Kỳ 4: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động đại biểu và cơ quan dân cử
Chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu và cơ quan dân cử quyết định tính đại diện, sức mạnh của tiếng nói cử tri. Tại Nghệ An, nhiều đổi mới đã được triển khai như đa dạng hóa các kênh tiếp nhận phản ánh, ứng dụng công nghệ số, trao đổi kinh nghiệm chuyên sâu giữa các cấp HĐND, và nâng cao kỹ năng đại biểu. Những bước tiến này không chỉ nâng tầm vai trò, trách nhiệm của đại biểu mà còn tạo chuyển động mạnh mẽ trong giải quyết tận gốc các kiến nghị, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân.
Nhóm Phóng viên Thời sự-Chính trị • 19/11/2024
Chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu và cơ quan dân cử quyết định tính đại diện, sức mạnh của tiếng nói cử tri. Tại Nghệ An, nhiều đổi mới đã được triển khai như đa dạng hóa các kênh tiếp nhận phản ánh, ứng dụng công nghệ số, trao đổi kinh nghiệm chuyên sâu giữa các cấp HĐND, và nâng cao kỹ năng đại biểu. Những bước tiến này không chỉ nâng tầm vai trò, trách nhiệm của đại biểu mà còn tạo chuyển động mạnh mẽ trong giải quyết tận gốc các kiến nghị, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân.
Tại huyện Thanh Chương nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung, ông Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, đồng thời là đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII (nhiệm kỳ 2021-2026) - được đánh giá là một lãnh đạo có uy tín cao trên cộng đồng mạng xã hội. Thông qua trang Facebook cá nhân mang tên “Trình Nhã”, ông Nhã sử dụng lối viết gần gũi, ngôn ngữ giản dị đậm chất địa phương, thường xuyên chia sẻ các bài viết về tình hình trên địa bàn huyện, câu chuyện cảnh giác, cảnh báo dành cho cử tri và người dân. Đồng thời, trang cá nhân của ông cũng trở thành kênh kết nối hiệu quả, nơi tiếp nhận nhiều phản ánh, tâm tư của người dân về các vấn đề như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vệ sinh môi trường… “Cần thiết, quan trọng, hiệu quả và thiết thực”, đại biểu Trình Văn Nhã đúc kết khi nói về vai trò của mạng xã hội trong việc kết nối với cử tri và người dân.
Giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri là yếu tố then chốt để ĐBQH và HĐND lắng nghe sâu sát tâm tư, nguyện vọng của cử tri và phản ánh chân thực những vấn đề từ cuộc sống. Điều này giúp đại biểu đưa ra các ý kiến xác đáng, kịp thời tại nghị trường, đồng thời theo dõi và thúc đẩy việc giải quyết các vấn đề cử tri quan tâm. Vì vậy, việc tìm kiếm những cách thức hiệu quả, chất lượng để tiếp xúc và duy trì kết nối thường xuyên với cử tri luôn là mối trăn trở và ưu tiên hàng đầu của Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh Nghệ An trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Với phương châm không thể chỉ dừng lại việc gặp gỡ, tiếp xúc cử tri theo quy định mỗi năm 4 kỳ, mà phải có giải pháp hữu hiện để đến với cử tri, cử tri đến với mình thuận lợi nhất, cơ quan dân cử ở Nghệ An đã mở rộng, đa dạng các “kênh” tiếp nhận tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của cử tri, Nhân dân như qua thư điện tử; đơn thư, phản ánh gửi đến Văn phòng hoặc trực tiếp, phản ánh qua trang thông tin điện tử “Đại biểu nhân dân tỉnh Nghệ An”…
Đặc biệt, ở Nghệ An, cử tri, công dân đều có thể tham gia vào các kỳ họp thường lệ mỗi năm 2 lần của HĐND tỉnh thông qua cơ chế “đường dây nóng” được công bố công khai trên Báo Nghệ An, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh và trên trang Fanpage “Đại biểu nhân dân tỉnh Nghệ An”. Trong suốt thời gian diễn ra kỳ họp, Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND tỉnh đều cử cán bộ trực để tiếp nhận các cuộc gọi, tin nhắn của cử tri phản ánh các ý kiến bức xúc từ cơ sở hay cũng có thể nêu quan điểm, ý kiến về nội dung đang được bàn thảo ở nghị trường”, ông Phan Trung Tú - Trưởng Phòng Dân nguyện - Thông tin, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cho biết.
Gắn với mở rộng kênh tiếp nhận phản ánh, Thường trực HĐND tỉnh cũng đặt ra yêu cầu giải quyết và trả lời các ý kiến, phản ánh của cử tri qua các kênh này từ phía các cơ quan chức năng phải thường xuyên, kịp thời như ý kiến tiếp nhận tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Kết quả giải quyết được chuyển trực tiếp đến đúng địa chỉ người kiến nghị, phản ánh, đề xuất; khắc phục tình trạng trả lời thông qua chính quyền địa phương rồi không đến được cử tri, dẫn đến cùng một vấn đề, cùng một cử tri gặp cấp nào, gặp cán bộ có trách nhiệm nào cũng phản ánh, kiến nghị.
Để tạo được chuyển động này, thời gian qua, các ý kiến kiến nghị sau khi được tiếp nhận đều được Thường trực HĐND tỉnh có văn bản chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và gắn thời hạn cụ thể. Chẳng hạn giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và Nhân dân qua đường dây điện thoại trực tuyến tại kỳ họp với thời hạn 1 tháng. Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND tỉnh giao Phòng Dân nguyện - Thông tin, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh trực tiếp theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của các cơ quan chức năng, báo cáo tiến độ giải quyết vào phiên họp thường kỳ hàng tháng của Thường trực HĐND tỉnh, nếu chậm có văn bản nhắc nhở.
Tinh thần nâng cao vai trò, bản lĩnh, trách nhiệm của đại biểu, cơ quan dân cử, xem xét giải quyết tận gốc những vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị lan tỏa về HĐND cấp huyện. Nhiều địa phương như Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương… đã trăn trở đổi mới, có nhiều cách làm hay trong công tác tiếp nhận, tổng hợp, đôn đốc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Tại huyện Anh Sơn, trên cơ sở tổng hợp, xem xét những vấn đề cử tri quan tâm mang tính phổ quát ở nhiều địa phương và nhiều kỳ như: Giải quyết sạt lở, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân; tạo việc làm … được lựa chọn đưa vào nội dung chất vấn, tổ chức phiên giải trình của HĐND để cùng tìm giải pháp giải quyết. Còn HĐND huyện Thanh Chương thành lập 6 đoàn giám sát do 6 tổ đại biểu HĐND huyện phụ trách giám sát tất cả các kiến nghị chưa được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng cử tri chưa đồng thuận, nhất trí cao từ đầu nhiệm kỳ đến nay theo từng đơn vị bầu cử. Sau giám sát, Thường trực HĐND huyện tổ chức phiên họp cùng với UBND và các cơ quan, đơn vị cấp huyện để nghe kết quả giám sát; đồng thời làm rõ thêm một số nội dung để tăng cường trách nhiệm giải quyết, định kỳ nghe 3 tháng/lần nghe tiến độ giải quyết.
Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Mở rộng, đa dạng các kênh tiếp nhận ý kiến phản ánh của cử tri giúp HĐND tỉnh tiếp nhận với số lượng thông tin nhiều, kịp thời hơn, đầy đủ và đa chiều hơn từ cuộc sống; chứ không bó hẹp và chỉ đợi đến kỳ tiếp xúc cử tri. Nếu chỉ tiếp nhận thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri thì ở một số nơi thành phần chủ yếu đang là cử tri đại diện, nên nhiều tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân không đến được các cấp và việc phản ánh kiến nghị tại các diễn đàn tiếp xúc cử tri cũng chưa thu nhận hết tâm tư, phản ánh.
Hiện nay, theo chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND tỉnh Nghệ An đã ứng dụng phần mềm theo dõi tiếp nhận và xử lý kiến nghị cử tri; đảm bảo “hành trình” từ tiếp nhận, phân loại, chuyển đến UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương để giải quyết và trả lời kết quả giải quyết đến cử tri được theo dõi tiến độ chặt chẽ, từ đó nâng cao trách nhiệm ở mỗi khâu giải quyết.
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu và cơ quan dân cử, ở Nghệ An còn có sáng kiến tổ chức trao đổi kinh nghiệm giữa HĐND cấp tỉnh với cấp huyện, giữa cấp huyện với cấp xã. Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 11 hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa Thường trực HĐND tỉnh với thường trực HĐND cấp huyện theo từng chủ đề cụ thể, trong đó có chủ đề về kỹ năng, giải pháp nâng cao chất lượng tiếp xúc, giải quyết các kiến nghị của cử tri.
Đánh giá cao hoạt động này, Phó Chủ tịch HĐND huyện Nghi Lộc, bà Lê Thị Hiền cho biết: “Chúng tôi trao đổi giải pháp đổi mới tiếp xúc cử tri của mình là trước giờ vào hội nghị tiếp xúc cử tri, đều bố trí cho các đại biểu khảo sát thực tế các điểm mà trước đây cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết. Từ thực tế “mắt thấy”, cộng với “tai nghe” cử tri phản ánh sau đó, ĐBQH hay HĐND tỉnh, huyện có thêm cơ sở tiếp tục kiến nghị UBND các cấp chỉ đạo giải quyết những vấn đề bức thiết từ cơ sở”.
Ngược lại, qua các hội nghị trao đổi kinh nghiệm, Thường trực HĐND huyện Nghi Lộc cũng học hỏi được nhiều các làm hay của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh và thường trực HĐND các huyện, thành, thị xã để nghiên cứu áp dụng. “Qua nghe ý kiến tham luận của HĐND huyện Thanh Chương về đổi mới tiếp xúc cử tri với yêu cầu cung cấp thông tin, số điện thoại của người kiến nghị để sau hội nghị liên hệ nắm lại nội dung đảm bảo đầy đủ, chính xác thông tin, chúng tôi đã về áp dụng. Cách làm đó khắc phục việc tổng hợp các kiến nghị, đề xuất mang tính chung chung và việc giải quyết của cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thuận lợi, hiệu quả khi rõ nội dung, rõ địa chỉ cụ thể”, bà Lê Thị Hiền chia sẻ.
Việc tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa Thường trực HĐND tỉnh và Thường trực HĐND cấp huyện được đánh giá là hoạt động mang nhiều tác động tích cực hai chiều, tăng tính chuyên nghiệp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cho cả HĐND tỉnh và cấp huyện nhằm thực hiện tốt hơn vai trò của đại biểu, cơ quan, dân cử, cũng như kỳ vọng của cử tri và Nhân dân. Đơn cử như, từ kinh nghiệm tổ chức kỳ họp “không giấy” của HĐND tỉnh bắt đầu triển khai đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND các huyện: Thanh Chương, thị xã Hoàng Mai, Quỳ Hợp, Anh Sơn, Con Cuông, thành phố Vinh… đã học tập, ứng dụng thành công.
Phó Chủ tịch HĐND huyện Con Cuông, ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết: Từ kinh nghiệm tiếp thu được qua các hội nghị trao đổi kinh nghiệm, chất lượng hoạt động HĐND huyện và xã ở Con Cuông từ đầu nhiệm kỳ đến nay có rất nhiều đổi mới; nổi bật là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thông qua tổ chức “kỳ họp không giấy”, “phòng họp số”. HĐND huyện cũng đã tổ chức một số kỳ tiếp xúc cử tri chuyên đề về bàn giao hạ tầng lưới điện và bán điện tại gia; bảo vệ môi trường, quản lý và bảo vệ rừng; Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình…
Về phía Thường trực HĐND tỉnh, qua các hội nghị trao đổi kinh nghiệm cũng đã kịp thời nắm bắt nhiều vướng mắc từ thực tiễn cơ sở để đưa vào chương trình, kế hoạch công tác như: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp quyền sở hữu nhà ở tại các dự án chung cư còn chậm; quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản; xử lý dự án treo, dự án chậm tiến độ, dự án sử dụng đất không đúng mục đích; tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn giao thông…
Đặc biệt, thông qua các hội nghị trao đổi kinh nghiệm đã tạo không gian để kết nối, chia sẻ các khó khăn, vướng mắc về tổ chức hoạt động của HĐND cấp huyện, cấp xã. Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An đều trao đổi, hướng dẫn tháo gỡ trực tiếp; một số khác được tiếp thu và giao cho các Ban của HĐND tỉnh tham mưu để tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Ví dụ, sau hội nghị được tổ chức tại huyện Diễn Châu, Thường trực HĐND tỉnh đã tiếp thu kiến nghị của thường trực HĐND các huyện để trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định một số chế độ chi tiêu đảm bảo hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh; qua đó đã tạo điều kiện trang cấp thiết cho đại biểu HĐND cấp huyện đáp ứng yêu cầu thực hiện chuyển đổi số… Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Như Khôi cho biết: Các hoạt động trao đổi kinh nghiệm giữa thường trực HĐND các cấp tại tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục được tổ chức gắn với đổi mới, cải tiến trong thời gian tới, góp phần cụ thể hoá Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026.
Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, bên cạnh tổ chức các hội nghị trao đổi kinh nghiệm, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An còn tổ chức được 4 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu dân cử cấp huyện. Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND cấp huyện về tập huấn lại cho cấp xã, tạo sự đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử ba cấp ở địa phương, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh.
Trong các kỳ họp Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Ban Công tác Đại biểu thường xuyên phối hợp mời đại diện HĐND cùng Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh tham gia dự thính. Sau khi tham dự một số phiên họp tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, bà Lục Thị Liên - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nghệ An - bày tỏ sự đánh giá cao đối với hoạt động này. Bà chia sẻ rằng việc tham dự các kỳ họp này không chỉ giúp học hỏi kinh nghiệm quý báu trong tổ chức và điều hành mà còn mang lại nhiều bài học thực tiễn có thể áp dụng hiệu quả vào công tác của đại biểu và HĐND tỉnh.
Những đổi mới mạnh mẽ trong cách tiếp xúc, lắng nghe và xử lý kiến nghị của cử tri ở Nghệ An đã tạo ra một làn gió mới, không chỉ giúp các đại biểu dân cử gần gũi hơn với người dân mà còn nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp. Từ việc ứng dụng công nghệ số, mở rộng các “kênh” tiếp nhận ý kiến, đến những hội nghị trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, Nghệ An đang xây dựng một hình mẫu hiện đại, chuyên nghiệp trong hoạt động cơ quan dân cử.
Những cách làm sáng tạo này không chỉ khẳng định vai trò, trách nhiệm của người đại biểu mà còn đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của cử tri - những người mong muốn tiếng nói của mình không chỉ được lắng nghe mà còn được chuyển hóa thành hành động thiết thực. Đây chính là hành trình để mỗi đại biểu dân cử thực sự trở thành cầu nối vững chắc giữa chính quyền và người dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh Nghệ An.
Với những bước tiến đã đạt được và tầm nhìn cải tiến không ngừng, Nghệ An đang lan tỏa một thông điệp rõ ràng: “Khi dân tin, việc gì cũng thành”. Sự chuyên nghiệp, trách nhiệm và gần gũi của đại biểu chính là chìa khóa để mở cánh cửa niềm tin ấy, vì một Nghệ An phát triển ngày càng vững mạnh, đáp ứng khát vọng và mong mỏi của toàn dân.