Kỳ 2: Buồn trên đất "vàng vui"

18/07/2013 17:25

(Baonghean.vn) - Hệ lụy mà gia đình ông Kim Văn Niết đang phải hứng chịu chỉ là một trong rất nhiều nỗi buồn trên vùng...

> Kỳ I: Cắm Muộn - Nơi tài nguyên vàng không còn là ẩn số

Ông Lữ Thanh Bình – Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn đã nói rằng, sự phức tạp bắt nguồn từ năm 2010, khi Cty InnovGreen thực hiện dự án trồng rừng trên vùng đất Cắm Muộn. Nhưng câu chuyện buồn trên đất “vàng vui" chỉ thực sự bắt đầu từ khi có sự tham gia khai thác khoáng sản vàng của 3 Công ty CP xuất nhập khẩu Tân Hồng, Công ty TNHH Bắc Sơn và Công ty CP văn hóa và truyền thông Lạc Việt.

Theo đó, ngày 21/3/2011, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 814/QĐ-UBND.TN cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty CP xuất nhập khẩu Tân Hồng. Tổng diện tích được cấp phép là 112,1 ha trên địa bàn 2 xã Quang Phong và Cắm Muộn - huyện Quế Phong. Trong đó, khu vực khai thác xã Cắm Muộn có diện tích 57,4 ha. Ngày 25/6/2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2379/QĐ-UBND.TN cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Cty TNHH Bắc Sơn; Khu vực khai thác thuộc xã Quang Phong với diện tích 15,89ha; trữ lượng mỏ 34 kg.

Tiếp đó, ngày 30/6/ 2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2521-QĐ/UBND-TN cấp giấy phép khai thác khoáng sản vàng cho Công ty CP văn hóa và truyền thông Lạc Việt tại khu vực xã Cắm Muộn với diện tích 17,05 ha; trữ lượng mỏ xin khai khác 19,5 kg. Tất cả các đơn vị này được cấp phép thời hạn khai thác 5 năm. Với Công ty TNHH Bắc Sơn, dù chỉ được cấp phép khai thác vàng tại địa bàn xã Quang Phong, song do đã mua lại cổ phần của Công ty CP văn hóa và truyền thông Lạc Việt nên cũng thực hiện việc khai thác vàng tại Cắm Muộn.

Thực tế cho thấy, sự có mặt của các công ty, doanh nghiệp tại Cắm Muộn đã không mang đến sự phát triển về KT-XH mà lại góp phần làm cho vùng đất vàng trở nên phức tạp và bất ổn hơn. Hàng loạt máy móc, thiết bị, phương tiện được chuyển đến và ầm ì đào bới trên nhiều khe suối đã làm cho tâm lý người dân vốn xưa nay chỉ quen với sự bình lặng trở nên xáo trộn. Khe Quyè, khe Lạc, khe Máy... đâu đâu cũng đục ngầu nước đỏ do hoạt động khai thác vàng. Nhiều diện tích ruộng nương trong vùng còn được người dân bán lại cho doanh nghiệp làm vàng. Và chưa bao giờ cuộc sống của bà con các bản làng bên dòng sông Quàng - Cắm Muộn lại ồn ào, gấp gáp đến vậy. Các doanh nghiệp và những cỗ máy khai thác khoáng sản vàng trở thành “kẻ” khai hóa dân cư. Nhiều người dân cho rằng, họ đã sinh sống, bám trụ trên đất rừng, khe suối từ bao đời nay nên vàng trên mảnh đất này không thể dành riêng cho các doanh nghiệp vào khai thác.

Vậy là từ chỗ khai thác vàng thủ công, bằng nhiều hình thức khác nhau, người dân đã đổ xô mua sắm máy móc tham gia đào đãi vàng. Cộng đồng dân cư Cắm Muộn đã hình thành nhiều tổ, nhóm cùng góp vốn mua máy khai thác. Người bán trâu, kẻ bán lợn, cầm cố sổ đỏ nhà đất…bất chấp sai trái, tất cả hướng đến duy nhất một mục tiêu, đó là vàng! Không có kỹ thuật và kinh nghiệm “tăm” mỏ nhưng dân đào vàng đã có các doanh nghiệp để mượn hơi, “ăn xái”. Doanh nghiệp khai thác vàng đi đến đâu, dân đào vàng theo đến đó. Những dòng khe bị xới tung, nhiều bờ vùng, bờ thửa bị biến thành hang, hốc. Do làm ăn không hiệu quả và tình hình thì quá phức tạp nên cả 3 công ty đều đã tháo lui. Trong đó, chỉ có Công ty CP xuất nhập khẩu Tân Hồng có biên bản kiểm tra thực địa khu vực mỏ và xin trả lại giấy phép khai thác khoáng sản. Còn Công ty TNHH Bắc Sơn và Công ty CP văn hóa và truyền thông Lạc Việt thì lặng lẽ di chuyển phương tiện, máy móc ra khỏi địa bàn.

Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn Lữ Thanh Bình cho biết, khi rời Cắm Muộn, Công ty Bắc Sơn rút theo đường xã Quang Phong, không báo với chính quyền xã. Trước khi đi Công ty TNHH Bắc Sơn còn chưa thực hiện xong 3 công trình Nhà văn hóa cộng đồng, 1 đường điện vào bản Quyè, 1 trường tiểu học như đã hứa với người dân Cắm Muộn...

Nhưng tất cả những điều đó đã không còn quan trọng nữa, người dân Cắm Muộn đã có thể chủ động tìm kiếm giấc mơ cho mình. Từ chỗ khai thác vàng thủ công và chỉ khi thật sự cần một món tiền để dựng nhà, cưới vợ hay lễ tết mới khai thác vàng thì nay họ đã có thể làm chủ được 2 công nghệ khai thác là vận hành máy Đông Phong hút đất, sàng lọc vàng cũng như sử dụng xianua, thủy ngân để phân kim… Không những thế, họ đã liên kết với nhiều đối tượng ngoài địa bàn, ngoại tỉnh để hình thành những tổ, nhóm khai thác vàng thổ phỉ hoạt động hết sức manh động. Đặc biệt với sự xuất hiện và tham gia của một nhóm đối tượng “chuyên tăm vàng” đến từ tỉnh Thái Nguyên, với sự hậu thuẫn, che dấu của dân bản địa đã khiến cho tình trạng khai thác vàng trái phép trở nên hỗn loạn.

Đỉnh điểm bắt đầu từ cuối năm 2012, khi dân “tăm” vàng Thái Nguyên tìm thấy nẹp vàng (vàng gốc, là nơi xuất phát của vàng sa khoáng khi theo độ dốc chảy đến các khe, suối) trên núi khe Háng. Theo nhiều người dân địa phương cho biết, người cầm đầu tìm thấy nẹp vàng trên đỉnh Huồi Háng là ông Vi Văn Bằng, người Thái Nguyên có người vợ thứ hai ở huyện Tương Dương (Nghệ An). Không ai biết đích xác khối lượng vàng được tìm thấy trên núi huồi Háng, kẻ thì nói trên một tạ, người nói vài chục cân. Nhưng điều này đã khiến cho giấc mơ giàu sang của các nhóm “vàng tặc” trở nên rõ ràng hơn, và họ cứ nhằm Huồi Háng thẳng tiến! Và đâu chỉ có "vàng tặc" bản địa mà dân đào vàng tứ xứ cũng đổ về Cắm Muộn, trong đó, đông nhất là các nhóm "vàng tặc" đến từ tỉnh Thái Nguyên. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn Lô Văn Vinh, lúc cao điểm có đến 400 – 500 đối tượng đến từ vùng đất chè đặc sản. “Người Thái Nguyên đông ngang dân bản, không phân biệt được” – ông Vinh cho biết.

Ở Cắm Muộn, nếu như trước đây nhiều gia đình chưa làm vàng, sau sự kiện tìm thấy vàng gốc thì nay cũng thành lập tổ nhóm, vay mượn góp tiền bạc, mua sắm máy móc lên núi Huôi Háng thử vận may. Với một ngọn núi khoảng 2 ha, có thời điểm tập trung trên 1000 người. Như một sự tất yếu, có cầu ắt có cung. Các quán hàng, dịch vụ ăn theo ùn ùn mọc lên, thậm chí đỉnh Huồi Háng còn xuất hiện nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, mại dâm. Đặc biệt bất cứ ai cũng có thể trao đổi, mua bán vàng ngay tại chỗ. Bà chủ hiệu vàng Phong Vân (thị trấn Kim Sơn, Quế Phong) nói rằng, bà không nhớ được đã mua bao nhiêu cây, bao nhiêu lượng vàng từ dân làm vàng Cắm Muộn. Bà này cũng cho biết đã từng nhiều lần mua vàng của ông Vi Văn Bằng (Thái Nguyên). “Không nhớ được đâu, lúc thì 20 cây, lúc thì 30 cây. Nói chung người ta mang bán là mình mua. Tùy theo tuổi vàng để xác định giá cả…” - bà chủ hiệu vàng Phong Vân nói.




Các lực lượng công an thực hiện nhiệm vụ tại núi Huồi Háng.

Chồng đào vàng, vợ gùi lương thực, thực phẩm, người già, con nhỏ ở lại bản trông coi nhà cửa. Đây dường như là mô hình mới của nhiều gia đình trong cộng đồng dân cư Cắm Muộn. Nhưng cho dù đã tập trung nhân lực và vật lực thì số người tìm được vàng, trở nên giàu có chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn số người chồng chất nợ nần thì ngày một nhiều thêm. Bà Lô Thị Quê ở bản Cắm Nọc cho biết, để theo đuổi giấc mộng vàng, gia đình bà đã phải bán nhiều tài sản, thậm chí vay nóng tới 330 triệu đồng. Lãi suất được tính theo ngày với mức: vay 100 nghìn thì phải trả 10 nghìn. Nghĩa là với món tiền vay 330 triệu đồng, một tháng gia đình bà phải trả lãi suất lên tới 33 triệu đồng. Vấn đề là nhóm đào vàng do gia đình bà Lô Thị Quê làm chủ chưa kiếm được mẩu vàng nào cả, trong khi vẫn phải lo chuyện ăn uống cho 15 thành viên tham gia. Đôi mắt đã trũng sâu vì lo lắng, nhưng bà Quê vẫn hy vọng: “nếu cho làm thì sẽ trả được…”.

Ở núi Huồi Háng, đã có trên 200 giếng, hầm được tạo ra với chằng chịt đường ngang, lối dọc dưới lòng núi. Trước bối cảnh phát sinh nhiều vấn đề phức tạp tại núi Huôi Háng, UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Quế Phong và các đơn vị liên quan tiến hành nhiều biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Khoáng sản. Với sự hỗ trợ của Công an tỉnh, UBND huyện Quế Phong, xã Cắm Muộn đã tổ chức các đợt đẩy đuổi, truy quét các tổ nhóm vàng tặc.



Các đối tượng khai thác vàng trái phép rời khỏi bãi vàng.



Nổ mìn đánh sập các hầm, giếng vàng trên Huồi Háng

Từ ngày 29/6 đến ngày 2/7/2013, lực lượng chuyên trách đã tiến hành vận động tuyên truyền, tháo dỡ lều bạt của các đối tượng khai thác vàng trái phép và nổ mìn đánh sập nhiều giếng, hầm trên núi Huôi Háng, song tình hình không lắng dịu được bao nhiêu. Nhiều tổ nhóm, đối tượng có hành vi chống đối, cản trở hoạt động của lực lượng thi hành công vụ, đe dọa, khủng bố tinh thần đối với cán bộ địa phương.

Thậm chí, ở thời điểm hiện tại, với lập luận, Huồi Háng thuộc địa bàn xã Cắm Muộn, từ xưa đến nay người dân địa phương đã gắn bó với vùng đất này nên được quyền khai thác vàng. Bên cạnh đó, mỏ vàng trên núi khe Háng là do người bản địa tìm thấy nên cơ quan chức năng không thể đuổi họ để tạo điều kiện cho Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Vũ Trường Giang (là doanh nghiện đang từng bước được các cơ quan có thẩm quyền tạo lộ trình cấp phép khai thác vàng khoáng sản tại núi Huôi Háng) vào khai thác.




Một số đối tượng manh động thách thức cơ quan chức năng.

Ông Lô Văn Hát (ở bản Cắm Pỏm) - đảng viên, đại biểu HĐND xã Cắm Muộn khi được hỏi đã cho biết, những người tham gia khai thác vàng ở 3 bản Cắm đòi hỏi phải được doanh nghiệp đền bù số kinh phí họ đã bỏ ra, nếu không sẽ tiếp tục vào bãi vàng quấy phá và sẽ không có chuyện dừng lại. Thực tế, để chống đối chính quyền và lực lượng chức năng, các tổ nhóm, đào đãi vàng trái phép ở Cắm Cáng, Cắm Pỏm và Cắm Nọc đã nhiều lần hội họp và thống nhất với nhau về các phương án tranh chấp, gây bất ổn ở bãi vàng Huồi Háng. Họ tìm kiếm sự ủng hộ trong cộng đồng dân cư bằng cách gây sức ép lên từng cá nhân, gia đình.

Trên chuyến xe khách cuối ngày từ Quế Phong trở về thành phố Vinh, bất ngờ chúng tôi gặp lại cô sinh viên năm thứ hai trường Đại học Vinh có tên Vi Thị C. C chính là người chúng tôi đã từng gặp trên bãi vàng Huôi Háng khi em giúp bố bán hàng. Trong một buổi chiều muộn, C chia sẻ: “Họ đến từng nhà kêu mọi người theo lên núi Huôi Háng. Không đi thì bị chửi bới, nói gần nói xa. Không biết bản làng em bao giờ mới yên đây….”.


Nhật Lân – Đào Tuấn

Mới nhất
x
Kỳ 2: Buồn trên đất "vàng vui"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO