Kỳ Sơn: Báo động tình trạng người dân “biệt tăm” khỏi địa bàn

15/04/2013 22:39

(Baonghean) - Lần lượt những lao động trụ cột rời địa phương không lý do, không để lại địa chỉ điểm đến làm việc, đang tạo ra sự lo lắng, bất an. Điều này đặt ra nhiều vấn đề trong quản lý, bảo vệ lao động, quản lý hộ tịch, hộ khẩu ở địa bàn huyện rẻo cao Kỳ Sơn.

Ngày 10/4/2013, ông Vọng Văn Thanh, 60 tuổi, ở bản Na Chảo, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, đến công an xã trình báo về việc “mất tích” của bà vợ năm nay đã 53 tuổi. Qua nắm bắt tình hình, Công an xã Hữu Kiệm biết được vào ngày 6/4, chị Vi Thị Lan ở bản Na Lượng đã đến rủ bà Thao (vợ ông Thanh) đi làm công ở các tỉnh phía Nam với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Không chờ sự bàn bạc của gia đình, chị Lan đưa cho ông Thanh 100.000 đồng, bảo để uống nước. Hai ngày sau, vợ ông ra đi không một lời nhắn. Trước đó, ngày 9/4, bà Mong Thị Hằng, 74 tuổi cũng đã đến Công an xã Hữu Kiệm trình báo về đứa con gái Lữ Thị Nhi, sinh năm 1997, mất tích từ ngày 4/4/2013. Sự việc mới được phát hiện khi gia đình nhà chồng của Nhi từ xã Bảo Nam ra tìm xem con dâu có về nhà ngoại…

Hai vụ việc trên là sự kéo dài của danh sách những người đi khỏi địa phương mà “không để lại lời nhắn” ở xã Hữu Kiệm. Theo thống kê của công an xã, đến nay, có khoảng 50 người ra khỏi địa bàn mà gia đình, chính quyền không biết đi đâu, về đâu. Đáng lo ngại là trong số đó có 95% là phụ nữ. Điều này càng làm cho đồng bào các dân tộc Thái, Khơ mú trên địa bàn xã thực sự lo lắng về “nạn buôn bán phụ nữ”, lừa chị em vào các “động mại dâm”.

Sự lo âu này có cơ sở khi gia đình lên trình báo với xã con em họ là nữ, chủ yếu sinh từ 1990 về sau, thậm chí có những em sinh năm 2000. Trưởng Công an xã Hữu Kiệm Hà Văn Thái cho biết: “Trong số những người rời khỏi địa bàn, có khoảng 10 phụ nữ lấy chồng hoặc làm ăn ở Trung Quốc nhưng xã không biết được cụ thể ở nơi nào. Họ ra đi không cho gia đình biết, có người trở về một hai lần, đưa cho gia đình vài triệu đồng và lại rủ thêm một vài người đi cùng. Vấn đề này xã cũng không quản lý nổi, chỉ đến khi nhiều gia đình đến trình báo con em “mất tích”, chúng tôi mới biết. Chúng tôi đang cùng với công an huyện tăng cường nắm bắt thông tin để làm rõ”.



Ông Vọng Văn Thanh (bản Na Chảo) trình báo với Công an xã Hữu Kiệm
về sự “mất tích” của vợ.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, xã Hữu Kiệm là một trong những “điểm nóng” về tình trạng lao động (kể cả những người chưa đến tuổi lao động) rời bỏ địa bàn đi làm ăn ở các nơi khác. Có ý kiến cho rằng, thực tế đó xuất phát từ nhu cầu về tìm kiếm việc làm và thu nhập. Nhưng theo ông Lữ Văn Lập- Bí thư Đảng ủy xã thì sự việc hoàn toàn không phải như vậy, bởi ở địa phương, có các điều kiện về phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi, sản xuất nông lâm kết hợp đem lại đời sống ổn định cho các hộ dân.

Từ lâu nay, trên diện tích gần 7.778 ha của xã, 947 hộ dân, với 4.267 nhân khẩu vẫn đang bám trụ, từng bước vươn lên. Điển hình, gia đình chị Vi Thị Hoa ở bản Na Lượng 2, mỗi năm thu nhập khoảng 70 đến 90 triệu đồng từ 2 ha đất với mô hình trồng ngô, trồng rừng, nuôi lợn đen, gà đồi… Những mô hình kinh tế tổng hợp như vậy đang phát huy hiệu quả, góp phần khẳng định chủ trương vận động của cấp ủy, chính quyền là ở lại địa phương vẫn có thể ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Vấn đề ở chỗ là nhiều người trẻ, nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu về cơ hội kiếm tiền ở nơi khác đã đi theo, làm cho tình hình mất ổn định.

Trong vòng hai năm gần đây, huyện Kỳ Sơn có hàng trăm người đi “biệt tăm” khỏi địa bàn. Nhiều gia đình sau một thời gian chờ thông tin về con em mình mà không biết “đi đâu, về đâu” mới cầu cứu chính quyền. Khi các lực lượng chức năng kiểm tra lại thì không có một cam kết hoặc giao ước nào từ các doanh nghiệp hay cá nhân nào với các gia đình có con em ra đi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vi Hải Thành- Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kỳ Sơn, cho biết: Việc nhiều người rời khỏi địa bàn huyện trong thời gian gần đây đang là vấn đề lo ngại. Đồng bào các xã đã phản ánh, kiến nghị và huyện cũng đang tăng cường công tác nắm tình hình, vận động đồng bào cảnh giác trước những rủ rê của một số đối tượng. Chúng tôi đang chỉ đạo công an và các lực lượng chức năng phối hợp làm rõ, có thể đưa ra pháp luật những người vi phạm.

Trước mắt, ngày 16/4, huyện sẽ tổ chức gặp mặt tất cả già làng, trưởng bản, người có uy tín của các dân tộc để quán triệt những nội dung pháp luật liên quan, từ đó tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho đồng bào. Huyện cũng đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn phát triển chăn nuôi cho đồng bào, đồng thời vận động các tổ chức xã hội, doanh nghiệp hỗ trợ bao tiêu sản phẩm để bà con yên tâm sản xuất tại địa bàn. Chủ trương, định hướng là vậy, nhưng đó là khối lượng công việc đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ, từng bước và kiên trì từ mỗi địa bàn dân cư.


Nguyên Sơn

Mới nhất
x
Kỳ Sơn: Báo động tình trạng người dân “biệt tăm” khỏi địa bàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO