Xây dựng Đảng

Kỳ 1: Khắc phục tình trạng ‘nghị quyết thì hay mà thực hiện lại gay trăm bề’

NPV 31/10/2024 08:32

Nghị quyết của Đảng là “kim chỉ nam” trong lãnh đạo phát triển địa phương, nhưng để những quyết sách ấy thực sự “đi vào cuộc sống” lại là một thử thách không nhỏ. Ở Nghệ An, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đã đổi mới cách xây dựng và thực thi nghị quyết, nhấn mạnh sự khoa học, sát thực tiễn và tập trung vào các “tọa độ” quan trọng.

doimoiphuongthuclanhdao-b2-cover.png
doimoiphuongthuclanhdao-b1-tit(2).png

Nhóm Phóng viên Thời sự • 31/10/2024

Nghị quyết của Đảng là “kim chỉ nam” trong lãnh đạo phát triển địa phương, nhưng để những quyết sách ấy thực sự “đi vào cuộc sống” lại là một thử thách không nhỏ. Ở Nghệ An, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đã đổi mới cách xây dựng và thực thi nghị quyết, nhấn mạnh sự khoa học, sát thực tiễn và tập trung vào các “tọa độ” quan trọng.

doimoiphuongthuclanhdao-b2-titphu1.png

Đánh giá về những khó khăn, yếu kém trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu: “Nghị quyết thì thật là hay/ Xem ra thực hiện còn gay trăm bề”. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã chỉ ra: “Triển khai xây dựng một số chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện chỉ thị, nghị quyết còn chậm, chất lượng, hiệu quả thấp”.

bna_uploaded-thanhduybna-2020_10_16-_bna_71712186654_16102020.jpg
Quang cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Thành Cường

Để khắc phục tình trạng này, chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh Nghệ An xác định rõ, nhiệm kỳ mới là “mốc đánh dấu bước chuyển giai đoạn quan trọng, với tầm nhìn xa hơn trong tiến trình phát triển theo đường lối đổi mới của Đảng”; yêu cầu cốt lõi là phải tạo được phát triển vượt bậc để vượt qua thách thức và tụt hậu. Muốn vậy Nghị quyết của nhiệm kỳ mới thực sự chất lượng, khoa học; nhận diện được bối cảnh, thời cơ, thách thức đề ra mục tiêu, giải pháp phù hợp, mang tính chiến lược, đột phá, thiết thực sát với thực tiễn. Bởi, một khi đề ra chủ trương, đường lối không đúng sẽ không chỉ cản trở quá trình phát triển, mà còn ảnh hưởng đến vai trò, uy tín, năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng.

Một ví dụ điển hình của phương pháp này là quá trình xây dựng Báo cáo chính trị và Nghị quyết tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Bên cạnh thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục, thảo luận, góp ý dân chủ trong toàn Đảng bộ tỉnh, dự thảo Báo cáo chính trị cũng đã được gửi xin ý kiến 52 ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; xin ý kiến 56 đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; tổ chức lấy ý kiến góp ý của các nhà khoa học, nhân sỹ, trí thức và lấy ý kiến trong nhân dân.

Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước là người Nghệ An và các đồng chí nguyên Thường trực Tỉnh ủy đang công tác, nghỉ hưu ở Hà Nội vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 -2025 ngày 18/7/2020. Ảnh: Thành Duy
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm góp ý xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 ngày 29/5/2020. Ảnh: Thành Duy

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An còn phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến một số chuyên gia, nhà khoa học thuộc Học viện, Hội đồng lý luận Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; làm việc với các Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội của tỉnh với các thành viên gồm nhiều chuyên gia hàng đầu cả nước như: Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển; PGS. TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam…; tổ chức làm việc, xin ý kiến một số chuyên gia là những “cây viết” trong Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng; phối hợp với Hội đồng hương tại Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng là người quê Nghệ An và các đồng chí nguyên Thường trực Tỉnh ủy.

Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến góp ý, phản biện vào dự thảo Báo cáo chính trị với sự tham gia của các Hội đồng tư vấn, trong đó có nhiều nhân sỹ, trí thức, nguyên cán bộ, lãnh đạo, quản lý các ngành của tỉnh. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ.

Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước là người Nghệ An và các đồng chí nguyên Thường trực Tỉnh ủy đang công tác, nghỉ hưu ở Hà Nội vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 -2025 ngày 18/7/2020. Ảnh: Thành Duy
Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước là người Nghệ An và các đồng chí nguyên Thường trực Tỉnh ủy đang công tác, nghỉ hưu ở Hà Nội vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 -2025 ngày 18/7/2020. Ảnh: Thành Duy

Qua các buổi làm việc, những ý kiến đóng góp đã giúp Nghệ An nhận diện rõ ràng hơn về các bất cập còn tồn tại, đồng thời mở ra những nhận thức quan trọng cho hành trình phát triển của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đặc biệt lưu ý đến việc Nghệ An cần “cởi bỏ” tư duy nhiệm kỳ đối với định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; có tầm nhìn dài hạn để đề ra chính sách, lộ trình, bước đi phù hợp đặt trong tổng thể quốc gia. “Khi chúng ta xây dựng định hướng phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống chính trị; đảm bảo quốc phòng, an ninh của nhiệm kỳ thì không chỉ của nhiệm kỳ đó, mà phải phóng tầm nhìn để cùng cả nước thực hiện 2 mục tiêu là đến 2030 là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Còn nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nêu quan điểm cần phải “trọng tâm, trọng điểm” trong hoạch định, tổ chức thực hiện, bố trí nguồn lực. Ông gợi mở cần sớm mở rộng thành phố Vinh thông qua sáp nhập với Cửa Lò; phân cấp mạnh và tạo cơ chế đặc thù cho thị xã Thái Hòa, thị xã Hoàng Mai phát triển mạnh hơn, bền vững hơn. Còn TS Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng nhận định: Điều cần thiết là phải lan tỏa tinh thần trách nhiệm và quyết tâm phát triển của lãnh đạo tỉnh đến cả hệ thống chính trị; mà mấu chốt phải tạo được “cú hích” về cải cách hành chính, gỡ tình trạng “tỉnh mở, sở thắt, xã thì hiền, huyện không có quyền”.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An làm việc với Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội về triển khai Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An làm việc với Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội về triển khai Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, ngày 28/09/2023. Ảnh: Thành Duy

Với công tác chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng đó, Báo cáo chính trị, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã thể hiện những quan điểm rất mới, mang tính đột phá, tầm nhìn dài hạn, đó là không thể “dàn hàng ngang cùng tiến” trong điều kiện của một tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước; ngược lại tập trung để đề xuất, tham mưu để Trung ương ban hành cơ chế, chính sách đặc thù; tỉnh ưu tiên bố trí nguồn lực theo hướng trọng tâm, trọng điểm, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù có những địa phương trọng điểm; quyết tâm tạo đột phá ở một số lĩnh vực và khu vực, đặc biệt về cơ sở hạ tầng chiến lược, thu hút đầu tư, cải cách hành chính…

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Thanh Lê
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động giảm đầu mối thực hiện thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Thanh Lê

“Kiên trì thực hiện định hướng phát triển bền vững, đồng thời quyết tâm tạo đột phá ở một số lĩnh vực và khu vực trọng điểm. Phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 chỉ rõ.

Bài viết “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” ngày 16/9/2024 của Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập một trong những vấn đề rất quan trọng là đổi mới việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng: “Nghị quyết của các cấp ủy, tổ chức đảng phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu, dễ thực hiện; phải xác định đúng và trúng yêu cầu, nhiệm vụ, con đường, cách thức phát triển của đất nước, của dân tộc, của từng địa phương, từng bộ, ngành; phải có tầm nhìn, tính khoa học, tính thực tiễn, thiết thực và tính khả thi; tạo sự phấn khởi, tin tưởng, kỳ vọng và động lực thôi thúc hành động của cán bộ, đảng viên, các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và nhân dân thực hiện Nghị quyết của Đảng”.

Nghệ An sẽ là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ. Trong ảnh Cầu Cửa Hội nối Nghệ An và Hà Tĩnh Thành Cường
Nghệ An sẽ là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ. Trong ảnh: Cầu Cửa Hội nối Nghệ An và Hà Tĩnh. Ảnh: Thành Cường
doimoiphuongthuclanhdao-b2-titphu2.png

Trên thực tế, có những nghị quyết được ban hành rất công phu, khoa học, các mục tiêu, chỉ tiêu rất hay, nhưng mãi “không chịu đi vào cuộc sống”. Điều này xuất phát từ nguyên nhân thiếu trọng tâm, trọng điểm trong cách tiếp cận, xác định ngành, lĩnh vực, địa phương để ban hành nghị quyết, dẫn đến ở đâu cũng thấy nghị quyết lãnh đạo của tổ chức Đảng, nhưng nguồn lực thực hiện lại không chỉ ra được.

Nắm bắt thực tiễn đó, Nghệ An xác định việc ban hành nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy không cần nhiều về số lượng, mà quan trọng là phải chất lượng, tập trung vào những ngành, lĩnh vực, địa phương là “tọa độ” quan trọng, có sức lan tỏa, cần sự lãnh đạo sát sao hơn để tạo đột phá.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tại Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 do Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh: Quan điểm phát triển của tỉnh trong nhiệm kỳ là kiên trì thực hiện định hướng phát triển bền vững; quyết tâm tạo đột phá ở một số lĩnh vực, khu vực trọng điểm.

nguyenductrung-quotes.png

Lấy Đô Lương là một ví dụ, huyện cửa ngõ miền Tây Nghệ An là “tọa độ” ưu tiên để xây dựng 1 trong 6 trung tâm đô thị của Nghệ An theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Cụ thể hóa quan điểm này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Đô Lương trở thành thị xã.

Bí thư Huyện ủy Đô Lương Bùi Duy Đông cho biết: Để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh nội lực của địa phương, huyện cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ và sự chỉ đạo sát sao, cụ thể của tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 19/5/2024 về xây dựng và phát triển huyện Đô Lương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thị trấn huyện Đô Lương. Ảnh: Quang Dũng
Thị trấn Đô Lương. Ảnh: Quang Dũng

Cùng với Đô Lương, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng ban hành nghị quyết riêng về xây dựng và phát triển TP. Vinh, thị xã Thái Hòa và sắp tới là huyện Diễn Châu và thị xã Hoàng Mai. Đây là các địa phương trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đều thống nhất mục tiêu, tầm nhìn hình thành các trung tâm đô thị của Nghệ An.

Với quan điểm trên, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã ban hành 16 nghị quyết, 89 chương trình, 18 quy chế, 56 quy định, 34 đề án, để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển thị xã Hoàng Mai. Ảnh Thành Duy
Tại phiên họp thường kỳ tháng 10/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển thị xã Hoàng Mai giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh: Thành Duy

Các nghị quyết trên là cơ sở chính trị, mang sứ mệnh “soi đường, chỉ lối” để các cấp, ngành dồn lực thực hiện các mục tiêu đã chỉ ra, mà trách nhiệm, vai trò trước hết là của cấp ủy đảng các cấp ở chính các địa phương đó.

Bên cạnh đó, từ chủ trương của cấp ủy, HĐND, UBND tỉnh sẽ có trách nhiệm cụ thể hóa thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn lực để tổ chức thực hiện, đây chính là điểm rất mới tại Nghệ An trong nhiệm kỳ này.

Cụ thể, tại các nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành riêng cho các địa phương đều giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện; xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiên cho sự phát triển các địa phương liên quan và trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành. Đảng đoàn HĐND lãnh đạo HĐND tỉnh xem xét bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong các nghị quyết.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu thăm, làm việc tại thị xã Thái Hòa. Ảnh: Thành Duy
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu thăm, làm việc tại thị xã Thái Hòa. Ảnh: Thành Duy

Không chỉ trọng tâm, trọng điểm trong ban hành nghị quyết, mà việc xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết cũng toát lên rất rõ tinh thần đó. Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 có kết cấu nội dung được xây dựng gọn hơn so với các khoá trước, chỉ với 21 chương trình, đề án, gắn với nguồn lực thực hiện. Đây là những nội dung có tính động lực thúc đẩy, khi thực hiện sẽ tác động mạnh, chi phối các lĩnh vực phát triển, làm thay đổi, chuyển biến cục diện, tình hình của tỉnh.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Chất lượng của nghị quyết phải gắn liền với thực tiễn, nhận được sự ủng hộ từ nhân dân và thực thi quyết liệt”. Nghệ An, với cách tiếp cận đổi mới, không chỉ chú trọng vào việc ban hành những nghị quyết khoa học, sát thực mà còn coi trọng công tác thực hiện, chuyển nghị quyết thành động lực thực sự cho sự phát triển của địa phương.

Một góc trung tâm thành phố Vinh. Ảnh: Thành Duy
Một góc trung tâm thành phố Vinh. Ảnh: Thành Duy

Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới nhấn mạnh: “Chỉ ban hành văn bản mới khi thật sự cần thiết. Đối với những văn bản quan trọng, tác động sâu rộng, trước khi ban hành cần lấy ý kiến của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Tiếp tục hoàn thiện quy định về ban hành văn bản của Đảng; khắc phục tình trạng ban hành văn bản không sát với thực tiễn, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính khả thi, không rõ trách nhiệm, thiếu nguồn lực tổ chức thực hiện”.


>> Trang chủ

>> Kỳ 2: Những dấu ấn nổi bật từ các quyết sách đột phá
>> Kỳ 3: Để ý Đảng, lòng Dân hòa chung một nhịp
>> Kỳ cuối: Bảo vệ uy tín, củng cố niềm tin

Kỳ 1: Khắc phục tình trạng ‘nghị quyết thì hay mà thực hiện lại gay trăm bề’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO