"Kỳ tích" của chàng trai Huồi Đun

22/11/2013 16:16

(Baonghean) - Sinh ra trong một gia đình đông anh em, cha mẹ nghèo, sau khi lập gia đình, Lỳ Bá Cồ luôn trăn trở với suy nghĩ thoát nghèo. Vì sao vùng núi rừng của mình có nhiều thuận lợi để chăn nuôi bò Mông mà mình không đầu tư để thành trang trại? Nghĩ là làm. Sau nhiều năm vượt khó thành công Lỳ Bá Cồ vừa được Trung ương Đoàn thành niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2013...

(Baonghean) - Sinh ra trong một gia đình đông anh em, cha mẹ nghèo, sau khi lập gia đình, Lỳ Bá Cồ luôn trăn trở với suy nghĩ thoát nghèo. Vì sao vùng núi rừng của mình có nhiều thuận lợi để chăn nuôi bò Mông mà mình không đầu tư để thành trang trại? Nghĩ là làm. Sau nhiều năm vượt khó thành công Lỳ Bá Cồ vừa được Trung ương Đoàn thành niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2013...

Huồi Tụ là địa phương vùng sâu, vùng xa của huyện Kỳ Sơn. Mặc dù đất đai đồi núi rộng lớn, giao thông đi lại không khó khăn như trước, nhưng đời sống người dân nơi đây vẫn còn nhiều thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần. Ước mơ vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình vẫn luôn đau đáu trong lòng những thanh niên trên miền sơn cước này...

Khi cái rét đầu mùa mang theo những làn sương nặng hạt ùa về trên vùng cao Huồi Tụ, chúng tôi cũng gặp được Lỳ Bá Cồ sau nhiều lần lỗi hẹn. Ngồi trong căn nhà gỗ được dựng theo kiểu đồng bào Mông, trò chuyện với tôi, vợ chồng Cồ cởi mở: Sinh năm 1984, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn, cùng với phong tục của đồng bào Mông, nên Cồ lấy vợ sớm. Sau khi lấy vợ, Cồ tiếp tục con đường học hành cho đến khi tốt nghiệp THPT. Vợ Cồ là Lầu Y Súa, cô gái Mông, cùng tuổi, ở xã biên giới Nậm Cắn. Nhanh nhẹn, tháo vát, sau khi xây dựng gia đình, Súa cùng chồng nghĩ ra nhiều cách để làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình, dựa trên những chính sách ưu tiên của Nhà nước dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhưng làm gì để xóa được nghèo khi trong tay không có đồng vốn nào? Ban đầu Cồ bàn với vợ, đi lao động xuất khẩu sang Malaysia, vợ ở nhà buôn bán hàng vặt ở chợ Huồi Tụ.

Vợ chồng Lỳ Bá Cồ chăm sóc bò.
Vợ chồng Lỳ Bá Cồ chăm sóc bò.

Trong xã, chưa có ai làm giàu bằng con đường xuất khẩu lao động sang Malaysia. Do vậy, trong đầu Cồ vẫn cứ phân vân. Trong một đêm bắt tay lên trán, Cồ nghĩ ra rằng, giống bò Mông của địa phương lâu nay được khách hàng tìm mua với giá cao, tại sao mình không đầu tư nuôi thành trang trại? Sáng mai ngủ dậy, Cồ mạnh dạn bàn với vợ. Thấy chồng có suy nghĩ đúng đắn, mạnh dạn như vậy, Súa đồng ý ngay. Con đường làm giàu của vợ chồng Cồ diễn ra rất suôn sẻ, thuận vợ thuận chồng. Năm 2004, vợ chồng Lỳ Bá Cồ tìm đến nhiều thung lũng trên địa bàn xã để chọn nơi chăn thả bò, nhưng cuối cùng khu vực Huồi Pỉa, cách nhà chừng 30 phút đi bộ là thuận lợi nhất.

Tìm được nơi ưng ý, vợ chồng mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội để mua 4 con bò cái sinh sản. Thung lũng Huồi Pỉa rộng chừng 40 ha, là vùng đất đồi thấp, phần lớn cỏ và lau lách, xung quanh bao bọc bởi những ngọn núi cao. Vào mùa Đông, thung lũng Huồi Pỉa là nơi trú rét rất phù hợp đối với vật nuôi. Khi đó có một số người trong bản đã đến chăn thả bò, số lượng ít, hiệu quả kinh tế chưa cao. Cứ 3-4 ngày vợ chồng Cồ thay nhau vào thăm bò một lần. Hàng năm, họ còn tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ cho bò, đàn bò không bị dịch bệnh, phát triển tốt. Thời gian ở nhà, ngoài tham gia việc xã hội, vợ chồng Cồ còn làm nghề mổ lợn bán thịt ở chợ. Do vậy ngày nào vợ chồng cũng có việc làm đều đặn và có thu nhập.

Từ 4 con bò sinh sản ban đầu, sau 9 năm chăn thả, đàn bò đã nhân lên 40 con. Cách chăn nuôi bò của vợ chồng Lỳ Bá Cồ bằng kinh nghiệm thực tế nên mang lại hiệu quả cao. Những con bò cái thường để sinh sản, còn bò đực đến tuổi trưởng thành là dắt về nuôi nhốt, bò to, béo thì bán lấy tiền. Hôm chúng tôi đến, trong chuồng đang nuôi nhốt 1 con bò đực, đã hơn 2 năm tuổi, hiện có giá khoảng 40 triệu đồng. Sắp tới vợ chồng sẽ bán nó, dắt con khác về. Những khu vực đất dốc xung quanh nhà, vợ chồng anh tận dụng trồng cỏ voi để cung cấp thức ăn cho bò. Cả đàn bò hàng chục con, chỉ để 1-2 con bò đực có vóc dáng to để làm giống, còn lại để bán. Lỳ Bá Cồ bộc bạch, nếu để cả đàn là trên 40 con, nhưng thời gian qua, do phải nuôi em ăn học và làm nhà, vợ chồng đã bán đi 17 con, trung bình mỗi con 15 triệu đồng, đã có gần 300 triệu đồng. Cha mẹ già yếu, không đủ điều kiện nuôi 8 người con tuổi ăn học, vợ chồng Lỳ Bá Cồ khi đã nghĩ đến việc giúp đỡ em ăn học thay cha mẹ. Ở miền núi cao này, việc học của con em rất khó khăn, do vậy được theo học các trường chuyên nghiệp đối với con em vùng cao là rất quý!

Ngoài chăn nuôi bò, vợ chồng Lỳ Bá Cồ còn nuôi lợn thịt.
Ngoài chăn nuôi bò, vợ chồng Lỳ Bá Cồ còn nuôi lợn thịt.

Hiện nay, vợ chồng Cồ đang nuôi 3 người em ăn học: Lỳ Bá Xênh (Đại học Vinh) Lỳ Bá Xìa (Cao đẳng Kinh tế Vinh) và Lỳ Bá Chả (Trường Thiếu sinh quân ở Thái Nguyên). Vừa nuôi em ăn học, vợ chồng Cồ năm ngoái còn đầu tư làm nhà riêng trên vùng đất mới. Trước đây, nhà Cồ ở trên ngọn núi cao, nước sinh hoạt không có, đường đi lối lại khó khăn. Ở nơi vị trí mới, mặt bằng rộng, có nước sinh hoạt, gần đường trung tâm xã, việc buôn bán, mổ lợn của vợ chồng Cồ thuận lợi hơn nhiều. Mỗi ngày, vợ chồng Cồ dậy từ rất sớm mổ 1 con lợn, vợ mang thịt ra chợ Huồi Tụ bán.

Ngoài ra vợ chồng anh còn trao đổi dịch vụ mua bán trâu, bò để tăng thu nhập. Sự năng động, tháo vát của đôi vợ chồng trẻ người Mông này đã lập “kỳ tích” trên vùng đất rẻo cao này. Vợ chồng Cồ dẫn tôi đi một vòng khoe: Trước đây, vùng này là đồi thấp, người dân không đủ sức để làm thành đất ở, do vậy vợ chồng thuê máy múc làm liên tục 9 ngày, 6 đêm hết 100 triệu đồng, hình thành mảnh đất ở rộng gần 1,5 nghìn m2. Đất rộng, vợ chồng chỉ ở một nửa, còn một nửa cho vợ chồng đứa em làm nhà ở riêng. Xung quanh nhà, còn khoanh một vùng đất nhỏ để trồng rau xanh, làm chuồng bò, chuồng lợn, nuôi gà. Tận dụng những vùng đất dốc bên sườn núi, vợ chồng anh còn trồng cỏ chăn nuôi bò. Những con bò đực dắt về nuôi nhốt, rất nhanh to béo...

Hiện nay, Lỳ Bá Cồ là cán bộ Ban Văn hóa xã, Súa là Phó Bí thư chi bộ, Thường vụ Hội Phụ nữ xã, vợ chồng Cồ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Lỳ Bá Cồ còn đang theo học lớp Quản lý văn hóa ở TP.Vinh.

Những thành công của Lỳ Bá Cồ là tấm gương sáng cho nhiều thanh niên kế tiếp, đặc biệt là những bạn trẻ dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa có ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

Xuân Hoàng

Mới nhất
x
"Kỳ tích" của chàng trai Huồi Đun
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO