Xây dựng Đảng

Kỳ 2: Lắng nghe thực chất, hành động hiệu quả

Nhóm PVTS 19/11/2024 06:00

Làm thế nào để đại biểu dân cử thực sự lắng nghe, thấu hiểu và phản ánh kịp thời những ý kiến, nguyện vọng của cử tri? Từ những hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề đến mô hình tiếp xúc hai cấp, đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp tỉnh Nghệ An đã và đang tiên phong đổi mới cách thức tiếp xúc cử tri, tạo sự gần gũi, hiệu quả và xây dựng niềm tin mạnh mẽ giữa đại biểu với người dân.

txct-b2cover.png

Nhóm Phóng viên Thời sự-Chính trị • 19/11/2024

Làm thế nào để đại biểu dân cử thực sự lắng nghe, thấu hiểu và phản ánh kịp thời những ý kiến, nguyện vọng của cử tri? Từ những hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề đến mô hình tiếp xúc hai cấp, đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp tỉnh Nghệ An đã và đang tiên phong đổi mới cách thức tiếp xúc cử tri, tạo sự gần gũi, hiệu quả và xây dựng niềm tin mạnh mẽ giữa đại biểu với người dân.

txct-b2-tit1.png

Chiều 11/10/2024, tại Hội trường Công ty TNHH Sangwoo Việt Nam, Khu công nghiệp VSIP Nghệ An, ông Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương (thời điểm đó đang là Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An), Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cùng các ông, bà trong đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tiếp xúc 200 cử tri là công nhân đại diện cho gần 100.000 đoàn viên là công nhân lao động trong toàn tỉnh. Hội nghị có sự tham gia của Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh.

Các cử tri rất phấn khởi khi lần đầu tiên được trao đổi với các đại biểu dân cử và phản ánh rất nhiều vấn đề tầm vĩ mô về các chính sách nhà ở, tiền lương, bảo hiểm cho công nhân.

Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tiếp xúc cử tri là công nhân, lao động. Ảnh Thành Duy
Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tiếp xúc cử tri là công nhân, lao động tại Khu công nghiệp VSIP. Ảnh: Thành Duy

Anh Vương Đình Tuân, công nhân Công ty Lushare -ICT, chia sẻ khát khao, mong mỏi của hầu hết công nhân là có nhà ở ổn định cuộc sống để an tâm làm việc. “Hiện nay, nhiều công nhân phải đi thuê trọ, con cái phải gửi về quê”, anh Tuân nói, và đề nghị các đại biểu Quốc hội có ý kiến nghiên cứu giảm lãi suất cho vay thấp hơn mức 6,5% hiện nay đối với gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng của Chính phủ để có điều kiện tiếp cận. Ngoài ra, anh cùng nhiều công nhân khác còn cho biết, thông tin dự án nhà ở xã hội, thủ tục mua, thuê đến với công nhân rất hạn chế nên đề nghị cần thông tin, tuyên truyền về nhà ở xã hội để công nhân được biết.

Chia sẻ những lo toan trong cuộc sống với công nhân, nhất là vấn đề an cư, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An khẳng định: Tỉnh đã “nhìn thấu” vấn đề này và sẽ tiếp tục tập trung quan tâm, chỉ đạo nhiều hơn vào việc thu hút đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội; đồng thời tiếp thu phản ánh người lao động với Chính phủ lãi suất gói 120.000 tỷ đồng về cho vay nhà ở xã hội còn cao.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An và Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trực tiếp xuống khu xóm trọ công nhân tại xã Nghi Kim
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An và Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trực tiếp xuống khu xóm trọ công nhân tại xã Nghi Kim, thành phố Vinh thăm, động viên, lắng nghe thêm ý kiến cử tri là công nhân. Ảnh: Thành Duy

Ngay sau hội nghị tiếp xúc cử tri, để hiểu thêm về điều kiện ăn ở của công nhân, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An và Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trực tiếp xuống khu xóm trọ công nhân tại xã Nghi Kim, thành phố Vinh thăm, động viên, lắng nghe thêm ý kiến cử tri là công nhân.

Qua hội nghị tiếp xúc cử tri lần này, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cảm ơn các anh, chị em công nhân, người lao động đã tham gia và có nhiều ý kiến tâm huyết. Tiếp nối thành công của hội nghị này, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục thêm nhiều các hội nghị tương tự để có thể lắng nghe nhiều hơn tâm tư nguyện vọng đa chiều, toàn diện; hiểu thêm về việc làm, sinh hoạt; nắm bắt nhiều hơn các tâm tư, nguyện vọng của cử tri là công nhân.

Đánh giá về hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân lần đầu tiên được tổ chức, ông Kha Văn Tám - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Nghệ An chia sẻ: “Hội nghị tiếp xúc cử tri hôm nay cũng chính là dịp để các đại biểu Quốc hội nắm bắt thêm tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động, có cơ sở tổng hợp và phản ánh với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với người lao động đảm bảo khả thi, sát thực tế nhằm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội”.

“So với các hình thức tiếp xúc cử tri khác, thì việc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề vừa được cử tri hoan nghênh, vừa giúp cho các đại biểu hiểu được nhiều vấn đề thực tiễn, để đóng góp ý kiến trên diễn đàn Quốc hội. Bởi qua đó giúp các đại biểu ghi nhận được nhiều ý kiến chuyên sâu về cơ chế, chính sách vĩ mô, những vấn đề cụ thể mà đại biểu quan tâm. Mặt khác, đây cũng là điều kiện để cử tri nói lên ý kiến của mình đối với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết những kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của họ về lĩnh vực chuyên sâu. Thông qua cách làm này cũng đã mời được nhiều cử tri là những người có chuyên môn sâu tham gia đóng góp ý kiến”, bà Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An, ĐBQH đoàn Nghệ An chia sẻ và cho biết thêm: “Hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề còn được Đoàn ĐBQH tỉnh linh hoạt lồng ghép trong các cuộc giám sát theo chuyên đề, lấy ý kiến xây dựng pháp luật, trong các buổi làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành”.

hoangthithuhien-quotes.png

Việc tiếp xúc cử tri theo đối tượng có nhiều điểm tương đồng với hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề. Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã linh hoạt lựa chọn các nhóm đối tượng cụ thể để lắng nghe sâu sát những tâm tư, nguyện vọng và ý kiến liên quan đến từng lĩnh vực. Các nhóm cử tri bao gồm: cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang; hội viên phụ nữ; cán bộ ngành giáo dục, y tế; đoàn viên thanh niên; đồng bào dân tộc thiểu số; cư dân vùng chịu ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện, thủy lợi; ngư dân vùng biển. Đặc biệt, đoàn cũng tổ chức các buổi tiếp xúc ngoài địa bàn tỉnh, như tại Đắk Lắk, nơi có đông người Nghệ An đi xây dựng kinh tế mới, nhằm nắm bắt tình hình và lắng nghe tiếng nói của đồng hương xa quê.

Đại biểu Quốc hội vui ngày hội đại đoàn kết tại các điểm tiếp xúc cử tri
Đại biểu Quốc hội vui ngày hội đại đoàn kết tại các điểm tiếp xúc cử tri. Ảnh: Bích Hường - Công Kiên - Đức Anh - Thu Hường

Ngoài ra, ĐBQH tỉnh còn tổ chức một số cuộc tiếp xúc cử tri với đối tượng cử tri là đảng viên thông qua việc kết hợp tham dự các buổi sinh hoạt Chi bộ. Đặc biệt, Đoàn ĐBQH tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri kết hợp với tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại các khu dân cư. Đây là một hình thức tiếp xúc cử tri rất ý nghĩa, là dịp để các đại biểu hòa chung niềm vui đại đoàn kết với bà con cử tri, qua đó thắt chặt thêm mối liên hệ gắn kết giữa đại biểu dân cử với cử tri.

Từ đầu nhiệm kỳ đến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã tổ chức 9 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề, bao gồm về: Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn với quy hoạch sử dụng đất và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; về các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số và đất nông, lâm trường; về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi); về bảo hiểm xã hội; tiếp xúc chuyên đề với cử tri là công nhân, lao động, cán bộ, hội viên, phụ nữ; là cán bộ, công chức, viên chức…

Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri và góp ý dự thảo Luật Nhà giáo trước Kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XV tại thị xã Hoàng Mai. Ảnh Ngân Hạnh
Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri và góp ý dự thảo Luật Nhà giáo trước Kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XV tại thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Ngân Hạnh
txct-b2-tit2.png

Không chỉ tiếp xúc cử tri của ĐBQH tỉnh, mà đại biểu HĐND các cấp ở Nghệ An cũng rất chú trọng đổi mới các hình thức tổ chức tiếp xúc cử tri thông qua các hình thức linh hoạt, nhất là lồng ghép tiếp xúc cử tri ở 2 cấp, bao gồm: Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh; đại biểu HĐND cấp tỉnh và cấp huyện; đại biểu HĐND cấp huyện và cấp xã.

Ông Chu Đức Thái - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Nghệ An cho biết: “Tôi là đại biểu HĐND tỉnh được bầu tại đơn vị huyện Diễn Châu, được tiếp xúc cử tri hai cấp cùng với đại biểu HĐND huyện, thấy rằng đã tạo thuận lợi cho cơ sở trong việc sắp xếp, bố trí thời gian và địa điểm phù hợp, bớt phiền hà cho cơ sở. Bên cạnh đó còn giúp việc phân loại ý kiến cử tri để chuyển đến cơ quan có thẩm quyền phù hợp hơn, ý kiến nào thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương, của tỉnh, của huyện rõ hơn. Tiếp xúc cử tri nhiều cấp cũng là kênh để cử tri giám sát, đánh giá hiệu quả và trách nhiệm của các vị đại biểu các cấp do mình bầu ra”.

chuducthai-quotes.png

Với một địa bàn vùng cao biên giới như huyện Quế Phong, địa hình chủ yếu đồi núi, giao thông đi lại còn cách trở, khó khăn, điều kiện nhận thức, dân trí của cử tri còn chưa đồng đều, ông Lưu Văn Hùng- Phó Chủ tịch HĐND huyện Quế Phong, Nghệ An đánh giá: “Việc tổ chức tiếp xúc cử tri lồng ghép nhiều cấp đã tạo thuận lợi cho các địa phương không phải tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc cử tri và về phía cử tri không phải đi lại nhiều lần. Bởi thực tế ở cơ sở, cử tri chưa phân biệt được nội dung nào là thuộc thẩm quyền của cấp nào để kiến nghị, nên một nội dung ý kiến lại kiến nghị nhiều lần ở nhiều cấp; đồng thời cử tri cũng nắm được nhiều thông tin hơn, vừa của cả nước và tỉnh, hoặc của tỉnh và huyện, huyện và xã”.

Các đại biểu HĐND tỉnh, HĐND huyện tiếp xúc cử tri tại xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành (ảnh trên) và xã Tiền Phong, huyện Quế Phong. Ảnh Anh Tuấn - Nguyễn Việt
Các đại biểu HĐND tỉnh, HĐND huyện tiếp xúc cử tri tại xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành (ảnh trên) và xã Tiền Phong, huyện Quế Phong. Ảnh: Anh Tuấn - Nguyễn Việt

Thực tiễn cho thấy, tiếp xúc cử tri hai cấp là hình thức tiếp xúc thực sự hiệu quả. Qua tiếp xúc cử tri, người đại biểu dân cử giữ mối liên hệ với cử tri góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa đại biểu và cử tri; đồng thời, giúp đại biểu lắng nghe, ghi nhận và giải quyết những bức xúc tâm tư, kiến nghị của người dân hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, qua các buổi tiếp xúc cử tri, nhất là những gặp gỡ bên lề, đại biểu thấu hiểu hơn về đời sống Nhân dân nơi mình ứng cử để từ đó có được sự thấu cảm với những tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Bà Nguyễn Thị Lương, cử tri thành phố Vinh cho biết: “Được tham gia tiếp xúc cử tri cả đại biểu HĐND tỉnh và thành phố; bên cạnh phản ánh tâm tư, nguyện vọng đến cả cấp tỉnh, thành phố, thì tôi còn được nghe và nắm bắt nhiều thông tin hơn của tỉnh và cả của thành phố, như vậy có được cái nhìn toàn diện, tổng thể hơn về việc triển khai các chủ trương, chính sách. Bên cạnh đó, nhiều nội dung kiến nghị của cử tri vượt thẩm quyền thành phố cũng được đại biểu cấp tỉnh ghi nhận, trả lời; như vậy hiệu quả tiếp xúc cử tri cao hơn, chất lượng hơn”.

Văn bản các sở, ngành trả lời ý kiến cử tri
Văn bản các sở, ngành trả lời ý kiến cử tri.

Những đổi mới trong hình thức tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH và HĐND các cấp ở Nghệ An không chỉ là giải pháp tăng cường tính thực chất và hiệu quả của hoạt động giám sát mà còn là sợi dây kết nối bền chặt giữa đại biểu dân cử và Nhân dân. Từ các hội nghị chuyên đề lắng nghe sâu sắc ý kiến từng nhóm cử tri đến hình thức tiếp xúc hai cấp linh hoạt, các đại biểu không chỉ ghi nhận mà còn thúc đẩy giải quyết những kiến nghị bức thiết của cử tri một cách thiết thực, sát thực tế.

Việc lắng nghe thực chất và hành động hiệu quả đã góp phần nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với đại biểu dân cử, thúc đẩy các chính sách ngày càng sát với nhu cầu cuộc sống. Những buổi tiếp xúc không chỉ dừng lại ở việc lắng nghe mà còn mở ra cơ hội đối thoại, thấu cảm và cùng nhau tìm kiếm giải pháp, xây dựng tương lai. Đây là minh chứng rõ ràng cho tinh thần trách nhiệm của người đại biểu dân cử, khẳng định vai trò cầu nối giữa Nhân dân với các cơ quan lập pháp và chính quyền.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi trao đổi với lãnh đạo huyện Quỳ Hợp và xã Bắc Sơn về quan điểm giải quyết một số kiến nghị của cử tri ngay sau hội. Ảnh: Mai Hoa
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi trao đổi với lãnh đạo huyện Quỳ Hợp và xã Bắc Sơn về quan điểm giải quyết một số kiến nghị của cử tri ngay sau hội nghị. Ảnh: Mai Hoa

Hành trình đổi mới ấy đã và đang khẳng định Nghệ An là một trong những địa phương tiên phong trong việc xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa đại biểu và cử tri, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quyền lợi, hạnh phúc của Nhân dân. Một niềm tin mạnh mẽ đã được gieo mầm, lan tỏa và trở thành động lực để các đại biểu tiếp tục cống hiến, đồng hành cùng cử tri trên con đường phát triển đất nước.

Một cụm dân cư sinh sống tại xã Nậm Giải, Quế Phong. Ảnh tư liệu: Thành Cường
Một cụm dân cư sinh sống tại xã Nậm Giải, Quế Phong. Ảnh: Thành Cường

>> Trang chủ
>> Kỳ 1: Cần đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri
>> Kỳ 3: Niềm tin cử tri, trọng trách dân cử
>> Kỳ 4: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động đại biểu và cơ quan dân cử
>> Kỳ cuối: Góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Kỳ 2: Lắng nghe thực chất, hành động hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO