Nghệ An ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh
Tỉnh ủy Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 137/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Thực hiện Nghị quyết số 137/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An (sau đây gọi là Nghị quyết số 137/2024/QH15), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện.
Mục đích của Kế hoạch nhằm tổ chức quán triệt sâu sắc, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 137/2024/QH15, sớm đưa các cơ chế, chính sách vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi là Nghị quyết số 39-NQ/TW).
Cụ thể hóa, làm rõ nội dung nhiệm vụ, trình tự các công việc để thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; trước mắt là việc phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản làm cơ sở để tổ chức thực hiện, phát huy tối đa các cơ chế, chính sách trong thời gian nhanh nhất, hiệu quả cao nhất.
Gắn việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 39- NQ/TW đã đề ra và các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xác định trách nhiệm cụ thể của từng ngành, từng địa phương, đơn vị trong việc tham mưu triển khai, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, bảo đảm khả thi, hiệu quả.
Tại kế hoạch này, Tỉnh ủy đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:
Tổ chức tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 137/2024/QH15 gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết số 39-NQ/TW, Nghị quyết số 162/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An; trong đó phải nhận thức sâu sắc, việc Bộ Chính trị (khóa XIII) ban hành Nghị quyết số 39 NQ/TW “về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Quốc hội (khóa XV) ban hành Nghị quyết số 137/2024/QH15 “về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An”, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 162/NQ-CP “về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị” là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước dành cho tỉnh Nghệ An, là cơ hội, điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển nhanh và bền vững; để triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù cần sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.
Về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù:
Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh: Rà soát và đề xuất các khoản phí, lệ phí mới chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí để xây dựng đề án áp dụng phí, lệ phí phù hợp; phương án điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí (trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí) đã được cấp có thẩm quyền quyết định (trừ án phí, lệ phí Tòa án và các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương hưởng 100%) theo lộ trình phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh, bảo đảm công khai, minh bạch, cải cách hành chính nhà nước, không ảnh hưởng đến môi trường sản xuất, kinh doanh, sự lưu thông hàng hóa, dịch vụ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định trước ngày 01/01/2025.
- Phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để vận động, triển khai thực hiện công tác hỗ trợ tỉnh Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với các địa bàn, nhiệm vụ cụ thể.
Trình cấp ủy cho chủ trương và trình HĐND tỉnh quyết định việc phân bổ nguồn hỗ trợ của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho các địa bàn, nhiệm vụ cụ thể trong trường hợp ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ chung cho tỉnh Nghệ An, trong đó, ưu tiên cho huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An.
Trình HĐND tỉnh quyết định việc cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được sử dụng ngân sách các huyện, thị xã, thành phố và nguồn thu hợp pháp khác để hỗ trợ các địa phương khác của tỉnh trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ an sinh xã hội và các trường hợp cần thiết khác.
Chủ động rà soát, tính toán, xác định cụ thể số thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản (không bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp) và nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện trên địa bàn miền Tây Nghệ An để làm việc với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành Trung ương bổ sung chi đầu tư phát triển ngoài số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách tỉnh Nghệ An. Rà soát, sử dụng nguồn vốn này để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa bàn miền Tây Nghệ An bảo đảm tính hiệu quả, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm.
Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản và nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện trên địa bàn miền Tây Nghệ An, bảo đảm thu đúng, thu đủ, đồng thời có giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, phấn đấu luôn vượt thu ở mức cao.
Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan Trung ương trong quá trình tham mưu xây dựng Nghị quyết của ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030, trong đó có nội dung thực hiện việc phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Nghệ An theo quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị quyết số 137/2024/QH15.
Xây dựng phương án sử dụng hiệu quả nguồn vốn phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 để đầu tư cho các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn miền Tây Nghệ An.
Trình HĐND tỉnh quyết định danh mục các dự án quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị quyết số 137/2024/QH15 gắn với quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 bảo đảm tiến độ của Trung ương.
Chính sách về quản lý đầu tư:
Giữa các kỳ họp của HĐND tỉnh, trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm B, nhóm c quy định tại Luật Đầu tư công, UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh quyết định và Thường trực HĐND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất. Trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư được thực hiện như trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Triển khai thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (sau đây gọi là dự án PPP).
Chuẩn bị các nội dung trình HĐND tỉnh: Ban hành Nghị quyết quy định danh mục dự án và quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao, văn hóa (hoàn thành trước ngày 01/01/2025).
Xem xét, quyết định việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 70% tổng mức đầu tư đối với các dự án PPP có chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không bảo đảm khả năng hoàn vốn; các dự án PPP trong lĩnh vực thể thao, văn hóa; các dự án PPP thực hiện trên địa bàn miền Tây Nghệ An.
Quy định cụ thể các nội dung của dự án ppp trong lĩnh vực thể thao, văn hóa tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hợp đồng dự án PPP (hoàn thành trước ngày 01/01/2025).
Triển khai thực hiện hình thức hợp đồng theo phương thức xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT) quy định tại khoản 4, Điều 4, Nghị quyết số 137/2024/QH15.
Phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định lãi vay sau thời gian xây dựng, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án đầu tư áp dụng loại hợp đồng BT (hoàn thành trước ngày 15/10/2024 theo Quyết định số 717/QĐ-TTg ngày 27/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ).
UBND tỉnh quy định tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính của nhà đầu tư thực hiện dự án BT (hoàn thành trước ngày 01/01/2025).
Xây dựng phương án để trình HĐND tỉnh quyết định sử dụng vốn ngân sách cấp tỉnh, bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, dự toán ngân sách hằng năm và bố trí vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của tỉnh; căn cứ giá trị, tiến độ quy định trong hợp đồng BT, quyết định sử dụng nguồn thu từ tiền đấu giá tài sản công, đấu giá quyền sử dụng đất để thanh toán cho nhà đầu tư sau khi công trình hoặc hạng mục công trình vận hành độc lập được hoàn thành nghiệm thu, kiểm toán; giám sát việc thực hiện bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Triển khai chính sách tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.
Xem xét, trình HĐND tỉnh quyết định việc tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập khi quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể có quy mô dự án nhóm B thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi theo quy định của pháp luật về đầu tư công; quyết định mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm đầu tư của dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng tại quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể.
Rà soát, đề xuất danh mục các dự án đầu tư công (dự án có quy mô dự án nhóm B thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi) thực hiện tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập để trình HĐND tỉnh quyết định.
Chính sách về quản lý đô thị, tài nguyên rừng:
Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh: Rà soát, đề xuất, xây dựng phương án để khai thác, phát triển quỹ đất vùng phụ cận tiếp giáp các điểm kết nối giao thông và các tuyến giao thông đô thị trên địa bàn tỉnh bảo đảm tính hiệu quả, khả thi theo cơ chế, chính sách quy định tại khoản 1, Điều 5, Nghị quyết số 137/2024/QH15.
“Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyên mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được quy định tại khoản 2, Điều 5, Nghị quyết số 137/2024/QH15.
Chính sách về tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương:
Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu về tổ chức bộ máy và cán bộ thuộc thẩm quyền Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Lựa chọn cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực để bố trí đảm nhận các công việc theo yêu cầu nhiệm vụ.
Thành ủy Vinh lãnh đạo, chỉ đạo HĐND thành phố Vinh, UBND thành phố Vinh phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện cơ chế, chính sách quy định tại khoản 2, Điều 6, Nghị quyết số 137/2024/QH15.