Kỳ 3: Phải trở thành một thiết chế không đơn lẻ

20/06/2011 10:55

Trước thực trạng hoạt động kém hiệu quả của các điểm BĐVHX, năm 2010, Bưu điện tỉnh đã có kiến nghị với các cấp, các ngành và được UBND tỉnh giao thực hiện đề tài khoa học "Đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp, xây dựng mô hình nâng cao hiệu quả các điểm BĐVHX trên địa bàn tỉnh Nghệ An". Với đề tài này, nhóm nghiên cứu đã đưa ra hướng tháo gỡ khó khăn cho các điểm phục vụ công ích này...

Những nỗ lực ban đầu...

Bắt đầu từ năm 2010, ngành bưu điện đã có nhiều động thái tích cực nhằm tăng doanh thu cho các điểm BĐVHX, cải thiện thu nhập cho nhân viên. Trước tiên là thực hiện cơ chế giao khoán cho các điểm BĐVHX, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, trả thu nhập hàng tháng cho nhân viên BĐVHX theo chất lượng và hiệu quả hoạt động của các điểm. Bước đầu, biện pháp này đã có tác động tích cực trong việc nâng doanh thu cho các điểm BĐVHX, cải thiện thu nhập cho đội ngũ nhân viên.

Thứ hai là tiến hành rà soát lại hiệu quả phục vụ, nhu cầu sử dụng của người dân đối với các điểm BĐVHX để có giải pháp phù hợp: đóng cửa những bưu cục kinh doanh kém hiệu quả, không còn chức năng phục vụ; chuyển các dịch vụ Bưu chính viễn thông bưu cục sang BĐVHX để tập trung khách hàng về bưu điện văn hóa xã.


Điểm đọc sách báo tại BĐVHX Diễn Phúc (Diễn Châu).

Thứ 3 là triển khai mô hình "Nhân viên BĐVHX kiêm phát xã", tức nhân viên BĐVHX kiêm thêm vai trò của một bưu tá, được hưởng thêm mức trợ cấp của người bưu tá. Đến nay, toàn tỉnh đã có 60 điểm BĐVHX thực hiện mô hình này. Đồng thời khuyến khích nhân viên BĐVHX kinh doanh thêm dịch vụ văn phòng phẩm, phô-tô-coppy... để nâng cao thu nhập.

Tất cả những nỗ lực đó chỉ là giải pháp tình thế, còn để nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm BĐVHX thì cần có một chiến lược dài hơi như đề tài khoa học "Đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp, xây dựng mô hình nâng cao hiệu quả các điểm BĐVHX trên địa bàn tỉnh Nghệ An" đã đưa ra....

Hướng đến mô hình BĐVHX kiểu mới

Nhóm nghiên cứu đề tài đưa ra giải pháp mang tính chiến lược đó là, xây dựng mô hình điểm BĐVHX kiểu mới với đầy đủ các yếu tố: đổi mới về diện mạo (cơ sở hạ tầng khang trang; trang thiết bị đầy đủ); đa dạng hóa các loại hình dịch vụ; có chiến lược lâu dài. Theo đề án, mỗi điểm BĐVHX sẽ được đầu tư khoảng 3-5 máy tính kết nối mạng bằng công nghệ ADSL nhằm phục vụ miễn phí nhu cầu tra cứu thông tin kết hợp với kinh doanh có thu phí đối với các dịch vụ giải trí trên mạng của người dân; nhận chuyển phát thư điện tử tận tay, in các thông tin trên Internet theo yêu cầu của người dân... Trung bình kinh phí đầu tư cho mỗi điểm theo mô hình này khoảng 50 triệu đồng (Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua sắm mới và 60% kinh phí tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất). Song song với đó là đưa thêm các dịch vụ, sản phẩm hàng hóa tại các điểm BĐVHX, đặc biệt là các sản phẩm Viễn thông- CNTT. Đầu tư các điểm BĐVHX hình thành mặt bằng cho thuê lắp đặt các trạm truy cập, tổng đài, cột thông tin di động BTS của các doanh nghiệp viễn thông để đưa các dịch vụ viễn thông giá rẻ đến cho người nông dân; phát triển các dịch vụ tài chính bưu chính tại các điểm BĐVHX. Phối hợp với các nhà cung cấp thuốc trừ sâu, phân bón, thức ăn gia súc... giới thiệu hàng hóa qua catalogue đặt tại điểm BĐVHX, nông dân sẽ đặt hàng, mua hàng qua Internet, còn điểm BĐVHX sẽ tiếp nhận, chấp nhận, thanh toán, giao hàng. Điểm BĐVHX trở thành đại lý bán hàng qua mạng cho các nhà sản xuất... Nghĩa là Internet sẽ đóng vai trò "thay thế"dịch vụ điện thoại cố định ở các điểm BĐVHX.

Ông Lê Đình Chiến, Phó GĐ Bưu điện tỉnh, Chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh: "Để thực hiện mô hình này, ngành cần triển khai rà soát lại toàn bộ các quy định, cơ chế hoạt động, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát... từ đó xây dựng lại các tiêu chí, tiêu chuẩn. Tiến hành phân loại điểm BĐVHX cho phù hợp với từng vùng, miền, địa phương theo hướng chất lượng và hiệu quả chứ không triển khai một cách đại trà theo kiểu phong trào. Đổi mới cơ chế hoạt động tại các điểm BĐVHX theo hướng linh hoạt, năng động và đa dịch vụ. Tận dụng thế mạnh về vị trí của điểm BĐVHX để mở thêm các dịch vụ mới ngoài dịch vụ BCVT. Những điểm nào kinh doanh tốt có thể cho thực hiện xã hội hóa kinh doanh dịch vụ..."

Đặc biệt, cần thiết phải có sự gắn kết giữa các điểm bưu điện với các hoạt động văn hóa tại địa phương. Có thể xem đó là trung tâm thông tin cơ sở, đưa thông tin có ích về nông thôn, để người nông dân có kiến thức về cách làm giàu, người dân có tri thức hơn, sản xuất kinh doanh tốt hơn. Cần phải lồng ghép, gắn điểm BĐVHX với các thiết chế ở địa phương như bệnh xá, trường học, biên phòng... làm cho điểm BĐVHX trở thành một thiết chế không đơn lẻ, có chỗ đứng và gắn kết với cộng đồng.

Để có thể phục vụ đa dịch vụ tại điểm BĐVHX, đòi hỏi đội ngũ nhân viên ở đây phải có đủ trình độ, năng lực. Do đó ngành phải tuyển chọn, đào tạo đội ngũ nhân viên có trình độ, kỹ năng, chuyên môn tốt để làm chủ được các hoạt động dịch vụ có công nghệ cao; nâng cao năng lực phục vụ; kỹ năng bán hàng, kiến thức tiếp thị, chăm sóc khách hàng... Bên cạnh đó, cần có giải pháp để cải thiện thu nhập cho nhân viên BĐVHX, giúp họ yên tâm gắn bó với nghề như: tạo điều kiện để nhân viên BĐVHX được tham gia đóng bảo hiểm; có chế độ khen thưởng hợp lý; có chế độ hoa hồng phù hợp trong việc bán các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ...

Hi vọng mới cho các điểm BĐVHX

Thực trạng về các điểm BĐVHX hiện nay không phải là vấn đề của riêng tỉnh ta mà là tình trạng chung của hệ thống điểm BĐVHX trên toàn quốc. Trước thực tế hệ thống BĐVHX bộc lộ những bất cập, không còn đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới, Bộ TT-TT đang trăn trở tìm hướng đi mới cho các điểm BĐVHX. Dự kiến vào tháng 8/2011, Bộ sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc đánh giá thực trạng về hệ thống các điểm BĐVHX trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, đưa ra định hướng về chương trình viễn thông công ích giai đoạn 2011-2015 đối với các điểm BĐVHX ở vùng khó khăn; đề xuất mô hình thí điểm Trung tâm thông tin phục vụ cộng đồng tại BĐVHX; đề xuất quy hoạch các điểm BĐVHX trong thời gian tới...

Hi vọng rằng, sau hội nghị này, các vấn đề đặt ra với các điểm BĐVHX sẽ được tháo gỡ, giải quyết một cách thấu đáo, nhất quán từ T.Ư đến các địa phương, để hệ thống điểm BĐVHX khẳng định vai trò "thiết chế văn hóa đặc biệt" ở nông thôn; là minh chứng về tính đúng đắn của chủ trương phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, nâng cao trình độ dân trí; góp phần giảm "khoảng cách số" giữa thành thị và nông thôn; giữ vững an ninh, chính trị; đảm bảo an sinh xã hội. Năm 2008, tại hội nghị tổng kết 10 năm điểm BĐVH Xã, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đã khẳng định: "Điểm BĐVHX có vai trò là cánh tay nối dài của ngành Thông tin và Truyền thông ở địa phương. Phải đưa ra cơ chế chính sách để thu hút tất cả các cấp, ngành, hệ thống chính trị quan tâm. Cần coi đó là trung tâm thông tin cơ sở, đưa thông tin có ích về nông thôn, để người nông dân có thông tin có ích về cách làm giàu, người dân có tri thức hơn, sản xuất kinh doanh tốt hơn. Cần phải làm một việc nữa là lồng ghép, gắn điểm BĐVHX với các thiết chế ở địa phương như bệnh xá, trường học, đồn biên phòng... làm nó trở thành một thiết chế không đơn lẻ, có chỗ đứng trong cộng đồng. Tuy nhiên để thực hiện được mô hình này, cần thiết có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và của toàn xã hội."


Thanh Phúc

Mới nhất
x
Kỳ 3: Phải trở thành một thiết chế không đơn lẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO