Ký sự Trường Sa: Khí thế lên đường

(Baonghean) - Thực hiện nhiệm vụ thay, thu quân và chuyển quà Tết Ất Mùi 2015 từ đất liền ra với Trường Sa, từ ngày 5/1, các tàu Hải quân Vùng 4 đã lên đường để đến với 12 điểm tại các đảo Trường Sa Đông, Tốc Tan, Phan Vinh, Tiên Nữ, Núi Le theo kế hoạch hải trình 25 ngày, 900 hải lý (1.620 km). Cùng đi có phóng viên các cơ quan báo chí trung ương và các tỉnh, thành cả nước. Phóng viên Báo Nghệ An tham gia chuyến công tác và thực hiện các bài viết gửi về từ Trường Sa và được lần lượt đăng tải từ ngày hôm nay (12/1). 
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa chúc Tết Ất Mùi quân và dân huyện đảo Trường Sa
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa chúc Tết Ất Mùi quân và dân huyện đảo Trường Sa
Quân cảng Cam Ranh ngày đầu năm 2015 lồng lộng gió. 4 con tàu biển lừng lững neo ở mạn cầu tàu, hiên ngang hướng mũi ra Biển Đông. Trên đỉnh tháp mỗi tàu cờ Tổ quốc phần phật tung bay vẫy chào đoàn công tác đã có mặt với đội ngũ chỉnh tề sẵn sàng lên đường. Cầu tàu quân cảng ngập tràn sắc phục hải quân và sắc áo các tầng lớp nhân dân tiễn đưa cán bộ, chiến sỹ, nhân dân huyện đảo Trường Sa xuống tàu đến với tất cả các điểm đảo để làm nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng và phát triển kinh tế. Đây là chuyến tàu đầu tiên của năm mới 2015, và là chuyến cuối cùng của năm âm lịch Giáp Ngọ, mang theo quà Tết Ất Mùi ra với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Trường Sa thân yêu. Cùng “xông đất” năm mới 2015 ở vùng đất thiêng nơi đầu sóng ngọn gió, còn có 85 phóng viên báo chí đến từ các cơ quan báo chí Trung ương và các tỉnh, thành.  
Nếu vào dịp tháng 3, tháng 4 là mùa biển lặng, thì cữ này là mùa biển động, gió to, sóng lớn. Điều đặc biệt của chuyến đi này là các thành viên nhận được kế hoạch ra với đảo cùng lúc các báo, đài dồn dập tin báo bão số 5 sắp vào Biển Đông với sóng cấp 5, cấp 6 và giật cấp 7, cấp 8. Tuy nhiên, những tín hiệu thời tiết ấy không ngăn cản được khát vọng lên đường luôn thôi thúc lâu nay với tiếng gọi thiêng liêng: Trường Sa. Ngay từ tối 3/1, tại nhà khách Hải quân Vùng 4, các đoàn phóng viên đi Trường Sa đã có mặt sớm, đầy đủ. Nữ nhà báo Ngọc Hân - Báo Quảng Ninh, dáng người nhỏ bé, mang kính cận dày tới 7 đi-ốp, cho biết thường ngày chị đi ô tô còn say, nói gì đến hành trình trên biển cả, nên cả cơ quan ai cũng ái ngại cho chị, nhưng Ngọc Hân một mực thuyết phục cơ quan phải cho chị đi bằng được. Vậy mà vượt chặng đường gần 2.000 km từ TP. Hạ Long đến TP. Cam Ranh, vào đến nơi tập kết đoàn Ngọc Hân còn cảm thấy sự cố gắng của mình chưa thấm tháp gì so với nữ nhà báo Lê Hoài Thanh – 50 tuổi, Ban Hà Nội Ngày nay, Báo Hà Nội mới.
Nhà báo Lê Hoài Thanh tâm sự, mình phải lấy cái thế “người cao tuổi” trong cơ quan để được ưu tiên cho đi Trường Sa, chứ cơ quan nhiều người muốn đi ghê lắm! Nữ nhà báo cho biết trong năm 2014, khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vào hạ đặt trái phép ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, Báo Hà Nội mới có hai đợt cử phóng viên đi tác nghiệp, chị đều xung phong xin đi nhưng kỳ đó cơ quan chỉ định các nhà báo trẻ tuổi tham gia. Vì vậy, khi Quân chủng Hải quân tổ chức đoàn tàu đi “xông đất Trường Sa” năm 2015, chị nằng nặc xin đi bằng được. Khi nghe tin báo bão, khí thế lên đường của chị vẫn chẳng hề giảm.
Chiến sỹ làm nhiệm vụ thay quân chào đất liền lên đường ra Trường Sa.
Chiến sỹ làm nhiệm vụ thay quân chào đất liền lên đường ra Trường Sa.
Sáng 5/1, cánh phóng viên chúng tôi ai cũng dậy sớm hơn thường lệ, bởi khấp khởi chờ đến giờ phút được bước chân lên boong tàu. Người thì tranh thủ kiểm tra lại máy móc, phương tiện, người thì tập lại các bài hát về Trường Sa, người chăm chút sửa lại hộp đựng quà, những túi trà, bình đun nước, những hộp bột nêm, lọ ruốc bông, những tập thơ, album nhạc... Cánh báo chí cũng mỗi người mỗi thứ, mang theo những món quà mang hơi ấm đất liền ra với quân và dân huyện đảo Trường Sa anh hùng. Cuộc họp phổ biến nội dung quy chế diễn ra nhanh, gọn. Đại tá Nguyễn Công Sơn – Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 4 chủ trì cuộc gặp mặt phóng viên báo chí trước buổi xuống tàu.
Là người quê ở Diễn Bích (Diễn Châu), với chất giọng xứ Nghệ “đậm đà”, ông nói chắc nịch: “Các đồng chí đi lần này là vào mùa gió chướng. Cứ nghe đài báo có gió mùa ở miền Bắc thì 2 ngày sau ở Trường Sa có gió to sóng lớn. Nhưng đã đi biển thì nên có trải nghiệm về sóng biển, để thêm hiểu, thêm yêu mến và khâm phục ý chí cha ông ta đã giữ gìn đất thiêng Tổ quốc suốt trường kỳ lịch sử. Trước vô vàn gian lao, khắc nghiệt, chúng ta chưa và sẽ không bao giờ lơi lỏng ý chí giữ biển, bám biển. Trường Sa đang chờ tin chúng ta. Chúng ta đi để cảm nhận sâu sắc hơn về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, đi để hiểu thêm về sự lớn mạnh và hiện đại không ngừng của quân và dân huyện đảo Trường Sa”. Một số anh em phóng viên hỏi thêm về hải trình, về kinh nghiệm đi biển... Vị đại tá có thâm niên nghề biển, sinh ra và lớn lên ở đất biển Nghệ An, chiến đấu và trưởng thành gắn liền với biển cả, đã trả lời rành rọt những kinh nghiệm để củng cố thêm quyết tâm của anh em. Trước các câu hỏi bày tỏ sự quan tâm về các món quà Tết đất liền chuẩn bị cho huyện đảo Trường Sa, Đại tá Nguyễn Công Sơn trả lời ngắn gọn: “Ở đất liền ăn Tết Ất Mùi có cái gì, thì ở Trường Sa chắc chắn sẽ có cái đó!”. Cả hội trường vỗ tay hưởng ứng câu trả lời đầy ý nghĩa của ông.
Theo kế hoạch, 17 giờ chiều 5/1 đoàn tàu sẽ khởi hành, nhưng mới 14 giờ Quân cảng Cam Ranh đã nhộn nhịp bước quân đi. Đồng chí Trần Sơn Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và đại diện công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân tỉnh Khánh Hòa có mặt từ sớm để trao các kiện hàng quà Tết Ất Mùi cho quân và dân huyện đảo Trường Sa lên 4 con tàu chia thành 4 tuyến đi khắp tất cả các điểm đảo. Những ca khúc “Nơi anh đến là đảo xa”, “Gần lắm Trường Sa”... vang lên giục giã. Ánh nắng cuối đông ở vùng đất Nam Trung bộ làm cho mây trời trở nên cao xa hơn, trong xanh văn vắt.
Thời tiết khi buổi lễ tiễn quân đi đẹp lạ lùng. Gió thổi nhẹ làm những dải xanh trên mũ quân phục hải quân tung bay phơ phất, những làn sóng nhẹ e ấp vỗ về nâng niu mạn tàu. Các cầu tàu rộn rã tiếng nói cười, những cái bắt tay, choàng vai thân mật của cánh lính trẻ chúc nhau hoàn thành nhiệm vụ rộn rã cả vùng. Góp trong điệu cười, tiếng nói nơi cầu cảng có đủ thứ tiếng của 3 miền Bắc - Trung - Nam. Chiến sỹ trẻ Nguyễn Đăng Cường (SN 1995) quê ở xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) nhập ngũ ngày 15/4/2014, mới về phép một lần đợt tháng 9/2014, mới nhận được tin đi đảo Đá Đông trước đúng 1 ngày (vào ngày 4/1). Cường cho biết, chỉ kịp điện thoại cho bố mẹ và người thân.
Tư trang người lính hải quân đơn giản gọn nhẹ, chỉ 3 bộ quân phục, một số dụng cụ cá nhân xếp gọn trong ba lô cài chiếc chiếu cói khoác vai, tay xách một chiếc rương nhỏ, đây là những thứ luôn sẵn sàng nên hễ có lệnh là cơ động  mang đi ngay. Cũng như Cường, đôi bạn Nguyễn Đức Thắng (SN 1991) ở phường 2, quận 3 (TP. Hồ Chí Minh) và Đào Nguyễn Tỉnh Thành (SN 27/8/1993) phường 11, quận Gò Vấp (TP. Hồ Chí Minh) mới biết tin được đi đảo vào tối thứ 6 (ngày 3/1) thì hôm nay đã lên đường. Cùng là “trai thành phố mang tên Bác”, cùng vào Trung tâm huấn luyện 456, rồi được phân về ở Tiểu đoàn 862, Lữ đoàn 146, nay Thắng được phân đi đảo Tốc Tan, Thành được phân đi đảo Sơn Ca. Không có người nhà đưa tiễn, Thắng và Thành khoác vai nhau đi đi lại lại chuyện trò, tự động viên lẫn nhau và hẹn cùng quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. 
Quang cảnh trên Cảng Cam Ranh trước giờ khởi hành.
Quang cảnh trên Cảng Cam Ranh trước giờ khởi hành.
Buổi lễ đất liền tiễn chào người ra đảo trang nghiêm mà thân thiết, khí thế mà cảm động lạ thường. Giọng Chuẩn đô đốc Phạm Thanh Hóa - Chính ủy Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 4 vang vang trong gió biển: “Chuyến đi này có những thuận lợi song không phải không có những khó khăn, thời tiết trên biển đang diễn biến phức tạp. Điều đó càng khẳng định tình cảm dành cho biển đảo đủ sức vượt qua mọi trở ngại. 4 con tàu đưa 4 đoàn công tác mang theo tình cảm thiêng liêng của đất liền, các đồng chí đang thực hiện sứ mệnh quan trọng là sứ giả đưa Tết Ất Mùi đến sớm với đảo, động viên hoạt động sẵn sàng chiến đấu, xây dựng, sản xuất, tạo thêm sức mạnh tinh thần và nguồn lực để bám đảo, giữ biển, xây dựng quần đảo Trường Sa giàu mạnh”. Đồng chí Trần Sơn Hải – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa đại diện cho các tầng lớp nhân dân Khánh Hòa, gửi lời chúc mừng năm mới quân và dân huyện đảo Trường Sa vui đón Tết cổ truyền đầm ấm. Trong trời chiều đất biển, khí Tết và hơi Xuân dường như đã đến thật gần.
Do mọi thủ tục chuẩn bị tốt và tiến hành chu đáo, giờ khởi hành được diễn ra sớm hơn kế hoạch 1 tiếng. 16 giờ 10 phút, 4 con tàu lớn lần lượt kéo còi chào bờ. Cán bộ và chiến sỹ trên hai mạn tàu trang nghiêm làm nghi thức chào đất liền và người đưa tiễn. Tiếng còi tàu trầm hùng kiêu dũng hòa trong lời bài hát phát từ chiếc loa lớn ở cầu cảng “Tổ quốc gọi tên mình” vang vọng cả không gian: “Tổ quốc linh thiêng…/ Ngọn đuốc hòa bình trên tay rực lửa/…Tôi lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình...”. 
Và tôi, khoảnh khắc xúc động này, cũng đã nghe một phần Tổ quốc thiêng liêng phía trùng khơi Trường Sa vẫy gọi…
Ngô Kiên
(E-mail từ Trường Sa)

tin mới

Nhà hát Chèo Quân đội biểu diễn phục vụ chiến sĩ Nghệ An

Nhà hát Chèo Quân đội biểu diễn phục vụ chiến sĩ Nghệ An

(Baonghean.vn) - Tối 6/4, tại Trung đoàn 764, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Nhà hát Chèo Quân đội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức biểu diễn chương trình nghệ thuật phục vụ cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và nhân dân trên địa bàn đóng quân.

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

(Baonghean.vn) - Sáng 27/3, tại thủ đô Hà Nội, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Báo Quân đội Nhân dân và Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

(Baonghean.vn) - Sáng 21/3, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành đã đến thăm, động viên cán bộ, nhân viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tại tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.

Bộ đội Biên phòng tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh về phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Bộ đội Biên phòng tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh về phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

(Baonghean.vn) - Chiều 14/3, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến với các điểm cầu trong toàn lực lượng.

Những hy sinh thầm lặng của các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An

Những hy sinh thầm lặng của các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An

(Baonghean.vn) - Thường xuyên phải gác lại nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ, các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An luôn nêu cao tinh thần vượt khó, vượt gian khổ, tận tụy phụng sự tổ quốc và nhân dân. Họ không quản ngại mưa gió, nắng cháy, hiểm nguy để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương

(Baonghean.vn) - Chiều 22/2, đoàn công tác Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh do đồng chí Đại tá Đinh Bạt Văn – Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương.