Kỷ niệm một thời và mãi mãi

25/10/2011 16:34

(Baonghean.vn) Tôi vào ngành Giáo dục từ năm học 1959 - 1960. Năm 1962, tôi được đi học lớp đối tượng đảng tại xã miền núi Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu); vừa học vừa lao động giúp dân "nông trang" khai hoang trồng khoai sắn.

Cảm hứng trước sự đổi mới của núi đồi nhờ sức lao động của con người, tôi viết hai bài ca dao: "Phá đồi" (bốn câu) và "Đầu năm, cuối năm" (tám câu). Tôi đọc cho mọi người nghe, ai cũng khen hay, động viên tôi gửi cho báo Nghệ An xem sao. Tôi về nắn nót viết lại và gửi về tòa soạn. Sau mười ngày, tôi nhận được tờ báo biếu do anh bưu tá mang tới. Nào ngờ, cả hai bài đều được báo sử dụng. Bài thứ hai, biên tập có cắt câu cuối, ngoài ra không sửa một chữ nào. Hai bài đó, tôi còn lưu giữ đến hôm nay. Năm nay, báo Nghệ An kỷ niệm tròn 50 năm thành lập, hai bài ca dao được đăng báo của tôi cũng đã 48 năm rồi.

Từ đó đến nay, do công việc chính là dạy học, lúc là giáo viên, khi là cán bộ quản lý, lại thêm việc gia đình, tuy bận rộn nhưng lúc nào tôi cũng không quên tờ báo đảng và báo ngành. Tuy vậy, tôi viết không được đều, thời gian có nhiều bài (ca dao, thơ) được đăng báo là thời gian còn chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Tuy chiến tranh, bom đạn ác liệt nhưng tòa soạn vẫn thường tổ chức các cuộc họp mặt cộng tác viên trao đổi kinh nghiệm, có những lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cộng tác viên đến 4, 5 ngày. Mặc dầu đi bằng xe đạp, đến những nơi an toàn họp mặt, nhưng các cộng tác viên đều náo nức, về dự rất đông đủ.

Tôi là giáo viên, có năm làm cán bộ quản lý, tuy bận việc nhiều, nhưng mỗi lần nhận được giấy mời đều bố trí sắp xếp công việc về dự. Về dự không những được gặp nhau, giao lưu mà còn được trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghiệp vụ của mình; được các đồng chí trong Ban Biên tập góp ý trao đổi chân tình.

Tôi còn nhớ, có lần trong giờ giải lao, tôi gặp anh Nguyễn Hường - Tổng Biên tập. Sau khi biết tôi, anh ân cần thăm hỏi tình hình sức khỏe, hoàn cảnh gia đình rồi anh có nhận xét luôn bài viết của tôi: "Đồng chí gửi bài cho báo rất đều, chất lượng rất tốt, không những ca dao mà có đôi bài thơ cũng đạt. Tôi thấy bài "Thầy đi, em bước tiếp" hay đó chứ!". Tôi không ngờ ở cương vị Tổng Biên tập, bận nhiều việc mà anh Hường lại đọc cả bài của cộng tác viên, nhớ và có nhận xét cụ thể như vậy. Sau đó, tôi về chép lại bài thơ ấy gửi ra báo Tiền Phong và được báo sử dụng ngay. Bài thơ đó đến nay, tôi vẫn còn cất giữ làm kỷ niệm.


Sau ngày hòa bình lập lại, tôi không những làm thơ, ca dao mà còn viết văn xuôi, vì văn xuôi mới là thể loại chính của báo. Tôi có bài đăng ở các mục: "Ý kiến đảng viên", "Người tốt việc tốt", "Xây dựng Đảng"...


Những năm gần đây, về nghỉ hưu, thỉnh thoảng tôi cũng có bài được đăng trên báo. Tôi luôn theo dõi, đọc báo đều. Ước gì ngày báo tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập, chúng tôi - những cộng tác viên ở lứa tuổi "cổ lai hy" được về dự thì vinh hạnh biết chừng nào!


Lê Trọng Quýnh

Mới nhất
x
Kỷ niệm một thời và mãi mãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO