Kỳ 9: Người Đan Lai trên vùng đất mới
Thực hiện đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai”, đến nay, trên vùng đất mới, cuộc sống người dân các bản tái định cư đã có nhiều đổi thay, những hủ tục lạc hậu đã dần dần được xoá bỏ, thay vào đó là cuộc sống văn minh. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, trăn trở …
(Baonghean) - Thực hiện đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai”, đến nay, trên vùng đất mới, cuộc sống người dân các bản tái định cư đã có nhiều đổi thay, những hủ tục lạc hậu đã dần dần được xoá bỏ, thay vào đó là cuộc sống văn minh. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, trăn trở …
Hồi sinh trên mảnh đất mới
Chúng tôi về bản Tân Sơn và bản Cửa Rào (xã Môn Sơn, Con Cuông- Nghệ An ), 2 bản tái định cư (TĐC) của người dân Đan Lai nằm trong vùng lõi của VQG Pù Mát đúng vào vụ mùa thu hoạch lúa. “Tân sơn và Cửa Rào mấy năm nay hết đói rồi cán bộ ạ. Cũng may mà cán bộ dạy cho dân bản làm lúa, trồng ngô nên cái ăn trong nhà đủ rồi. Nhiều nhà còn có tiền phòng khi ốm đau”, ông Lê Văn Hoa, Phó bản Tân Sơn hồ hởi khoe.
Sau gần 10 năm rời “cội”, cuộc sống của người dân nơi đây đã được thay đổi. Những ngôi nhà xây kiên cố, những nương lúa vàng rượm, bãi ngô xanh rì, rồi đến cả những chiếc máy tuốt lúa, bóng dáng của những chiếc xe đạp, xe máy và đặc biệt hơn là điện lưới đã phủ kín bản làng...
Hộ chị La Thị Nguyệt, là một trong những hộ khá giả nhất bản Tân Sơn
tại khu tái định cư.
Chúng tôi vào nhà chị La Thị Nguyệt khi chị đang tuốt dở mấy bó lúa vừa gặt hôm qua. Nhà chị có 4 người con thì 2 con gái đã lấy chồng, một cháu đang đi học nghề dưới thành phố, còn đứa út thì đang ở nhà phụ giúp mẹ. “Đang vào mùa gặt nên làm không hết việc. Mấy đứa nó lấy chồng xa cả nên mình phải tự làm thôi. Năm ni được mùa, cán bộ à”, chị Nguyệt vui vẻ. Nhà chị Nguyệt có gần 6 sào đất để trồng lúa, ngô, sắn. Nguồn thu từ nông nghiệp đã giúp gia đình chị có điều kiện để mua sắm những thiết bị sinh hoạt như ti vi, đầu đĩa, xe máy.
Không riêng nhà chị Nguyệt mà nhiều nhà khác cũng có được “một ít” của để dành ngoài việc đảm bảo cái ăn cái mặc hằng ngày. Anh La Văn Thành (bản Cửa Rào, xã Môn Sơn) được đánh giá là hộ làm ăn kinh tế phát triển nhất bản, nhờ áp dụng tốt KHKT mà năng suất từ lúa, ngô, sắn đều cao. Anh Ý cho biết: “Chuyển ra đây được ở nhà ngói, được dùng điện lưới, mấy đứa nhỏ được đi học cái chữ nên sướng hơn trong kia nhiều. Bây giờ không về nữa mô”, anh khoe.
Đến nay, tại 2 bản Tân Sơn và Cửa Rào đã có 67 hộ, hơn 300 khẩu người Đan Lai sinh sống. Ra bản mới, có dòng điện kéo về tới cửa, cuộc sống đã bừng sáng. Điều quan trọng hơn, người Đan Lai đã biết mặt con chữ. Trước đây, những đứa trẻ sinh ra muốn tới trường phải vượt qua những dòng thác hung dữ trên sông Giăng bằng những chiếc thuyền độc mộc tự chế. Nay, Trường Tiểu học Môn Sơn 3 đã đặt ngay tại bản, kéo con chữ về với những đứa con Đan Lai. Trường THCS Môn Sơn cũng có 68 học sinh Đan Lai đang theo học.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Minh- Chính trị viên Đồn biên phòng 555 cho biết: từ tháng 12/2006, thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát triển bền vững tộc người Đan Lai” đến nay, cuộc sống của người dân nơi đây đã được nâng cao. Với phương châm "cầm tay chỉ việc", BĐBP tỉnh đã lựa chọn những cán bộ chiến sỹ có kinh nghiệm làm công tác vận động quần chúng biên chế thành 2 tổ công tác xuống trực tiếp hướng dẫn người dân ở 2 bản các kỹ thuật canh tác, giúp dân khai hoang ruộng nước và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình nuôi nhốt. Tuyên truyền vận động các hộ dân từng bước xóa bỏ các hủ tục, tập tục lạc hậu. Đồn biên phòng 555 đã tổ chức xây dựng các điểm phát triển kinh tế (mỗi điểm 5 hộ dân). Bước đầu, các điểm này đã đạt được kết quả tốt, hình thành được các tập quán trong sản xuất.
Luôn quan tâm đến đồng bào!
Đó là tinh thần của tất cả các cán bộ biên phòng đang nỗ lực từng ngày cắm bản mang “mùa xuân” về với người dân Đan Lai. Sau gần 10 năm chuyển ra khu TĐC mới, một bộ phận người Đan Lai vẫn chưa thoát ra khỏi được tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào nhà nước. Một số người dân vẫn còn lúng túng, chưa tiếp cận được các phương thức canh tác, cách thức làm ăn mới.
So với bản Tân Sơn, bản Cửa Rào có độ cao và độ dốc lớn hơn nên ở đây số diện tích ruộng nước còn hạn chế, nguồn nước tưới chưa thật sự đảm bảo nên nhiều hộ lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn nước sạch dùng cho sinh hoạt chưa đáp ứng được nhu cầu của bà con Đan Lai ở bản Cửa Rào. “Do nguồn đất khô cằn, cộng với tình trạng nước tưới thiếu, nên tình hình sản xuất của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn", anh Minh cho biết.
Muốn giữ dân, trước hết là phải lo cái ăn, dân không còn đói, chăm lo đời sống tinh thần cho bà con. Hiện nay, Bộ Tư lệnh Biên phòng hỗ trợ lương thực 1 năm cho các hộ tộc người Đan Lai. Theo chương trình, 6 tháng đầu sẽ hỗ trợ mỗi khẩu 7kg gạo/tháng để chống đói, còn 6 tháng sau hỗ trợ 4kg. Tuy vậy, tình trạng đói trong dân vẫn chưa được khắc phục triệt để. Được biết, hiện tại số gạo hỗ trợ của Bộ Tư lệnh Biên phòng đã được các tổ công tác cắm bản cấp đến từng hộ, song thói quen uống rượu vẫn chưa được khắc phục. Gạo cấp hỗ trợ chống đói, dân lấy đi đổi rượu. Vì thế gạo cấp hỗ trợ chống đói mà dân vẫn đói hoàn đói.
Để đồng bào Đan Lai phát triển kinh tế ổn định, bền vững thì còn rất nhiều việc phải làm. Theo Đại tá Nguyễn Văn Túy, Chính ủy Bộ CH BĐBP tỉnh thì, việc thực hiện kế hoạch gặp không ít khó khăn bởi một bộ phận đồng bào không muốn di dời từ khu vực vùng lõi vườn Quốc gia Pù Mát về khu tái định cư. "Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động các tổ chức chính trị -xã hội, các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ vật chất, giống, cây trồng, vật nuôi; đồng thời tu sửa nhà ở, đóng mới nội thất, hướng dẫn đồng bào Đan Lai sản xuất và thu hoạch mùa vụ theo lịch phát triển nông nghiệp”, anh Tuý cho biết.
Việc giúp người dân Đan Lai hòa nhập cộng đồng còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Vì vậy, cần sự chung tay của tất cả các cấp, các ngành để người dân Đan Lai thực sự được “hồi sinh”.
Phạm Bằng