tới chưa phát huy hết vai trò làm chủ của Nhân dân trong tham gia xây dựng chính quyền thông qua “cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” (Quốc hội) và “cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân (HĐND); qua đó góp phần thực hiện tốt nhất cơ chế vận hành của hệ thống chính trị nước ta là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ”.

Để nâng cao hiệu quả và tính thực chất của hoạt động tiếp xúc cử tri, cần những giải pháp mang tính đột phá nhằm đổi mới toàn diện cả nội dung lẫn hình thức.

Việc đảm bảo các cuộc tiếp xúc không chỉ là dịp để đại biểu lắng nghe mà còn là cơ hội để người dân thực sự tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của họ. Chỉ khi các đại biểu dân cử trở thành cầu nối vững chắc giữa cử tri và các cơ quan quyền lực, hoạt động này mới thực sự phát huy vai trò, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào hệ thống chính trị và nâng cao chất lượng quản trị quốc gia. Sự đồng hành cùng cử tri không chỉ là trách nhiệm mà còn là sứ mệnh thiêng liêng của những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân.

Một góc xã Ngọc Lâm (Thanh Chương). Ảnh tư liệu BNA
Một góc xã Ngọc Lâm (Thanh Chương). Ảnh: PV

Điều 79 Hiến pháp 2013 quy định: “1. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và nhân dân cả nước.

2. Đại biểu Quốc hội liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Quốc hội; trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và hướng dẫn, giúp đỡ việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo.

3. Đại biểu Quốc hội phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật.”

Điều 94 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định trách nhiệm tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân: “Đại biểu Hội đồng nhân dân phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu cử bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc cử tri và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân nơi mình là đại biểu, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri. Sau mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến và giải thích các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, vận động và cùng với Nhân dân thực hiện các nghị quyết đó”.


>> Trang chủ
>> Kỳ 2: Lắng nghe thực chất, hành động hiệu quả
>> Kỳ 3: Niềm tin cử tri, trọng trách dân cử
>> Kỳ 4: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động đại biểu và cơ quan dân cử
>> Kỳ cuối: Góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Kỳ 1: Cần đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO