Kỳ 11: Hành trình giữa đại ngàn Pù Mát
Đại ngàn Pù Mát địa hình toàn núi cao, vực thẳm, quanh năm sương mây bao phủ, khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Khó khăn, gian khổ nhưng các chiến sĩ kiểm lâm của VQG Pù Mát vẫn đều đặn, hành trình tuần tra gác rừng. Quyết không cho lâm tặc đụng đến từng “nhành cây, ngọn cỏ,” để cho Khu dự trữ sinh quyển thế giới này mãi vẹn nguyên màu xanh vốn có
(Baonghean) - Đại ngàn Pù Mát địa hình toàn núi cao, vực thẳm, quanh năm sương mây bao phủ, khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Khó khăn, gian khổ nhưng các chiến sĩ kiểm lâm của VQG Pù Mát vẫn đều đặn, hành trình tuần tra gác rừng. Quyết không cho lâm tặc đụng đến từng “nhành cây, ngọn cỏ,” để cho Khu dự trữ sinh quyển thế giới này mãi vẹn nguyên màu xanh vốn có.
Vào Trạm quản lý, bảo vệ rừng Khe Bu
Ngay hành trình đầu tiên vào Trạm quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) Khe Bu đã đầy những khó khăn. Mưa xối xả, con đường uốn lượn trên sườn núi trơn như mỡ, phía dưới là vực sâu hun hút. Con “ngựa sắt” Minxcơ rú ga nhích từng tí một để vượt dốc. Chỉ cần sơ sểnh là coi như “thanh lý hợp đồng với tính mạng”. Đoạn sắp vào bản Bu hiện ra con sông lớn, nước cuồn cuộn ngầu đỏ. Tôi hỏi sông gì vậy? La Văn Mai (dân bản địa) nói: “Đây là Khe Choăng, nước lũ về nó phình to như dòng sông ấy.” Phía bờ bên kia thấy chòng chành chiếc bè nứa tấp đầy xe máy và trên chục con người. Một phụ nữ đang gồng tấm thân gầy còm, kéo đu chiếc dây nối bè nứa với cáp treo để vào bờ. Bè nứa mong manh, nước suối sôi sùng sục trông mà kinh hãi. Anh cán bộ kiểm lâm nói: “Nhà báo muốn vô Trạm thì phải liều thôi.” Tôi nhảy lên bè nứa rùng rình trôi ra giữa dòng suối, sóng to, xoáy to bè nứa chao đảo, phía hạ lưu là cả một bãi đá lởm chởm giữa dòng. Cáp treo mà đứt va vào bãi đá ấy tất cả sẽ tan tành.
Cuối cùng chúng tôi cũng vượt được con suối hung dữ vào Trạm QLBVR Bản Bu (thuộc địa phận bản Bu) trời đứng bóng. Nơi đây là bản cuối cùng xa nhất và khó khăn nhất của người Đan Lai. Có vào đây mới biết được những gian truân của những người gác rừng ở Khe Bu. Anh Nguyễn Huy Hoà - Trạm trưởng trạm QLBVR bản Bu kể: Tại đây không có điện lưới, phải dùng “điện cù” đặt dưới khe để thắp sáng, coi ti vi, nhưng cũng phập phù lắm. Có khi đang xem ti vi thì tắt ngấm, hoá ra nước lũ về đột ngột “điện cù” bị cuốn trôi. Nhiều hôm mưa gió bị cô lập thành ốc đảo, lương thực dự trữ bị hết phải vay gạo, vay sắn của bà con để ăn. Có lần chúng tôi phải liều mình bám dây cáp treo, đánh đu sang bên kia bờ khe Choăng để tiếp ứng lương thực vì mùa lũ lớn bè nứa vừa ra giữa dòng đã bị cuốn trôi. Đi tuần rừng về tranh thủ thời gian anh em cán bộ trạm lại tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi gà, cải thiện thêm bữa ăn.
Tác giả đi bè nứa vượt Khe Choăng để vào bản Bu.
Trạm QLBVR Khe Bu có 7 kiểm lâm viên mà quản lý diện tích rừng lớn nhất VQG Pù Mát. Quản lý 18 tiểu khu, trên 25.000 ha rừng. Theo quy định của Nhà nước thì phải cần tới 50 cán bộ kiểm lâm để quản lý diện tích trên. Dù đối mặt với nhiều gian khó, thách thức nhưng cán bộ kiểm lâm nơi đây vẫn luôn thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng. Đã có những chiến sĩ kiểm lâm đổ máu, hi sinh vì đại ngàn Pù Mát thân yêu. Như anh Cao Anh Tuấn nguyên là Trạm trưởng Trạm QLBVR Bản Bu. Năm 2009 trong những lần đi tuần tra rừng dầm mưa dãi nắng, sên vắt, muỗi rừng anh bị lên cơn sốt nặng, đã vĩnh viễn nằm lại nơi đại ngàn xanh Pù Mát. Trước đó năm 2008 anh Hà Lam bị chết do sốt rét rừng. Còn nhiều trường hợp bị lâm tặc xô xát, chống đối khiến cho nhiều kiểm lâm vẫn để lại trên mình thương tích.
Đêm tuần tra giữa đại ngàn Pù Mát
Thời điểm chúng tôi ở Trạm QLBVR bản Bu cách đó một ngày vừa xảy ra vụ, 3 lâm tặc người bản Nà là Lô Văn Ninh, Vi Văn Ngọ, Lô Văn Tuấn ngang nhiên dùng cưa xăng chặt phá rừng. Khi cán bộ bảo vệ rừng phát hiện thì chúng chống cự quyết liệt, còn liều lĩnh cướp súng của người thi hành công vụ. Cán bộ kiểm lâm và bộ đội Đồn biên phòng Châu Khê đã nhanh chóng bao vây truy bắt được các đối tượng trên. Anh Hoà nói: Địa phận này đang mở mới tuyến đường biên giới đi xuyên qua vùng lõi VQG trên 22 km. Lâm tặc thường xuyên lợi dụng để vào chặt trộm gỗ nên anh em phải phối hợp với Đồn biên phòng Châu Khê tuần rừng thường xuyên.
Lên với Bản Bu lần này chúng tôi xin được đi theo cùng cán bộ kiểm lâm tuần rừng, xuyên qua đại ngàn Pù Mát. Trước lúc lên đường tôi thấy các anh chuẩn bị cho chuyến đi rừng khá công phu. Gồm lương thực, thực phẩm gạo và cá khô, bật lửa, võng, bạt… ai nấy đều phải quấn xà cạp để tránh rắn rết và sên vắt. Đoàn chúng tôi lên đường gồm 5 người, trong đó có chiến sĩ biên phòng Lê Đình Tạo khoác thêm khẩu súng AK. Anh Nguyễn Đình Tiến – Đội phó đội cơ động VQG Pù Mát cho biết: Kinh nghiệm đi rừng luôn phải mang theo dao mẹo, để mà chặt cây mở đường đi, chặt nứa dựng lều, mang theo la bàn vì khi trời mưa máy định vị mất tín hiệu không thể sử dụng được là lạc rừng.
Tuần tra trên rừng nguyên sinh đoạn Khe Phường-Khe Ngoạ.
Sáng tinh sương tiết trời đại ngàn giá lạnh, sương mây dày đặc chẳng thấy rõ mặt nhau. Chúng tôi lội xuống khe Choăng nhằm lên đỉnh núi hùng vĩ phía xa mờ mà đi. Khe Choăng lổn nhổn đá trơn nhẫy, đi không khéo là trượt chân ngã đập đầu vào đá. Chúng tôi bám nhau xuyên dưới rừng cây. Càng lên cao thượng nguồn khe Choăng càng lắm gập gềnh, đá sắc nhọn. Tôi cảm giác như đang lạc vào hang sâu dài và kỳ bí, bởi cây rừng phủ kín có đoạn tối om. Cuốc bộ đến gần trưa chân tay tôi rã rời nhưng vẫn phải cố bám đội hình, vì từng nghe kể về nhiều chuyện lạc rừng Pù Mát mà sởn cả gai ốc. Trước khi hành trình vào đây anh Trần Xuân Cường - Phó giám đốc VQG Pù Mát cảnh báo: “Đường rừng chỉ một lối” nhà báo nhé! Năm trước một chiến sĩ vừa tốt nghiệp đại học quân sự quê ở Vinh cùng đi theo đoàn tuần tra Pù Mát. Mỏi chân chỉ ngồi nghỉ một tí mà đã bị lạc rừng. Đoàn kiểm lâm phải tìm kiếm đến 2 ngày mới phát hiện ra anh ta đang nằm trong một bụi cây, mặt xanh xao cắt không ra máu. Mấy ngày hoảng loạn, trong tay chỉ có mỗi ống bật lửa, không có dao để đào củ ăn, nếu không tìm được chắc cậu ta sẽ chết đói nơi rừng sâu. Vì vậy kinh nghiệm đi rừng là phải bám đoàn vì đường rừng rất nhiều lối mòn giống nhau, đội hình đi tuần có khi dài 30 - 40 mét nên không thể chờ nhau, chỉ cần đường cong khuất bóng là lạc ngay.
Đúng 11h30 Đoàn dừng chân tại một gốc cây trẩu đại thụ, nhóm lửa nấu ăn, bữa cơm chỉ có cá khô mà ai nấy đều ăn rất ngon lành. Nghỉ ngơi đúng 1 tiếng đồng hồ là Đoàn phải hành trình để kịp đến khe Đá Mài nghỉ đêm. Chiều buông, mưa rừng rả rích, gió hú lên từ đại ngàn nghe chợn rợn, mơ hồ. Hành trình bám khe Choăng vào đại ngàn Pù Mát mùa mưa lũ rất hiểm nguy, có khi mưa rừng ở Lào về lũ lên bất ngờ không kịp trở tay. Năm trước tại Khe Choăng đã có chiến sĩ kiểm lâm bị nước lũ cuốn trôi mắc kẹt vào cành cây may có dân bản cứu giúp. Anh Lê Văn Tạo chiến sĩ biên phòng nói: “Cả ngày luồn rừng, lội suối, nửa người từ thắt lưng trở xuống lúc nào cũng ướt đầm. Đã đi tuần rừng thì cả tuần, đừng nói chuyện đánh răng, tắm rửa, vì lên núi cao nước rất hiếm, chỉ để dành nấu ăn và uống.”
Vượt qua những vách đá cheo leo hiểm trở, đến được khe Đá Mài trời tối sầm. Anh em ai nấy đều thấm mệt, người đi tìm củi, người vo gạo nấu cơm, người chặt nứa mắc võng. Địa điểm chúng tôi nghỉ đêm ở lưng chừng núi, bởi ở dưới Khe Choăng nửa đêm lũ về có khi mất mạng. Anh Tiến đang nhóm bếp nói: Nếu không biết cách nhóm bếp có khi mất cả 2 tiếng đồng hồ lửa cũng không bén vì ở đây rừng rậm ẩm ướt. Củi ướt thì phải dùng dao đẽo ra lấy lõi khô, sau đó lấy miếng lốp hoặc săm xe để nhóm. Chỉ hơn 30 phút chúng tôi đã quây quần bên bữa cơm đạm bạc ấm cúng. Mưa rừng bỗng kéo đến, ban đầu còn lơi lả, sau đó kéo đến quất ràn rạt, ai nấy đều nằm trong võng, phía trên che phủ ni lông. Gió và mưa ngày càng dữ tợn. Trong đêm mưa rừng chúng tôi nằm nghe những câu chuyện phiếm, những câu chuyện như bước ra từ trong cổ tích. Chuyện về các loài thú, về những người đi tìm trầm bỏ mạng nơi rừng hoang… Lần đầu tiên ngủ nơi rừng sâu, suối thẳm tôi không ngủ được vì gió rừng thổi nghe ghê rợn, cả cánh rừng cứ ầm ào như thác đổ. Anh Tiến thức giấc đốt đống lửa để sưởi ấm và đề phòng thú dữ. Vừa chợp mắt bỗng thấy khắp người ngứa râm ran. Anh Tạo cười: Nhà báo bị con mằn hăn cắn đó, nó đốt xuyên qua cả áo quần, rồi bò vào người rất khó chịu.
Sáng thức giấc, mây vấn vít núi, tiếng vượn hót nghe thật lạ tai, mọi người ăn vội lương khô rồi lại thu dọn lên đường. Trong quá trình tuần tra các chiến sĩ kiểm lâm, biên phòng cùng có sự phối kết hợp, hỗ trợ nhau. Vừa thăm dò, tháo gỡ bẫy thú giăng mắc khắp nơi giữa đại ngàn, nếu phát hiện lâm tặc thì nhanh chóng có phương án xử lý. Mấy năm nay do tuần rừng đều đặn, lực lượng tuần tra ngày đêm chốt chặn tại cửa rừng nên lâm tặc cũng dè chừng, nhiều lâm tặc đã phải chuyển nghề. Đi miên man giữa đại ngàn Pù Mát, bên sườn của đỉnh Pù Xam Liệm, thấy bạt ngàn những thân cây mấy người ôm không xuể. Anh Tạo cho biết: Chúng ta đang đi trên độ cao trên 1.500 m so với mực nước biển. Nhờ máy định vị mà chúng tôi xác định được mình đang ở đâu và sẽ đi theo hướng nào. Đây là khu vực rừng lùn, để chống chọi với độ cao, bão gió nên cây mới “lùn” lại. Anh Hoà - Trạm trưởng cho hay: Chỉ tiêu của VQG Pù Mát giao mỗi cán bộ kiểm lâm phải tuần tra từ 5 - 7 ngày, không thể ai làm dối được. Vì khi đi tuần tra máy định vị đưa đi theo đã được “cài chíp”, đi đến tiểu khu nào thì máy đều tự động báo. Mỗi chuyến tuần rừng xong chỉ cần nạp lại phần mềm, lãnh đạo đơn vị bỏ vào máy vi tính kiểm tra là biết được các anh em đi đến đâu.
Cứ leo ngược dốc lại thả dốc, trời tối nhanh như một cái phẩy tay chúng tôi mới tới được Khe Chát. Lại lặng lẽ dựng lều, bữa cơm chiều đạm bạc. Lại một đêm mưa rừng không ngủ.
Tôi về tới miền xuôi rồi mà vẫn nhớ da diết đại ngàn xanh Pù Mát !
Văn Trường