Kỳ 2: Điều tra, xử lý các vụ cháy rừng còn nhiều khó khăn

27/07/2011 09:47

Trên thực tế, các khu rừng hiện nay đều có sự phân công quản lí của các lâm trường và các hạt kiểm lâm. Tuy vậy, phần lớn các vụ cháy rừng từ trước đến nay đều chưa thể xác định nguyên nhân rõ ràng và truy cứu trách nhiệm cụ thể. Điều này cho thấy việc điều tra và khởi tố các vụ cháy rừng còn nhiều khó khăn, thử thách.


Trên thực tế, các khu rừng hiện nay đều có sự phân công quản lí của các lâm trường và các hạt kiểm lâm. Tuy vậy, phần lớn các vụ cháy rừng từ trước đến nay đều chưa thể xác định nguyên nhân rõ ràng và truy cứu trách nhiệm cụ thể. Điều này cho thấy việc điều tra và khởi tố các vụ cháy rừng còn nhiều khó khăn, thử thách.

Đơn cử vụ cháy rừng ở xã Nam Kim huyện Nam Đàn diễn ra trong 2 ngày 7 và 8/7/2010 làm thiệt hại khoảng 200ha rừng phòng hộ. Mặc dù ngay khi còn hiện trường, lực lượng công an đã lập tức vào cuộc điều tra, nhưng đến nay vẫn chưa thể tìm ra manh mối. Theo Đại úy Hoàng Nghĩa Thanh, nguyên quyền Đội trưởng Đội CS điều tra tội phạm về Kinh tế - Chức vụ và Ma túy, người trực tiếp điều tra vụ cháy rừng này cho biết: Đây là vùng giáp ranh, đám cháy lại lan từ xã Sơn Tiến (Hương Sơn, Hà Tĩnh) sang xã Nam Kim (Nam Đàn, Nghệ An) nên địa bàn điều tra khá rộng. Tổ điều tra được huy động tối đa lực lượng, bám địa bàn trong nhiều ngày liền, sang tận xã Sơn Tiến (nơi khởi nguồn đám cháy) để thu thập chứng cứ. Không nhận được sự phối hợp nào nên trong suốt 2 tháng trời (thời hạn có hiệu lực điều tra của một vụ cháy rừng), lực lượng điều tra chỉ có vài thông tin ghi vào sổ tay và không ghi nổi biên bản vì sau khi chắp nối thông tin thì không có người dân nào chịu đứng ra làm chứng.

Thượng tá Trần Văn Khang, Phó Trưởng Công an huyện Diễn Châu, người trực tiếp chỉ đạo công tác điều tra vụ cháy rừng xảy ra vào ngày 7/3/2009 tại địa bàn xóm 13 xã Diễn An, làm thiệt hại 17,88ha rừng sản xuất thì, công tác điều tra thủ phạm gây cháy rừng là một trong những loại án phức tạp, khó khăn nhất, bởi hiện trường sau khi đám cháy được dập tắt đã bị xáo trộn, dẫn đến dấu vết để xác định chất gây cháy, nơi xảy ra cháy đầu tiên hoàn toàn bị xóa sạch. Nếu điều tra nóng mà không ra thì càng về sau càng đi vào bế tắc, và nếu phát hiện được thì cũng rất khó xử lý...

Thông thường, thời điểm dễ xảy ra cháy rừng ở tỉnh ta kéo dài trong 10 tháng, bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến tháng 8 năm sau. Trong đó, cao điểm mùa cháy kéo dài khoảng 4 đến 5 tháng (từ tháng 4 đến tháng 8), bởi khi đó gió mùa Tây Nam (gió Lào) khô nóng thổi với cường độ mạnh. Nhiệt độ ngoài trời có thể lên tới 45 độ C, độ ẩm không khí luôn dưới 30% làm cho thảm thực vật dưới tán rừng, cành khô, lá khô, rất dễ bắt lửa và gây ra cháy lớn.

Ngoài nguyên nhân khách quan, thì nguyên nhân chủ quan của các vụ cháy rừng là sự tác động của con người, như việc bất cẩn trong khi dùng lửa trong rừng (đốt o­ng, hút thuốc); do đốt nương rẫy làm cháy lan sang rừng; thậm chí là đốt rừng do mâu thuẫn... Ví như vào tháng 7/2007 tại xóm 16 (xã Khánh Sơn) đã xẩy ra một vụ cháy rừng tại Khe Sung làm thiệt hại 10,57ha rừng, khi lực lượng công an vào cuộc thì phát hiện đây là vụ đốt rừng có chủ mưu, bằng các nghiệp vụ điều tra đã xác định danh tính 3 đối tượng: Phạm Viết Nghĩa (SN 1977; Phạm Văn Kỷ (SN 1977) và Nguyễn Minh Hoan (SN 1974), cả ba đều trú tại xã Khánh Sơn. Trước chứng cứ còn sót lại tại hiện trường là một mồi hương không cháy (mồi lửa được làm từ mấy cây hương chụm lại, bên dưới được buộc nhiều que diêm, đặt tại điểm dễ cháy), cùng lời khai của một số nhân chứng, 3 đối tượng này đã phải cúi đầu khai nhận hành vi đốt rừng.

Đây là vụ án trọng điểm trên địa bàn nên sau khi hoàn tất hồ sơ, một phiên tòa xét xử lưu động đã được tổ chức ngay tại xã Khánh Sơn với tổng cộng mức án cho ba đối tượng là 18 năm tù giam và buộc bồi thường 131 triệu đồng. Đặc biệt, từ khi vụ án phá rừng này được làm sáng tỏ đến nay, trên địa bàn xã Khánh Sơn đã không xẩy ra vụ cháy nào nữa, dù trước đó cháy rừng liên tiếp xẩy ra.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong số những trường hợp phá rừng hiếm hoi bị phát hiện và xử phạt trên địa bàn toàn tỉnh từ trước đến nay, bởi theo như ông Nguyễn Văn Bính (Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An), những vụ án được điều tra xử phạt như thế này còn rất ít. Từ năm 2009 đến nay, ngoài xử lý hành chính 4 vụ (trong đó phạt tiền 3 vụ, và buộc gia đình khắc phục hậu quả 1 vụ do thủ phạm chưa đến tuổi vị thành niên), có 2 vụ cháy rừng đã bị khởi tố hình sự, tuy nhiên, cơ quan công an vẫn không thể tìm ra được thủ phạm. Chính vì vậy, hiệu quả điều tra cháy rừng chỉ đạt khoảng 30%.

Thông thường, sau khi xẩy ra cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm sẽ chỉ đạo các đơn vị Kiểm lâm huyện nơi xẩy ra cháy, cùng phối hợp với lực lượng công an, Viện KSND, các ban, ngành liên quan tiến hành khám nghiệm hiện trường xác định diện tích rừng bị thiệt hại, tiến hành thu thập chứng cứ để xử lý. Đối với những vụ cháy rừng gây thiệt hại về diện tích rừng, tuỳ theo từng mức độ mà có thể bị xử phạt hành chính từ 3 triệu đến 50 triệu đồng.

Và cũng cần phải nói thêm rằng, việc giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng cho cá nhân, đơn vị, địa phương đã được tiến hành, thế nhưng việc quy trách nhiệm mỗi khi cháy rừng xẩy ra lại chưa được thực hiện. Ví như vụ cháy rừng tại xã Nam Kim (Nam Đàn), thuộc khu vực quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đàn là vụ cháy gây thảm hoạ nghiêm trọng, nhưng đến nay vẫn chưa quy kết được trách nhiệm... Điều này chính là trở ngại lớn cho công tác điều tra xử lý vi phạm đối với các vụ cháy rừng.


T.L- Đ.C

Mới nhất
x
Kỳ 2: Điều tra, xử lý các vụ cháy rừng còn nhiều khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO