Kỳ 2: Sa mu - Niềm tự hào Việt Nam
(Baonghean) - Trên dải Trường Sơn hùng vĩ đầy nắng gió ở Pù Mát, quần thể cây sa mu luôn nổi trội so với những loài cây khác, thân cây cao vút và thẳng tắp giữa đại ngàn sâu thẳm. Trong quần thể ấy có một cây sa mu dầu ngàn năm tuổi đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) trao bằng công nhận vinh danh là Cây di sản Việt Nam và cũng là một trong những loài cây hùng vĩ bậc nhất ở Việt Nam.
Ai là người phát hiện ra cây sa mu hùng vĩ ?
Ông Trần Xuân Cường - Phó giám đốc VQG Pù Mát (Nghệ An) kể: Trong chương trình tổng điều tra đa dạng sinh học năm 1998, những người dân bản Tùng Hương, xã Tam Quang (Tương Dương - Nghệ An) cho biết, tại cánh rừng thượng nguồn Khe Bu có cây mậy pẹc (sa mu) cao, to lắm. Đoàn cán bộ VQG Pù Mát đã hành trình tìm cây “mậy pẹc” rất gian lao, hơn chục người gùi theo lương thực, thực phẩm cùng những người dân tộc Thái dẫn đường xuyên rừng. Xuất phát từ Trạm kiểm lâm Khe Thơi xã Tam Quang (Tương Dương) vượt qua những đỉnh núi dựng đứng, tối hạ trại nghỉ tại khu vực Khe Hoi. Bám theo nhiều giông núi khác, đêm thứ 2 đoàn dựng trại tại sườn ngọn núi Pù Xam Liệm hùng vĩ. Trong màn đêm sương giăng, lạnh ngắt, đoàn đã đốt lửa suốt đêm phòng thú dữ. Đến ngày thứ 3, đoàn vượt qua đỉnh núi Pù Xam Liệm và tụt xuống thượng nguồn Khe Bu thuộc địa giới hành chính xã Châu Khê-Con Cuông. Người dân bản địa dẫn đoàn đi trong miên man giữa đại ngàn xanh thẳm, nhưng vẫn chưa thấy sa mu.
Giả thiết đặt ra: hay là đã bị lạc đường đến cây sa mu, hoặc là người ta phao tin đồn có cây to? Đã có những lúc đoàn cán bộ nản lòng, 3 đêm ngủ giữa rừng sương gió lạnh, nhưng cây sa mu vẫn chẳng thấy đâu. Những người dân bản địa đưa đường thì quả quyết là đã từng thấy cả một đám cây mậy pẹc thẳng đứng giữa rừng.
A Ly và cây Sa Mu dầu.
Đoàn người tiếp tục hành trình, khoảng đến gần trưa ngày thứ 4, từ sườn tây của đỉnh Phu Đon Cắn nhìn về hướng đỉnh Pù Mát. Mọi người nhìn thấy phía xa là những quần thể cây sa mu cao chiếm trọn cả tầng trên của cả một vùng rừng nguyên sinh rộng lớn. Đi non một buổi đường nữa gặp tiếp quần thể sa mu khoảng hơn 50 cây, trong số đó có cây sa mu khổng lồ nằm trên đường giông lên biên giới Việt- Lào gần cột mốc số 04. Tất cả mọi người đều choáng ngợp trước cây sa mu to quá cỡ này. Cây được xác định trên 1000 tuổi, cao khoảng trên 70 m, đường kính 5,5 m, chu vi thân 23,7 m. Mặc dù đã từng gặp những cây đường kính đến 3-4 m tại Pù Hoạt và Pù Huống nhưng một số cán bộ khoa học trong đoàn không khỏi ngạc nhiên về cây này. Đây là cây to nhất trong tất cả các cây sa mu dầu ở miền tây Nghệ An.
Trong năm 2010, VQG Pù Mát đã làm hồ sơ, gửi Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường (VACNE), đăng ký cây di sản Việt Nam. Các chuyên gia của VACNE từng luồn rừng nguyên sinh để đến thẩm tra cũng không khỏi ngỡ ngàng trước cây sa mu khổng lồ đến vậy. Cuối năm 2010 cây sa mu dầu được VACNE vinh danh trở thành cây di sản hùng vĩ nhất Việt Nam.
Anh Lê Thành Đô -Phó phòng giáo dục môi trường và Du lịch sinh thái kể: Cây sa mu nằm ở địa thế hiểm trở, nhưng năm 2008 có một thanh niên người Áo tên là A Li (29 tuổi) làm nghề giảng dạy tiếng Anh ở TP-Hồ Chí Minh đã một mình lặn lội về Pù Mát để săn ảnh. Nhưng chuyến đó anh và người dân bản địa dẫn đường bị lạc rừng, phải đến năm 2009 tôi đã cùng với một số cán bộ của phòng khoa học dẫn đường đưa A Ly vào. Đến nơi, A Ly đã không khỏi kinh ngạc thốt lên: “Đã từng đi tham quan nhiều rừng nguyên sinh trên thế giới nhưng chưa bao giờ gặp được cây sa mu dầu khổng lồ như vậy.” A Ly thỏa thích chụp hình cây sa mu dầu dưới mọi góc độ.
Sa mu dầu - loài cây quý hiếm cần được nghiên cứu, bảo vệ
Cây sa mu dầu này mọc ở tọa độ 045330-2100600 có tên khoa học là Cunninghamia konishii Hayata thuộc Họ bụt Taxodiaceae, đồng bào Thái các huyện miền tây xứ Nghệ gọi là cây mậy pẹc. Phân cành cao, tán thưa, hình nón hẹp, không có bạnh, cây sống ở độ cao gần 1000 m so với mặt nước biển, có sức sống mãnh liệt và dẻo dai. Do cao hơn các loài cây khác nên người đi rừng dễ nhận biết để tránh bị lạc rừng. Gỗ mậy pẹc rắn chắc không mối mọt, người Mông thường chẻ ra để lợp nhà bởi gỗ có độ bền trên 50 năm.
VQG Pù Mát có 70 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và danh sách thực vật bị đe dọa trên thế giới cần được bảo tồn. Trong số 70 loài thực vật quý hiếm có một số lượng lớn thuộc ngành hạt trần, đặc biệt là loài sa mu dầu thuộc họ bụt mọc có phân bố rất hẹp ở VQG Pù Mát. Sa mu dầu chỉ phân bố ở một số vùng núi cao của Nghệ An như Pù Hoạt, Pù Mát, Pù Đen Đing, Pù Xai Leng. Các nhà khoa học cũng chưa tìm thấy loài cây này phân bố ở nơi khác trên lãnh thổ Việt Nam và sách đỏ Việt Nam năm 2007 xếp sa mu dầu ở cấp độ VU (loài sẽ nguy cấp). Loài cây này không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có giá trị kinh tế rất cao, sa mu dầu là loại gỗ bền, hoa văn đẹp, được ưa dùng làm các đồ thủ công mỹ nghệ, làm nhà, nên đang là đối tượng dễ bị khai thác. Ngoài giá trị về gỗ, nhựa chảy từ thân cây sa mu còn được người dân địa phương sử dụng làm thuốc.
Cây con sa mu dầu được đào từ rừng ươm về ươm tại VQG Pù Mát
(ảnh tư liệu)
Từ năm 2004-2009, Phòng Khoa học và ợp tác quốc tế đã tiến hành một số cuộc điều tra, nghiên cứu về cây sa mu dầu, bước đầu đã khẳng định được khu vực phân bố của các quần thể sa mu dầu nhưng không tập trung, chỉ rải rác ở thượng nguồn Khe Bu-Tam Hợp-Tam Đình (Tương Dương). Đặc biệt, sự tái sinh về loài cây này gần như không có. Sa mu dầu ở VQG Pù Mát có khu phân bố hẹp, gián đoạn tạo thành những quần thể sa mu dầu gần như thuần loài. Sa mu dầu phân bố thành các quần thể với những cá thể có kích thước rất lớn, đường kính bình quân từ 80 đến 160 cm, chiều cao từ 30-50m, cá biệt có những cây có đường kính khổng lồ 500cm, chiều cao trên 60m; thường mọc hỗn giao với một số loài cây quý hiếm khác như pơ mu, kim giao, sồi phảng ... nhưng nó thường vươn lên chiếm ở vị trí tầng cao. Ông Trần Xuân Cường cho biết thêm: Sa mu dầu xuất hiện tập trung ở khu vực thượng nguồn Khe Thơi, phát hiện được 650 cá thể, các khu vực khác phát hiện được ít hơn như khu vực Khe Tun, thượng nguồn khe Ngõa, Pù Nhông ...
Qua một số nghiên cứu tại VQG cho thấy, sa mu là loài cây quý hiếm, có phân bố hẹp, có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng cao và cần được đưa vào danh sách loài thực vật được ưu tiên bảo tồn. Để có cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn phù hợp đối với loại cây này thì chúng ta cần có những nghiên cứu chuyên sâu về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng và đặc điểm loài cây sa mu dầu làm cơ sở khoa học phục vụ cho vấn đề bảo tồn. Tuy nhiên do điều kiện kinh phí còn hạn hẹp, trang thiết bị phục vụ cho công tác nghiên cứu còn hạn chế nên VQG Pù Mát chưa có điều kiện để chuyên sâu nghiên cứu. VQG Pù Mát rất mong được các cơ quan chức năng, các tổ chức và các viện nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm, hỗ trợ để có những nghiên cứu chuyên sâu về loài cây sa mu quý hiếm làm cơ sở để bảo tồn phát triển nguồn gen quý hiếm này.
Văn Trường