Kỳ 7: Rừng đã đem no ấm cho người dân bản Cao Vều

29/06/2011 15:43

(Baonghean) – Bản Cao Vều nằm trên khu vực biên giới Việt – Lào, thuộc vùng đệm của VQG Pù Mát. Dân bản Cao Vều đã thoát khỏi sự lệ thuộc vào rừng, biết trồng và bảo vệ rừng mặc dù đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn…

Coi rừng là nhà

Tạm biệt người Đan Lai tại bản Tân Sơn và Cửa Rào (Môn Sơn, Con Cuông), chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá dọc tuyến vùng đệm của VQG Pù Mát. Từ thị trấn Anh Sơn, vượt hơn 20km trên con đường nhựa phẳng lỳ, chúng tôi vào bản Cao Vều (xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn). Với 2/3 là đồng bào dân tộc Thái, bản Cao Vều nằm lọt thỏm giữa bốn bề là núi rừng. Ngày xưa, Cao Vều được biết đến là một bản khó khăn, đời sống dân bản luôn trong tình trạng “chạy ăn từng bữa”. Nhưng hôm nay, nhìn những căn nhà ngói khang trang mọc lên san sát, những chiếc xe máy vi vu chạy ngoài đường, chúng tôi không khỏi bất ngờ.

Anh Hoàng Sỹ Phong, cán bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) Cao Vều thuộc VQG Pù Mát cho biết: “Bây giờ, đường đi vào bản khoẻ rồi. Cũng may mà có con đường nên người dân tại đây có điều kiện thông thương với bên ngoài, phát triển kinh tế và rừng ở đây được giữ rất tốt”. Trạm QLBVR Cao Vều quản lý 7239ha rừng, trong đó có những tiểu khu tận trong rừng sâu, cán bộ trạm phải đi hàng chục km đường rừng mới đến nơi. Mỗi lần đi cũng hết gần 1 tuần. Trong mấy năm trở lại đây, diện tích rừng trên địa bàn không còn bị khai thác trái phép nữa. Có được điều này là nhờ Trạm đã làm rất tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân trong công tác bảo vệ rừng, hạn chế sự lệ thuộc vào rừng. Cũng theo anh Phong thì trước đây, người dân thường vào rừng đốn các cây gỗ lớn về làm cột nhà, xẻ gỗ. Nhưng từ khi rừng được công nhận thành Vườn Quốc gia, các cán bộ của Vườn kết hợp với các trạm kiểm lâm đã giải thích cho dân hiểu được tầm quan trọng cũng như giá trị mà rừng mang lại. Nhờ đó, không còn cảnh người dân vào rừng khai thác gỗ. “Chúng tôi làm rất tích cực công tác vận động, tuyên truyền nên họ rất có ý thức bảo vệ rừng. Bây giờ, thỉnh thoảng người dân cũng chỉ tận thu các lâm sản phụ như cây tre, cây nứa gãy đổ mà thôi”, anh Phong nói.


Điện lưới đã về từng bản, người dân có điều kiện
để phát triển kinh tế.

Toàn bản Cao Vều có trên 290 hộ dân với trên 1200 nhân khẩu. Trước đây, Cao Vều là một bản nhưng sau đó được chia thành 4 bản nhỏ. Chúng tôi có ý muốn vào bản nhưng anh Phong ngăn lại và nói: “Giờ này, các anh có vô cũng không gặp được người dân đâu. Vì họ bận đi làm ngoài đồng hết rồi. Đang trong vụ mùa mà”. Qúa trưa, chúng tôi mới gặp được trưởng bản Cao Vều 1 - Nguyễn Văn Châu. Ông cho biết: Bản Cao Vều 1 có 79 hộ với hơn 300 nhân khẩu. Trong đó, đồng bào dân tộc Thái chiếm trên 2/3, hộ nghèo chiếm hơn 60%. Cuộc sống của người dân nơi đây đang đổi thay từng ngày. Ngoài diện tích hơn 6 ha đất trồng lúa, mỗi sào cho năng suất từ 2-3 tạ/vụ, người dân còn nhận đất rừng trồng cây công nghiệp. “Khi có chủ trương nhận đất rừng, người dân hăng say lắm. Đến nay, toàn bản đã nhận 230 ha rừng để trồng các cây nguyên liệu giấy, mét, tràm. Thu nhập trung bình mỗi năm cũng đưa về 30-40 triệu/năm/1 sào”. Tại đây đã xuất hiện những điển hình làm ăn giỏi như hộ anh Trần Văn Hoàng, Trần Văn Khăm .. đã biết mạnh dạn nhận đất, áp dụng các kỹ thuật nên kinh tế không ngừng phát triển.

Đời sống kinh tế của người dân được nâng lên, sự lệ thuộc vào rừng như ngày xưa của bà con dân bản đã giảm đi đáng kể. “Tháng nào các anh bên Trạm cũng vận động, giải thích tác dụng to lớn của rừng nên bà con đây đã bỏ thói quen vào rừng khai thác gỗ, săn bẫy thú rồi. Gìơ chỉ có bảo vệ rừng thì người dân mới có điều kiện chăm lo phát triển kinh tế được”, ông Châu nói. Đúng như lời ông Châu, dân bản Cao Vều đã có ý thức tự giác trong công tác bảo vệ rừng, ngước nhìn ra xa, một màu xanh trù phú của rừng như chở che, ôm trọn Cao Vều.

Trăn trở Cao Vều

Tuy đã có được những sự phát triển vượt bậc, song người dân các bản Cao Vều vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Dẫn chúng tôi đi quanh một vòng bản, ông Châu cho biết: “Cái khó bây giờ của người dân nơi đây vẫn là thiếu vốn sản xuất. Vì thiếu vốn mà nhiều hộ gia đình không có điều kiện đầu tư nên đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn”. Dù dân bản có nhận đất rừng sản xuất nhưng dân không dám đầu tư mạnh. Nguồn vốn vay từ các chương trình hỗ trợ của nhà nước có hạn, không thấm vào đâu so với chi phí phát triển kinh tế. Trong khi đó, người dân có mong muốn vay vốn ngân hàng thì không được chấp thuận. “Khi chúng tôi có nguyện vọng vay tiền ngân hàng thì phía ngân hàng yêu cầu có tài sản thế chấp. Nhưng hiện nay, cả đất ở và đất sản xuất đều chưa được cấp sổ đỏ”, ông Châu phân trần.


Toàn bản Cao Vều 4.

Mặt khác, diện tích đất canh tác chưa tương xứng với tốc độ tăng dân số như hiện nay. Trong khi nhân khẩu của cả 4 bản Cao Vều ngày một tăng nhưng diện tích đất canh tác hầu như không được mở rộng. Thiếu đất sản xuất, thiếu vốn khiến cho những dự định vươn lên làm giàu của nhiều hộ gia đình trở nên khó phăn gấp bội phần. Toàn dân bản hiện nay đang phải sử dụng nước khe, nước sông làm nước sinh hoạt, dù biết không đảm bảo vệ sinh. Được biết, năm 2002, bản Cao Vều được đầu tư dự án nước sạch từ nguồn vốn của nước ngoài nhưng làm được dở dang rồi bỏ đó.

Ông Nguyễn Hữu Minh, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết, hiện tại, cả 4 bản Cao Vều có tỷ lệ hộ nghèo trên 60%. Bên cạnh đó, phong tục tập quán sản xuất còn lạc hậu nên đã kìm hãm rất lớn đến sự phát triển của người dân. Trước những khó khăn, Cao Vều đang cần sự chung tay giúp đỡ của các cấp, các ngành để người dân có điều kiện sản xuất, phát triển kinh tế, cùng chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ những giá trị của VQG Pù Mát.


Phạm Bằng

Kỳ 7: Rừng đã đem no ấm cho người dân bản Cao Vều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO