Kỷ niệm với Tổng Biên tập Nguyễn Hường về bài báo không đăng
Mùa hè năm 1968, lần đầu tiên tôi được Báo Nghệ An mời về dự "Hội nghị cộng tác viên tiêu biểu" ở xã Mã Thành, huyện Yên Thành - nơi sơ tán của Báo trong chiến tranh chống Mỹ. Đoàn Quỳnh Lưu gồm có 9 người, do anh Nguyễn Hồng Trường- Trưởng ban Tuyên huấn Huyện ủy làm trưởng đoàn cùng anh Lê Quý Kỳ - phóng viên thường trú của báo và 7 anh chị em "nhà báo cơ sở".
Chúng tôi tập trung tại văn phòng Huyện ủy chờ cho đến 5 giờ chiều mới hành quân bằng xe đạp theo đường tránh dọc tuyến nông giang ngược lên Mã Thành đúng 21 giờđêm, được Ban tổ chức Hội nghị bố trí ngay nơi nghỉ chu đáo trong nhà dân. Hay tin, anh Nguyễn Hường - Tổng Biên tập, anh Phan Đình Sung - Thư ký tòa soạn và nhà báo trẻ Dương Huy đến thăm, ân cần hỏi chuyện về tình hình sản xuất, chiếnđấu của nhân dân các địa phương trong huyện. Cử chỉ thân thiện của các anh khiến chúng tôi rất xúc động.
Lần đầu tiên được tiếp xúc, tôi đã có cảm tình ngay với anh Nguyễn Hường. Anh có dáng người thấp đậm, tác phong giản dị, hòa đồng, nói năng khúc chiết, thu hút người nghe. Tôi mạnh dạn dò hỏi anh về bài báo "Chuồng trại nuôi gia súc tập trung, một mô hình mới của HTX Đại Xuân, Quỳnh Châu" mà tôi đã gửi cho báo. Anh nhớ ra và chân tình trao đổi: "Nói chung bài viết của cậu có tính thời sự, nhưng quả thực mình vẫn băn khoăn, đang định viết thư trả lời!".
Nhân thể hôm nay ta trao đổi luôn nhé: Quỳnh Lưu đang được chọn là huyện đểm của Trung ương về xây dựng mô hình sản xuất cấp huyện thành một "pháo đài" Công, Nông nghiệp. Vì vậy, có vấn đề gì mới là lập tức gây dư luận chú ý của cả nước nên cần phải hết sức thận trọng khi viết bài, đưa tin trên mặt báo. Nhất là những vấn đề nhạy cảm, mới nẩy sinh, phải có thời gian kiểm nghiệm, thẩm định rồi mới tuyên truyền được. Việc tập trung gia súc (sức kéo) của HTX vào chuồng trại tập thể liệu đã hay chưa? Có tránh khỏi hiện tượng "cha chung . . . không"?. Nên nhớ, người nông dân ngàn đời nay vẫn xem "con trâu là đầu cơ nghiệp" nên dễ gì tách mối quan hệ "thâm tình" đó rời nhau ra được? Cần phải biết chờđợi, tung sớm lên báo chí có khi lại phản tác dụng, thành ra lợi bất cập hại!".
Quảđúng vậy! Chỉ qua 2 năm, trâu bò vào ở chuồng tập thểở quê tôi đều bị dịch bệnh chết la liệt do nhà trại dột nát, vệ sinh, chăm sóc không bảo đảm. Hợp tác xã phải giải tán mô hình trên, phân lại trâu bò cho từng hộ xã viên chăn giữ tại gia cho đến thời kỳ khoán hộ trong nông nghiệp.
Ngày nay, bao nhiêu doanh nghiệp mới nổi lên, đầu năm báo chí đưa tin rùm beng nào là "điển hình làm ăn giỏi vì năng động, sáng tạo trong cơ chế thị trường...", được trao tặng hết cúp này, thương hiệu nọ, nhưng cuối năm thì thua lỗ, có nguy cơ phá sản làm dư luận không hết xôn xao, bàn tán. Nhắc lại một kỷ niệm nhỏ với cố nhà báo Nguyễn Hường hơn 40 năm trước, nhớ về người Tổng Biên tập lâu nhất của Báo đảng Nghệ An (Nghệ Tĩnh) để thấm thía về nhận thức, bản lĩnh nghề nghiệp của người làm báo.
Lê Lân