Kỳ 2: Quần thể đền đài kỳ bí

13/03/2014 11:16

(Baonghean) - Sau một ngày đêm cảm nhận thủ đô Phnôm Pênh, đoàn chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình xuôi theo đường bộ đi thành phố Siêm Riệp. Đến thành phố du lịch của đất nước Campuchia, tất cả sự mong chờ được dồn vào điểm đến quần thể đền Angkor, 1 trong 7 kỳ quan thế giới còn sót lại.

Ngã ba “côn trùng”

Trên con đường di sản (Quốc lộ 6) từ Phnôm Pênh đi Siêm Riệp, ngã ba Skun ở giữa lộ trình được coi là khu chợ bán thức ăn nhanh là côn trùng bắt được trong vùng. Khi đoàn du khách đến, chợ “côn trùng” trở nên sôi động bởi các bà, các mế và các em nhỏ tiến đến chào mời mua “đặc sản” là côn trùng. Ở đây đồng USD được sử dụng giao dịch là chính, song tiền Việt, tiền ria của Campuchia cũng được trao đổi bình thường. Nhiều người trong đoàn thích thú trải nghiệm khi nếm thử thứ “đặc sản” là những con nhện đen to bằng ngón chân cái, chiên mọng mỡ với giá 5.000 đồng Việt Nam. Chị So - người bản địa buôn bán côn trùng tại đây cho biết, giống nhện độc này ngoài tự nhiên khi chưa bẻ răng thì dữ tợn kinh khủng, nhưng khi đã bị thợ bắt nhện bẻ đi hai cái nanh, nhện mất vũ khí chiến đấu nên chỉ còn biết đặt đâu bò đấy, trở thành vô hại, và với dân nhậu thì món nhện chiên là cao cấp nhất trong các loại côn trùng như dế, bò cạp. Mỗi ngày chị bán được chừng 500 con nhện và kiếm lời được chừng 7-10 USD. Ở ngã ba Skun, ngoài món nhện chiên, còn có nhện đen sống bỏ đầy cả xô, con nào con nấy to đen trùi trũi, chân cẳng loằng ngoằng đầy lông nhìn chết khiếp. Lại có cả giống nhện màu hung hung đỏ, dế, cải cuống, nhái, ễnh ương...

Tháp chính tại đền Angkor Wat.
Tháp chính tại đền Angkor Wat.

TIN LIÊN QUAN

Không giống như ở Việt Nam, các loại côn trùng ở chợ Skun không nuôi công nghiệp mà chỉ "gặt hái" ngoài tự nhiên. Vùng "kinh đô" của các loài côn trùng là tỉnh Kompong Cham, cách Thủ đô Phnôm Pênh độ 150 km trên đường hướng về Angkor. Đang mùa khô, dù chưa phải mùa thu hoạch dế, nhưng rải rác khắp các cánh đồng tỉnh Kompong Cham vẫn có những tấm bạt nylon trắng căng ngang, phía trên có treo cái bóng đèn neon bật sáng để dụ dế, nhện...

Kỳ bí quần thể Đền Angkor

Sau khi lạ lẫm với chợ côn trùng, chúng tôi tiếp tục “kinh ngạc” khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự kỳ bí của những ngôi đền mang tên Angkor Wat, Angkor Thom hay Ta Prohm- kỳ quan của thế giới còn nguyên dấu tích một thời bị quên lãng trong rừng già cổ thụ. Angkor Wat sừng sững và kỳ vĩ nổi lên giữa không gian khoáng đạt là hào nước hình vuông dài một cây số rưỡi. Đoàn nhà báo chúng tôi háo hức hòa vào dòng người từ khắp nơi trên thế giới, rảo bước trên con đường được lắp ghép bởi các phiến đá do các người thợ tài hoa của đế chế Awngkor xây dựng gần 1000 năm trước vào thăm đền. Anh Din- hướng dẫn viên người Campuchia cho biết: Angkor Wat là ngôi đền thờ vị thần Visnu được xây dựng dưới thời vua Suriya- warman II (1.113-1.150) của Đế quốc Khmer.

Đây là một di tích quan trọng bậc nhất tại Campuchia, được xem là tuyệt đỉnh của nghệ thuật và kiến trúc độc đáo. Công trình có quy mô đồ sộ được tạo thành bởi những khối đá nặng 2- 3 tấn với những chạm khắc tinh xảo, nằm trong vùng đất rộng khoảng 6 km2. Đền có 5 tháp, tháp chính cao 65m, 4 tháp phụ cao 40m và có 3 tầng, tầng 1 gọi là “địa ngục”; tầng 2 là “trần gian” và tầng 3 là “thiên đàng”. Đền Angkor là một thành tựu kiến trúc huy hoàng, thể hiện một trình độ sâu sắc về thể tích, không gian. Thời bấy giờ, kỹ thuật phong cách kiến trúc còn hết sức giới hạn, việc sử dụng đá lại có tính chất như sử dụng gỗ; những kết cấu có hình bán nguyệt và nóc vòm là những kỹ thuật mà hiện nay đang là một điều bí ẩn - những hiệu quả toàn diện của nó làm cho mọi người phải ngạc nhiên.

Công trình tại đền Ta Prohm.
Công trình tại đền Ta Prohm.

Cách cổng vào đến Angkor Wat 1,7 km về phía Bắc là đền Angkor Thom. Đền Angkor Thom được xây dựng để làm thủ đô vương quốc của vua Jayavarman VII, thế kỷ 12. Bước chân vào quần thể “cấm thành” Angkor Thom, chúng tôi như lạc vào rừng tượng 4 mặt cười ở đền Bayon, đặc biệt không nụ cười nào giống nụ cười nào, mê đắm với những điệu múa uyển chuyển của tiên nữ Apsara hay thích thú khám phá ra cuộc sống của người Khmer cổ xưa. Cảm xúc chung nhất đọng lại đối với các thành viên trong đoàn là choáng ngợp và ngưỡng mộ những nghệ nhân thời đại Angkor 800-900 năm trước. Các bức tường thành (cao 8m, dài 3 km, bên ngoài là hào nước) bao quanh một khu vực rộng 9 km². Tường thành được xây bằng đá ong với bờ công sự trên đỉnh. Tại mỗi hướng Đông, Tây, Nam, Bắc đều có một cổng thành. Điều đặc biệt là trên mỗi ngọn tháp cao 23m tại các cổng thành (sau này được bổ sung vào công trình chính) có hình các khuôn mặt tượng trưng cho sự quan sát của thần linh về 4 hướng Campuchia.

Các khuôn mặt này có thể đại diện cho chính nhà vua, Quan thế âm bồ tát, các thần hộ vệ các hướng của vương quốc, hoặc một kết hợp nào đó của những vị này. Angkor Thom đã là thủ đô của Đế quốc Khmer cho đến năm 1431, sau khi dời đến Phnôm Pênh năm 1432, và sau đó đến Lovek và Oudong, trước khi dời lại về Phnôm Pênh năm 1866. Người ta kể lại rằng, sau khi những người lính cuối cùng rời bỏ Siêm Riệp, kinh đô Angkor đã bị lãng quên trong rừng suốt 500 năm và được phát hiện bởi những nhà thám hiểm phương Tây vào năm 1860. Đi tìm lời giải về quá trình dựng xây, lịch sử Angkor, chúng tôi được xem chương trình biểu diễn nghệ thuật “Nụ cười Angkor”. Trải nghiệm không gian sân khấu hoành tráng, hiện đại pha trộn ánh sáng laser và màn hình led cỡ lớn với hoạt cảnh hùng tráng, rực rỡ, chúng tôi đã phần nào hình dung được công cuộc dựng xây kỳ quan đền đài Angkor cũng như biến cố lịch sử oai hùng của Đế chế Angkor một thời.

Du khách thưởng thức món ăn tại  chợ “côn trùng”.
Du khách thưởng thức món ăn tại chợ “côn trùng”.

Tiếp đó, đoàn tới thăm đền Phrom nằm trong quần thể kiến trúc Angkor của Campuchia được xây dựng từ cuối thế kỷ XII. Trước kia, Ta Prohm là một tu viện và trường học phật giáo đại thừa. Vào thời vua Jayararman VII, nơi đây từng là nơi ở của 12.000 phật tử. Sau khi vương triều Angkor sụp đổ, đền Ta Prohm cũng dần đi vào quên lãng và bị xâm thực bởi rừng rậm. Đến Ta Prohm, các thành viên trong đoàn thật sự ngỡ ngàng trước những công trình ngổn ngang mà đẹp đẽ của cây chen đá. Chỉ có thể là đôi bàn tay tài tình của tạo hóa mới có khả năng xếp đặt nên vẻ kỳ tích trong sự hoang tàn nơi đây. Cây ở đây được hình thành trên nguyên tắc hạt nẩy mầm trên mái đền. Qua thời gian, bộ rễ của chúng phát triển kỳ dị bám chặt lấy các ngôi đền. Những chiếc rễ to lớn của nó như những con trăn oằn oài thân mình theo bức tường thành dài ngoẵng; có những chiếc rễ cắm thẳng từ trên đỉnh đền xuống, chọc thủng đá ở nóc đền một cách dễ dàng, rồi cắm sâu vào nền đất như đóng chiếc cọc vững chắc cho ngôi đền.

Campuchia có quần thể đền Angkor - 1 trong 7 kỳ quan của thế giới, Việt Nam có Vịnh Hạ Long - 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Ở Campuchia có nhiều người Việt Nam sinh sống và nhiều người thành đạt. Vì vậy, Việt Nam - Campuchia có nhiều thuận lợi để hợp tác trong lĩnh vực du lịch và 2 bên đang phấn đấu để du khách Campuchia đến Việt Nam cũng như du khách Việt Nam đến Campuchia tăng trưởng mỗi năm trên 30%. Điều đó, đang cần sự nỗ lực từ 2 chính phủ..

(còn nữa)

Trâm Anh

Mới nhất

x
Kỳ 2: Quần thể đền đài kỳ bí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO