Kỳ II: Cần sự vào cuộc của cộng đồng
Thông thường, một bộ hồ sơ xử ly hôn chỉ có một tờ đơn. Thế nhưng, tập hồ sơ mà ông Nguyễn Đức Văn (Chánh...
Thông thường, một bộ hồ sơ xử ly hôn chỉ có một tờ đơn. Thế nhưng, tập hồ sơ mà ông Nguyễn Đức Văn (Chánh án dân sự - Tòa án tỉnh) đang thụ lý lại có nhiều sự khác biệt, trong đó điều khiến ông đau đáu nhất là lá đơn mà những người con của đương sự gửi đến cho tòa án: " Việc cha mẹ cháu ly hôn cháu rất tán thành, mặc dù cháu rất khổ tâm, không được vui vẻ như bạn bè và sẽ bị mang tiếng là cha mẹ bỏ nhau, nhưng còn hơn là phải chứng kiến những cú đấm đá và gậy gộc của cha vào người mẹ, khiến cơ thể mẹ thâm tím và đầy thương tích trong mấy năm qua. Chúng cháu không thể để mẹ khổ hơn được nữa...". Lá đơn đẫm nước mắt đó khiến cho một người ông, một người cha như ông Văn không khỏi buồn lòng. Khi thụ lý một vụ án ly hôn, việc đầu tiên mà nhân viên tòa án làm, đó là hàn gắn cho các gia đình. Thế nhưng, trong những trường hợp như trên, tòa án lại tạo điều kiện để người phụ nữ được ly dị. Điều này về lý thì trái với các bước xử lý hồ sơ của tòa án nhưng về tình thì ly hôn chính là giải thoát bởi tất cả các hành vi bạo lực, nếu để tồn tại lâu sẽ ảnh hưởng đến cả thể chất tinh thần, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Tại Nghệ An, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ là đơn vị đi đầu trong vấn đề chống bạo lực gia đình, trong đó, đối tượng chính được hướng tới không ai khác là các hội viên của Hội Phụ nữ. Thông qua các lớp tập huấn, đội ngũ tuyên truyền viên chủ chốt đã được trang bị các kiến thức về giới, quyền phụ nữ và pháp luật phòng chống bạo lực gia đình. Cũng từ đó, công tác tuyên truyền được các cấp hội đẩy mạnh dưới nhiều hình thức: truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, thành lập các câu lạc bộ, tổ chức giao lưu nói chuyện chuyên đề... Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cũng được các cấp Hội quan tâm chỉ đạo, thông qua đó, góp phần hạn chế bạo lực do nguyên nhân về kinh tế. Hội cũng phối hợp với các ban ngành, đoàn thể phát huy vai trò của tổ hòa giải ở cơ sở, giải quyết thành công nhiều vụ mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh; kiến nghị với TAND tổ chức xét xử lưu động các vụ án tại địa phương nhằm răn đe kịp thời các vụ bạo lực gia đình. Đặc biệt, tại Cửa Lò nhiều năm qua, "Mô hình tư vấn và nâng cao năng lực cho nam giới trong phòng chống bạo hành giới" do Quỹ dân số thế giới tài trợ đã đem lại hiệu quả cao. Thông qua mô hình này, những thanh niên, và thanh niên tiền hôn nhân được cung cấp các thông tin về bình đẳng giới, bạo hành giới, kiểm soát nóng giận, tôn trọng và chia sẻ trách nhiệm với phụ nữ. Qua đó, thể hiện vai trò tích cực của thanh niên trong công tác phòng chống bạo hành giới. Ông Võ Minh Vĩ - Bí thư Đoàn thị xã Cửa Lò cho biết thêm: "Dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, vì nam giới của thị xã phần lớn là đi biển nhưng chúng tôi vẫn thành lập được 7 nhóm nam thanh niên thời đại mới. Đây là những tuyên truyền viên tích cực cho góc tư vấn bạo hành giới được đặt ở 7/7 phường xã. Qua đó, hàng trăm người dân đã được tuyên truyền về bạo hành giới, góp phần quan trọng vào việc hạn chế bạo hành giới ở Thị xã Cửa Lò...".
Về lâu dài, cuộc đấu tranh chống bạo lực gia đình đòi hỏi phải có sự nỗ lực, tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng xã hội; cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp về tầm quan trọng của cuộc đấu tranh ngăn chặn bạo lực gia đình, nâng cao nhận thức cho nhân dân, đặc biệt là người dân ở nông thôn, ven biển, vùng dân tộc miền núi. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở, bởi đây sẽ là lực lượng quan trọng để giải quyết những khúc mắc, những mâu thuẫn trong các gia đình; tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật nói chung và các bộ luật liên quan tới phòng chống bạo lực gia đình. Về phía các địa phương, các gia đình cần quan tâm xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, trong đó tiêu chí không có bạo lực gia đình, không lạm dụng rượu bia, không tệ nạn cờ bạc, ma túy phải là những tiêu chí quan trọng.
M.H - K.L