Kinh tế

Kỳ 4: Câu chuyện của sự kiên trì, bài bản

Hoài Thu, Thanh Phúc 25/09/2024 15:31

Để giúp đồng bào vùng cao vận dụng các tính năng ưu việt của công nghệ số là cả một câu chuyện về sự kiên trì, từng bước giúp đồng bào chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi. Do đó, cách làm phổ biến ở các địa phương là chọn việc dễ làm trước, việc khó làm sau, dựa vào cộng đồng và luôn nhất quán phương châm “lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển”.

chuyendoisovungcao-b4-cover.png
chuyendoisovungcao-b4-tit.png

Thanh Phúc - Hoài Thu • 25/09/2024

Để giúp đồng bào vùng cao vận dụng các tính năng ưu việt của công nghệ số là cả một câu chuyện về sự kiên trì, từng bước giúp đồng bào chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi. Do đó, cách làm phổ biến ở các địa phương là chọn việc dễ làm trước, việc khó làm sau, dựa vào cộng đồng và luôn nhất quán phương châm “lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển”.

chuyendoisovungcao-b4-titphu1.png

Ngọc Lâm là xã miền núi của huyện Thanh Chương, đời sống người dân tái định cư dựa vào cây chè, cây sắn và cây keo nguyên liệu. Dù rằng, cuộc sống của đồng bào nay đã có những khởi sắc sau gần 20 năm di dân xuống quê mới song vẫn còn rất nhiều khó khăn. Thực hiện đề án chuyển đổi số của tỉnh, xác định, muốn dân hiểu, dân thực hiện thì ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thì phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” để cài đặt, hướng dẫn người dân các thao tác, cách ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống. Theo đó, từ năm 2023, 6 tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập ở các bản.

Một góc xã Ngọc Lâm nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Đạo
Một góc xã Ngọc Lâm nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Đạo

Thời gian qua, anh Lô Văn Vọng - Tổ trưởng Tổ Công nghệ số cộng đồng bản Mà đã cùng với các thành viên trong tổ tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng và cài đặt một số ứng dụng cơ bản, có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống, như các phần mềm về thanh toán không dùng tiền mặt, Zalo, tra cứu thủ tục hành chính, dịch vụ công và việc giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp. Anh Vọng cho biết: Ngoài Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, 6 bản trên địa bàn xã cũng đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng, mỗi tổ gồm 5-7 thành viên tham gia. Các tổ công nghệ số cộng đồng phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để hướng dẫn người dân cài đặt, nắm bắt kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản trên điện thoại thông minh, như phần mềm đọc báo miễn phí, thanh toán không dùng tiền mặt, định danh điện tử cá nhân, bảo hiểm xã hội...”.

Ròng rã ngày này sang tháng khác, làm việc theo kiểu “vác tù và hàng tổng” không kể giờ giấc, bất kể nắng mưa. Và đến nay, công cuộc chuyển đổi số đang được đẩy mạnh, những người như anh Vọng vẫn tiếp tục vai trò của mình, kiên trì, nhẫn nại để hoàn thành nhiệm vụ.

Tổ chuyển đổi số cộng đồng ở huyện Thanh Chương đi từng ngõ, gõ từng nhà
Tổ chuyển đổi số cộng đồng ở huyện Thanh Chương “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để hướng dẫn người dân cài đặt, nắm bắt kỹ năng sử dụng các nền tảng số. Ảnh: CSCC

Đã 2 năm nay, với vai trò là Trưởng bản Sa Lầy, xã Mường Lống (Kỳ Sơn) kiêm Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng, trên chiếc xe máy cà tàng, anh Xồng Bá Lữ cùng một số thành viên khác phải đến tận nhà các hộ dân để hướng dẫn bà con cách cài đặt các ứng dụng số. Tập quán sản xuất của bà con là một khu biệt lập, ở cách xa nhà nên họ thường “ở rẫy” vài ngày mới về nhà một lần, nhiều hộ chăn thả gia súc thì tối mới trở về nhà, do đó, thời gian đi vận động, hướng dẫn chủ yếu là ban đêm. “Bà con hiểu được tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống lắm. Bởi bây giờ, các hộ đều có con làm ăn xa, các giao dịch từ tiền mặt, giấy tờ và bán nông sản… nếu không ứng dụng số sẽ rất khó khăn. Nhưng để bà con sử dụng thành thạo thì cán bộ vất vả lắm, hành trình cũng còn dài lắm, phải đồng hành với bà con trong từng giai đoạn cụ thể. Đồng thời, bản thân cũng phải thường xuyên cập nhật các chủ trương, định hướng, thông tin về hoạt động chuyển đổi số quốc gia, làm nền tảng kiến thức phục vụ cho việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số”.

Nhưng để bà con thành thạo chuyển đổi số thì cán bộ vất vả lắm, hành trình cũng còn dài lắm, phải đồng hành với bà con trong từng giai đoạn cụ thể”.

Anh Xồng Bá Lữ, Trưởng bản Sa Lầy, xã Mường Lống (Kỳ Sơn)

BNA_6498.JPG
Đường từ trung tâm xã Mường Lống vào bản Sa Lầy. Ảnh: H.T

Được ví như “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, tổ công nghệ số cộng đồng ở các địa phương miền núi đã và đang phát huy khá tốt vai trò trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số từ cấp cơ sở. Ông Võ Trọng Phú - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Có thể khẳng định, hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng đã và đang góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số tại cơ sở, nhất là các địa phương miền núi. Từ đó lan tỏa, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội. Cùng với đó, tại các thôn, bản thành viên tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn cũng thành lập các nhóm Zalo cộng đồng để trao đổi, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi số tại địa bàn khu dân cư, bảo đảm thông tin tuyên truyền được xuyên suốt, kịp thời, thống nhất.

chuyendoisovungcao-b4-titphu2.png

Thành Sơn là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Anh Sơn, là xã đặc thù khi có đến 48% đồng bào Thái, đời sống kinh tế người dân còn nhiều khó khăn và trình độ dân trí có những hạn chế nhất định. Do vậy, khi được lựa chọn làm mô hình điểm về thực hiện chuyển đổi số từ năm 2022, xã Thành Sơn đã rất nỗ lực để tiếp cận. Chị Đặng Thị Thơ, Văn phòng UBND xã Thành Sơn cho biết: “Ngoài các văn bản triển khai, các cuộc họp, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thì quan trọng nhất vẫn là “cầm tay chỉ việc”, chọn những phần việc dễ để làm trước, từng bước tạo chuyển biến nhận thức cho người dân”.

Chị Đặng Thị Thơ, Văn phòng UBND xã Thành Sơn Anh Sơn xử lý văn bản online. Ảnh: Thanh Phúc
Chị Đặng Thị Thơ, Văn phòng UBND xã Thành Sơn Anh Sơn xử lý văn bản online. Ảnh: Thanh Phúc

Theo đó, phần việc dễ như chị Thơ trao đổi là lập các nhóm chat Zalo, Facebook từ cấp ủy, chính quyền xã đến ban cán sự thôn, bản; nhóm các tổ tự quản với ban cán sự thôn, bản; mỗi tổ chức đoàn thể 1 nhóm chat… để phổ biến các chủ trương, chính sách; các nội dung công việc liên quan, từ đó, giảm hội họp, rút ngắn thời gian tuyên truyền, vận động; rút ngắn khoảng cách giữa cán bộ và người dân. Ông Lương Văn Huân, người có thâm niên 30 năm làm cán bộ bản Bộng cho biết: “Tuổi cao nên việc tiếp cận công nghệ thông tin gặp không ít khó khăn. Nhờ có sự hỗ trợ của các cháu trong Đoàn Thanh niên, cầm tay chỉ việc, chỉ dẫn cụ thể, dần dần tôi cũng biết sử dụng mạng xã hội, điều hành công việc của xóm qua các ứng dụng Zalo, Facebook”.

Trước đây, hàng tháng ông Đặng Bá Đức, Thôn trưởng thôn 6, xã Hội Sơn (Anh Sơn) phải dành ra 2-3 ngày đi thu các khoản quỹ như: vệ sinh môi trường, điện chiếu sáng… “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” nhưng không phải lúc nào cũng gặp được các hộ để họ thanh toán cho mình, có khi, chỉ vài chục nghìn tiền quỹ mà phải đến nhà 2-3 lần. Ông Đặng Bá Đức cho biết: “Cả thôn có 300 hộ, trong làng trong xã cả nhưng đi thu từng nhà rất vất vả. Có những hộ là công nhân nhà máy sắn, phải làm theo ca, hộ thì kinh doanh, buôn bán ở các chợ xa… nên đến nhà lúc may mắn thì gặp, không thì phải đến tận 2-3 lần mới thu được phí. Vậy nhưng, từ khi thực hiện chuyển đổi số, người dân được tiếp cận với việc thanh toán qua hình thức chuyển khoản nên chỉ cần thông báo qua hệ thống loa truyền thanh, qua nhóm Facebook các tổ dân cư, Zalo của thôn… rồi ghim số tiền cần thu, số tài khoản thu quỹ lên đó là người dân tự chuyển tiền vào, chỉ trong vòng 1 ngày là đã thu xong quỹ. Tiện và lợi, đỡ vất vả biết bao nhiêu”.

Một góc xã Hội Sơn (Anh Sơn) - Ảnh Bảo tàng Nghệ An
Một góc xã Hội Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Bảo tàng Nghệ An

Theo ông Đặng Bá Đức cho biết, thì hiện tại, khoảng 60% hộ dân có tài khoản ngân hàng, sử dụng thẻ, sử dụng thanh toán điện tử; 100% các hộ kinh doanh buôn bán có mã QR, nhận thanh toán không dùng tiền mặt. “Điều thuận lợi của xóm là hầu hết các hộ dân đều là công nhân, công viên chức nên trình độ dân trí cao, tiếp cận nhanh với công nghệ nên đều nhận lương qua thẻ, có tài khoản ngân hàng nên tỷ lệ giao dịch không tiền mặt khá cao”.

Hoặc như ở xã Khai Sơn, việc dễ nhất trong quá trình thực hiện chuyển đổi số mà chính quyền xã xác định đó là việc cài đặt VneID cho người dân. Do đó, chiến dịch cài định danh điện tử được triển khai, ra quân rầm rộ. Tính đến thời điểm hiện nay, 100% công dân đến tuổi trưởng thành đã hoàn thành định danh điện tử cấp độ 1, nhiều người đã hoàn thành cấp độ 2. Bà Phan Thị Thùy Dung, cán bộ Tư pháp xã Khai Sơn cho biết: “Phần việc này, xã thành lập các tổ cộng đồng chuyển đổi số với sự tham gia của lực lượng nòng cốt là cá bộ xã, công an xã, đoàn thành niên cũng như các tổ chức đoàn thể. Đối với những người trẻ, tiếp cận công nghệ thông tin tốt thì hướng dẫn để họ tự làm; đối với những người già, đối tượng tiếp cận công nghệ thông tin hạn chế thì các thành viên trong tổ làm hộ, làm thay”.

Cán bộ tư pháp xã Khai Sơn (Anh Sơn) hướng dẫn người dân làm thủ tục trực tuyến. Ảnh: Thanh Phúc
Cán bộ Tư pháp xã Khai Sơn (Anh Sơn) hướng dẫn người dân làm thủ tục trực tuyến. Ảnh: Thanh Phúc

Nếu như trước đây, người dân bản khe Nhinh (xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn) trồng rau trên núi đá, khó trồng nhưng rau ngon, là hàng đặc sản nhưng cũng chỉ bán lẻ dọc đường Quốc lộ 7, có những khi rau đến kỳ thu hái nhưng không có khách mua đành phải nhổ bỏ. Từ khi mạng xã hội “lên ngôi”, nhằm hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản, cán bộ nông nghiệp xã, hội nông dân xã đã xuống ruộng, lên rẫy cùng bà con để livestream bán sản phẩm, đồng thời, hướng dẫn bà con làm theo. Ngay trong phiên đầu livestream, người dân trong xã, thị trấn Mường Xén đặt mua, vừa bán được rau, vừa có thêm phí giao hàng nên nông dân rất phấn khởi. Cũng nhờ đó, nhờ sự lan toả, chia sẻ của nhiều người, đặc sản rau khe Nhinh được biết đến nhiều hơn, dễ tiêu thụ hơn và giá bán cao hơn.

“Kinh tế số với người dân miền núi cao thật sự là khái niệm khá xa vời, khó hiểu, khó tiếp nhận và khó thực hiện. Do đó, để không mất nhiều thời gian giải thích, tuyên truyền, vận động thì phải thực hành ngay. Chẳng hạn như việc livestream bán rau trước đây người dân chưa hề thực hiện, dù rằng, ai cũng có Facebook, văn nghệ hay đám cưới, đám hỏi ở bản được nhiều người phát trực tiếp. Khi “làm mẫu” cho họ, khi thấy được lợi ích thực tế đem lại là bán được rau, thu được tiền thì họ sẽ làm theo. Nay, việc việc livestream bán sản phẩm trên nền tảng số được nhiều hộ thực hiện thuần thục”, chị Vy Duyên, cán bộ xã Hữu Kiệm cho biết.

Kinh tế số với người dân miền núi cao thật sự là khái niệm khá xa vời, khó hiểu, khó tiếp nhận và khó thực hiện. Do đó, để không mất nhiều thời gian giải thích, tuyên truyền, vận động thì “làm mẫu” cho họ, khi thấy được lợi ích thực tế đem lại thì họ sẽ làm theo”.

Chị Vy Duyên, cán bộ xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn)

Cán bộ huyện Anh Sơn hướng dẫn người dân cách livestream bán sản phẩm mây tre
Cán bộ huyện Anh Sơn hướng dẫn người dân cách livestream bán sản phẩm mây tre. Ảnh: TP

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Trong đó, phải luôn xác định người dân là trung tâm của chuyển đổi số. Với đặc thù riêng, các huyện miền núi gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số từ hạ tầng công nghệ, nhân lực cho đến cơ chế. Xác định người dân là trung tâm của chuyển đổi số 11 huyện miền núi đang chủ động triển khai các nội dung chuyển đổi số theo trình tự các bước: Tập trung tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền về mục đích, ý nghĩa, xu thế tất yếu của chuyển đổi số, để từ đó tất cả hệ thống chính trị, xã hội đều phải vào cuộc; Thứ hai, tổ chức ký kết chương trình phối hợp với VNPT Nghệ An và bắt tay đi vào các phần việc cụ thể mà trước mắt là xây dựng và phát triển chính quyền số; Thứ ba là từng bước xây dựng xã hội số với thói quen, văn hóa mới…

Đặc biệt, ưu tiên phát triển kinh tế dựa trên nền tảng số. Từ việc vận dụng công nghệ để quảng bá hình ảnh trong nhiều lĩnh vực như du lịch cộng đồng, tiểu thủ công nghiệp, kinh tế dược liệu hay cả trong nông nghiệp. Công nghệ thông tin chưa tham gia trực tiếp vào sản xuất, nhưng lại có vai trò quan trọng trong kinh doanh, qua việc kết nối các cơ sở sản xuất và khách hàng tiêu thụ. Công nghệ thông tin đã tạo ra các mạng lưới xã hội, qua đó tạo tiền đề để phát triển các mạng lưới thương mại, hình thành các chuỗi hàng hóa giúp cho người dân tiếp cận thị trường một cách đơn giản và hiệu quả hơn. Nhiều cá nhân và nhóm đã biết vận dụng công nghệ thông tin vào phát triển kinh tế một cách có hiệu quả. Nói cách khác, công nghệ số, công nghệ thông tin đã và đang trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số ở miền núi.

Mỗi khi chế biến các món đặc sản, gia đình anh Bảo đều lắp đặt điện thoại để livestream. Ảnh: Quang An
Anh Lương Chí Bảo, thị trấn Kim Sơn (Quế Phong) quay livestream quá trình chế biến sản phẩm trên Facebook, TikTok. Ảnh: Quang An

Ngày 19/12/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1004/KH-UBND về việc thực hiện chuyển đổi số tỉnh Nghệ An năm 2024. Trong đó, nêu mục tiêu về kinh tế số: Kinh tế số chiếm khoảng 10% GRDP. Phấn đấu 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác. Có ít nhất từ 01 - 02 cơ sở giáo dục triển khai đào tạo về thương mại điện tử; trên 3.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, hộ kinh doanh, cán bộ công chức, viên chức, sinh viên, thanh niên khởi nghiệp được tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về thực thi pháp luật và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử. Từng bước hình thành các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp số và hợp tác xã số.


>> Trang chủ
>> Kỳ 3: Bước chuyển từ “chính quyền online”
>> Kỳ cuối: Vượt qua những “điểm nghẽn”

Mới nhất
x
x
Kỳ 4: Câu chuyện của sự kiên trì, bài bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO