Kỳ 1: Những chiêu lừa đảo, cướp bóc ở địa ngục trần gian

19/08/2013 11:11

Mấy năm trước, khi mà thị trường xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc bị đóng băng, thị trường Malaysia, Đài Loan thu nhập bấp bênh, các quốc gia vùng Trung Đông, Tây Á có những bất ổn về chính trị thì Angola là thiên đường giành cho người lao động Việt Nam. Nhưng hiện nay, quốc gia Châu Phi này đang trở thành địa ngục trần gian, nơi người Việt Nam đang rơi vào cảnh về không nỡ, ở không xong.Địa ngục trần gian

(Baonghean) - Mấy năm trước, khi mà thị trường xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc bị đóng băng, thị trường Malaysia, Đài Loan thu nhập bấp bênh, các quốc gia vùng Trung Đông, Tây Á có những bất ổn về chính trị thì Angola là thiên đường giành cho người lao động Việt Nam. Nhưng hiện nay, quốc gia Châu Phi này đang trở thành địa ngục trần gian, nơi người Việt Nam đang rơi vào cảnh về không nỡ, ở không xong.

Địa ngục trần gian


Ngồi bất động trên giường, trong ngôi nhà nhỏ ở xóm Hội 4, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, anh Nguyễn Văn Quyền (SN1983) không cầm được nước mắt khi kể về những ngày tháng làm việc ở Angola - nơi mà anh gọi là địa ngục trần gian. Là một thợ xây lành nghề, có kỹ thuật cao, anh Quyền từng đi xuất khẩu làm nghề xây dựng ở Ả-rập Xê-út và có một ít vốn, mang về sửa sang lại nhà cửa cho mẹ. Sửa nhà xong, hết tiền, Quyền đi làm thợ xây nhưng lương quá thấp. Giữa năm 2011, khi huyện Nam Đàn rộ lên phong trào đi xuất khẩu lao động sang Angola, Quyền quyết tâm vay mượn 7.000 USD, nhờ một đầu mối ở xã bên cạnh để được đi xuất khẩu lao động với lời hứa “sẽ có việc làm ổn định, lương tháng khoảng 1.000 USD”.

Cuối tháng 11/2011, Quyền xách hành lí lên máy bay trong niềm hi vọng của anh em, bà con nội ngoại. Sau khi quá cảnh tại Trung Quốc, anh đặt chân đến sân bay thủ đô Luanda của Angola với ngổn ngang suy nghĩ. Đất nước này quá nghèo, xơ xác, môi trường quanh sân bay hôi hám và bẩn thỉu, làm sao lại có được mức lương 1000 USD. Đang miên man suy nghĩ, thì anh được một ông chủ người Việt đến đón về lán trại, sau khi thử qua tay nghề, Quyền được nhận vào làm với công việc được giao là thợ hoàn thiện của các công trình xây dựng.

Đây là một vùng khí hậu khắc nghiệt, nắng, gió, thiếu nước sạch, công nhân được lùa vào một lán trại không khác gì chuồng bò ở quê. Ban đêm, công nhân người Việt được ông chủ bố trí ngủ trên một tấm phản cùng chiếc chăn mỏng, tuyệt nhiên không có màn, muỗi dày đặc, vo ve như o­ng. Suốt mấy hôm đầu, những người mới sang không thể ngủ được nhưng sau đó công việc quá vất vả nên cứ đặt lưng là mọi người ngủ như chết.

Mỗi ngày làm việc khoảng 9 tiếng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng là những người chịu khổ, chịu khó và chịu được áp lực cường độ lao động cao, những người như anh Quyền không đáng ngại mà cái họ sợ nhất là thức ăn, nước uống. Thông thường, ông chủ sẽ tìm một người vụng về nhất trong tốp thợ để giao nhiệm vụ nấu ăn.

Thức ăn là các thùng xốp đựng thịt gà đông lạnh, sau khi dùng xẻng để tách đá, rã đông thịt, đầu bếp sẽ đổ thẳng vào nồi nước đun sôi, bọt nổi lềnh phềnh rồi múc ra cho công nhân chấm muối. Phần nước luộc được dùng làm canh, tuyệt nhiên không hề có một cọng rau, củ hành, lát ớt hay thứ gia vị nào khác. Thịt gà và canh này được dùng để ăn với những bát cơm lúc nhão, lúc khê được nấu vội vàng. Một tuần 7 ngày, 1 tháng 30 ngày, những lao động được ăn một thực đơn giống nhau mà không hề biết kêu ca, phàn nàn với ai. Ở xứ sở này, nước sạch quý hơn vàng, quanh năm, công nhân được ông chủ cho sử dụng loại nước có màu vàng đục bơm trực tiếp tại các lán trại mà không qua khâu xử lí nào. Giá mỗi chai nước khoáng nhỏ khoảng 50 ngàn đồng tiền Việt, rất ít người có tiền để mua.

Ở Angola, dịch bệnh sốt rét hoành hành từ hàng chục năm nay. Sống trong môi trường độc hại như vậy, chuyện công nhân người Việt bị sốt rét xảy ra thường xuyên. Anh Lê Văn Hùng, người bạn thân của Quyền cùng đi Angola trở về cho biết, lúc mới sang làm việc, anh bị sốt rét 3 lần, cứ nghe nóng rét trong người lập tức công nhân phải đi chuyền nước trong các trạm y tế tồi tàn. Mỗi lần chuyền nước, các lao động phải trả từ 250 - 300 USD, nếu chưa có tiền, ông chủ sẽ thanh toán hộ và trừ vào lương. “Sốt rét luôn là nỗi ám ảnh ở Angola vì ở đây muỗi truyền bệnh nhiều kinh khủng, môi trường bẩn thỉu, không có nước sạch.



Anh Lê Văn Hùng trú tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, người mới trở về từ địa ngục trần gian.

Hầu hết những lao động bị chết vì sốt rét ở đây là do chủ quan, không kịp thời đi chuyền nước và cũng vì phí chuyền dịch quá đắt đỏ. Nhiều người nghĩ đi xuất khẩu lao động là sướng nhưng sang Angola rồi mới biết, đây không phải là thiên đường để đổi đời, nơi mà sự sống và cái chết chỉ mong chờ vào sự may rủi. Bữa ăn, giấc ngủ chưa ngon giấc, người lao động còn phải lo bị cướp dí súng vào đầu, bị cảnh sát bắt và trục xuất về nước”, anh Hùng rùng mình kể lại.

“Ngân hàng đen” và chiêu quỵt tiền của “cò mồi”

Tất cả các lao động người Việt Nam đi xuất khẩu sang Angola đều là đi chui, theo đường dây bất hợp pháp của các cò người Việt. Đặt chân đến Angola, có 4 điều mà lao động người Việt sợ nhất là: bị cảnh sát bắt, bệnh sốt rét, bị cướp và nhất là bị cò quỵt tiền. Cò ở đây thực chất là những người đã sang làm việc ở Angola từ 5 đến 10 năm, một số đã trở thành chủ thầu xây dựng, một số người mở tiệm chụp ảnh, photocopy, quán internet,… Khi thấy nhu cầu lao động ở Angola lên cao, họ trở về Việt Nam, đưa người đi với chi phí từ 5000 - 7000 USD. Sau khi lao động sang đến thủ đô Luanda, cò sẽ trực tiếp ra đón và dẫn về các lán trại, bắt đầu giao nhận việc.

Anh Nguyễn Đình Minh, quê huyện Hưng Nguyên đang làm việc ở thủ đô Luanda, cho biết, việc ông chủ lừa đảo, quỵt lương xảy ra như cơm bữa nhưng không ai dám phản ứng gì bởi ông chủ là những người có tiền, có quan hệ với cảnh sát. Nếu phản ứng, lập tức sẽ bị bắt và trả về nước ngay. Làm việc với các ông chủ người da đen thì sẽ được thanh toán tiền công hàng ngày, mỗi ngày được trả 400 USD nhưng cũng rất bấp bênh, khi thích thì chủ trả tiền, khi không thích thì chủ im lặng, nếu lên tiếng đòi hỏi liền bị đánh đập, bị dọa giết. Sợ nhất là lúc làm nhà cho những ông chủ có mối quan hệ với cảnh sát (người Việt gọi là Defa), khi ngôi nhà có tiền công khoảng vài tỷ đồng sắp hoàn thành, anh em lao động mừng mừng tủi tủi sắp đến ngày nhận được dăm ngàn USD tiền công thì nhận được tin cảnh sát truy đuổi, không ai bảo ai, mọi người bỏ chạy tán loạn, không dám nghĩ đến chuyện tiền nong.

Hiện tượng các chủ thầu, “cò” người Việt lừa lọc, chỉ điểm cho cảnh sát bắt bớ để quỵt tiền lương lao động diễn ra ngày càng phổ biến. Những lao động người Việt ở Angola đã lập nên các nhóm, hội trên internet như Hội người Việt ở Angola, Hội những người bị quỵt lương, Cộng đồng lao động Việt ở Angola,… Qua đây, các hoàn cảnh éo le, khó khăn sẽ được cộng đồng giúp đỡ. Họ cũng thông báo cho nhau về những hoạt động bắt bớ của Defa ở các khu vực để cảnh báo cho người lao động cẩn thận, họ vạch trần các hình thức lừa đảo của một số ông chủ. Dù trong khó khăn nhưng tinh thần tương thân tương ái của các lao động người Việt vẫn sáng ngời ở vùng đất Châu Phi nghèo khó. Mỗi khi có người Việt bị chết hoặc bị thương nặng, những lao động ở đây không ngần ngại đóng góp tiền để giúp đỡ họ đi bệnh viện điều trị, giúp đỡ người thân trả tiền vé, tiền khâm liệm, tiền quan tài cho các bệnh viện. Mỗi trường hợp tử nạn ở Angola, để đưa được về nước thường phải mất từ 50.000 – 100.000 USD, hầu hết đều do sự giúp đỡ, can thiệp của Đại sứ quán và cộng đồng quyên góp, hỗ trợ.


Đầu năm 2012, từ xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, hai công nhân Nguyễn Phúc Tùng (SN 1991), Nguyễn Văn Tùng (SN 1983) háo hức nộp 6500 USD để bay sang Angol, với mức lương hứa hẹn là 1000 USD/ tháng. Làm việc được 3 tháng thì chủ thầu nợ lương và hẹn sau khi hoàn thành công trình sẽ thanh toán tất cả. Khi công trình vừa xong, cả nhóm đang háo hức nhận tiền thì một toán Defa xuất hiện, bắt về đồn cảnh sát… Sau nhiều lần bị bắt, bị quỵt tiền, những công nhân người Việt Nam hiểu ra rằng, việc bị Defa bắt thực chất là do các tay cò, các ông chủ người Việt chỉ điểm để quỵt tiền của người lao động.

Việc không bị quỵt tiền lương ở Angola đã là một may mắn nhưng nhận được lương rồi, họ cũng rất khốn khổ trong việc gửi tiền về quê bởi nạn cướp bóc ở đây xảy ra như cơm bữa. Thông thường, cứ buổi chiều nhận lương, tối đến sẽ có một toán người da đen lăm lăm khẩu súng đến cướp tiền, nếu ai chống cự sẽ bị chúng bắn chết. Bị cướp nhiều, các lao động mới biết, tất cả đều do cò và chủ người Việt chỉ điểm.

Nếu muốn không bị cướp, chỉ có cách duy nhất là nhờ “cò” chuyển tiền về Việt Nam thông qua “ngân hàng đen”, mỗi lần chuyển 1000 USD đều bị “cò” cắt phí từ 100 – 150 USD. “Nhận tiền xong, cò sẽ gọi điện về Việt Nam và có người đưa tiền đến cho người nhà của lao động, rất nhanh chóng nhưng bị cắt phí trên trời. “Khi tui ở trong trại giam của thủ đô Luanda, vợ ở nhà phải gửi tiền sang để làm thủ tục về nước cũng bị “cò” cắt phế. Chỉ có người lao động là khổ cực mà thôi còn “dân cò” đang ăn đủ đường từ những người khốn khổ”, anh Trần Văn Hùng (SN 1970), người vừa trở về từ Angola tâm sự.

Chứng kiến cảnh lừa lọc, cướp bóc ở “miền đất hứa” Angola, anh Nguyễn Văn Quyền quyết tâm kiếm cho đủ tiền vốn để về nước. Cuối năm 2012, khi đang làm việc trên dàn giáo, anh Quyền bị vướng phải dây điện, ngã rụp xuống đất, da cháy sém. Bạn bè và cộng đồng người Việt Nam ở Angola phải đưa anh đi cấp cứu ở bệnh viện tư nhân ở thủ đô Luanda, nằm 2 ngày với giá 18000 USD. Hết tiền, Quyền được đưa đến Viện bỏng điều trị, mẹ của anh phải cắm nhà, vay ngân hàng để gửi 9000 USD sang cho các bạn đưa anh về Việt Nam.



Anh Nguyễn Văn Quyền trở về trên chiếc xe lăn.



Bà Nhung, mẹ anh Quyền khóc nức nở khi nói về con trai.

Trở về quê, sau 2 tháng điều trị ở Viện bỏng quốc gia, anh Quyền bị liệt nửa người, phần đầu bị lõm, chấp nhận sống cuộc đời trên chiếc xe lăn… Không lâu sau khi anh Quyền trở về, những người bạn của anh và hàng trăm lao động người Việt Nam khác cũng bắt đầu một cuộc tháo chạy.

(Còn nữa)


Nguyên Khoa

Mới nhất

x
Kỳ 1: Những chiêu lừa đảo, cướp bóc ở địa ngục trần gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO