Kỳ Sơn... khát

25/02/2012 16:24

(Baonghean) - Mặc dù đã có hàng trăm công trình nước tự chảy được xây dựng bằng nhiều nguồn vốn, chương trình khác nhau phục vụ sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc rẻo cao Kỳ Sơn, nhưng về mùa khô, điệp khúc “khát nước”  vẫn tái diễn. Xuống cấp, hư hỏng, không có nước đầu nguồn là những nguyên nhân chính dẫn đến công trình nước tự chảy đang bỏ không hàng loạt tại Kỳ Sơn. 13/21 xã, thị trấn của huyện Kỳ Sơn đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng…

(Baonghean) - Mặc dù đã có hàng trăm công trình nước tự chảy được xây dựng bằng nhiều nguồn vốn, chương trình khác nhau phục vụ sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc rẻo cao Kỳ Sơn, nhưng về mùa khô, điệp khúc “khát nước” vẫn tái diễn. Xuống cấp, hư hỏng, không có nước đầu nguồn là những nguyên nhân chính dẫn đến công trình nước tự chảy đang bỏ không hàng loạt tại Kỳ Sơn. 13/21 xã, thị trấn của huyện Kỳ Sơn đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng…


Lo nước hơn lo cái ăn


Thượng nguồn của hai dòng sông Nậm Mộ, Nậm Nơn mùa này cạn trơ đáy, các con khe con suối cũng trong tình trạng này. Điều đó đồng nghĩa với việc đồng bào vùng rẻo cao Kỳ Sơn đang đối mặt với nỗi lo thiếu nước. Thời tiết của Kỳ Sơn mỗi năm 2 mùa, mùa khô và mùa mưa. Mùa khô từ tháng 10 năm nay đến tháng 4 năm sau. Nỗi lo thiếu nước còn hơn lo thiếu cái ăn.


Một ngày đầu xuân, chúng tôi ngược đường về Huồi Tụ, Phà Đánh (2 nơi được đánh giá là thiếu nước trầm trọng nhất huyện), khi bà con nơi đây cũng bắt đầu kéo nhau đi tìm nước. Tại trung tâm xã Phà Đánh, mặc dù chỉ cách trung tâm huyện gần 13 km, song cảnh thiếu nước sinh hoạt đã diễn ra từ nhiều tháng nay. Để có nước phục vụ sinh hoạt người dân ở đây phải đi một quãng đường 3 - 7 km đến tận khe Y Bun của xã Huồi Tụ để lấy từng can nước về sử dụng. Nước thiếu nên người dân phải chắt chiu từng giọt, thậm chí phải chia nước từng bữa để nấu ăn, chưa nói đến phục vụ các nhu cầu khác. Anh Kha Văn Bún, cán bộ Văn phòng UBND xã cho biết: “Không đủ nước sinh hoạt, cuộc sống chúng tôi bế tắc đủ đường. Thương cho những người già ốm yếu, neo đơn không đủ sức đi xa vượt rừng tìm nước, đành cố gồng mình với sự thiếu thốn này!”.




Học sinh Trường THCS xã Phà Đánh phải đi bộ hàng cây số, lấy nước khe suối về sinh hoạt tại khu nội trú.

Tại Trường THCS xã, chúng tôi chứng kiến cảnh học sinh nội trú tay xách can nước, nách mang cặp sách vượt quãng đường đèo dốc đến với lớp học. Thầy giáo Nguyễn Thanh Tùng - Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Chúng tôi cũng rất xót xa khi các học sinh bán trú của trường không có nước để nấu ăn, sinh hoạt. Tập thể giáo viên ở đây cũng phải sống chung hoàn cảnh này. Các thầy cô phải thay nhau, tranh thủ những giờ không lên lớp vào các khe suối trong núi để chắt từng can nước về nấu ăn.

Tại khu nội trú của trường có một bể chứa nước chừng 3m3 nhưng đáy bể khô như rang. Đã hơn tháng nay, các thầy cô giáo và các em học sinh tranh thủ giờ nghỉ, mang can đi múc nước về đổ vào những dụng cụ gì có thể chứa được nước, còn lại đổ vào bể để dành sử dụng. Nhưng xem ra “như muối đổ bể”! Chủ tịch UBND xã Phà Đánh, ông Kha Trạch Khăm cho biết: Mùa khô năm nay, 2/3 dân số của địa phương thiếu nước sinh hoạt. Toàn xã chỉ có 2/10 bản còn ít nước từ các công trình tự chảy, còn lại đều phải đi tìm nước ở vùng khác để phục vụ cuộc sống, chưa nói đến cần nước để phục vụ mục đích khác… Còn Trạm trưởng Trạm Y tế xã Lô Văn Toán thì luôn thường trực nỗi lo không đủ nước cho đồng bào sinh hoạt, nguy cơ xẩy ra các loại dịch bệnh là rất lớn.


Ngược lên Huồi Tụ, cảnh thiếu nước còn khốc liệt hơn cả Phà Đánh. Địa phương này hiện có 10/11 bản và hơn 80% dân số thiếu nước nên nhiều người dân quen gọi là xã “khát”, thậm chí có những bản thiếu nước quanh năm như bản Huồi Đun… Giọt nước ở đây được ví bằng những hạt gạo để nuôi sống con người. Ông Vừ Giống Dìa, Chủ tịch UBND xã tỏ ra rất trăn trở khi nói về chuyện “khát” của xã. Nước đã trở thành nỗi ám ảnh với những người dân nơi đây. Theo ông Dìa, cách đây 10 năm, nếu có thiếu chỉ thiếu 2 – 3 tháng thôi, nhà này thiếu lại xin nhờ nhà khác nên cũng không đáng ngại. Nhưng mấy năm gần đây khi mùa khô đến, nguồn nước cạn kiệt, may ra chỉ có số rất ít nhà ở dưới các thung là có nước, nhưng cũng chẳng đáng là bao. Có lẽ vì rừng ngày càng bị tàn phá cạn kiệt mới dẫn đến thiếu nước như thế này?”.


Ông Vừ Văn Phong, xã Huồi Tụ, mong muốn “Đói nghèo thì dân chúng tôi cố gắng vượt qua, nhưng chúng tôi chỉ mong Nhà nước xây cho một công trình thủy lợi ngăn nước trong suối để lấy nước cày cấy và sinh hoạt, chứ cứ đà này, không biết chúng tôi còn phải chịu đói, chịu khát đến bao giờ nữa ?"


Giải pháp nào?


Giải pháp nào để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc Kỳ Sơn là vấn đề không phải bây giờ các cấp, ngành cũng như chính quyền địa phương mới đặt ra. Từ nhiều năm trước, khi Chính phủ có những chương trình, dự án giúp cải thiện đời sống cho đồng bào vùng cao, thì tại Kỳ Sơn, địa phương rất quan tâm đến xây dựng công trình nước sinh hoạt tự chảy tại các thôn, bản.


Ông Nguyễn Anh Đoài - Phó phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Kỳ Sơn cho biết: Toàn huyện đến nay đã xây dựng được gần 150 công trình nước phục vụ sinh hoạt cộng đồng cho bà con đồng bào các dân tộc, với tổng kinh phí đầu tư gần 100 tỉ đồng. Nguồn vốn đó được sử dụng từ các chương trình đầu tư như 134/CP, 135/CP… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau như lũ lụt, đầu tư thiếu đồng bộ cũng như quá trình khảo sát thi công còn có nhiều vấn đề hạn chế, ý thức bảo quản công trình của người sử dụng kém… nên đến thời điểm hiện tại, chỉ còn lại khoảng 1/3 số công trình còn phát huy hiệu quả, số còn lại đã bị hư hỏng hoặc không còn giá trị sử dụng nữa, vì nguồn nước đầu nguồn đã cạn kiệt. Theo ông Đoài, để khắc phục tình trạng thiếu nước hiện nay, cần một nguồn kinh phí nâng cấp và sửa chữa lên đến hàng chục tỉ đồng, điều này nằm ngoài khả năng của huyện.


Trong thực tế, như vậy Kỳ Sơn được đầu tư khá nhiều các công trình nước, nhưng có khá nhiều công trình đã hư hỏng và xuống cấp. Nguyên nhân là do ý thức của người dân trong việc bảo vệ các công trình cũng như việc chặt phá rừng một cách bừa bãi nên nước đầu nguồn bị cạn kiệt. Huồi Tụ và Phà Đánh là hai địa phương có nhiều công trình nước bị hư hỏng nhiều nhất. Xã Huồi Tụ chỉ còn 3/10 công trình đang còn sử dụng, còn lại đã bị bỏ hoang nhiều năm nay.

Còn ở Phà Đánh, toàn xã có 6 công trình nước sinh hoạt tự chảy, với tổng số 30 bể chứa nước tại 10 bản, phục vụ nước sinh hoạt cho 645 hộ, 3.067 con người. Thế nhưng, đến thời điểm này đã có hơn 2/3 bể chứa nước bị bỏ hoang vì không còn nguồn nước cung cấp. Tại bản Phá Khốm, một công trình nước tự chảy được xây dựng từ năm 2004 bằng nguồn vốn của Chương trình 135/CP, nay đã hư hỏng, bỏ hoang. Theo người dân ở đây phản ánh, công trình này đã bỏ hoang từ nhiều năm nay rồi. Các bản khác, như: Pá Khốm, Kim Đa, Phá Khảo… các công trình nước sinh hoạt cũng hư hỏng. Chỉ còn vài công trình tại 2 bản là Piêng Hòm và Piêng Phô còn sử dụng được.


Thiếu nước, nhiều khó khăn lại chồng chất lên cuộc sống của nhân dân, bên cạnh phục vụ sinh hoạt thường ngày thì các nhu cầu sử dụng cho việc sản xuất nông nghiệp, nước phục vụ cho trường học, trạm y tế là rất cần thiết. Bác sỹ Nguyễn Xuân Phong - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho hay: Hiện nay, có hơn ½ trạm y tế các xã thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng rất lớn đến khám và điều trị bệnh cho nhân dân. Thực trạng này rất đáng lo ngại, bởi công tác vệ sinh khó khăn, phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch bệnh luôn tiềm ẩn.


Tình trạng thiếu nước phục vụ dân sinh và các nhu cầu khác trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc của huyện miền núi Kỳ Sơn là rất nghiêm trọng. Đã đến lúc chính quyền các cấp, ngành cần quan tâm tiếp tục đầu tư, hỗ trợ, đồng thời phải có giải pháp chặt chẽ hơn nữa đối với công tác khảo sát, xây dựng và gắn trách nhiệm bảo vệ công trình của người dân.

Ông Bùi Trầm – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Sau nhiều năm sử dụng, rất nhiều công trình nước sinh hoạt tự chảy trên địa bàn huyện đã xuống cấp, hư hỏng, không phát huy hiệu quả. Đặc biệt sau trận lũ lụt lớn năm 2011, đã có 60% số công trình hư hỏng. Những công trình hư hỏng nhẹ thì xã khắc phục, đối với những công trình hư hỏng nặng thì huyện có trách nhiệm sửa chữa. Vì vậy, nguồn vốn của Chương trình 135/CP tới đây, cùng với nguồn kinh phí khắc phục lũ lụt hàng năm, huyện sẽ ưu tiên sửa chữa các công trình nước sinh hoạt cho bà con.


Xuân Hoàng

Mới nhất
x
Kỳ Sơn... khát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO