Kỳ 2: Tránh ‘nghị quyết thì hay mà thực hiện lại gay trăm bề’
Nghị quyết của Đảng là “kim chỉ nam” trong lãnh đạo phát triển địa phương, nhưng để những quyết sách ấy thực sự “đi vào cuộc sống” lại là một thử thách không nhỏ. Ở Nghệ An, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy đã đổi mới cách xây dựng và thực thi nghị quyết, nhấn mạnh sự khoa học, sát thực tiễn và tập trung vào các “tọa độ” quan trọng.
Nhóm Phóng viên Thời sự • 31/10/2024
Nghị quyết của Đảng là “kim chỉ nam” trong lãnh đạo phát triển địa phương, nhưng để những quyết sách ấy thực sự “đi vào cuộc sống” lại là một thử thách không nhỏ. Ở Nghệ An, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy đã đổi mới cách xây dựng và thực thi nghị quyết, nhấn mạnh sự khoa học, sát thực tiễn và tập trung vào các “tọa độ” quan trọng.
Đánh giá về những khó khăn, yếu kém trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu: “Nghị quyết thì thật là hay/ Xem ra thực hiện còn gay trăm bề". Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã chỉ ra: "Triển khai xây dựng một số chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện chỉ thị, nghị quyết còn chậm, chất lượng, hiệu quả thấp".
Để khắc phục tình trạng này, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy Nghệ An đã kiên định với phương châm xây dựng nghị quyết theo quy trình bài bản, khoa học, với sự tham gia của không chỉ các cấp lãnh đạo mà còn của đông đảo quần chúng nhân dân, các nhà khoa học và quản lý.
Nghị quyết phải đảm bảo tính sát thực tiễn, tránh dựa dẫm vào ý kiến của các cơ quan tham mưu mà thiếu sự khảo sát, đánh giá toàn diện tình hình. Từ đó, nghị quyết khi ban hành đảm bảo được tính khả thi, mang lại hiệu quả thực sự cho địa phương.
Một ví dụ điển hình của phương pháp này là quá trình xây dựng Báo cáo chính trị và Nghị quyết tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Bên cạnh thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục, thảo luận dân chủ trong Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy Nghệ An đã triển khai lấy ý kiến rộng rãi của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Nhân dân, các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An còn phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm góp ý với các “cây viết” trong Tổ biên tập, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Tỉnh ủy Nghệ An cũng tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước là người Nghệ An và các đồng chí nguyên Thường trực Tỉnh ủy đang công tác, nghỉ hưu ở Hà Nội; làm việc với các Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội của tỉnh với các thành viên gồm nhiều chuyên gia hàng đầu cả nước như: Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển; PGS. TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nguyên là thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của 2 đời Thủ tướng Chính phủ…
Qua các buổi làm việc, những ý kiến đóng góp đã giúp Nghệ An nhận diện rõ ràng hơn về các bất cập còn tồn tại, đồng thời mở ra những nhận thức quan trọng cho hành trình phát triển của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương góp ý, nghị quyết của tỉnh cần thể hiện rõ khát vọng, truyền cảm hứng mạnh mẽ để khẳng định rằng Nghệ An đang đứng trước yêu cầu và tư duy phát triển mới.
TS Nguyễn Sỹ Dũng cũng nhận định: Điều cần thiết là phải lan tỏa tinh thần trách nhiệm và quyết tâm phát triển của lãnh đạo tỉnh đến cả hệ thống chính trị, đồng thời tháo gỡ tình trạng “tỉnh mở, sở thắt”…
Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ đạo rằng, mỗi nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đều phải có Đề án đi kèm để đảm bảo đánh giá toàn diện, khoa học và khách quan. Đây là cách làm mới, đảm bảo sự khách quan và tính khoa học trong từng quyết định, đồng thời giúp đưa ra được các biện pháp thiết thực và khả thi.
Với phương pháp trên, nghị quyết nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng bộ tỉnh Nghệ An được đánh giá là có chất lượng cao, vừa thể hiện tinh thần chiến đấu, khát vọng, đặc trưng của tỉnh, vừa mang tính khả thi cao. Nghị quyết toát lên tinh thần đổi mới, bám sát thực tiễn và đề xuất các giải pháp quyết liệt, xử lý dứt điểm những tồn đọng như phân bổ nguồn lực đầu tư công còn dàn trải, cải cách thủ tục hành chính vẫn còn nhiều bất cập.
Kết quả cụ thể hóa Nghị quyết vào thực tiễn đến nay đã thấy rõ, qua đánh giá giữa nhiệm kỳ vào tháng 10/2023 đã có 17/21 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh thực hiện đạt và vượt như: Kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ xã đạt nông thôn mới, số huyện nông thôn mới, kết nạp đảng viên mới hàng năm, 100% khối, xóm, bản có tổ chức đảng; Việc thực hiện 3 đột phá chiến lược về hạ tầng, nhân lực, cải cách hành chính cũng đạt được những kết quả quan trọng.
Bài viết “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” ngày 16/9/2024 của Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập một trong những vấn đề rất quan trọng là đổi mới việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng: “Nghị quyết của các cấp ủy, tổ chức đảng phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu, dễ thực hiện; phải xác định đúng và trúng yêu cầu, nhiệm vụ, con đường, cách thức phát triển của đất nước, của dân tộc, của từng địa phương, từng bộ, ngành; phải có tầm nhìn, tính khoa học, tính thực tiễn, thiết thực và tính khả thi; tạo sự phấn khởi, tin tưởng, kỳ vọng và động lực thôi thúc hành động của cán bộ, đảng viên, các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và nhân dân thực hiện Nghị quyết của Đảng”.
Trên thực tế, có những nghị quyết được ban hành rất công phu, khoa học, các mục tiêu, chỉ tiêu rất hay, nhưng mãi “không chịu đi vào cuộc sống”. Điều này xuất phát từ nguyên nhân thiếu trọng tâm, trọng điểm trong cách tiếp cận, xác định ngành, lĩnh vực, địa phương để ban hành nghị quyết, dẫn đến ở đâu cũng thấy nghị quyết lãnh đạo của tổ chức Đảng, nhưng nguồn lực thực hiện lại không chỉ ra được.
Nắm bắt thực tiễn đó, Nghệ An xác định việc ban hành nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy không cần nhiều về số lượng, mà quan trọng là phải chất lượng, tập trung vào những ngành, lĩnh vực, địa phương là “tọa độ” quan trọng, có sức lan tỏa, cần sự lãnh đạo sát sao hơn để tạo đột phá.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tại Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 do Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh: Quan điểm phát triển của tỉnh trong nhiệm kỳ là kiên trì thực hiện định hướng phát triển bền vững; quyết tâm tạo đột phá ở một số lĩnh vực, khu vực trọng điểm.
Lấy Đô Lương là một ví dụ, huyện cửa ngõ miền Tây Nghệ An là “tọa độ” ưu tiên để xây dựng 1 trong 6 trung tâm đô thị của Nghệ An theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Cụ thể hóa quan điểm này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Đô Lương trở thành thị xã.
Bí thư Huyện ủy Đô Lương Bùi Duy Đông cho biết: Để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh nội lực của địa phương, huyện cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ và sự chỉ đạo sát sao, cụ thể của tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 19/5/2024 về xây dựng và phát triển huyện Đô Lương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng với Đô Lương, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng ban hành nghị quyết riêng về xây dựng và phát triển TP. Vinh, thị xã Thái Hòa và sắp tới là huyện Diễn Châu và thị xã Hoàng Mai. Đây là các địa phương trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đều thống nhất mục tiêu, tầm nhìn hình thành các trung tâm đô thị của Nghệ An.
Với quan điểm trên, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã ban hành 16 nghị quyết, 89 chương trình, 18 quy chế, 56 quy định, 34 đề án, để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực.
Các nghị quyết trên là cơ sở chính trị, mang sứ mệnh “soi đường, chỉ lối” để các cấp, ngành dồn lực thực hiện các mục tiêu đã chỉ ra, mà trách nhiệm, vai trò trước hết là của cấp ủy đảng các cấp ở chính các địa phương đó.
Bên cạnh đó, từ chủ trương của cấp ủy, HĐND, UBND tỉnh sẽ có trách nhiệm cụ thể hóa thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn lực để tổ chức thực hiện, đây chính là điểm rất mới tại Nghệ An trong nhiệm kỳ này.
Cụ thể, tại các nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành riêng cho các địa phương đều giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện; xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiên cho sự phát triển các địa phương liên quan và trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành. Đảng đoàn HĐND lãnh đạo HĐND tỉnh xem xét bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong các nghị quyết.
Không chỉ trọng tâm, trọng điểm trong ban hành nghị quyết, mà việc xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết cũng toát lên rất rõ tinh thần đó. Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 có kết cấu nội dung được xây dựng gọn hơn so với các khoá trước, chỉ với 21 chương trình, đề án, gắn với nguồn lực thực hiện. Đây là những nội dung có tính động lực thúc đẩy, khi thực hiện sẽ tác động mạnh, chi phối các lĩnh vực phát triển, làm thay đổi, chuyển biến cục diện, tình hình của tỉnh.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Chất lượng của nghị quyết phải gắn liền với thực tiễn, nhận được sự ủng hộ từ nhân dân và thực thi quyết liệt”. Nghệ An, với cách tiếp cận đổi mới, không chỉ chú trọng vào việc ban hành những nghị quyết khoa học, sát thực mà còn coi trọng công tác thực hiện, chuyển nghị quyết thành động lực thực sự cho sự phát triển của địa phương.
Những thành công ban đầu trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã cho thấy, khi nghị quyết được xây dựng bài bản và triển khai đúng trọng tâm, trọng điểm, không đơn thuần là “chỉ đường” mà còn trở thành động lực thúc đẩy toàn hệ thống chính trị và nhân dân cùng nỗ lực, vượt khó. Việc chọn lọc các “tọa độ” ưu tiên, kết hợp giữa “chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi” là minh chứng cho sự thay đổi mạnh mẽ trong phương thức lãnh đạo, tạo dựng niềm tin vào sự phát triển bền vững, bứt tốc. Đây là một hành trình không dễ dàng, nhưng với quyết tâm của Tỉnh ủy, Nghệ An đang tạo nên những nền tảng vững chắc để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, mang lại những chuyển biến tích cực và rõ nét cho quê hương.