Kinh tế

Kỳ 1: Thêm ‘cần câu’ cho đồng bào vùng cao

Hoài Thu, Thanh Phúc 25/09/2024 15:10

Với đồng bào, thuật ngữ “kinh tế số” thật xa lạ. Thế nhưng, mấy năm gần đây, đi chợ hàng ngày, từ bán con gà, con lợn hay gùi măng, bó cải mẹo họ đã biết nhận thanh toán bằng mã QR hoặc chuyển khoản; sử dụng mạng xã hội để livestream bán nông sản trên nương, trên rẫy; biết đưa mây tre đan, thổ cẩm, thêu ren lên không gian mạng để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm… Từ đó, nông, thổ sản, lâm sản phụ của đồng bào được nhiều người biết đến, nhiều người đặt mua, bán được nhiều hàng, có thêm thu nhập, có thêm “cần câu” để xoá đói, giảm nghèo….

chuyendoisovungcao-b1-cover.png
chuyendoisovungcao-b1-tit.png

Thanh Phúc - Hoài Thu • 25/09/2024

Với đồng bào, thuật ngữ “kinh tế số” thật xa lạ. Thế nhưng, mấy năm gần đây, đi chợ hàng ngày, từ bán con gà, con lợn hay gùi măng, bó cải mẹo họ đã biết nhận thanh toán bằng mã QR hoặc chuyển khoản; sử dụng mạng xã hội để livestream bán nông sản trên nương, trên rẫy; biết đưa mây tre đan, thổ cẩm, thêu ren lên không gian mạng để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm… Từ đó, nông, thổ sản, lâm sản phụ của đồng bào được nhiều người biết đến, nhiều người đặt mua, bán được nhiều hàng, có thêm thu nhập, có thêm “cần câu” để xóa đói, giảm nghèo….

chuyendoisovungcao-b1-titphu1.png

Chúng tôi, cánh phóng viên với đặc thù nghề nghiệp, với quãng thời gian tính bằng hàng chục năm và vô vàn những chuyến công tác đến với đồng bào vùng cao, có thể thấy rất rõ sự đổi thay đó. Miền Tây xứ Nghệ nay đã đổi khác thật nhiều. Vẫn còn đói nghèo, nhưng sự lạc hậu thì đã dần lùi xa. Nghệ An có 21 huyện, thị thì vùng cao chiếm tới con số 11 với 252 xã, thị trấn miền núi. Trong đó có 107 xã và 1.188 thôn, bản đặc biệt khó khăn; 27 xã tiếp giáp với nước bạn Lào với chiều dài biên giới hơn 468 km; dân số chiếm 36% của cả tỉnh với 5 dân tộc thiểu số chính, gồm: Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu.

Đồ họa: H.Q
Đồ họa: H.Q

Tầm 10 năm về trước, để đến được 1 xã, bản vùng cao thời gian di chuyển phải mất 1-2 ngày đường, nhiều nơi phải đi bằng đường sông, suối qua ghềnh thác nước chảy xiết. Muốn liên lạc với cán bộ, đồng bào không còn cách nào khác là “đến từng ngõ, gõ từng nhà”. Người nông dân trồng được gùi bí, hái được gùi măng rừng muốn bán lấy tiền cũng khó khăn khi không có chợ, đường sá xa xôi. Nuôi được con lợn đen, gà đen cũng chỉ để tự phục vụ, không biết bán cho ai, nên cái nghèo cứ đeo đẳng mãi.

Nhưng nay, dù cách cả nghìn cây số, chỉ cần một cuộc gọi, thậm chí gọi video, đều có thể gặp được dân bản đang làm nương làm rẫy, đang ở nơi rừng sâu núi thẳm. Bà con có nông sản, chỉ cần một thao tác chụp ảnh, quay video đăng lên mạng là có người đặt hàng, bán được sản phẩm. Những sự đổi thay kỳ diệu đó, theo như lời của cụ bà Vi Thị Moong, xã Tam Thái, huyện biên giới Tương Dương, thì “là những điều trước nay chưa từng có”.

Phiên chợ vùng cao ở Tam Thái, Tương Dương
Phiên chợ vùng cao ở Tam Thái, Tương Dương. Ảnh: Hoài Thu

Đến chợ phiên Tam Thái (Tương Dương) không khó để bắt gặp từ anh bán lợn “cắp nách” đến chị bán măng hay bà bán khoai sọ đều có mã QR dán ở gùi, ở sọt, ở lồng. Sau khi mua 2kg khoai sọ với giá 80.000 đồng, trong túi còn mỗi tờ 500.000 đồng đưa trả, bà Vi Thị Moong, người dân bán hàng ở chợ Tam Thái trả lời: “Bà không chuẩn bị sẵn tiền lẻ nên không có để thối lại. Con quét mã QR chuyển 80.000 đồng vào tài khoản cho bà được không?”, sau phút ngỡ ngàng, tôi nhanh chóng mở điện thoại, quét mã. Có tin nhắn báo về, bà Moong vui vẻ cười: “Bà nhận được rồi nhé”.

Theo bà Moong, thì giờ đây, bán con gà, bế măng, gùi khoai… thì bà con đều nhận thanh toán bằng cách chuyển khoản hoặc quét mã. Hầu hết ai cũng có mã QR để quét mã, có số tài khoản để chuyển tiền, có tin nhắn điện thoại báo tiền đã vào tài khoản hay chưa. “Có những người lớn tuổi, không thạo lắm thì quét mã QR ở đây, tiền tự động chảy vào thẻ của vợ, con ở nhà. Tiền về, điện thoại “ting” gọi ra thông báo đã nhận được. Tiện lắm”, anh Vi Văn Thắng cho biết.

Người dân xã Hội Sơn (Anh Sơn) đã quen với việc thanh toán không dùng tiền mặt
Người dân xã Hội Sơn (Anh Sơn) đã quen với việc thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Thanh Phúc

Giờ đây, bán con gà, bế măng, gùi khoai… thì bà con đều nhận thanh toán bằng cách chuyển khoản hoặc quét mã. Hầu hết ai cũng có mã QR để quét mã, có số tài khoản để chuyển tiền, có tin nhắn điện thoại báo tiền đã vào tài khoản hay chưa.

Có điện thoại, có mạng internet đã giúp bà Moong “chuyển tiền măng rừng, lợn bản vào tài khoản”, còn đối với chị Vừ Y Mùa (xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn) thì hàng tháng internet đã giúp chị nhận được tiền của chồng đang đi làm công nhân tận miền Nam gửi về. Trước đây, muốn chi tiêu vào việc gì, chị phải ra thị trấn rút tiền mặt hoặc chuyển khoản cho người khác để nhận tiền mặt mất phí. “Tiền chồng gửi về trong tài khoản ngân hàng. Muốn mua sữa, bỉm hay đóng tiền điện, thuế, quỹ, tiền học cho con đều phải đi rút tiền mặt, hoặc chuyển tiền cho người trong xã rồi lấy tiền mặt nhưng phải mất phí”, chị Mùa chia sẻ.

Giờ đây, tiền điện, tiền học phí hay mua hộp sữa, gói mì đều có thể chuyển khoản cho người cung cấp dịch vụ, không phải dùng tiền mặt như trước”.

Chị Vừ Y Mùa, xã Mường Lống (Kỳ Sơn)

Gần 1 năm nay, chuỗi cửa hàng kinh doanh từ thực phẩm, tạp hóa, xăng dầu, vật tư nông nghiệp của anh Bùi Công Chung (xóm 2, xã Hội Sơn) đều nhận thanh toán qua thẻ, với tỷ lệ 30-50%. Theo anh Chung, việc thanh toán qua thẻ có nhiều tiện lợi, thứ nhất là chuyển đúng, đủ số tiền phải trả, không phải thối, phụ lại tiền thừa; thứ hai, dễ kiểm soát được việc thanh toán do có chức năng tra soát giao dịch. Cũng nhờ vậy mà kinh doanh nhiều mảng, lượng khách đông nhưng chỉ 2 vợ chồng, chúng tôi vẫn quán xuyến tốt việc thu ngân; đặc biệt, không phải chờ đợi để phụ tiền nên rút ngắn được thời gian; có tra soát giao dịch nên không xảy ra tranh cãi về những sai sót trong việc thanh toán…

chuyendoisovungcao-b1-titphu2.png

Đã gần 80 tuổi nhưng hàng ngày, ông Lương Văn Huấn ở bản Bộng (xã Thành Sơn, Anh Sơn) vẫn cần mẫn với nghề đan lát truyền thống. Điều đặc biệt là, những sản phẩm như mâm mây, ghế mây, chổi đót, nong, nia… do ông làm ra đều được ông quay phát trực tiếp trên trang Facebook cá nhân, chụp lại hình ảnh, ghim rõ mức giá cụ thể của từng món lên đó. Sau khi có người đặt hàng, ông sẽ nhờ con trai giao hàng, nếu khách ở xa, ông sẽ gửi hàng theo xe khách. Nhờ đó, dù chỉ sản xuất nhỏ lẻ ở nhà nhưng ông có lượng khách hàng ổn định, nhiều sản phẩm ông làm theo đơn đặt hàng trước của khách.

Người dân bản Bộng, xã Thành Sơn livestream bán sản phẩm mây tre đan qua mạng. Clip: Thanh Phúc

Trước đây, đồng bào Thái trồng cà ngọt, cà chua múi ở thị trấn Thạch Giám, huyện biên giới Tương Dương chỉ biết trông cậy vào thương lái để tiêu thụ. Nhưng từ khi mạng xã hội phát triển, hầu như ai cũng có tài khoản Facebook, Zalo, TikTok nên người dân đã biết vận dụng để livestream bán nông sản qua mạng. Chị Lương Thị Hiên - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thạch Giám cho biết: “Tại bản Phòng có trên 3ha với 25 hộ tham gia trồng rau sạch, trong đó, tập trung vào các loại cây trồng bản địa như: cà chua múi, cà ngọt… với sản lượng lên đến hàng chục tấn/năm. Sản xuất theo hướng VietGAP, là những đặc sản được thị trường ưa chuộng. Thế nhưng, trước đây, người dân chỉ biết làm ra sản phẩm, còn đầu ra, việc tiêu thụ đều phó thác cho thương lái và bán lẻ ở chợ địa phương. Những năm gần đây, khi mạng xã hội phát triển, cùng với sự đồng hành của chính quyền địa phương, bà con đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết đưa các nông sản lên mạng để tìm kiếm thị trường tiêu thụ”.

Theo đó, quy trình từ khâu xuống giống, chăm sóc cho đến khi thu hái được nhiều hộ quay lại hoặc phát trực tiếp trên trang cá nhân, qua các hội nhóm, gắn thẻ bạn bè… Nhờ đó, thương hiệu rau sạch bản Phòng được người tiêu dùng biết đến, nhiều người kết nối được với các hệ thống bán lẻ hiện đại để tiêu thụ, nhiều đơn đặt hàng ở các huyện phụ cận, ở thành phố Vinh… đến với bà con dân bản. Vì thế, vào vụ thu hoạch, rau bản Phòng, nhất là cà chua múi, cà ngọt được đóng gói cẩn thận, theo xe thùng lạnh ship đi khắp nơi.

Người dân Thạch Giám Tương Dương trồng cà chua sạch bán hàng qua mạng
Người dân xã Thạch Giám (Tương Dương) trồng cà chua sạch bán hàng qua mạng. Ảnh: Hoài Thu

Quy trình từ khâu xuống giống, chăm sóc cho đến khi thu hái được nhiều hộ quay lại hoặc phát trực tiếp trên nền tảng số, thương hiệu rau sạch bản Phòng được người tiêu dùng biết đến, kết nối đơn hàng. Vào vụ thu hoạch, rau bản Phòng, nhất là cà chua múi, cà ngọt được đóng gói cẩn thận, theo xe thùng lạnh ship đi khắp nơi.

“Có thêm nhiều đơn hàng, làm ra không sợ ế, giá bán cũng cao hơn so với nhập sỉ cho thương lái nên bà con phấn khởi lắm. Những vụ đầu, khi đến lứa thu hoạch, Phó Chủ tịch UBND thị trấn, Chủ tịch Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ ra tận ruộng, hướng dẫn bà con cách livestream, cách chốt đơn, cách tương tác với khách hàng... Ban đầu chỉ có những hộ trẻ hưởng ứng, dần dà, hộ này học hỏi hộ kia và nay, hầu như đều biết cách bán nông sản qua mạng”, ông Lương Văn Toàn, một hộ sản xuất rau sạch ở bản Phòng chia sẻ.

Vườn rau ở bản Phòng, xã Thạch Giám được người dân trồng hoàn toàn
Mô hình rau sạch tại bản Phòng, xã Thạch Giám (Tương Dương). Ảnh: Đình Tuân
chuyendoisovungcao-b1-titphu3.png

Có gần 6,5 triệu kết quả hiện ra trong 0,30 giây khi gõ “Thổ cẩm Hoa Tiến” trên Google, cho thấy độ “phủ sóng” rộng lớn trên môi trường mạng với sản phẩm của làng nghề truyền thống của đồng bào Thái ở Hoa Tiến (xã Châu Tiến, Quỳ Châu). Với sự linh hoạt, nhạy bén trong nắm bắt thị trường, chị Sầm Thị Tình, con gái của bà Sầm Thị Bích, Giám đốc HTX làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến đã thành công trong việc quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu thổ cẩm Hoa Tiến thông qua nền tảng số. Trong đó, tận dụng tối đa tiện ích của mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Thiết kế website doanh nghiệp với hình thức bắt mắt, nội dung thông tin đa dạng, cách thức mua hàng và thanh toán dễ dàng. Cùng đó, xây dựng cách bán hàng chuyên nghiệp, trách nhiệm, hướng tới sự hài lòng của khách hàng. Khâu giao hàng, đóng gói và bảo quản sản phẩm cũng được chú trọng, bảo đảm chất lượng sản phẩm khi tới tay khách hàng. Việc bán hàng online có nhiều đóng góp vào doanh thu của HTX làng nghề.

người dân Hoa Tiến nhuộm vài dệt thổ cẩm
Người dân bản Hoa Tiến nhuộm vải dệt thổ cẩm. Ảnh: Thanh Phúc

Thổ cẩm Hoa Tiến không chỉ phổ biến ở thị trường trong nước mà còn được người Việt ở nước ngoài đặt mua, xuất bán sang Lào, Thái Lan và khách du lịch ngoại quốc, tất cả là nhờ sự quảng bá trên các nền tảng số. Việc bán hàng trên nền tảng công nghệ 4.0 đã giúp HTX tiêu thụ được hơn 40% sản phẩm làm ra. Ngoài ra, hiện, các sản phẩm của HTX thổ cẩm Hoa Tiến đã được số hoá theo chương trình “Hỗ trợ xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP” của Sở KH&CN.

Theo đó, bằng cách sử dụng phần mềm triển lãm tương tác thông minh 3D/360 để số hóa sản phẩm OCOP với các tính năng phần mềm: Phân hệ quản trị hệ thống - Phân hệ Quản trị nội dung - Phân hệ Tham quan thực tế ảo - Phân hệ thuyết minh tự động - Phân hệ Tham quan tự động trên tất cả các nền tảng, các sản phẩm xây dựng các nội dung số hóa gồm: Giới thiệu đơn vị có sản phẩm, xuất xứ sản phẩm (không gian hiện trường, nơi sản xuất và trưng bày sản phẩm); các thông tin về sản phẩm bằng tiếng Việt và tiếng Anh; được lập trình các tính năng tương tác trên nền tảng bản đồ số hóa 3D/360… Chỉ cần một cú click chuột vào đường link thì toàn bộ thông tin về các sản phẩm OCOP của HTX làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến sẽ hiển thị với hình ảnh sinh động bởi công nghệ 3D, lời bình cuốn hút rất hấp dẫn người xem. Nhờ đó, tạo ấn tượng với khách hàng, giúp HTX có dữ liệu khi giới thiệu với các đối tác nước ngoài mà không cần phải mang hồ sơ, sổ sách, giấy tờ rườm rà như trước.

Giới thiệu thổ cẩm đến khách nước ngoài
Giới thiệu thổ cẩm đến khách nước ngoài.

Khá nhiều sản phẩm làng nghề ở các huyện miền núi Nghệ An như: Thổ cẩm Hoa Tiến (Quỳ Châu), thêu ren Mường Lống (Kỳ Sơn), mây tre đan bản Diềm (Con Cuông), bò giàng, lạp xưởng, thịt chua… nhờ tận dụng tốt các nền tảng số để quảng bá nên không chỉ phục vụ tiêu dùng thị trường nội địa mà còn được nhiều người ở nước ngoài biết đến, có nhiều sản phẩm được xuất bán ra thị trường các nước theo đường tiểu ngạch. Mới đây nhất, HTX làng nghề mây tre đan bản Diềm nhận được đơn đặt hàng từ châu Âu với hàng nghìn sản phẩm rổ rá mây, giỏ đựng trang trí. Có được đơn hàng này, ngoài sự trau chuốt về mẫu mã, sử dụng nguyên liệu bản địa, thân thiện với môi trường, đảm bảo tiêu chí tiêu dùng xanh thì một phần là nhờ nền tảng số khi các sản phẩm của làng nghề được quảng bá trên Facebook, được các chuyên gia đưa lên các sàn thương mại điện tử, các hội nhóm về sản phẩm thủ công mỹ nghệ… Ngoài ra, nhiều người Việt ở nước ngoài khi biết đến sản phẩm mây tre đan bản Diềm cũng đặt mua.

Tôi hiện đang sinh sống ở Đức. Khi nhìn thấy các sản phẩm mây tre đan bản Diềm qua Facebook của người bạn, tôi đã nhờ bạn đặt mua hộ. Khi đưa sang Đức, người thân, bạn bè ở bên này thấy tiện dụng lại đẹp mắt nên nhiều người cũng muốn gom mua…”.

Chị Hoàng Thị Ánh Dương, một người Việt ở Đức

Mây tre đan bản Diềm có mặt thị trường các nước Á, Âu nhờ mạng xã hội. Ảnh: Hoài Thu
Mây tre đan bản Diềm có mặt thị trường các nước Á, Âu nhờ mạng xã hội. Ảnh: Hoài Thu

Xác định rõ vai trò của chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ nông sản, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy hoạt động này với mục tiêu đổi mới, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho nông sản địa phương. Trong đó, xây dựng sàn thương mại điện tử nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm trong tỉnh tới người tiêu dùng ở khắp mọi miền Tổ quốc và thế giới.

Trong 2 năm qua, Sở Công Thương đã hỗ trợ 21 huyện, thành, thị mở các gian hàng cấp huyện trên sàn giao dịch thương mại điện tử Nghệ An với hơn 266.373 hộ tham gia, tổng số sản phẩm được đưa lên sàn là 8.836 sản phẩm, xếp thứ 5 cả nước về số sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn. Trong đó, có rất nhiều sản phẩm của đồng bào miền núi như: thổ cẩm, bò giàng, lạp xưởng, mây tre đan…

Cán bộ bưu chính hướng dẫn người dân cách đưa sản phẩm OCOP lên các gian hàng thương mại điện tử. Ảnh: Thanh Phúc
Cán bộ bưu chính hướng dẫn người dân cách đưa sản phẩm OCOP lên các gian hàng thương mại điện tử. Ảnh: Thanh Phúc

>> Trang chủ
>> Kỳ 2: Kết nối, tạo bứt phá du lịch vùng cao

Mới nhất
x
x
Kỳ 1: Thêm ‘cần câu’ cho đồng bào vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO