Kỳ II: Cận cảnh chợ trâu bò

09/11/2011 16:39

(Baonghean) - Chợ Ú xã Đại Sơn - huyện Đô Lương - Nghệ An được đánh giá là chợ bán trâu, bò lớn hàng nhất nhì nước, cung cấp lượng trâu, bò thịt khá nhiều cho thị trường nội tỉnh và cả thị trường Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Nguồn hàng trâu bò được biết chủ yếu từ Lào về.

Theo các cụ cao niên của xã Đại Sơn thì chợ Ú được hình thành cách đây khoảng trên 150 năm. Ban đầu chỉ là một cồn đất hoang vu, người dân quanh vùng đến mua, bán trâu bò, dần dà trở nên thịnh vượng.

Chợ Ú mỗi tháng họp 6 phiên, được tổ chức vào các ngày 1,6,11,16,21,26. Trời vừa tảng sáng, mưa tầm tã nhưng phiên chợ Ú đã nhộn nhịp. Dọc hai đầu đường dẫn vào chợ, xe ô tô vận tải về mua trâu, bò đậu kín cả lối đi. Trâu, bò được người ta đưa đến chợ bằng đủ hình thức, dắt bộ, chở xe bò lốp, chở xe ô tô. Ông Trần Văn Nam ở huyện Tân Kỳ tâm sự: "Trước ngày họp chợ đã dắt 3 con bò "cuốc bộ" xuống chợ, ngủ nhờ người quen để sáng mai kịp chợ, thuê xe ô tô vận chuyển thì khoẻ đấy, nhưng chẳng còn đồng lãi nào nữa...".

Chúng tôi vào chợ Ú, trời vẫn chưa ngớt mưa, hàng trăm con trâu bò đứng chen chúc nhau giữa bãi đất lầy lội, nhão nhoét, tiếng bò rống ầm ĩ cả một góc chợ. Chừng khoảng 8 giờ sáng dòng người dắt trâu, bò tứ xứ đổ về đông nghịt, chợ họp tràn ra cả ngoài đường, giao thông tắc nghẽn. Ông Nguyễn Văn Lý vừa dắt 2 con bò từ xã Hiến Sơn-Đô Lương xuống chợ nói: "Trâu, bò nhiều rứa nhưng anh coi, chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ nữa là bán sạch". Tôi để ý thấy người ta dùng sơn viết trên thân trâu, bò dòng chữ như "N 300", "N 350" hay "Khải 098.736...". Ông Nhuần "lái trâu" giải thích: "N 300" có nghĩa là con trâu đó của một gia đình nhưng họ viết tắt tên, nặng 300 kg. Còn "Khải 098.736..." là tên và số điện thoại người bán, ai cần mua cứ bấm số máy là người bán khắc đến.

Theo ông Nhuần thì đã làm nghề "lái trâu", "lái bò" lâu năm thì ai cũng sành sỏi chuyện xem "tướng" trâu, bò. Nếu cần trâu, bò cày kéo thì phải chọn con to cao, ngoại hình cân đối, tốt nhất là có loại đóng xoáy ở bả vai. Còn loại "đóng xoáy ngang hông cho không cũng không lấy". Loại trâu "xoáy óc, tóc tang" phải tránh xa, đưa về dễ rước hoạ vào thân. Khi mua còn phải xem tính nết, bởi cũng có con dữ, con hiền, con biết nghe lời, con "phản chủ". Dân mua vẫn sợ nhất là trâu, bò "ngoại quốc" có khi từ Lào về, Trung Quốc sang bị tiêm thuốc, thời gian đầu trông béo tốt màu mỡ, nhưng vài tuần sau gầy tóp. Trâu, bò tốt nhất là cứ chọn "hàng Việt" loại "mồm gàu dai, tai lá mít, đít lồng bàn". Nhưng dân thì gian, nhiều kẻ "siêu hạng" còn tạo được xoáy giả cho trâu bò, mua về vài bữa thì "mất xoáy". Còn đối với trâu bò thịt thì nhiều người mua rất giỏi, có khi họ nhìn trâu, bò là đoán được ngay con này có khoảng bao nhiêu tạ thịt, chỉ sai lệch khoảng 2-3 kg.

Được biết phiên chợ đông nhất có trên 150 xe ô tô vận tải mua bán trâu bò. Chủ yếu dân tứ xứ như Hà Nội, Thanh Hoá, thậm chí các tỉnh thành phía Nam cũng về mua bò thịt. Họ "tung" ra khoảng 2-3 tỷ đồng, mua nhanh gọn, có khi khoảng trên 1 tiếng đồng hồ là xong. Sở dĩ nhanh vậy là trước đây có đội quân "cò kéo" khá đông, gây không ít phiền phức cho khách hàng. Nay các chủ lò mổ thuê đội quân "cò kéo" này đi mua rồi trả công. Ông Lê Quang B đang dắt bò, cười tươi: "Mua giúp cho chủ lò mổ mỗi con bò tốt được trả tiền công 100.000 đồng. Sáng nay tôi đã kiếm được 300.000 đồng rồi đấy"! Chưa kể là hàng trăm lao động khác đến chợ được chủ lò mổ thuê lùa đàn trâu bò lên ô tô vận tải. Công việc này có lẽ là nặng nhọc nhất, nhiều con trâu bò bị gãy chân, đã phải huy động đến hơn 10 người để đưa lên xe. Mỗi con đưa lên được trả tiền công 30.000 đồng/con.

Bên cạnh đó, chúng tôi thấy có khá nhiều "xe máy lôi" đang rồng rắn chở bò từ chợ Ú về trên các nẻo đường làng. Anh Cao Minh Tiến ở Nghi Kiều-Nghi Lộc đang gồng mình chở con bò bụng căng tròn, kể: "Tui mua bò về cày, kéo, nếu có người mua được đồng lãi là bán ngay, có khi mua về bán được lãi từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/con". Tại các xã quanh vùng như Hiến Sơn, Thượng Sơn, Thái Sơn, Trù Sơn, và một số xã của huyện Nghi Lộc đã hình thành đường dây đi lùng mua trâu, bò từ khắp nơi, đúng phiên chợ là họ lại đưa ra bán. Anh Công Minh ở Thượng Sơn (Đô Lương) đang lùa đàn bò từ trên xe ô tô xuống, lau mồ hôi, chỉ tay: "Chúng tôi vào tận Hà Tĩnh, Quảng Bình để chọn lọc, rồi thuê xe ô tô đến tận nơi để vận chuyển. Nói chung khoảng vài người bỏ vốn ra chung nhau có tháng cũng lãi được mỗi người hơn 10 triệu đồng. Nhưng có lần mua phải bò bệnh, mất cả tiền triệu để chữa trị rồi chăm sóc khoẻ mạnh mới đưa bò ra chợ bán".

Quan sát tại chợ Ú chúng tôi thấy nhiều người dân chỉ quan tâm đến "dáng" và "xoáy" trâu, bò để mua về cày kéo chứ họ không cần biết đến vấn đề kiểm dịch. Ông Trần T. ở Đô Lương tự tin: "Chúng tôi chủ yếu mua trâu, bò theo kinh nghiệm, cũng chẳng mấy khi chúng bị dính bệnh". Ông T còn "bật mí": Cán bộ thú y ở đây cũng chỉ kiểm tra những chủ lò mổ mua trâu bò với số lượng lớn vận chuyển bằng ô tô, còn mua nhỏ lẻ như chúng tôi cũng chẳng thấy họ kiểm tra.

Theo tay một người bán bò chỉ, trạm chốt chặn kiểm dịch trâu bò nằm ở đầu chợ. Chúng tôi tìm mãi chẳng thấy đâu, hoá ra "trạm kiểm dịch" thuê trụ sở ở một nhà dân. Thấy cánh lái xe, chủ lò mổ cứ vào đó tranh nhau làm giấy tờ, thủ tục. Ông Nguyễn Công Hùng-Cán bộ phòng kiểm dịch - Chi Cục Thú y tỉnh trình bày: "Tổ kiểm dịch tại chợ Ú gồm 10 cán bộ, có 7 cán bộ của Chi cục Thú y tỉnh, 3 cán bộ Trạm Thú y huyện. Tại đây chúng tôi chủ yếu kiểm dịch trâu, bò bán ra khỏi chợ. Kiểm tra "lâm sàng" bằng cảm quan, dùng tay để vạch mắt, miệng, chân... trâu, bò. Nếu đảm bảo được cho đóng "dấu chín" và dấu giết mổ, bấm thẻ tai và cho phép vận chuyển. Tuy nhiên, khó khăn đang đặt ra là do lực lương mỏng, nên tổ công tác chỉ kiểm tra được các chủ lò mổ mua trâu, bò vận chuyển bằng ô tô, còn đối với buôn bán nhỏ lẻ vẫn chưa thể kiểm tra hết được".


Nhóm phóng viên

Mới nhất
x
Kỳ II: Cận cảnh chợ trâu bò
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO