Kinh tế

Kỳ cuối: Vượt qua những ‘điểm nghẽn’

Hoài Thu, Thanh Phúc 25/09/2024 16:05

Vùng miền núi còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng xã hội số, kinh tế số liên quan yếu tố hạ tầng và nhân lực. Vì vậy, để giúp các địa phương vùng cao tiếp cận, vận dụng công nghệ số, ngoài áp dụng hiệu quả các cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước thì cần có sự vào cuộc đồng bộ để tạo động lực, từng bước tháo gỡ các “điểm nghẽn”, khuyến khích, hỗ trợ đưa chuyển đổi số thành một trong những nguồn lực phát triển của vùng cao.

chuyendoisovungcao-b5-cover(1).png
chuyendoisovungcao-b5-tit.png

Thanh Phúc - Hoài Thu • 25/09/2024

Vùng miền núi còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng xã hội số, kinh tế số liên quan yếu tố hạ tầng và nhân lực. Vì vậy, để giúp các địa phương vùng cao tiếp cận, vận dụng công nghệ số, ngoài áp dụng hiệu quả các cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước thì cần có sự vào cuộc đồng bộ để tạo động lực, từng bước tháo gỡ các “điểm nghẽn”, khuyến khích, hỗ trợ đưa chuyển đổi số thành một trong những nguồn lực phát triển của vùng cao.

chuyendoisovungcao-b5-titphu1.png

Bước sang những ngày tháng 7, tại huyện biên giới Kỳ Sơn, trước khi chúng tôi cưỡi con “chiến mã” dành cho những chuyến công tác vùng cao, di chuyển từ thị trấn Mường Xén đến xã Na Ngoi thực hiện các nội dung công tác đã hẹn trước, cán bộ UBND huyện Kỳ Sơn dặn dò: “Thời gian này buổi sáng thường có sương mù dày đặc, giữa buổi chiều trở về khuya thường có mưa. Nhưng sợ nhất là giông lốc, lũ quét, sạt lở đất bất ngờ, nên các anh chị hết sức cẩn thận”. Không còn nhớ bao nhiêu lần tác nghiệp ở các địa phương miền Tây xứ Nghệ, chúng tôi đã khá quen với những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào. Ngoài những khắc nghiệt của thiên nhiên, thời tiết, địa hình thì những hạn chế về công nghệ thông tin cũng là rào cản khá lớn đối với sự phát triển về mọi mặt.

Một góc xã Na Ngoi
Một góc xã Na Ngoi (Kỳ Sơn). Ảnh: PV

Ví như trong chuyến đi đến xã Na Ngoi đầu tháng 7/2024, địa điểm cách thị trấn Mường Xén hơn 50km, chúng tôi cần gặp cán bộ bản Phù Quặc 2 và một số bản xa của xã, sau nhiều cuộc gọi liên hệ, ông Già Bá Giờ - Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Hiện nay, bản Phù Quặc 2 chưa có sóng điện thoại, muốn gặp cán bộ bản phải nhờ người đến liên hệ trực tiếp. Mà thường phải đến nhà họ vào buổi tối mới gặp được, ban ngày cán bộ cũng như người dân hầu hết đều lên rẫy lên nương. UBND xã mỗi khi có công văn, giấy mời cần chuyển xuống Phù Quặc 2 đều phải cử người đưa tận tay. Còn những việc cấp bách, cần liên hệ ngay thì đành… “lực bất tòng tâm”.

Đến UBND xã, trao đổi cùng cán bộ chuyên môn, trước khi đi thực tế ở bản, chúng tôi cần thông tin số liệu tại các văn bản báo cáo của xã, chúng tôi ngồi cùng với một số bà con cũng đang chờ để làm thủ tục giấy tờ cá nhân. Loay hoay trước màn hình máy tính khá lâu do máy khởi động chậm, màn hình vừa sáng đèn lại tắt phụt, anh Lầu Bá Chỏ - Phó Chủ tịch UBND xã Na Ngoi thở dài: “Lại mất điện rồi. Bà con chịu khó chờ nhé. Mùa này mưa gió, điện phập phù mỗi ngày mất điện mấy lần, máy tính thì dùng máy cũ đã gần chục năm nên chạy chậm lắm. Nay văn bản, giấy tờ chủ yếu làm qua hệ thống IOffice nên muốn làm nhanh cũng không làm được”.

Xử lý văn bản, thủ tục giấy tờ qua hệ thống online tại xã Na Ngoi Kỳ Sơn. Ảnh: Hoài Thu
Xử lý văn bản, thủ tục giấy tờ qua hệ thống online tại xã Na Ngoi (Kỳ Sơn). Ảnh: Hoài Thu

Giao thông đi lại khó khăn, thời tiết, thiên tai khắc nghiệt và hiện vẫn còn nhiều thôn, bản chưa có điện lưới, chưa có sóng điện thoại là những “điểm nghẽn” khiến cho công tác chuyển đổi số ở vùng cao bị chững lại.

Nói về những bất cập này, ông Võ Trọng Phú - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Trong xây dựng chính quyền số, đến tháng 6/2024, hầu hết các xã của Nghệ An đều đã được phủ sóng di động đến trung tâm xã (hạ tầng số). Song toàn tỉnh vẫn còn hơn 60 thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia, cũng vì thế mà các thôn, bản này chưa phủ được sóng điện thoại, internet. Ngoài ra, nhiều nơi, tuy đã có điện lưới, có sóng internet nhưng chất lượng truyền tải còn phập phù, bị ngắt kết nối thường xuyên do khoảng cách địa lý, hoặc do sự cố về đường truyền.

Song, những “điểm nghẽn” về hạ tầng, về công nghệ chưa phải là yếu tố cản trở lớn nhất đến tốc độ và chất lượng chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin ở các vùng miền núi. Mà “rào cản” lớn nhất là tư duy và ý thức của con người, bao gồm cả cán bộ cũng như người dân. Chúng tôi đã đến bản Cò Phạt, một bản nhỏ của người Đan Lai, nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông. Cung đường từ trung tâm xã Môn Sơn đến bản Cò Phạt dài hơn 20km, chủ yếu là đường đất đá trơn trượt và đi qua 6 chiếc cầu, bao gồm 1 cầu treo vượt và 5 cầu tạm bằng tre mét vượt suối.

Ông La Văn Linh - Bí thư Chi bộ Cò Phạt cho biết, ở bản đã có điện lưới, có sóng điện thoại, có cả sóng internet, nhưng không phải khi nào cũng sử dụng được. Vì có rất nhiều điểm bị khuất sóng, không liên lạc được. Còn muốn đọc thông tin hoặc đăng ký thủ tục giấy tờ qua mạng thì ngoài có điện thoại thông minh thì còn phải tìm điểm có “sóng rơi, sóng khoẻ” mới dùng được”. Ông La Văn Linh nói thêm, trong bản người trẻ thì hầu hết đi làm ăn xa, người già ở nhà không mấy ai dùng điện thoại thông minh nên việc đăng ký hay cập nhật các thông tin giấy tờ qua mạng rất hạn chế. Nếu có thủ tục cần làm thì người dân lại lặn lội ra trung tâm xã, rồi nhờ cán bộ ở xã hướng dẫn và làm hộ.

Muốn đọc thông tin hoặc đăng ký thủ tục giấy tờ qua mạng thì ngoài có điện thoại thông minh thì còn phải tìm điểm có “sóng rơi, sóng khoẻ” mới dùng được”.

Ông La Văn Linh - Bí thư Chi bộ Cò Phạt, Môn Sơn (Con Cuông)

bna_Dan lai 1.jpg
Tuyến đường vào bản Cò Phạt, xã Môn Sơn (Con Cuông). Ảnh: Hữu Vi

Chia sẻ về những hạn chế này, một cán bộ văn phòng UBND cấp xã ở huyện Anh Sơn khi trao đổi về vấn đề này đã thừa nhận, vẫn còn việc cán bộ làm thay người dân trong các thao tác hành chính online: Đa số người trẻ khi chúng tôi phổ biến các ứng dụng, các thao tác thực hiện thủ tục hành chính online họ đều nắm bắt nhanh và thực hiện được ngay. Người trẻ họ nhận thấy được ưu thế của số hoá trong hồ sơ, thủ tục. Trái lại, những người dân đã cao tuổi họ vừa hạn chế về khả năng tiếp thu, khả năng thực hành các thao tác online.

Bên cạnh đó, nhiều người còn không dùng điện thoại thông minh nên việc vận động họ áp dụng công nghệ số hầu như là không thể. Khi tiếp thu các phổ biến của chính quyền về các thủ tục hành chính online, người dân cũng đã nắm được, song khi thực hành trên máy lại rất lúng túng, làm mất nhiều thời gian. Thậm chí làm sai, phải sửa đi sửa lại nhiều lần. Những lúc cao điểm đông người cần giải quyết hồ sơ, thay vì hướng dẫn giúp người dân làm đúng, thì cán bộ vẫn có lúc đã làm thay.

Cán bộ tư pháp xã Khai Sơn (Anh Sơn) xác nhận thủ tục hành chính online
Cán bộ Tư pháp xã Khai Sơn (Anh Sơn) xác nhận thủ tục hành chính online. Ảnh: TP

Cùng với đó, theo chia sẻ của cán bộ văn phòng UBND cấp xã ở nhiều địa phương, hạ tầng, cơ sở dữ liệu của hệ thống phục vụ chính quyền số hiện vẫn đang tiếp tục nâng cấp, sửa đổi, vì vậy vẫn còn những hạn chế. Ví như hệ thống phần mềm hộ tịch vẫn chưa đảm bảo việc đồng bộ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch; một số trường hợp không đồng bộ sang phần mềm chuyên ngành hộ tịch. Hiện nay, người dân đã cung cấp các loại giấy tờ để cập nhật vào tài khoản định danh điện tử mức độ 2, tuy nhiên, việc đồng bộ giấy tờ để người dân sử dụng thay thế giấy tờ, tài liệu gốc trong các giao dịch hành chính, dân sự còn chậm. Quá trình thực hiện chuyển đổi số, nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính bằng phương pháp trực tuyến vẫn chưa hoàn chỉnh. Một số thủ tục hành chính đã nộp hồ sơ bằng phương pháp trực tuyến, song sau đó vẫn phải đưa hồ sơ giấy tới nộp để đối chiếu, để lưu trữ nên công dân chưa thấy được hết lợi ích của hình thức trực tuyến.

Công an xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) cùng Đoàn xã xuống tận bản tuyên truyền về việc kích hoạt định danh điện tử cho người dân
Công an xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) cùng Đoàn xã xuống tận bản tuyên truyền về việc kích hoạt định danh điện tử cho người dân. Ảnh: T.Đ

Nói thêm về những “điểm nghẽn” trong chuyển đổi số ở các địa phương vùng cao, ông Võ Trọng Phú nhấn mạnh, hiện nay các sở, ngành, các cấp chính quyền cũng ở Nghệ An đã và đang đẩy nhanh triển khai tại các xã thí điểm ở 3 xã của huyện Anh Sơn, Quỳ Hợp và Nghi Lộc theo 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Bước đầu, tuy đã đạt được các mục tiêu đề ra trong quá trình triển khai thí điểm, song vẫn còn những hạn chế, khiếm khuyết trong quá trình thực hiện như: Việc phát triển thương mại điện tử, đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử chưa có kết quả rõ ràng. Các dịch vụ về giáo dục, y tế thông minh tại các xã mặc dù bước đầu đã có kết quả nhưng lợi ích mang lại cho người dân của các dịch vụ này chưa cao.

chuyendoisovungcao-b5-titphu2.png

Vùng có đông đồng bào các dân tộc ở miền núi vốn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ thông tin. Vậy nên để nâng cao năng lực vận dụng chuyển đổi số, công nghệ số vào phát triển kinh tế miền núi thì cũng cần phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Bà Phan Thị Thuỳ Dung, công chức tư pháp, hộ tịch UBND xã Khai Sơn (Anh Sơn) cho biết, cho đến nay, vẫn còn nhiều người dân giữ thói quen với các phương thức nộp thủ tục hành chính truyền thống. Cho nên để người dân thấy được lợi ích và tiếp cận với các phương pháp nộp hồ sơ trực tuyến cần thời gian và phương pháp tuyên truyền thay đổi nhận thức thực sự hiệu quả.

bna-cchc-9215.jpg
Người dân đến giao dịch các thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa huyện Anh Sơn. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Ngoài cần sự quyết liệt trong chỉ đạo của người đứng đầu, của cán bộ các cấp, thì ở các địa phương vùng cao với đặc thù về địa hình, dân cư, đồng bào các dân tộc hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ thông tin. Hầu hết người dân ở miền núi, nhất là những người trung niên và người lớn tuổi đều rất khó tiếp cận được công nghệ thông tin. Chủ yếu là những người trẻ tuổi mới tiếp cận nhanh nhạy hơn. Tuy nhiên, những người luống tuổi lại là đối tượng nắm giữ các nguồn lực phát triển truyền thống của các cộng đồng. Còn những người trẻ lại gặp hạn chế trong việc này.

Trong quá trình phát triển, để vận dụng được công nghệ thông tin thì những người luống tuổi phải nâng cao năng lực của mình. Nếu không tiếp cận được thì họ phải dựa vào con, cháu của mình để giúp đỡ. Thế nên, để vận dụng được công nghệ thông tin vào phát triển kinh tế cần phải có những chương trình tập huấn, giúp đỡ cho đồng bào nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ thông tin, nâng cao năng lực hợp tác giữa các thế hệ cùng làm việc để nâng cao hiệu quả. Khi nhân tố con người được hỗ trợ và phát triển một cách phù hợp thì việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin mới đạt hiệu quả, mới có thể giúp cho quá trình chuyển đổi số, công nghệ số có hiệu quả, trở thành nhân tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.

Người dân bản Hoa Tiến livestream các công đoạn hái bông, dệt vải lên trang mangj xã hội để quảng bá thổ cẩm Hoa Tiến
Người dân bản Hoa Tiến livestream các công đoạn hái bông, dệt vải lên trang mạng xã hội để quảng bá thổ cẩm Hoa Tiến. Ảnh: PV

Tại Kế hoạch 1004/KH-UBND về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện các nội dung theo mốc lộ trình cụ thể. Trong đó, mục tiêu về kinh tế chiếm khoảng 10% GRDP. 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác. Về xã hội số, phấn đấu trên 45% người dùng điện thoại, thiết bị thông minh được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh. 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử.

Về khắc phục các khó khăn, hạn chế, Kế hoạch 1004 cũng nêu rõ: cần nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền ban hành các chính sách về tỷ lệ chi tối thiểu và hướng dẫn đơn giá, định mức cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; Chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; Chính sách thuê chuyên gia chuyển đổi số; chính sách hỗ trợ đối với Tổ công nghệ số cộng đồng. Rà soát, xóa các vùng lõm sóng trên địa bàn, bảo đảm tốc độ mạng viễn thông di động. Phối hợp đẩy nhanh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng đến tất cả các thôn, bản, khu vực dân sinh; tăng nhanh tỷ lệ người dùng Internet, đặc biệt ở khu vực nông thôn; nâng cao dung lượng kết nối và chất lượng dịch vụ mạng, phủ sóng ở vùng trắng, vùng lõm về kết nối mạng băng thông rộng.

Phương tiện thuận lợi nhất để khám phá Noọng Dẻ là xe máy. Các bạn trẻ có thể
Dốc Noọng Dẻ (Kỳ Sơn). Ảnh: Sách Nguyễn

“Trong chuyển đổi số ở vùng cao, yếu tố con người đóng vai trò quyết định. Chuyển đổi số thì nhấn mạnh chuyển đổi là chính, tức là chuyển trạng thái từ môi trường thực sang môi trường số, nên phải có thời gian nhất định, mà trước hết là chuyển đổi về nhận thức. Vì vậy, không được nóng vội, bởi để thay đổi một thói quen, một lối tư duy cần có thời gian và lộ trình, đặc biệt là với những địa bàn đặc thù vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Thực tế, tại các địa phương thí điểm triển khai thành công xây dựng chính quyền số đều cho thấy, có sự vào cuộc quyết liệt và thống nhất của người đứng đầu, cán bộ nào phong trào ấy. Còn đối với phát triển kinh tế số, cần ưu tiên 3 nội dung gồm phát triển thương mại điện tử; đẩy mạnh thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và triển khai mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp thông minh” – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định.

Trong chuyển đổi số ở vùng cao, yếu tố con người đóng vai trò quyết định. Chuyển đổi số thì nhấn mạnh chuyển đổi là chính, tức là chuyển trạng thái từ môi trường thực sang môi trường số, nên phải có thời gian nhất định, mà trước hết là chuyển đổi về nhận thức”.

Ông Võ Trọng Phú - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông


>> Trang chủ
>> Kỳ 4: Câu chuyện của sự kiên trì, bài bản

Mới nhất
x
x
Kỳ cuối: Vượt qua những ‘điểm nghẽn’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO