Xây dựng Đảng

Kỳ 3: Để ý Đảng, lòng Dân hòa chung một nhịp

NPV 31/10/2024 09:05

Để nghị quyết không bị “treo”, chủ trương không “cất tủ” thì tiên quyết và quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện. Cán bộ phải nắm vững, nêu gương thực hiện trước; kết hợp tuyên truyền, vận động, giải thích để dân “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát và dân hưởng thụ”. Chỉ khi “Đảng hiểu dân, dân hiểu Đảng” thì ý Đảng, lòng Dân mới hòa chung một nhịp, đồng lòng biến các nghị quyết, chủ trương lãnh đạo của Đảng thành của cải, vật chất.

doimoiphuongthuclanhdao-b3-cover.png
doimoiphuongthuclanhdao-b3-tit.png

Nhóm Phóng viên Thời sự • 31/10/2024

Để nghị quyết không bị “treo”, chủ trương không “cất tủ” thì tiên quyết và quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện. Cán bộ phải nắm vững, nêu gương thực hiện trước; kết hợp tuyên truyền, vận động, giải thích để dân “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát và dân hưởng thụ”. Chỉ khi “Đảng hiểu dân, dân hiểu Đảng” thì ý Đảng, lòng Dân mới hòa chung một nhịp, đồng lòng biến các nghị quyết, chủ trương lãnh đạo của Đảng thành của cải, vật chất.

doimoiphuongthuclanhdao-b3-titphu1.png

Chi bộ Hội nghề cá xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai là mô hình được thành lập dựa trên thực tế của địa phương là các đảng viên làm nghề biển sinh hoạt tại các chi bộ nông thôn gặp không ít khó khăn, do đặc thù đánh bắt trên biển ít nhất 15 ngày mỗi tháng. Thành lập tháng 7/2021, đến tháng 8/2023, Đảng ủy xã Quỳnh Lập đã tiến hành sơ kết 2 năm thí điểm mô hình chi bộ mới, duy nhất ở Nghệ An dành cho đảng viên là ngư dân này.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu dự và phát biểu tại Hội nghị sơ kết 2 năm thí điểm thành lập Chi bộ Hội nghề cá xã Quỳnh Lập -Ảnh Thành Cường
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu dự và phát biểu tại Hội nghị sơ kết 2 năm thí điểm thành lập Chi bộ Hội nghề cá xã Quỳnh Lập. Ảnh: Thành Cường

Về dự sinh hoạt và sơ kết 2 năm thí điểm thành lập Chi bộ Hội nghề cá, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu đánh giá cao hiệu quả hoạt động của mô hình, góp phần tích cực phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt của tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động khai thác, đánh bắt xa bờ và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trên cơ sở đó, đồng chí yêu cầu Ban Tổ chức Tỉnh ủy đánh giá mô hình trên, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, nhân rộng mô hình chi bộ có tính chất tương đồng.

Sự hình thành, hoạt động hiệu quả của mô hình Chi bộ Hội nghề cá ở xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai có vai trò rất lớn của Bí thư Chi bộ Phan Văn Hải.

"Đảng viên phải gương mẫu hơn những người khác, có như vậy bà con mới tin tưởng”, đó là suy nghĩ thường trực của Bí thư Chi bộ Phan Văn Hải, người đã tiên phong đưa nghị quyết ra nơi đầu sóng, ngọn gió, không chỉ bằng lời nói mà bằng cả hành động của mình.

Lãnh đạo thị xã Hoàng Mai trao đổi với đồng chí Phan Văn Hải - Bí thư chi bộ nghề cá Quỳnh Lập
Lãnh đạo thị xã Hoàng Mai trao đổi với đồng chí Phan Văn Hải - Bí thư Chi bộ Hội nghề cá Quỳnh Lập. Ảnh: Thanh Lê
Bí thư Chi bộ Hội nghề cá xã Quỳnh Lập Phan Văn Hải phát biểu tại hội nghị sơ kết 2 năm thí điểm thành lập Chi bộ. Clip: Thành Cường

Đội tàu của 18 đảng viên trong chi bộ rẽ sóng khắp các vùng biển vịnh Bắc Bộ; tiên phong chinh phục ngư trường Hoàng Sa, vừa đánh bắt, khai thác hải sản, vừa khẳng định ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liên của Tổ quốc; tuyên truyền, vận động bà con ngư dân chấp hành chủ trương, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là không khai thác bất hợp pháp (IUU). Nhờ vậy, bên chân sóng Quỳnh Lập, nghề khai thác hải sản ngày càng lớn mạnh, bền vững; chỉ tính riêng năm 2023, trong số tổng giá trị thu được của toàn xã là hơn 1.200 tỷ đồng Hội nghề cá đã có đóng góp đến 70%.

Tàu cá của Hội nghề cá Quỳnh Lập đánh bắt trên ngư trường Vịnh Bắc Bộ. Ảnh: Ngọc Dũng
Tàu cá của Hội nghề cá Quỳnh Lập đánh bắt trên ngư trường Vịnh Bắc Bộ. Ảnh: Ngọc Dũng

Rời miệt biển Hoàng Mai, về với xứ Nhút Thanh Chương, nhắc đến Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Thanh Liên Phan Bá Ngọc, ai cũng tấm tắc về người lãnh đạo, cán bộ, đảng viên mẫu mực, đưa Thanh Liên từ một xã nghèo “vượt đất” thành xã nông thôn mới nâng cao và đang rốt ráo để về đích nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2024.

Trước đây, xã Thanh Liên có hàng chục ha đất sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, dân chán ruộng đồng, tứ tán mưu sinh, đồng chí Phan Bá Ngọc khi đó chưa là người đứng đầu, song với vị trí là đảng viên, cán bộ xã đã đứng ra nhận khoán 2ha trồng cây ăn quả và bí xanh. Hết giờ trên công sở, lại xắn tay lặn lộn với ruộng đồng, cuối cùng đất không phụ lòng người, thu nhập từ nghề nông mang lại hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Sau thành công từ mô hình kinh tế của đồng chí Ngọc, các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã cũng đã học tập và làm theo thành công.

Đồng chí Phan Bá Ngọc (trái ảnh) trao đổi với cán bộ Hội Nông dân tỉnh, huyện Thanh Chương; Mô hình trồng bưởi ở xã Thanh Liên, Thanh Chương. Ảnh: PV
Đồng chí Phan Bá Ngọc (trái ảnh) trao đổi với cán bộ Hội Nông dân tỉnh, huyện Thanh Chương; Mô hình trồng bưởi ở xã Thanh Liên (Thanh Chương). Ảnh: Thanh Lê

“Anh em trong lãnh đạo xã thống nhất với nhau, mình làm cán bộ, nói với dân trồng lúa, cây ăn quả, nuôi con lợn, phòng trừ dịch bệnh là phải biết; mà muốn biết thì phải lăn ra mà làm. Bởi vậy, trong lãnh đạo chúng tôi phân công, mỗi người “gánh” một mũi, người mũi trồng trọt, người chăn nuôi, người dịch vụ..., với mục đích khi bàn hay đưa ra chủ trương gì của Đảng ủy xã để lãnh đạo thì cũng phải cho thật sâu, thật sát. Chủ trương đúng cộng thêm cán bộ làm được, nói trúng thì dân mới nghe, tin tưởng và làm theo”, đồng chí Phan Bá Ngọc chia sẻ.

phanbangoc-quotes.png

Thấy cán bộ làm được, người dân tin tưởng làm theo nên từ một xã không có trang trại, gia trại đến nay Thanh Liên đã có trên 50 trang trại, gia trại lớn; trong đó có 10 trang trại cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm và đã bắt đầu hình thành nên các vùng chuyên canh cây ăn quả lớn với sản phẩm chủ lực là cây bưởi Diễn trên diện tích trên 30ha, lớn nhất huyện.

Làm ít còn dễ bán, chứ đã làm đại trà cả xã theo quy mô hàng hóa mà không đảm bảo đầu ra thì lâm vào cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, nên đích thân đồng chí Phan Bá Ngọc thuê ô tô chở đậu đũa, bí xanh... xuống thành phố Vinh, ra tận Hải Dương để bán rồi liên kết tìm đầu ra ổn định cho nông sản của bà con.

Với sự dẫn dắt của đồng chí Phan Bá Ngọc, xã Thanh Liên trở thành địa phương có nhiều điểm sáng nổi bật nhất toàn huyện Thanh Chương, biến nơi đây thành một miền quê đáng sống, thu nhập bình quân đầu người 54 triệu đồng năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,25%.

_Từ vùng đất hoang hóa xã Thanh Liên quy hoạch các vùng sản xuất, phát triển các trang trại tổng hơ
Từ vùng đất hoang hóa, xã Thanh Liên quy hoạch các vùng sản xuất, phát triển các trang trại tổng hợp. Ảnh: Thanh Lê

Đảng bộ xã Thanh Liên 10 năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó 9 năm là đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu, cá nhân đồng chí Ngọc 12 năm liền là đảng viên xuất sắc tiêu biểu; năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

“Miệng nói, tay làm, Bí thư Phan Bá Ngọc đã tạo đoàn kết trong toàn Đảng bộ; niềm tin, sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân để xây dựng xã”, ông Lê Văn Khương, người dân xóm Liên Trường, xã Thanh Liên nói.

Ông Lê Văn Khương - người dân xóm Liên Trường, xã Thanh Liên (Thanh Chương). Clip: Tuyên - Lê

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Tuy vậy, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 chỉ ra thực tế đáng buồn: “Việc học tập và làm theo các quy định nêu gương có nơi hiệu quả chưa cao”; trong đó có cả những nguyên nhân khách quan, chủ quan song quan trọng là do “tinh thần trách nhiệm, sự tâm huyết, tính năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao”.

Chính vì vậy, Đại hội thống nhất cao với một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng là “tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với việc thực hiện nghiêm các quy định nêu gương của Trung ương, của tỉnh… Công khai việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, để vừa làm gương cho quần chúng, vừa để quần chúng giám sát việc nêu gương của cán bộ, đảng viên”.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Đàn tìm hiểu mô hình phát triển kinh tế ở xã Nam Lĩnh, Nam Đàn
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Đàn tìm hiểu mô hình phát triển kinh tế ở xã Nam Lĩnh. Ảnh: Thanh Lê

Thực hiện Quy định số 2993-QĐ/TU, ngày 19/7/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp của tỉnh Nghệ An, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình mới, cách làm hay mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được lan tỏa rộng lớn, nổi bật là các mô hình: “Xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên có uy tín trong nhân dân” tại huyện Diễn Châu; “3 không, 3 đúng, 3 cần, 3 chống” tại huyện Nghĩa Đàn; “Xây dựng hình ảnh bí thư chi bộ chuẩn mực trong phong cách làm việc” tại huyện Quế Phong; “Nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin” tại Công an tỉnh; “Nêu cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các tổ chức cơ sở đảng, cơ quan chuyên môn và các tổ chức chính trị - xã hội trong các cơ quan cấp tỉnh”, “Gương sáng quanh ta” tại Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh...

Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh Nghệ An tổng kết trao giải cuộc thi "Gương sáng quanh ta". Ảnh: Thanh Lê
doimoiphuongthuclanhdao-b3-titphu2.png

Giữa năm 2023, tuyến đường nối từ Quốc lộ 7B đến 48E đi qua 3 xã: Bắc Thành, Xuân Thành, Tăng Thành (huyện Yên Thành) có tổng chiều dài gần 4 km được đầu tư nâng cấp chiều rộng thành 12,5 m, trong đó đi qua địa bàn xã Tăng Thành gần 1km, với diện tích cần giải phóng hơn 1.500m2 đất ở của 45 hộ dân. Đây là dự án không có kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, trong khi đều là đất thổ cư và giá đất thị trường trên dưới 10 triệu/m2.

Biết là thiệt thòi cho cá nhân nhưng vì lợi ích chung của cộng đồng, ông Trương Đăng Long, xóm 3, xã Tăng Thành, cùng 2 con không ngần ngại tự nguyện bàn giao 100 m2 trị giá khoảng 1 tỷ đồng mà không cần nhận đền bù.

“Cán bộ xuống tận dân, vừa nói cho dân biết, dân hiểu một cách cặn kẽ; vừa lắng nghe, tiếp thu, giải quyết ý kiến của người dân thấu đáo, hợp tình, hợp lý. Tôi thấy sự hy sinh của mình cũng đáng, vui và thỏa mãn vì con đường nay hoàn thành làm cho nhà mình, làng xóm mình khang trang, đẹp đẽ hơn”, ông hồ hởi.

Ông Trương Đăng Long, xóm 3, xã Tăng Thành, huyện Yên Thành chia sẻ niềm vui với lãnh đạo huyện và x
Ông Trương Đăng Long (xóm 3, xã Tăng Thành, huyện Yên Thành) chia sẻ niềm vui với lãnh đạo huyện và xã. Ảnh: Mai Hoa

Không chỉ đối với triển khai tuyến đường trên, xã Tăng Thành thực sự là điểm sáng thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát và dân hưởng thụ”, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tăng Thành Đào Văn Khai cho biết: Trên cơ sở nghiên cứu các tiêu chí theo quy định, cấp ủy, chính quyền xã đều cụ thể hóa bằng các chủ trương, chính sách, công việc cần làm và đặt ra yêu cầu về quy hoạch, tiêu chuẩn, kỹ thuật… để chuyển tải, đưa thông tin đến với dân và chính người dân tự bàn bạc cách thức thực hiện.

Ví dụ trong xây dựng nhà văn hóa và thiết chế văn hóa, thể thao ở xóm, xã ban hành tiêu chí về diện tích khuôn viên, hội trường, hạng mục đi kèm và có cơ chế hỗ trợ 1 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, ở các xóm, người dân tự họp bàn cách triển khai, thành lập các ban xây dựng, ban vận động, ban giám sát đầu tư cộng đồng… để thực hiện.

Kết quả là xã Tăng Thành đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu và đã huy động được hơn 208 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp hơn 120 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Tuyến đường du lịch đi qua xã Tăng Thành đang tiếp tục được nâng cấp,chỉnh trang sau khi hoàn thành
Tuyến đường du lịch đi qua xã Tăng Thành (Yên Thành) đang tiếp tục được nâng cấp, chỉnh trang sau khi hoàn thành (hai ảnh trên); Bộ mặt nông thôn mới ở xã Tăng Thành. Ảnh: Mai Hoa

Tính riêng năm 2023, trên toàn tỉnh Nghệ An, nhân dân đã đóng góp gần 537 tỷ đồng; hiến 97.132 m2 đất; đóng góp 450.939 ngày công lao động và tự nguyện phá dỡ nhiều công trình kiến trúc và cây cối, hoa màu… xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Chính nhờ sự đồng thuận chung sức, đồng lòng của người dân mà đến thời điểm này, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới ở Nghệ An khá cao, chiếm 77,85%, tương đương 320/411 xã; trong đó có 101 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 31,56% và 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, chiếm 5% xã nông thôn mới; 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới và 1 đơn vị đang trình Trung ương thẩm định công nhận.

Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng các cấp, nhiệm kỳ này, Nghệ An còn có chủ trương tăng cường tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân; xem đây trở thành một việc bình thường, nhất là trước khi triển khai các chủ trương, chính sách mới hoặc tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, bức xúc từ thực tiễn. Bởi đây là con đường ngắn nhất để “Đảng hiểu dân, dân hiểu Đảng”, mà dân có hiểu chủ trương, đường lối thì mới biết, mới bàn, mới làm, mới kiểm tra, giám sát, thụ hưởng được.

Lãnh đạo MTTQ tỉnh giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại huyện Hưng Nguyên; Lãnh đạo Hội Phụ nữ tỉnh và thị xã Hoàng Mai trao đổi với phụ nữ phường Quỳnh Phương; Lãnh đạo huyện Anh Sơn về cơ sở nắm bắt ý kiến của Nhân dân xã Tường Sơn; Lãnh đạo Ban Dân vận Huyện uỷ Nghi Lộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Ảnh: Mai Hoa
Lãnh đạo MTTQ tỉnh giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại huyện Hưng Nguyên; Lãnh đạo Hội Phụ nữ tỉnh và thị xã Hoàng Mai trao đổi với phụ nữ phường Quỳnh Phương; Lãnh đạo huyện Anh Sơn về cơ sở nắm bắt ý kiến của Nhân dân xã Tường Sơn; Lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy Nghi Lộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Ảnh: Mai Hoa

Tại huyện Nghĩa Đàn, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện đã tổ chức 5 cuộc đối thoại, bao gồm, đối thoại với 12 xã đã về đích nông thôn mới nhằm thống nhất quan điểm, chủ trương tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao; với 10 xã chưa về đích nông thôn mới để quyết tâm về đích nông thôn mới trong nhiệm kỳ; đối thoại với các đơn vị thực hiện sáp nhập xã giai đoạn 2023 - 2025; đối thoại với bí thư chi bộ khối, xóm, bản toàn huyện về phát triển đảng viên; đối thoại với bí thư, trưởng khối, xóm, bản thuộc 6 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trên cơ sở đối thoại, nhiều chủ trương, chính sách được thông tin đầy đủ, cặn kẽ cho cán bộ, nhân dân ở cơ sở, ngược lại huyện cũng nắm bắt kịp thời, sâu sát hơn tâm tư, nguyện vọng từ thực tiễn, để cùng chung nhận thức, hành động thực hiện.

Trưởng ban Dân vận Huyện uỷ Nghĩa Đàn Trương Minh Hoài nêu ví dụ, ở 10 xã chưa về đích nông thôn mới ở thời điểm năm 2020, bên cạnh có khó khăn nội tại, thì cán bộ, người dân một số địa phương có tâm lý “không muốn về đích” vì sợ bị cắt chế độ hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, qua đối thoại với lãnh đạo huyện, cán bộ xã và người dân được “đả thông tư tưởng” vì thành quả xây dựng nông thôn mới là bản thân mỗi gia đình, cộng đồng ở địa phương được thụ hưởng trước tiên chứ không phải là cán bộ Trung ương, tỉnh hay huyện nên dần xóa tâm lý “trông chờ, ỷ lại”. Đến nay, chỉ sau 4 năm, cả 10 xã tốp sau đều đã băng băng về đích.

UBND huyện Nghĩa Đàn tổ chức hội nghị đối thoại với các hộ dân có đất thu hồi để thực hiện Dự án khu dân cư hiện đại thị trấn Nghĩa Đàn. Ảnh: Thu Hiền – Minh Thái
UBND huyện Nghĩa Đàn tổ chức hội nghị đối thoại với các hộ dân có đất thu hồi để thực hiện Dự án khu dân cư hiện đại thị trấn Nghĩa Đàn. Ảnh: Thu Hiền – Minh Thái

Đồng chí Ngọc Kim Nam - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An khẳng định: Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị trong tỉnh triển khai thực hiện khá nghiêm túc, cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực, tạo điều kiện phát huy dân chủ đại diện, đồng thời mở rộng dân chủ trực tiếp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh trên phạm vi toàn tỉnh. Thể hiện rõ nhất là kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới khi phát huy hiệu quả phương châm “nhân dân vừa là chủ thể, vừa là người trực tiếp thụ hưởng”.

ngockimnam-quotes.png

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Đề án 07, ngày 24/11/2021 về “Đổi mới, nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại và thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp sau tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”. Kết quả, từ năm 2020 đến nay, các cấp trong tỉnh đã tổ chức 715 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04 -NQ/TU, ngày 19/11/2021 về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đặc biệt chú trọng đến phát huy vai trò phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là những tổ chức đại diện cho nhân dân để góp ý cho cấp ủy, chính quyền.


>> Trang chủ

>> Kỳ 1: Những dấu ấn nổi bật từ các quyết sách đột phá

>> Kỳ 2: Tránh “nghị quyết thì hay mà thực hiện lại gay trăm bề”

>> Kỳ cuối: Bảo vệ uy tín, củng cố niềm tin

Kỳ 3: Để ý Đảng, lòng Dân hòa chung một nhịp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO