Ký ức mùa hè xanh
(Baonghean) - Sáng nay, đi ngang qua ký túc xá của trường, vọng lại lời bài hát tình nguyện vang ra từ căn phòng nhỏ: “Tự tin đi lên khi mặc áo xanh màu Đoàn - Cầu tre ta xây những nhịp kết nối tương lai - Màu xanh thân thương dẫu bụi những khi chỉ đường - Mà sao vui ghê những giờ phút ấy...”. Một mùa hè đang tới, một mùa tình nguyện đang tới, nhiệt huyết tuổi xuân lại sục sôi, khát khao cống hiến sức trẻ lại trỗi dậy…
Hè này là mùa hè cuối cùng trong quãng đời sinh viên của tôi. 4 năm trên giảng đường trôi nhanh quá, những khoảnh khắc, những giây phút ban đầu bước vào cổng trường đại học ngỡ như vừa mới hôm qua. Nhớ nhung và lưu luyến, nhưng chí ít tôi vẫn thấy mình không nuối tiếc về những năm tháng sinh viên, không để nó trôi hoài uổng phí. Trải qua 3 mùa hè, gác lại những dự định du lịch cùng gia đình, từ chối bạn bè những chuyến phượt hấp dẫn đến vùng đất lạ, tôi tham gia vào đội “tiếp sức mùa thi” của trường. Năm nào cũng vậy, 10 ngày cùng sỹ tử “chinh chiến” trên chặng đường “vượt vũ môn hóa rồng” là quãng thời gian tôi được cảm nhận đầy đủ và trọn vẹn giá trị của tình người, thấu hiểu những sẻ chia trong xã hội này đáng quý nhường nào. Là con trai một trong gia đình bố mẹ đều là công chức nhà nước, cuộc sống của tôi từ nhỏ chẳng hề thiếu thốn tình cảm lẫn nhu cầu vật chất. Thế nhưng, có lẽ tôi đã chẳng nhận ra mình may mắn thế nào cho đến khi tham gia tình nguyện.
Ngọc Anh (ngoài cùng bên phải) tư vấn cho các thí sinh dự thi đại học năm 2014. |
Trong mỗi đợt thi, không khó để bắt gặp hình ảnh các em thí sinh cùng người nhà tay xách nách mang, lỉnh kỉnh đồ đạc vượt chặng đường xa xôi để đến điểm thi. Tôi nhớ mãi hình ảnh hai ông cháu từ Hà Tĩnh lặn lội vào Vinh để dự thi trong mùa hè năm trước. Người ông đã già, tóc bạc nhiều, người cháu gầy gò, da đen nhẻm. Hai dáng người khắc khổ ấy vừa bước xuống xe khách đã phải vật lộn với đống đồ lỉnh kỉnh trên vai. Ngay lúc đó, tôi đã cùng các bạn trong đội tình nguyện nhanh chóng đến giúp đỡ và tư vấn địa điểm thi, chỗ trọ cho hai ông cháu.
Trong lúc mải hỏi han, chuyện trò, cả thành viên đội tình nguyện và hai ông cháu để quên túi gạo tầm 5, 6 cân mà ông mang từ tận quê ra để phục vụ cháu trong mấy ngày thi. Bận rộn với số lượng thí sinh và người nhà khá đông, chúng tôi cũng chẳng để ý đến túi gạo ấy. Mãi đến lúc trời quá trưa, người vãn dần, tôi mới nhìn thấy túi gạo vẫn nằm gọn ghẽ trong góc tường. Nhìn gạo được bọc cẩn thận qua mấy lớp túi, lại được buộc rất chắc chắn, chúng tôi đều hiểu nó rất có giá trị với hai ông cháu. Khi chúng tôi tìm đến nhà trọ hai ông cháu ở trả lại túi gạo để quên, những ánh mắt sáng lên trong niềm sung sướng. Bàn tay gầy gò của ông nắm chặt tay chúng tôi, cảm ơn ríu rít. Có lẽ trong cuộc sống này, niềm vui được nhen lên từ những điều nhỏ nhoi như thế.
Mùa hè ở Thành Vinh nắng như đổ lửa, trong những ngày kỳ thi đại học, cao đẳng diễn ra, nhiệt độ thường ở mức 38, 39 độ C. Làm xe ôm miễn phí đưa đón thí sinh và người nhà, rồi chạy ngược, chạy xuôi tư vấn thủ tục dự thi cho các em, mỗi sinh viên trong đội tình nguyện đều nhễ nhại mồ hôi. Nhưng dường như lúc đó chẳng ai còn biết đến mệt mỏi là gì, nụ cười của thí sinh và người nhà như tiếp thêm sức lực để khơi mào nhiệt huyết, ai nấy lại xông xáo, lại nhanh chóng bắt tay vào công việc.
Có những hôm toàn đội chuẩn bị ăn trưa bằng cơm hộp được gọi đến ngay tại điểm tiếp sức thì các chuyến xe từ huyện xa đổ về. Đặt vội những hộp cơm, chúng tôi lại tất tả đón thí sinh và chở các em đến các điểm trường. Nhiều em xuống xe trong tình trạng mệt lử, vừa đói, nóng và khát, chúng tôi nhường hộp cơm cho các em để các em có sức tiếp tục chặng đường thi cử. Nụ cười và ánh mắt của các thí sinh vùng cao xuống phố, chúng tôi hiểu rằng ấn tượng tốt đẹp về anh chị sinh viên tình nguyện đã gieo vào tâm hồn các em niềm tin yêu, tiếp thêm động lực cho các em phấn đấu bước chân vào giảng đường đại học. Chỉ vậy thôi cũng làm chúng tôi thấy thêm vui và yêu hơn công việc thiện nguyện của mình.
Nhưng đôi khi chính các em lại là những người cho chúng tôi bài học quý giá về ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Mùa tiếp sức năm ngoái, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh em Trần Thị Nhi, quê ở Cẩm Thạch, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cùng mẹ vào Vinh dự thi đại học. Em dự thi vào ngành Bác sỹ Thú ý, Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội tại điểm Trường THCS Hưng Dũng. Để ước mơ trở thành cô sinh viên thì Nhi phải có nghị lực và tinh thần lạc quan bởi em mang trong mình căn bệnh nan y. Em trai của Nhi cũng mắc căn bệnh lạ, mắt phải của cậu em cứ thế lòa dần. Bệnh tình của hai chị em khiến hoàn cảnh gia đình thêm nghèo khó. Thế nhưng em vẫn chăm chỉ học tập, cố gắng và phấn đấu. Em bảo em thấy ngành Thú y ở mình còn chưa phát triển nên em muốn theo đuổi ngành này để có thể giúp đỡ bố mẹ và người dân quê mình. Gương mặt sáng sủa, ánh mắt đầy hy vọng của cô bé 18 tuổi ám ảnh chúng tôi mãi...
Từng kỷ niệm về mùa tình nguyện tiếp sức mùa thi cứ thế hiện về trong tôi như những đoạn phim quay chậm. Ký ức đó là bài học thực tế vô giá mà tôi nhận được, để qua mỗi đợt hè, tôi đều thấy mình trưởng thành hơn trong suy nghĩ và hành động. Bố mẹ tôi rất vui khi đứa con trai duy nhất mà họ luôn cưng chiều có thể thấu hiểu, sẻ chia và cảm thông với những mảnh đời bất hạnh khác. Đối với các thành viên trong đội, những ngày cùng ăn, cùng thức, cùng làm việc vất vả giữa nắng trưa khiến mọi người càng thêm gắn bó với nhau hơn. Sự quan tâm, lo lắng và săn sóc, động viên lẫn nhau giúp tôi nhận ra giá trị của tập thể, của sự gắn kết cộng đồng. Thời điểm này tôi đang bận rộn để hoàn thành đồ án tốt nghiệp đại học, nhưng chắc chắn tôi sẽ không bỏ lỡ việc tham gia tình nguyện tiếp sức mùa thi.
Đó là những kỷ niệm đáng nhớ và khó quên nhất trong quãng đời sinh viên. Bất chợt tôi nghĩ đến câu nói trong một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của một nhà văn: “Tuổi thanh xuân như một cơn mưa rào, dù bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa, bạn vẫn muốn được đằm mình trong cơn mưa ấy lần nữa”. Được cống hiến, được tiếp sức cho những cô, cậu học trò mang trong mình hoài bão lớn lao chạm tay vào cánh cổng trường đại học - với tôi đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là những trải nghiệm quý giá về cuộc sống. Một khi nhiệt huyết tuổi xuân còn rạo rực thì lý tưởng sống tốt đẹp của thanh niên vẫn sẽ được ươm mầm và nuôi dưỡng, bắt đầu từ những hành động tình nguyện thiết thực của ngày hôm nay.
Bài, ảnh: Phương Thảo
(Ghi theo lời kể của Phan Ngọc Anh – Sinh viên lớp 52k2, Khoa Công nghệ - Thông tin, Trường đại học Vinh)