Kỳ cuối: Tháo chạy trong nợ nần
(Baonghean) - Nghệ An hiện có 2750 lao động đang làm việc ở Angola. Trước tình trạng cướp bóc, lừa đảo, quỵt tiền và bệnh tật hoành hành, các lao động người Nghệ An đang bắt đầu tìm cách rời bỏ xứ sở châu Phi này. Có người đã thoát được về nhà một cách lành lặn, có người trở về trong tàn phế hay trong chiếc quan tài, nhiều người khác đang không thể về vì thiếu tiền…-->> Kỳ 1: Những chiêu lừa đảo, cướp bóc ở địa ngục trần gianThoát khỏi nhà tù Angola
Thoát khỏi nhà tù Angola
Anh Trần Văn Hùng (SN 1970), trú tại phường Nghi Hải, Thị xã Cửa Lò từng đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Trở về quê nhưng thu nhập từ nghề thợ xây không ổn định, đầu năm 2012, anh quyết định nộp 6.500 USD cho một “cò” để sang Angola, làm thợ xây. 3 tháng đầu làm việc, anh Hùng được chủ thầu người Việt trả lương 1.000 USD, tiền được chuyển thẳng về cho vợ qua “ngân hàng đen”, sau đó, chủ thầu khất lần, khất lựa tiền lương, hứa khi nào hoàn thành xong công trình sẽ thanh toán luôn thể.
Tháng 8/2012, khi công trình vừa hoàn thành, anh Hùng bị Defa bắt vào trại. Cùng bị bắt lần này, có hai công nhân Nguyễn Phúc Tùng (SN 1991), Nguyễn Văn Tùng (SN 1983) ở xóm Xuân Trang, xã Nghi Xuân. Vì không có giấy tờ hợp pháp, không có người bảo lãnh, nhóm công nhân người Việt bị đưa về trại tù C30 Luanda, nơi giam giữ những người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp. Suốt gần 3 tháng ròng, 3 người bị giam trong trại, thực đơn là mỗi ngày một chiếc bánh bao, một môi ngô hạt nấu chín như thức ăn của gà ở Việt Nam và một ít nước đục, được khử bằng clo. Thỉnh thoảng, quản lý khu trại cho phép 3 người gọi điện ra ngoài cho người quen và gọi về Việt Nam để lo liệu các thủ tục.
Nghe tin con bị bắt, bà Phương, mẹ Phúc Tùng, ông Nguyễn Văn Luyện (bố Văn Tùng) và vợ con anh Trần Văn Hùng như ngồi trên đống lửa. Họ lần lượt đi vay mượn tiền bạc, gửi mỗi người từ 1000 – 2500 USD cho các ông chủ người Việt ở Angola để nhờ họ bảo lãnh về nước. Cận Tết Nhâm Thìn, cả 3 được về Việt Nam, người xanh xao như tàu lá chuối. Hiện nay, ngoài số nợ lúc đi chưa trả hết, những gia đình này còn nợ cả trăm triệu đồng sau chuyến xuất ngoại của con. Anh Hùng cho biết, khi anh được bảo lãnh để về nước, trong khu nhà tù còn có rất nhiều người Việt Nam khác đang bị giam, đang chờ đợi người thân gửi tiền sang bảo lãnh để được trở về. Ngày 13/8, anh Lương Thảo, quê ở Thái Bình, hiện đang làm việc ở Thành phố Lunda Norte thông tin, hiện cảnh sát đang lùng sục bắt bớ ở khu vực Lunda Norte, trong hai ngày, đã có 11 lao động người Việt Nam bị bắt giam.
Cuộc tháo chạy bắt đầu…
Trước tình trạng cướp bóc, quỵt lương, cuộc sống vất vả, bệnh tật, thiếu thốn, những lao động người Việt ở Angola đang bắt đầu một cuộc tháo chạy khỏi quốc gia châu Phi này. Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn được trở về một cách bình an. Cuối năm 2011, anh Chu Văn Toản, trú ở xóm 5, xã Hưng Mỹ (Hưng Nguyên) vay tiền để đi sang Angola làm thợ xây dựng theo một đường dây ở Hà Tĩnh. Sau 1 năm làm việc nhưng bị chủ quỵt lương và bị ốm nên tháng 11/2012, anh Toản quyết định trở về.
Ngày 17/11/2012, khi bạn bè đến để ăn bữa cơm liên hoan về nước theo lời hẹn thì đã thấy anh bị bắn chết ở góc lán trọ. Tháng 1/2013, anh Lê Văn Tuấn, trú tại xã Hưng Mỹ cũng bị bắn chết ở Angola sau khi đặt chân đến đất nước châu Phi này 3 ngày. Trong khoảng 4 tháng đầu năm 2013, nhiều gia đình ở huyện Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Thành phố Vinh cũng lần lượt nhận được tin giữ từ Angola khi người nhà của họ bị chết vì sốt rét mà chưa kịp trở về quê…
Anh Trần Văn Hùng, người thoát khỏi nhà tù ở Angola trở về tâm sự, anh không hy vọng sẽ lấy lại được tiền từ các “cò” trong nước cũng như ở Angola mà chỉ muốn rằng, câu chuyện về chuyến đi Châu Phi đen đủi cùng những điều mắt thấy, tai nghe của anh sẽ đến được với những người lao động đang có ý định sang Angola để đổi đời. “Chỉ trừ khi có anh em ruột thịt, bố mẹ là chủ thầu, là “cò”, còn lại, chắc chắn lao động Việt Nam sang Angola đều bị lừa, bị quỵt tiền và thường trực những rủi ro về bệnh tật, bị cảnh sát bắt. Không ở đâu bằng đất nước mình, không nên đánh cược mạng sống của mình ở đất nước châu Phi này nữa”, anh Hùng cảnh báo. |
Anh Trần Văn Hùng (đội mũ) hy vọng câu chuyện của mình sẽ là lời cảnh báo đến những người đang có ý định sang Angola.
Trong thời gian qua, đã có rất nhiều lao động người Nghệ An từ Angola tìm đường trở về quê. Chị Nguyễn Thị Hảo, cán bộ chính sách xã Nghi Xuân (Nghi Lộc) cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, trong xã có 40 lao động đi Angola, người ít nhất mất 70 triệu đồng, còn hầu hết mất từ 120 đến 140 triệu đồng. Từ đầu năm 2013 đến nay, có rất nhiều thanh niên trong xã tháo chạy khỏi Angola, quanh khu vực chợ Mai Trang đã có 6 người trở về nước trong cảnh nợ nần chồng chất. Bác Nguyễn Duy Lới, Xóm trưởng xóm Xuân Tân, xã Nghi Xuân cho biết, trong xóm có 5 người đi Angola, một số đã về nước. Mới đây nhất, người nhà anh Nguyễn Duy Tân trở về cùng căn bệnh sốt rét, bệnh gan, hiện đang nợ nần chất đống. Tại xóm Khoa Đà, xã Hưng Tây (Hưng Nguyên), nhiều người cũng đã trở về sau một thời gian đánh cược số phận và tính mạng ở châu Phi. Tại xã Nam Kim (Nam Đàn), một số người đã về nước, một số đang làm thủ tục để về.
Bên cạnh những người đã trở về được, có rất nhiều người đang rơi vào cảnh về không nỡ, ở không xong. Rất nhiều người phải vay mượn ngân hàng để giao cho “cò”, hiện nay chưa gửi về hết để trả nợ nên còn muốn nán lại ít tháng, một số bị ông chủ quỵt lương, thu hộ chiếu, đang tìm cách lấy lại,… Anh Nguyễn Phúc Thông ở xóm Xuân Trang, xã Nghi Xuân, có em trai là Nguyễn Phúc Mai hiện đang làm việc tại một công trường xây dựng ở Angola, thỉnh thoảng Mai lại gọi điện về cho anh trai, nhờ xoay xở tiền gửi sang để về nước. “Nó đi làm bên đó cực khổ mà chủ quỵt lương, lâu lâu lại gọi điện về nhờ tui vay vài ngàn USD gửi sang để nó về nước. Cả nhà tui đang lo sút vó vì không biết vay được ở đâu số tiền ấy gửi sang”, anh Thông tâm sự.
Danh sách lao động Nghệ An làm việc ở Angola do Sở LĐ- TB&XH cung cấp.
Ông Nguyễn Đăng Dương, Trưởng phòng Lao động - Việc làm - Tiền lương, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho biết, hiện nay có 2.750 lao động người Nghệ An đang làm việc tại Angola, nhiều nhất là người dân các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành… Cách đây vài năm, việc đi xuất khẩu sang Angola thực sự là giấc mơ đổi đời, nhưng hiện nay người lao động đang tìm cách tháo chạy khỏi thị trường này vì những lý do như vấn đề lao động, việc làm ở quốc gia này đang có nhiều biến động, các công trình xây dựng ngày càng ít đi trong khi số lượng lao động người Việt Nam và Trung Quốc sang quá nhiều dẫn đến tình trạng thiếu việc làm; một số chủ thầu người Việt bắt đầu giở các chiêu trò như quỵt lương lao động, gọi cảnh sát đến bắt các lao động đang bị nợ nhiều tháng tiền lương khiến họ bị trục xuất về nước; nỗi lo cướp bóc, bệnh tật hành hạ.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, nhà chức trách Angola đang mạnh tay kiểm tra, xử lý những lao động bất hợp pháp, trục xuất những người này về nước. “Chúng tôi đã rất nhiều lần cảnh báo đến tận hệ thống loa phát thanh phường, xã, khối xóm, về những rủi ro của thị trường Angola nhưng nhiều người vẫn muốn đổi đời, vẫn ước mơ xuất ngoại để làm giàu, giờ rất nhiều người trong số này đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, có người muốn về cũng không đủ tiền, có người phải mang theo thương tật.
Đây thực sự là vấn đề nhức nhối khi mà Chính phủ Việt Nam chưa ký kết hợp tác lao động với Chính phủ Angola, những người lao động bị cướp bóc, chấn lột, bị cảnh sát bắt đều không có người bảo lãnh và phải chịu cảnh trục xuất về nước. Những người bị nạn trở về cũng không nhận được sự hỗ trợ nào vì họ đi xuất khẩu lao động “chui”, ông Nguyễn Đăng Dương khẳng định và cảnh báo rằng, Angola hiện nay không còn là đất hứa đối với lao động phổ thông người Việt như mấy năm trước đây nữa.
Trong hai ngày (7 và 8/8) vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Angola và có các buổi làm việc với Phó Tổng thống Angola cùng các Bộ trưởng Dầu khí, Bộ trưởng Hành chính công - Lao động và An sinh xã hội Angola. Bên cạnh các nội dung về hợp tác kinh tế, thương mại, hai bên đang bàn thảo để sớm đi đến ký kết Hiệp định khung về hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, lao động và dạy nghề. Đây thực sự là tin vui, là niềm hy vọng cho những lao động Việt Nam ở Angola. Khi hiệp định về lao động được ký, người Việt Nam sẽ hết cảnh lao động “chui” ở quốc gia châu Phi này. |
Nguyên Khoa