Kỳ 4 - Gặp người mang nhật ký trở về

04/07/2012 21:41

(Baonghean.vn) - “Lê Thanh Phú không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà còn là niềm tự hào của bạn bè cùng lớp, thuộc lớp chiến sỹ tiêu biểu nhất của Trung đoàn Miền Đông… Cậu ấy xứng đáng là người con ưu tú của quê hương Nam Đàn, quê hương xứ Nghệ” - người bạn học cũ, người đồng đội chung chiến hào, người chứng kiến giây phút anh Phú hy sinh, cũng là người được anh Phú trao gửi cuốn nhật ký của mình xúc động nhớ về người đồng đội đã nằm lại chiến trường.

(Baonghean.vn) - “Lê Thanh Phú không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà còn là niềm tự hào của bạn bè cùng lớp, thuộc lớp chiến sỹ tiêu biểu nhất của Trung đoàn Miền Đông… Cậu ấy xứng đáng là người con ưu tú của quê hương Nam Đàn, quê hương xứ Nghệ” - người bạn học cũ, người đồng đội chung chiến hào, người chứng kiến giây phút anh Phú hy sinh, cũng là người được anh Phú trao gửi cuốn nhật ký của mình xúc động nhớ về người đồng đội đã nằm lại chiến trường.

>>Kỳ 3: Lý tưởng tuổi trẻ nâng đôi cánh tình yêu

Người đồng đội mang nhật ký của liệt sỹ Phú trở về, cũng là người duy nhất trong 21 tân binh Nghệ An bổ sung cho chiến trường Miền Đông năm 1969 còn sống sót là anh thương binh Phan Trọng Đào, hiện đang công tác tại Cục Hải quan Nghệ An.

Anh Đào nhớ lại:
Tôi và Phú là bạn thân từ thuở cấp 2, cấp 3. Chúng tôi là người cùng xã, chỉ khác xóm. Thời đi học, Phú là học sinh giỏi, rất thông minh, văn hay chữ tốt, được bạn bè quý mến, là niềm hy vọng của cả gia đình. Khi vừa tốt nghiệp cấp 3, hai đứa rủ nhau lên đường tòng quân. Hồi đó, chúng tôi đều có chung suy nghĩ: Đất nước có chiến tranh, mình làm trai phải ra trận. Hai đứa cùng nhập ngũ ngày 15/8/1969, được biên chế một tiểu đội (Tiểu đội 12, Trung đội 4, C19, Tiểu đoàn 5), cùng huấn luyện một nơi, sát cánh bên nhau trên đường ra trận. Dọc đường hành quân, chúng tôi tham gia nhiều trận đánh (từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1970 đánh địch ở mặt trận cánh Trung B3, tháng 5 - tháng 7 năm đó, cũng trên mặt trận cánh Trung chống càn)… Trong cuộc hành quân và chiến đấu, Phú luôn được đồng đội tin, yêu và được kết nạp vào Đảng trên đường hành quân. Phú nổi tiếng làm thơ hay, diễn thuyết tốt, dũng cảm trong chiến đấu.



Anh Phan Trọng Đào- người đồng đội thiết thân của liệt sỹ Phú

Có lần Phú bị sốt rét ác tính (chuyện này Phú cũng đã ghi lại trong nhật ký), đồng đội, anh em thương và lo lắm, quyết tâm bằng giá nào cũng phải mang Phú theo cùng đơn vị. Theo thông thường, Phú sẽ được gửi lại một trạm xá nào đó, chờ chữa trị xong thì tiếp tục lên đường. Thế nhưng, anh em trong đơn vị thay nhau cáng Phú, chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ cho anh y sỹ phải bằng mọi cách tốt nhất điều trị cho Phú sớm khỏi. Tôi là người luôn túc trực bên bạn, lắng nghe từng hơi thở, bón cho bạn từng thìa cơm, chăm cho bạn từng giấc ngủ. Mỗi lần tỉnh dậy, Phú mở mắt là thấy được tôi ngồi bên.

Hàng năm ròng hành quân, vừa đi vừa mở đường vào chiến trường, rồi sau đó tham gia nhiều trận chiến ác liệt, thật tự hào là không chỉ riêng Phú, mà những người lính quê Nghệ đều nêu cao tinh thần quê hương cách mạng, đều được ghi nhận về sự dũng cảm, quên mình trong chiến đấu. Và Phú là người lính tiêu biểu nhất. Tháng 4/1971, chúng tôi vào tới Đông Bắc Sài Gòn, Phú về đại đội cuối của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 33 Miền Đông Nam bộ. Từ một chiến sỹ đến cán bộ tiểu đội rồi cán bộ trung đội, Phú được cử đi học lớp sỹ quan ở Bù Đốp, trở về làm trợ lý tác chiến của Tiểu đoàn. Khi Phú làm trợ lý tác chiến của Tiểu đoàn thì tôi là lính trinh sát của Trung đoàn. Đó là vào tháng 7/1974. Chiến trận ác liệt, thi thoảng chúng tôi mới gặp được nhau. Bàn tay nắm vội, ánh mắt ngời ý chí, tình bạn, tình đồng đội trong sáng, thủy chung giúp chúng tôi có thêm sức mạnh giữa chiến hào.

Tối 6/12/1974, Phú lên họp tại trung đoàn chuẩn bị phương án tác chiến ở Quốc lộ 3 - Long Khánh, Tánh Linh, mở màn cho chiến dịch lớn giải phóng ấp Trà Cổ, Tánh Linh…. Theo đó, Phú sẽ phụ trách mũi cả trung đoàn, trong đó có trung đội trinh sát của tôi, trung đội vệ binh, cả ban pháo binh của Tiểu đoàn hành quân vượt đường vào ngày mai. Tối đó, khi nhận nhiệm vụ xong, chúng tôi cùng ngủ lại hầm. Nói là ngủ, nhưng đêm đó hai chúng tôi thức trắng để tâm sự: chuyện bạn bè, quê hương, chuyện chiến đấu, chiến trường và cả chuyện nếu ngã xuống nữa.

Không biết linh tính thế nào, mà Phú đưa cho tôi cuốn nhật ký đã mấy năm rồi Phú mang bên mình. Phú dặn lại: Đào ạ, qua bao trận chiến, đồ đạc, quần áo của mình đã mất sạch, đến trận này chắc sẽ ác liệt lắm đây. Mình còn lại cuốn nhật ký mang theo người, lần này gửi lại Đào. Lỡ mình có mệnh hệ gì, Đào cầm về đưa nó cho gia đình mình nhé ! Tôi nói: Thì mình cầm, nhưng bạn đừng nói vậy, sợ không hay… Phú chỉ cười mà kiên quyết đưa nó cho tôi.

Tối 7/12, quãng 7h30, sau khi bố trí tổ trinh sát móc nối vượt đường, Phú cùng với anh trưởng ban pháo binh, và anh lính trinh sát đi trước. Một loạt đạn pháo vang lên… Và 3 người lính tiên phong ấy đã ngã xuống, trong đó có Phú của chúng tôi. Khi chiến trận ngưng, chúng tôi cũng không tìm thấy xác những đồng đội ấy nữa. Những người lính ở đơn vị thọc sâu, lại trong địa bàn giao tranh ác liệt, khi ngã xuống rất hiếm khi còn tìm thấy thi thể.

Cuốn nhật ký được cán bộ bảo tàng lưu giữ cẩn thận để chuẩn bị đưa trưng bày

Là người được gửi trao, tôi giữ cuốn nhật ký cẩn thận, xem nó như một báu vật. Tôi đã viết vào cuối cuốn sổ ấy, những dòng chữ tiễn biệt sau 2 ngày bạn hy sinh. Trong giấc mơ hàng đêm, tôi vẫn luôn thấy Phú trở về cùng tôi. Bạn tôi vẫn như còn đó, gương mặt sáng ngời, đôi mắt tinh anh, giọng đọc thơ hào sảng nhưng cũng đầy tình cảm.

Sau chiến tranh, tôi là người vô cùng may mắn khi còn được trở về. Tìm đến nhà Phú, tôi không cầm được lòng mình khi nhìn mái nhà quá đơn sơ của gia đình bạn, bà mẹ lay lắt với tin anh Thái đã hy sinh có giấy báo tử về địa phương (là anh trai của Phú), còn Phú vẫn trong niềm trông đợi mong manh (chưa thấy giấy báo tử mà không thấy trở về).

Tôi không dám nói tin Phú đã hy sinh với bà, sợ bà sẽ không thể chịu đựng được. Sau đó, tôi chỉ nói riêng với mấy người em Phú. Đáng tiếc là giấy báo tử của Phú mãi sau này mới có, thậm chí còn ghi sai cả năm hy sinh. Là một người lính ưu tú của Trung đoàn Miền Đông mà mãi sau này Phú mới có tên bổ sung trong bảng vàng ghi danh.

Anh Đào đã coi gia đình Phú như chính gia đình mình. Anh thường qua lại thăm hỏi mẹ anh Phú cho đến khi bà mất (cách đây 2 năm). Với anh Đào, thì “mình phải sống cả cho những đồng đội đã ngã xuống” nên anh luôn dặn lòng mình phải trung thực, làm những việc đúng với lương tâm, trách nhiệm của một người lính, một công dân của Tổ quốc. Rất kiệm lời khi kể về mình, về trận chiến khiến anh mang vết thương trên người, vì với anh “điều đáng kể là bao nhiêu đồng đội của tôi đã nằm xuống cho tôi và các bạn có cuộc sống hôm nay”.

Khi được hỏi về người bạn gái của liệt sỹ Phú, chúng tôi được biết, cô gái tên Tâm là một người bạn cùng lớp. Hai người chưa kịp nắm tay nhau, chỉ mới có lời ước hẹn. Chị Tâm sau này theo gia đình vào Nam sinh sống. Đã có nhiều lần chị lên Long Khánh để hy vọng tìm được mộ người yêu. Dịp 30-4 vừa rồi, lớp cũ tổ chức gặp mặt, mọi người nhắc đến Phú và đến thăm gia đình anh. Biết gia đình không có tấm ảnh thờ nào, chỉ đang thờ liệt sỹ bằng cuốn nhật ký của anh, một người bạn (chị Hồng- người bạn thân của anh Phú, chị Tâm- cũng là người hay được Phú ghi thư hỏi thăm) chợt nhớ, có một lần anh Phú đã gửi cho chị một tấm ảnh nhỏ từ chiến trường. Tìm được tấm ảnh, các anh chị đã phóng tặng gia đình tấm ảnh thờ. Cuốn nhật ký, vì thế đã được gia đình quyết định trao tặng lại Bảo tàng QK4.

Khi nhìn thấy tấm ảnh anh trai mình, những người em của Phú đã òa khóc. Cô em út tên Hòa, ngày anh ra đi nào có nhớ được mặt anh mình…
(Hết)


Thùy Vinh

Mới nhất
x
Kỳ 4 - Gặp người mang nhật ký trở về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO