Kỳ 3: Bước chuyển từ ‘chính quyền online’
Với đặc thù địa lý của vùng miền núi khó khăn về đường sá, cơ sở vật chất thiếu và yếu, việc áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quản lý, điều hành đã tạo ra những chuyển biến quan trọng, thay đổi tư duy chỉ đạo, điều hành, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống đối với cả đội ngũ cán bộ và người dân. Đặc biệt, công nghệ số cũng giúp người dân tiếp cận các xu hướng kinh tế, mở ra nhiều cơ hội ngành nghề mới, dần vươn lên thoát nghèo.
Thanh Phúc - Hoài Thu • 25/09/2024
Với đặc thù địa lý của vùng miền núi khó khăn về đường sá, cơ sở vật chất thiếu và yếu, việc áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quản lý, điều hành đã tạo ra những chuyển biến quan trọng, thay đổi tư duy chỉ đạo, điều hành, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống đối với cả đội ngũ cán bộ và người dân. Đặc biệt, công nghệ số cũng giúp người dân tiếp cận các xu hướng kinh tế, mở ra nhiều cơ hội ngành nghề mới, dần vươn lên thoát nghèo.
Ngày 9/7/2024, trời đã chập choạng tối, dù đã rời cuộc họp tại UBND xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) khá lâu, song Trưởng bản Phà Bún - ông Hờ Tồng Lầu vẫn lâng lâng niềm vui, cho biết, “hôm nay thật vui, được dự họp trực tiếp với các cán bộ Trung ương. Cuộc họp lần này có nhiều lãnh đạo cấp cao của Bộ Chính trị và các bộ, ngành Trung ương cùng dự. Cuộc đời làm cán bộ thôn, bản xa xôi như ở Phà Bún này cũng thật vừa lòng lắm rồi”. Đã gần 50 tuổi, có gần 30 năm tham gia công tác thôn bản, trưởng thành từ phong trào Đoàn, vừa lao động, sản xuất vừa cùng với thôn bản xây dựng phong trào ở cơ sở, già Hờ Tồng Lầu dần trở thành người có uy tín, được bầu làm Bí thư Chi bộ, rồi Trưởng bản Phà Bún hàng chục năm trời. Song, như già Hờ Tồng Lầu chia sẻ, khoảng chục năm trở về trước, mỗi lần có giấy mời cán bộ thôn, bản ra thị trấn Mường Xén dự họp, thì ông lại khăn gói lên đường từ chiều hôm trước mới có thể kịp giờ họp vào sáng hôm sau.
“Hồi đó, đường đi lại quá vất vả, mùa mưa thì xe máy trơn trượt, đi lên dốc dễ hơn xuống dốc, phải quấn dây thừng vào bánh xe mới đi được. Chiều tối cán bộ bản ở xa như chúng tôi phải ra thị trấn trước, thuê nơi ngủ tạm để ngày mai dự họp. Mỗi cuộc họp 1 buổi sáng thôi nhưng thời gian đi lại mất 1 ngày 1 đêm. Ngày ấy, có nằm ngủ mơ thì tôi cũng không thể mơ được như hiện thực ngày nay, không thể nghĩ rằng có lúc cán bộ bản làng nơi non cao xa xôi này lại có thể cùng ngồi dự một cuộc họp cùng với lãnh đạo Đảng, Nhà nước tận Hà Nội. Công nghệ thông tin đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi quá lớn” - già Hờ Tồng Lầu chia sẻ.
Không thể nghĩ rằng có lúc cán bộ bản làng nơi non cao xa xôi này lại có thể cùng ngồi dự một cuộc họp cùng với lãnh đạo Đảng, Nhà nước tận Hà Nội qua nền tảng số. Công nghệ thông tin đã thay đổi quá lớn”.
Già Hờ Tồng Lầu, Trưởng bản Phà Bún, xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn)
Cuộc họp mà già Hờ Tồng Lầu đề cập đến chính là Hội nghị trực tuyến toàn quốc quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 35- CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Hội nghị được truyền trực tiếp từ Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết hợp trực tuyến tới 15.644 điểm cầu các cơ quan Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và các điểm cầu cấp xã, với hơn 1,28 triệu đảng viên trên toàn quốc tham dự. Ở Nghệ An, từ điểm cầu cấp tỉnh, thông qua kết nối của hệ thống họp trực tuyến đã giúp cho 37 điểm cầu cấp huyện và 554 điểm cầu cấp xã cùng dự họp.
“Tại điểm cầu cấp xã, ngoài cán bộ chủ chốt, ban chấp hành đảng bộ xã, chúng tôi mời đội ngũ bí thư, trưởng bản, trưởng các hội, đoàn thể thôn bản cùng dự họp. Không chỉ cuộc họp này, 2 năm lại nay, nhờ hệ thống họp trực tuyến của huyện, cán bộ cơ sở được hưởng lợi rất nhiều khi công tác tiếp nhận, triển khai các chỉ thị, nghị quyết được nhanh chóng hơn, lại giảm được thời gian đi lại. Đặc biệt, địa bàn miền núi cao như Kỳ Sơn, việc họp trực tuyến thực sự là bước đột phá giúp nâng tầm hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành ở cơ sở”, ông Dềnh Bá Lồng - Bí thư Đảng ủy xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) cho biết.
Cũng chia sẻ tương tự, tại xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn, ông Võ Ngọc Tiệp, công chức Văn phòng UBND xã cho biết, từ khi có hệ thống họp trực tuyến, không chỉ cán bộ, đảng viên cấp xã, huyện mà ngay cả cán bộ thôn, bản cũng có thể cùng tham gia dự cuộc họp do Trung ương tổ chức. Đây là điều trước đây không có tiền lệ, chỉ có thể có ở thời đại công nghệ số. Xã Khai Sơn có 7 xóm, trong đó có 1 xóm có đồng bào theo đạo Thiên Chúa và có xóm cách khá xa trung tâm xã như xóm 9a (cách UBND xã 5km). “Ở xã Khai Sơn hiện nay cán bộ thôn xóm hầu hết đã khá cao tuổi, nên một số người đi lại khá khó khăn, sức khỏe lại hạn chế. Song nhờ có hệ thống họp trực tuyến đã khắc phục được nhược điểm này, giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ, tiếp thu đầy đủ và hiệu quả, tránh “tam sao thất bản” tinh thần chỉ đạo, điều hành cũng như cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước khi trực tiếp dự họp. Chỉ riêng năm 2023, cùng với UBND huyện Anh Sơn, xã Khai Sơn đã triển hai kết nối với cán bộ thôn, bản dự gần 20 cuộc họp trực tuyến” - ông Võ Ngọc Tiệp cho biết. Ở 7 xóm của xã Khai Sơn, xóm nào cũng có Tổ công nghệ số giúp người dân giải đáp những thắc mắc, cài đặt và sử dụng các ứng dụng công nghệ số phục vụ cuộc sống, họp hành cũng như liên lạc, buôn bán làm ăn kinh tế.
6 tháng đầu năm 2024, trên toàn tỉnh đã thực hiện hội nghị truyền hình trực tuyến với 4 điểm cầu, kết nối Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh với các huyện, thị ủy, UBND các huyện, thị, thành phố và một số sở, ban, ngành. Tính từ ngày 10/12/2023 đến ngày 31/5/2024, hệ thống truyền hình trực tuyến đã phục vụ 41 cuộc họp nội tỉnh; trong đó UBND tỉnh 08 cuộc, Tỉnh ủy 04 cuộc.
Xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn là một địa phương vùng sâu, vùng xa có 100% là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Với hơn 900 hộ, dân số hơn 3.600 người, cuộc sống của người dân Thành Sơn nay đã khấm khá hơn nhờ những thay đổi về kinh tế - văn hoá. Đối với chị Đặng Thị Thơ, công chức Văn phòng UBND xã, thay đổi lớn nhất và rõ nhất trong công việc của bản thân đến từ việc áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Chị Thơ cho biết, trước đây Văn phòng UBND xã có đông người làm việc nhưng chỉ có 1 máy tính để dùng chung. Vì vậy, việc xử lý văn bản, giấy tờ, công văn đi - đến mất rất nhiều thời gian, vì vậy mà cũng thường bị chậm tiến độ. Tình trạng này chỉ chấm dứt khi xã được đầu tư trang bị thêm máy móc, thiết bị để mỗi cán bộ, nhân viên có 1 chiếc máy tính phục vụ công việc.
“Hiệu quả nhất phải kể đến là đưa vào sử dụng phần mềm IOffice, mỗi công chức được cấp chữ ký số, tham mưu trình lãnh đạo ký văn bản online. Ứng dụng công nghệ số không chỉ giúp rút ngắn nhiều lần thời gian xử lý hồ sơ, mà cán bộ, công chức có thể linh hoạt kết hợp xử lý nhiều công việc một lúc thông qua mạng internet kết nối thiết bị điện thoại thông minh. Những tiện lợi, hiệu quả này giúp cán bộ, công chức ở cơ sở như chúng tôi thêm yêu công việc" - chị Đặng Thị Thơ bộc bạch.
Nói thêm về những đổi thay tích cực nhờ áp dụng công nghệ thông tin ở vùng cao, ông Lữ Quang Hưng - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Kỳ Sơn cho biết, việc áp dụng công nghệ thông tin ở vùng cao có hiệu quả đặc biệt to lớn, điều mà trước nay tưởng chừng không thể làm được do đặc thù địa hình và khí hậu vùng sâu, vùng xa. Xây dựng chính quyền số, điều hành online qua các nhóm trao đổi trực tuyến, qua mạng xã hội, qua hệ thống văn bản VNPT IOffice đã giúp rút ngắn khoảng cách không gian, thời gian trong việc đưa chỉ thị của Đảng vào cuộc sống. Riêng công tác tuyên giáo, nhiều năm nay họp báo cáo viên hầu hết được thực hiện qua kênh trực tuyến. Cán bộ thôn bản xa xôi, có những xã, bản cách thị trấn Mường Xén 70km đường núi rừng nay cũng chỉ cần ở tại địa phương cũng có thể dự họp cùng lãnh đạo huyện”- ông Lữ Quang Hưng khẳng định.
Xây dựng chính quyền số, điều hành online qua các nhóm trao đổi trực tuyến, qua mạng xã hội, qua hệ thống văn bản VNPT IOffice đã giúp rút ngắn khoảng cách không gian, thời gian trong việc đưa chỉ thị của Đảng vào cuộc sống.
Ngoài chuyển biến trong công tác chỉ đạo, điều hành, công nghệ số cũng lần đầu tiên giúp đồng bào các dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái ở Kỳ Sơn “ngồi ở nhà cũng có thể làm thủ tục giấy tờ như đăng ký khai sinh, kết hôn, nộp học phí cho con cái cũng không cần phải đi bộ cả chục cây số đến UBND xã, đến trường học hay đi xe máy cả mấy tiếng đồng hồ để ra huyện như trước đây” - chị Vừ Y Xò ở bản Huồi Lê, xã Huồi Tụ cho hay. Chị Vũ Thị Huyền - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Sơn cho biết, công nghệ thông tin gắn với chiếc điện thoại thông minh đã làm thay đổi suy nghĩ của phụ nữ vùng sâu, vùng xa. Cũng nhờ công nghệ số mà các chi hội phụ nữ tập hợp được đông thành viên, khuyến khích được chị em tham gia công tác hội hiệu quả. Đặc biệt là từ khi Hội Phụ nữ huyện triển khai khâu “Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động hội” giai đoạn 2023-2027. Đến nay, 100% Hội Phụ nữ cơ sở có máy tính kết nối Internet, 100% đơn vị mở tài khoản Facebook, Zalo để thực hiện nhiệm vụ của Hội. “Từ khi ứng dụng công nghệ số, mọi thông tin mời dự họp, triển khai các nội dung công tác đến rà soát chế độ, chính sách đến thăm hỏi, động viên đều được thực hiện qua các nhóm mạng xã hội, kể cả công tác tuyên truyền, vận động nhờ có mạng xã hội, có công nghệ thông tin mà mọi nội dung triển khai đều “đến tận tay” mỗi hội viên dù họ đang ở trên nương rẫy, thậm chí đang ở nước bạn Lào thăm thân” - chị Vũ Thị Huyền bộc bạch.
Nói thêm về điều này, ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, đến tháng 6/2024, thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, huyện Kỳ Sơn đã thực hiện 100% thủ tục hành chính thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến công như: Đăng ký thường trú, tạm trú; Đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy; Đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, nộp học phí, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất…
Không chỉ ở Kỳ Sơn, hiện nay theo ông Võ Trọng Phú - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, hầu hết các huyện miền núi đã triển khai khá đồng bộ Kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh, ưu tiên đầu tư lắp đặt hệ thống văn bản điện tử và họp trực tuyến đến 100% các xã. Trong đó có nhiều địa phương thực hiện sớm từ những năm 2018 - 2020 và tạo chuyển biến tích cực trong cải cách hành chính, lãnh đạo điều hành như Tương Dương, Quế Phong, Anh Sơn,… và sau này các huyện xa xôi, khó khăn như Kỳ Sơn cũng đã hoàn thành kết nối hệ thống họp trực tuyến đến 100% các xã.
Ông Võ Trọng Phú cho biết thêm, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với một số tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ thúc đẩy thí điểm chuyển đổi số tại một số làng, xã trước khi nhân rộng. Trong bối cảnh việc phát triển đô thị thông minh đang từng bước được triển khai tại các địa phương, với mục tiêu thu hẹp khoảng cách số giữa đô thị và nông thôn, giữa thành thị và miền núi, giúp chính quyền xã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả hơn, đồng thời để quản lý và phục vụ người dân, giúp người dân nâng cao kỹ năng số để quảng bá những sản phẩm và nét văn hóa đặc trưng của địa phương mình.