Kinh tế

Kỳ 2: Kết nối, tạo bứt phá du lịch vùng cao

Hoài Thu, Thanh Phúc 25/09/2024 15:13

Không chỉ giúp xóa nhòa khoảng cách về thời gian, không gian trong phát triển kinh tế, tiêu thụ nông sản, mà ứng dụng công nghệ số còn giúp các địa phương vùng cao quảng bá, khai thác kho tài nguyên du lịch.

chuyendoisovungcao-b2-cover.png
chuyendoisovungcao-b2-tit.png

Thanh Phúc - Hoài Thu • 25/09/2024

Không chỉ giúp xóa nhòa khoảng cách về thời gian, không gian trong phát triển kinh tế, tiêu thụ nông sản, mà ứng dụng công nghệ số còn giúp các địa phương vùng cao quảng bá, khai thác kho tài nguyên du lịch.

chuyendoisovungcao-b2-titphu1.png

Trước khi diễn ra Lễ hội hái mận Mường Lống 2 ngày, chúng tôi đến “sapa của xứ Nghệ” để “tiền trạm” cho những bài viết về du lịch miền Tây. Trên con đường mòn nhỏ chênh vênh chạy dọc theo sườn đồi, len lỏi qua những vườn mận trĩu quả, gặp ông Vừ Xái Chù lưng gùi bó cỏ nặng trĩu xanh mướt, cắp nách thêm con gà đen đi về hướng nhà mình. Sau lời chào, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lống Vừ Bá Xử hỏi ông Xái Chù: “Nho rồng nu no kò mú lua trò có từ lò” (bố Xái Chù đi cắt cỏ ở đâu về vậy?). Ông Xái Chù vui vẻ trả lời: “Kò ua và mận bà tò khùa tùa du lịch lò” (Cắt cỏ ở vườn mận, năm nay lễ hội khách đặt vé qua mạng nhiều lắm).

Một góc xã Mường Lống (Kỳ Sơn). Ảnh: Quang An
Một góc xã Mường Lống (Kỳ Sơn). Ảnh: Quang An

Vị cán bộ xã còn khá trẻ cho biết thêm, khoảng 3 năm lại nay, người dân Mường Lống có thêm các thuật ngữ mới, xuất hiện thường ngày trong đời sống đồng bào, ấy là “làm du lịch”, “đặt hàng qua mạng”… Đi cùng với sự đổi thay ấy là những cách làm kinh tế mới từ phát triển dịch vụ du lịch, homestay… “Những cảnh đẹp của địa phương như thác Rồng, những vườn mận cổ đã mấy chục năm của bà con, cùng khí hậu, phong tục tập quán của nhân dân bao đời ở Mường Lống nhờ có công nghệ số, nhờ có internet, có điện thoại thông minh mà thác nước, núi non Mường Lống mới có thể mời gọi được du khách, được thế giới biết đến” - anh Vừ Bá Xử bộc bạch.

Những cảnh đẹp của địa phương, phong tục tập quán của nhân dân bao đời ở Mường Lống nhờ có công nghệ số, nhờ có internet, có điện thoại thông minh mà mời gọi được du khách, được thế giới biết đến”.

Anh Vừ Bá Xử - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lống

Cảnh sắc Mường Lống được chia sẻ rộng rãi trên mạng inernet ảnh tư liệu Sách Nguyễn
Cảnh sắc Mường Lống được chia sẻ rộng rãi trên mạng internet. Ảnh: Sách Nguyễn

Còn đối với du khách, nhiều người đến với Mường Lống cũng khẳng định điều này. Vui vẻ kể lại những kỷ niệm khó quên sau chuyến du lịch đến các địa phương vùng cao miền Tây xứ Nghệ vào dịp các con bắt đầu kỳ nghỉ hè năm 2024, chị Trần Thuỳ Lâm ở huyện Diễn Châu cho biết, tình cờ lúc lướt mạng trên điện thoại, tôi được xem một loạt ảnh chụp những thác nước ở miền Tây cùng với những cảnh xanh mướt của núi rừng, và có cả dịch vụ homestay rất hấp dẫn. Tò mò, chị Lâm liên lạc với trang Fanpage, rồi hỏi thêm bạn bè và quyết định cùng gia đình trải nghiệm du lịch lên miền Tây Nghệ.

Nói rồi, chị vui vẻ cho biết, trước nay gia đình tôi cứ dịp các con được nghỉ hè là sẽ tổ chức một vài ngày cho các cháu đi chơi, và hầu hết là đi các tỉnh khác. Nay qua các phản hồi trên mạng xã hội, thấy nhiều ý kiến ca ngợi cảnh đẹp của chính quê hương Nghệ An mình, nên cũng muốn khám phá. Ấy là chuyến trải nghiệm ngắm thác Khe Kèm ở Con Cuông, săn mây ở Na Ngoi và tham gia Lễ hội hái mận ở Mường Lống Kỳ Sơn - huyện biên giới xa nhất của Nghệ An.

Một chuyến đi chơi thật nhiều kỷ niệm, vừa ngạc nhiên, vừa thú vị và cũng khá… vất vả, nhưng rất xứng đáng. Thì ra quê mình còn nhiều nơi đẹp đến như vậy”.

Chị Trần Thùy Lâm, huyện Diễn Châu

Chị Trần Thuỳ Lâm chia sẻ hình ảnh chuyến du lịch miền Tây xứ Nghệ tại VQG Pù Mát Con Cuông. Ảnh: NVCC
Chị Trần Thuỳ Lâm chia sẻ hình ảnh chuyến du lịch miền Tây xứ Nghệ tại VQG Pù Mát Con Cuông. Ảnh: NVCC

Hiện nay, các địa phương dọc các tuyến Quốc lộ 48 và Quốc lộ 7 đều có những đặc sắc về cảnh quan thiên nhiên cũng như bản sắc văn hoá giàu tiềm năng để phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Ngoài nguồn tài nguyên về diện tích rừng, về quy mô và sự đa dạng sinh học trong không gian khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An, tài nguyên du lịch của vùng miền Tây còn bao gồm cảnh đẹp tự nhiên rải khắp nhiều huyện. Ví như Vườn Quốc gia Pù Mát (Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương); thác Kèm, đập Phà Lài, khe Nước Mọc (Con Cuông); Thanh Chương có thác Liếp, thác Cây Trám, thác Lụa, hồ Sông Rộ, đảo chè (đập Cầu Cau); Anh Sơn có vực Bụt, sông Giăng – bản Vều; Tương Dương có hồ Thủy điện Bản Vẽ, rừng săng lẻ, khe Cớ; Kỳ Sơn có cổng trời Mường Lống, đỉnh Pu Xai Lai Leng, nhiều thác nước tự nhiên như thác Huồi Giảng (xã Tà Cạ), thác Rồng (xã Mường Lống), thác Ka Nọi (xã Na Ngoi)...

Và những kho tài nguyên ấy, hầu hết đều được du khách gần, xa biết đến thông qua sự quảng bá bằng công nghệ số, kết nối mạng internet. Bà Vi Thị Thắm - Chủ tịch Công ty TNHH Trung tâm Điều phối du lịch miền Tây Nghệ An (TNT Tây Nghệ Tourist) cũng khẳng định điều này. Bà Thắm bày tỏ, bản thân là người con của đồng bào, sinh ra trên chính mảnh đất miền Tây, hiểu và gắn bó với quê hương. Bà cũng đã thành lập công ty kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, và nay mở rộng hoạt động điều phối, kết nối các tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh.

Hầu hết các doanh nghiệp cũng như cá nhân kinh doanh mảng du lịch ở Nghệ An, ban đầu công tác truyền thông luôn đóng vai trò quyết định trong việc đưa hình ảnh điểm đến, các dịch vụ đến với du khách thông qua mạng xã hội, qua các hỗ trợ của công nghệ số.

Bà Vi Thị Thắm, Chủ tịch TNT Tây Nghệ Tourist

Vẻ đẹp non nước sông Giăng và đại ngàn Pù Mát. Ảnh: Lê Quang Dũng
Vẻ đẹp non nước sông Giăng và đại ngàn Pù Mát. Ảnh: Lê Quang Dũng
chuyendoisovungcao-b2-titphu2.png

Đối với đồng bào các DTTS, ẩm thực không chỉ phục vụ nhu cầu của cá nhân, cộng đồng trong cuộc sống hằng ngày, các lễ hội truyền thống, mà còn là di sản văn hóa mang bản sắc, hương vị riêng của từng dân tộc. Ẩm thực đồng bào Thái, Mông, Khơ Mú, Thổ… ngày càng được lan toả, quảng bá rộng rãi với bạn bè trong nước và thế giới thông qua mạng xã hội. Cùng với cảnh sắc, bản sắc văn hoá đặc trưng, ẩm thực độc đáo đã tạo nên “lực hút” để thúc đẩy du lịch vùng cao phát triển.

Nhiều năm nay, Vi Khăm Môn - một thanh niên năng động, đầy tâm huyết trong lĩnh vực phát triển du lịch bản địa (xã Tà Cạ, Kỳ Sơn) đã tích cực sử dụng Facebook để quảng bá, giới thiệu nét đặc sắc của dân tộc mình. Những nét đẹp cảnh quan thiên nhiên của vùng cao với thung lũng sương mù nhìn từ đỉnh Pu Nghiêng, mái nhà sa mu, thửa ruộng bậc thang thơ mộng,... được anh thu vào ống kính, dàn dựng thành những chương trình trải nghiệm văn hóa rất thú vị và sinh động.

Hình ảnh camping, dã ngoại ở các địa điểm của Kỳ Sơn được Vi Khăm Môn đưa lên mạng xã hội.
Hình ảnh camping, dã ngoại ở các địa điểm của Kỳ Sơn được anh Vi Khăm Môn đưa lên mạng xã hội.

Đặc biệt, văn hóa ẩm thực của dân tộc Thái, Mông được bạn trẻ này lưu tâm hơn cả. Nhiều hình ảnh và video quay về cảnh đồng bào đi hái rau rừng, bắt cá, chế biến, nấu nướng các món ăn, cách khám phá, trải nghiệm thiên nhiên hoang sơ và thưởng thức ẩm thực sạch, nguyên bản của khách du lịch tại bản làng được nhiều người vào xem, chia sẻ và để lại những bình luận tích cực. Hình ảnh những món ăn đặc sắc, hấp dẫn như: gà nướng mắc khén; vũ nữ chân dài chui ống măng, cá suối lam ống nứa hiện lên sinh động qua kênh Facebook, Zalo, TikTok của Môn có sức cuốn hút kỳ lạ, khiến những ai click chuột vào xem đều không khỏi trầm trồ, có cảm giác bị kích thích và ao ước được một lần nếm thử. Và nhiều du khách, nội tỉnh có, ngoại tỉnh có và cả nước bạn Lào đã “vì tò mò”, vì bị “kích thích” khi xem video của Môn mà tìm đến Tà Cạ, đến Kỳ Sơn để trải nghiệm.

Những món ăn đặc sản khi dã ngoại ở Tà Cạ.
Những món ăn đặc sản khi dã ngoại ở Tà Cạ.

Tình cờ, kỳ nghỉ lễ 30/4 vừa qua, chúng tôi lên Quỳ Châu và gặp gia đình chị Dương Xuân Anh, một du khách ở Hà Nội đang có mặt tại nhà hàng Đồng Minh – chuyên ẩm thực Thái ở xã Châu Hạnh, Quỳ Châu. Hơi lóng ngóng trong bộ váy áo Thái, chị cùng hai con gái dưới sự hướng dẫn của nhân viên ở quán đang hái rau trong vườn: lá dổi, cây chuối nõn, đọt mây… để chế biến món canh ột. “Thú thực, tôi không biết nhiều về Quỳ Châu, đó cũng không phải là địa danh có sức hút với tôi trong những chuyến đi phủi. Thế nhưng, những món ăn: cá nướng mắc khén, canh ột, canh bon, chẻo măng, xôi cẩm… của đồng bào qua các hình ảnh chân thực, sinh động của các Facebooker thực sự có sức hút. Thế nên, dù ở Hà Nội, nhưng cứ dịp nghỉ lễ là tôi và cả gia đình lại đến Quỳ Châu trải nghiệm cuộc sống của người Thái như đi hái rau, măng rừng; cùng vào bếp với chủ quán làm các món Thái và thưởng thức ẩm thực Thái”, chị Dương Xuân Anh chia sẻ.

Thú thực, tôi không biết nhiều về Quỳ Châu, đó cũng không phải là địa danh có sức hút với tôi trong những chuyến đi. Thế nhưng, những món ăn: cá nướng mắc khén, canh ột, canh bon, chẻo măng, xôi cẩm… của đồng bào qua các hình ảnh chân thực, sinh động của các Facebooker thực sự có sức hút”.

Chị Dương Xuân Anh, du khách ở Hà Nội

Một số món ăn truyền thống của người Thái - Ảnh Diệp Phương
Một số món ăn truyền thống của người Thái: Cá nướng, lươn lam lá giang, chẹo măng chua, canh ột... Ảnh: Diệp Phương

Thì ra, chị Xuân Anh cũng như phần đông du khách biết đến quán Đồng Minh - chuyên về ẩm thực Thái này qua các bài chia sẻ của chủ quán Lang Văn Hiệp. Theo đó, mỗi khi chế biến các món ăn, anh Lang Văn Hiệp quay các công đoạn từ hái nguyên liệu, sơ chế, chế biến, nấu, lên mâm… và đăng lên trang cá nhân, các hội nhóm, các trang về ẩm thực Thái Quỳ Châu. Ban đầu, quán chỉ phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng, trong huyện hoặc các khách ở xuôi do người dân địa phương dẫn đến và công việc ở quán chỉ là “nghề tay trái”, chỉ làm món, phục vụ khi có khách đặt. Dần dà, qua các trang mạng xã hội, qua các phiên livestream của anh Hiệp được bạn bè, người thân chia sẻ, lan toả, báo chí biết đến quán, đến anh và bài viết quảng bá về ẩm thực Thái do anh chế biến được đăng tải, từ đó, du khách biết đến quán ẩm thực Thái Đồng Minh ngày càng nhiều. Mỗi đoàn khách khi lên với Quỳ Châu đều đến quán để thưởng thức ẩm thực Thái. Trong đó, có không ít người lên Quỳ Châu vì quá mê các món ăn của đồng bào Thái của anh Hiệp. Nhờ đó, quán ngày càng đông khách, phải mở rộng không gian, thuê thêm người làm. Đặc biệt, nhờ sức hút của ẩm thực đã góp phần tích cực quảng bá, thu hút khách du lịch đến với Quỳ Châu.

Ẩm thực dân tộc là loại hình văn hóa gắn bó chặt chẽ với cuộc sống sinh hoạt, mưu sinh của cộng đồng. Việc quảng bá, phổ biến ẩm thực dân tộc qua mạng xã hội, nền tảng kỹ thuật số để giá trị ẩm thực đi vào cuộc sống, lan tỏa trên “thế giới phẳng”, phục vụ mọi đối tượng, nhất là trong lĩnh vực hoạt động du lịch, đang được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của các địa phương nói chung và vùng đồng bào DTTS, miền núi nói riêng”.

Ông Nguyễn Mạnh Lợi, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An

Chế biến cá giàng. Ảnh: HT
Chế biến cá giàng. Ảnh: HT

Trong bối cảnh hội nhập, nhiều chương trình, dự án của Chính phủ hỗ trợ chuyển đổi số, hòa mạng quốc tế đến với các ngành, các cấp, các vùng miền trên cả nước. Mới đây nhất là Dự án ứng dụng công nghệ thông tin đến vùng đồng bào DTTS và miền núi, thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, với số tiền trên 1.549 tỷ đồng. Tranh thủ lợi thế này, nhiều bạn trẻ người DTTS đã khai thác hiệu quả mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá ẩm thực dân tộc, góp phần gìn giữ, lan tỏa văn hóa truyền thống của các dân tộc với bạn bè trong nước và thế giới. Đây cũng chính là cách để đồng bào khai thác lợi thế phát triển du lịch, thu hút du khách, tạo thêm sinh kế bền vững.

chuyendoisovungcao-b2-titphu3.png

Khi công nghệ bùng nổ, chuyển đổi số đã gắn chặt với du lịch, bởi bản chất của người sử dụng đều thích những trải nghiệm mới, thứ mà cả công nghệ lẫn du lịch mang lại. Để mang đến những trải nghiệm du lịch nông thôn đặc sản, hấp dẫn, đặc biệt là có sức níu chân du khách, để khách đến một lần rồi sẽ quay lại thêm nhiều lần nữa thì các địa phương cần xây dựng những sản phẩm đặc sắc, độc đáo. Trên những cơ sở như đặc điểm tự nhiên, khí hậu, để tạo ra những sản phẩm mang tính duy nhất.

Du lịch Tây Nghệ dần khởi sắc nhờ những người trẻ và công nghệ số 4.0
Du lịch Tây Nghệ dần khởi sắc nhờ những người trẻ và công nghệ số 4.0.

"Trong thời đại 4.0, kết nối qua không gian mạng giúp làm mờ khoảng cách địa lý, cũng như tạo ra những ấn tượng, trải nghiệm ban đầu cho du khách. Việc phát triển những sản phẩm thực tế ảo, nhằm giúp du khách phát triển trải nghiệm rất có tiềm năng thương mại hóa, bởi đây là thứ tạo ấn tượng đầu tiên để thu hút du khách. Tuy nhiên, đây là một vấn đề lớn, cần có chính sách và giải pháp căn cơ từ cơ quan quản lý, bởi doanh nghiệp thiếu nguồn lực, dữ liệu để xây dựng. Ngoài ra, những sản phẩm xây dựng dựa trên chuyển đổi số cần được thiết kế đồng bộ với sản phẩm thực tế”, anh Võ Nguyên - Giám đốc một công ty lữ hành chuyên tuyến nội tỉnh cho biết.

Đồng quan điểm về vấn đề này, theo bà Vi Thị Thắm thì đối với công tác quảng bá hình ảnh, điểm đến, tiềm năng là rất cần thiết, đặc biệt là đối với các công ty, cá nhân mới bắt đầu phát triển và có quy mô nhỏ. Bởi, nếu không quảng bá, không dựa vào chuyển đổi số, vào mạng xã hội thì rất ít người biết đến các điểm đến, các danh lam thắng cảnh, các nét đặc sắc về văn hóa ẩm thực... Tuy nhiên, song song với đó, để phát triển du lịch miền Tây thì cần đầu tư cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ để tránh sự chênh nhau giữa hình ảnh quảng bá thì đẹp lung linh nhưng khi có nhiều người biết đến, tìm đến thì cơ sở vật chất, hạ tầng lại chưa đáp ứng được, khiến du khách “một đi không trở lại”. Đơn cử như tình trạng tắc đường tại các điểm đến miền Tây mùa cao điểm; tình trạng thiếu thực phẩm, thiếu nơi lưu trú khang trang...

Dịch vụ du lịch tại Thác 7 tầng, xã Hạnh Dịch (Quế Phong). Ảnh: Thành CƯờng
Dịch vụ du lịch tại Thác 7 tầng, xã Hạnh Dịch (Quế Phong). Ảnh: Thành Cường

>> Trang chủ
>> Kỳ 1: Thêm ‘cần câu’ cho đồng bào vùng cao
>> Kỳ 3: Bước chuyển từ ‘chính quyền online’

Kỳ 2: Kết nối, tạo bứt phá du lịch vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO