Kỷ niệm nhỏ với anh hùng Ya Tho Tu

21/01/2013 09:20

(Baonghean) - Ngày 19/5/1959, tại Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đóng tại Thành phố Vinh, chúng tôi đang dự lễ mừng Sinh nhật Bác Hồ thì được tin Tiểu đoàn 2 Pathét Lào do ông Ya Tho Tu chỉ huy rút khỏi Cánh đồng Chum. Lập tức một số đơn vị của Quân khu và Tỉnh đội Nghệ An hành quân cấp tốc áp sát biên giới Việt Lào để đón Tiểu đoàn 2. Sau 12 ngày đêm vừa đánh địch, vừa tìm đường vượt qua bao suối sâu, đèo cao, chịu bao gian khổ, đói khát, đến ngày 01/6/1959, toàn bộ Tiểu đoàn 2 và gia đình tập kết đông đủ tại bản Hòa Bình, thuộc Mường Xén (Kỳ Sơn).

(Baonghean) - Ngày 19/5/1959, tại Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đóng tại Thành phố Vinh, chúng tôi đang dự lễ mừng Sinh nhật Bác Hồ thì được tin Tiểu đoàn 2 Pathét Lào do ông Ya Tho Tu chỉ huy rút khỏi Cánh đồng Chum. Lập tức một số đơn vị của Quân khu và Tỉnh đội Nghệ An hành quân cấp tốc áp sát biên giới Việt Lào để đón Tiểu đoàn 2. Sau 12 ngày đêm vừa đánh địch, vừa tìm đường vượt qua bao suối sâu, đèo cao, chịu bao gian khổ, đói khát, đến ngày 01/6/1959, toàn bộ Tiểu đoàn 2 và gia đình tập kết đông đủ tại bản Hòa Bình, thuộc Mường Xén (Kỳ Sơn).

Bà Tho Tu vượt rừng gian khổ, thai nghén bị ốm phải tụt lại sau. Ông Tho Tu bận chỉ huy đơn vị, đành gửi bà và các con lại nhờ du kích Lào bảo vệ đưa đi sau. Du kích bị địch bắt hết, bà một mình đưa các con về đến bên kia sông Nậm Mộ gần Mường Xén, đang kiệt sức đói lả chưa biết tính sao thì thuyền của tình nguyện quân Việt Nam đã kịp thời đến đón, đưa bà về Vinh sinh nở.

Tôi gặp Ya Tho Tu lần đầu tiên tại Nhà giao tế Thành phố Vinh, trong bữa tiệc Việt Nam chiêu đãi mừng thắng lợi của Tiểu đoàn 2 và các lực lượng vũ trang cách mạng Lào ngày ấy. Hôm ấy, bàn tiệc đã bày, phía Lào có các đồng chí Khămtày Xiphănđon, Cayxỏn Phômvihản và nhiều sĩ quan lãnh đạo các đơn vị quân đội Lào và ban chỉ huy Tiểu đoàn 2. Phía ta có các tướng lĩnh của Bộ Quốc phòng, của Bộ Tư lệnh Quân khu 4.



Sơn Hùng (trái), Thào Tu (giữa) cùng gia đình.

Tôi chăm chú nhìn Tho Tu và nhớ đến hàng trăm câu chuyện, giai thoại về ông. Tôi tưởng ông mắt xếch, mày ngài oai phong lẫm liệt. Chẳng dè Tho Tu với khổ người cao to nhưng khuôn mặt xương xương với sống mũi cao, đôi mắt sáng vẻ hiền lành.
Sau đó, Đoàn 120 của Quân khu 4 giao toàn bộ doanh trại ở Xuân Thành cho Tiểu đoàn 2 Pathét Lào ở lại đây một thời gian để học tập, huấn luyện, trang bị, chấn chỉnh lại tổ chức, chuẩn bị trở về chiến đấu giải phóng nước Lào. Biết tôi nguyên là chiến sĩ tình nguyện quân Việt Nam chiến đấu chống Pháp ở Trung, Hạ Lào và có mối quan hệ đặc biệt với gia đình Chủ tịch Xuphanuvông, Tho Tu tiếp tôi thân mật như anh em, ông nói: “Tôi xem Hoàng thân Xuphanuvông như người cha. Vậy mình là anh em”. Người Mông đã nói: “Mình là anh em” thì không giấu nhau chuyện gì. Ngoài trời rả rích mưa, se lạnh. Bên đống lửa ngay giữa nền đất trong căn nhà nứa lá, chúng tôi lùi củ mì cùng nhau ăn và nghe Tho Tu kể chuyện. Ông rất buồn và thương vợ vì hành quân thoát vòng vây gian khổ quá, bà bị động thai, về Vinh sinh thì con chết. Rồi ông kể chuyện người Mông đánh giặc. Chuyện anh em Việt Nam giúp ông chiến đấu. Ông kể rằng khi ông lập ra Coòng Pát Chay (du kích Lào) đánh Pháp thì ít lâu sau có một ông quan tên là Phía Hóm, cũng lập ra một đơn vị người Lào Lùm nổi dậy đánh Pháp. Biết tin đó, tình nguyện quân Việt Nam đã cử ông Ngô Thế Sơn lên Lào bắt liên lạc với hai người, kêu gọi các bộ tộc Lào và Việt Nam cùng đoàn kết đánh Pháp. Phìa Hóm, Tho Tu, Thế Sơn qua thời gian sống gần nhau đã hiểu biết và xem nhau như ruột thịt. Ba người kéo nhau lên một ngôi chùa trên núi, cùng nhau chích máu ăn thề. Thề rằng người Lào Lùm, Lào Xủng, Việt Nam đoàn kết đánh Pháp đến cùng; sống cùng, chết cùng, lâm nguy gian khổ, đói khát vẫn không bỏ nhau; nếu ai còn sống sót, có nhiệm vụ dìu dắt vợ con của người đã chết đến nơi đến chốn.

Rồi Việt Nam gọi Sơn về nhận công tác khác. Sơn về Việt Nam thương nhớ Tho Tu khôn nguôi, liền cử người em kết nghĩa tên là Việt Sơn Hùng lên ở bên cạnh giúp việc cho Tho Tu. Tho Tu yêu quý chiến sĩ tình nguyện quân Việt Nam là Thào Hùng (tức Việt Sơn Hùng) như yêu quý Ngô Thế Sơn và đem người em gái út xinh đẹp tên là Ymơ gả cho Hùng làm vợ. Thào Hùng sống và chiến đấu trong các đơn vị Lào giống như người Lào…

Kể từ hôm chia tay ở Xuân Thành, ít lâu sau đó tôi nghe Đài phát thanh Pathét Lào loan tin Đảng Nhân dân cách mạng và Chính phủ kháng chiến Lào đã tuyên dương Tho Tu và Tiểu đoàn 2 là Anh hùng lực lượng vũ trang Lào. Tháng 2 năm 1961, tôi được tin người anh hùng của các huyền thoại Lào, Ya Tho Tu đã hy sinh.

Ở Hà Nội, vợ chồng ông Ngô Thế Sơn giữ vững lời thề với Tho Tu, đã chăm sóc vợ con Tho Tu như những người ruột thịt trong gia đình. Mối tình Việt - Lào của Thào Hùng với Ymơ đã sinh được 10 người con, cả trai lẫn gái đều trưởng thành, học hành đến nơi đến chốn, tham gia cách mạng làm nhân viên của Chính phủ của Quốc hội và thành kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ và là sĩ quan trong quân đội Lào.

Những cháu bé con của Tho Tu chúng tôi đón ở sông Nậm Mộ khi Tiểu đoàn 2 rút lui năm 1959, được sự đỡ đầu của bố nuôi Ngô Thế Sơn và các trường học Việt Nam dạy dỗ, nay đã là sĩ quan cấp tá trong quân đội Lào như các cháu Khăm Bếng, Anông, cháu gái Pani nay là Chủ tịch Quốc hội Lào.

Mấy năm trước đây, ông Ngô Thế Sơn qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh và trước đó, Thào Hùng cũng mất ở Xiêng Khoảng. Nay ở Noọng Hét, quê của Tho Tu, mộ Tho Tu - người anh hùng lực lượng vũ trang Lào và mộ Thào Hùng chiến sĩ tình nguyện quân Việt Nam, được an táng cạnh nhau.

Bà Tho Tu, cô du kích nổi tiếng của người Mông ở Xiêng Khoảng năm xưa trở thành bà cụ già đầy lòng nhân ái. Suốt ngày bà đi tìm cây, lá, củ, rễ làm các loại thuốc gia truyền của người Mông, đem cứu giúp những người mắc bệnh nan y. Dịp tôi đến thăm, bà nắm chặt tay, dặn: “Các con Việt Nam có đau ốm gì cứ nói với mẹ. Mẹ tìm cây, lá chữa bệnh cho”. Nếu ai hỏi bà có nhớ ông không, bà cười buồn nói: “Tho Tu ấy à? Cái ông ấy thật là … thật là” … Rồi lặng lẽ đưa khăn lên chấm nước mắt.


Trần Công Tấn

Mới nhất
x
Kỷ niệm nhỏ với anh hùng Ya Tho Tu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO