Kỷ niệm với vùng sâu, hải đảo

24/08/2011 09:23

Trên chiếc xe hồng thập tự cũ, không ai có thể nghĩ lại có thể chứa được 12 diễn viên cùng với ngần ấy phục trang, đạo cụ... Và tiếng hát của họ đã cất lên, nơi thẳm sâu rừng núi, hay nơi bốn bề là mênh mang sóng biển. Họ đã góp phần làm phong phú hơn cho tinh thần đồng bào và chiến sỹ trên 2 tuyến biên giới và để lại nơi này những niềm thương nỗi nhớ khôn nguôi...

Anh Phạm Anh Tuấn- Đội phó Đội Tuyên truyền văn hóa- Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An bắt đầu câu chuyện với tôi bằng kỷ niệm mới nhất của một lần ra đảo và các nhà giàn ở Trường Sa dịp Kỷ niệm sinh nhật Bác tháng 5 năm ngoái. Chuyến đi ấy 7 người trong đội các anh đã chia làm 2 tốp để đi theo các đơn vị bạn ra với 8 đảo, 2 nhà giàn. "Khi đi trên sông Sài Gòn, chị em vẫn còn hát vui lắm, nhưng khi bắt đầu ra đến biển lớn, tàu lắc lư dữ dội, không chỉ chị em trong đội mà cả chúng tôi, những người lính biên phòng đã dạn dầy sương gió cũng không tránh khỏi say sóng. Nhưng khi nhìn thấy hòn đảo đầu tiên: đảo Đá Lớn- không ai bảo ai, chúng tôi đều có một sức mạnh vô hình, bật cả dậy.

Nhìn thấy những gương mặt háo hức đợi chờ, những bàn tay vẫy của lính đảo, chúng tôi ai cũng rưng rưng. Hát trong nỗi rưng rưng, chia tay trong nỗi rưng rưng. Mới thấy, nỗi vất vả của mình bấy lâu chưa ăn nhằm gì. Hôm đó, có một anh sỹ quan trên đảo mới nghe tin bố mất,giữa trùng khơi mênh mông sóng nước, anh ấy cũng chỉ biết thắp nén hương trông vọng về phía đất liền. Lính biên phòng trên tuyến biên giới, dù ở vùng sâu, xa thế nào vẫn có thể vượt đường mà về được khi nhà có việc, nhưng ở đảo thì chịu, phải trông cậy vào chuyến tàu tiếp tế hay tàu nào đó có dịp ra với đảo.



Đội Tuyên truyền văn hóa - Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An giao lưu với các chiến sỹ Đảo Đá Tây C - Trường Sa. Ảnh: Trần Hải


Với 12 người, hầu hết đều được đào tạo bài bản qua các trường nhạc chuyên nghiệp, một năm, các chiến sỹ- diễn viên của Đội Tuyên truyền đều thực hiện một tour diễn phục vụ tất cả các đơn vị trên 2 tuyến biên phòng: biên giới, hải đảo của tỉnh đồng thời thực hiện nhiều hoạt động giao lưu, tuyên truyền với các cơ quan đơn vị trong, ngoài tỉnh, các tổ chức hữu nghị của các nước bạn Lào, Thái Lan... ở đâu, các anh chị cũng để lại những dấu ấn khó quên.

Trong những liên hoan " Tổ đội tuyên truyền văn hóa trên biên giới, bờ biển" của Bộ Tư lệnh Biên phòng tổ chức 2 năm một lần, Đội đều giành thành tích cao. "Nhưng phần thưởng lớn lao nhất vẫn là niềm mong mỏi của bà con và chiến sỹ" - chị Hương Giang, chị Kiều Vinh, chị Thúy Hường... đều khẳng định như thế. Các chị đều là những người vợ, người mẹ của gia đình. Không hiếm lần trên đường đi công tác vào vùng sâu, qua điện thoại nghe tin con ốm, đành nuốt nước mắt thương con vào lòng.

Cũng không ít lần, vào được đến bản Mông nơi lưng núi, khi chương trình vừa khép lại, các chị không còn đứng vững trên sân khấu để có thể chào khán giả vì đôi chân mỏi nhừ chỉ chực khuỵu xuống. Hình ảnh các anh, chị vai vác loa máy, quần xắn qua gối, bấm chân trong đất bùn lặn lộiđến cùng các bản làng, các trạm biên phòng đã trở thành những hình ảnh rất đỗi thân thương với bà con và chiến sỹ. Khi chiếc xe hồng thập tự quen thuộc dừng lại bên đường, bà con đã ùa ra vây quanh những người lính- diễn viên cả người còn bạc lấm bụi đường. Có thể họ vừa trải qua một khúc cua tay áo thót tim, có thể vừa bị mất lái khi vừa qua một ghềnh đá, có thể họ vừa phải đẩy, vừa kéo xe sau một đêm ngủ lại trong rừng sâu...nhưng nụ cười đã nở thật tươi, những mệt nhọc lo âu đều tan biến.

Kỷ niệm về những chuyến đi ấy nhiều không kể xiết. "Nhưng điều quan trọng là chúng tôi được sẻ chia cùng đồng đội và đồng bào vùng khó khăn. Và những củ sắn, quả dứa, bó hoa rừng... được mang lên sau mỗi tiết mục là lời động viên lớn nhất đối với anh chị em trong đội"- anh Tuấn chia sẻ.


Thùy Vinh

Mới nhất
x
Kỷ niệm với vùng sâu, hải đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO