Ký ức người trong cuộc

Ký ức về một mùa xuân tiến công, về những ngày tháng ác liệt, gian khổ chiến tranh luôn chiếm một phần đáng kể trong tâm thức của những người từng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân - 1968. Bốn mươi năm đã trôi qua, bất kể khi nào, chỉ cần một lời gợi mở, kỷ niệm Mậu Thân trong họ tuôn trào như thác lũ. “Mùa Xuân ấy, chúng tôi đã tiến vào thành phố…”. 
 
Làng Vây-Trận đánh mang nhiều ý nghĩa
(Thiếu tướng Trần Văn Ân – Nguyên Phó chính uỷ Sư đoàn 325 C tham gia chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh)

 
 

Chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh năm 1967 - 1968 nhằm mục đích chiến lược của ta là kéo lực lượng chủ lực Mỹ - nguỵ ra hướng Tây Quảng Trị, tạo điều kiện thuận lợi cho nông thôn, đồng bằng, thành phố tiến hành tổng tiến công, tổng khởi nghĩa. 

Bom đạn chiến tranh của địch đã làm địa hình Khe Sanh - Hướng Hóa – Quảng Trị trống trải, cây cối xác xơ, chỉ còn lại một màu đất đỏ tơi tả. Lúc đó, tôi là Phó chính uỷ Sư đoàn 325 C - đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị bạn trực tiếp tiến công tiêu diệt cứ điểm làng Vây. Càng giáp Tết, địch càng tăng cường đánh phá bằng máy bay và pháo kích, làm chúng tôi càng gặp nhiều khó khăn trong công tác chuẩn bị cho trận đánh, trong khi thời điểm phối hợp với Huế đang đến gần. Quân Mỹ rất sợ Khe Sanh sẽ biến thành “Điện Biên Phủ thứ 2” nên hết sức cảnh giác. Lần đầu tiên tổ chức và chỉ huy một trận đánh “công kiên”, hợp đồng binh chủng có xe tăng tham gia đột kích, bộ đội có nhiều phân vân, nhất là đặc công. Anh em hỏi: “Đặc công ngồi trên xe tăng vượt qua cửa mở, đánh đấm thế nào?”. Rồi anh em nêu đề xuất với tôi: “Chúng con (lúc này tôi đã 47 tuổi, chiến sỹ gọi là bố, xưng con) cứ đánh theo cách truyền thống, bí mật tiếp cận, “chôn” người ở trong cứ điểm, khi có hiệu lệnh nổ súng thì đội đất xông lên, tiêu diệt địch”. Cánh đánh này tạo được yếu tố bất ngờ nhưng nếu như xe tăng, lực lượng bên ngoài chưa vào kịp thì tổn thất sẽ rất lớn. Tôi đưa ra ý kiến “Xe tăng sẽ đưa các con vượt cửa mở vào bên trong, các con sẽ từ trên tăng nhảy xuống đánh thẳng vào các lô cốt, hỏa điểm, tiến hành truy kích địch trong các chiến hào”. “Vậy nếu xe tăng không qua được cửa mở thì sao, bố? Lúc đó ở trên lưng xe tăng, chúng con sẽ “phơi áo” cho hỏa lực địch?”. Rất nhiều thắc mắc, song đã được chúng tôi giải thích cặn kẽ, nói rõ cách đánh, ý định hiệp đồng của trên, của sư đoàn, xây dựng niềm tin cho bộ đội đặc công trước khi bước vào trận đánh…

23 giờ 30 phút ngày 6/2/1968, pháo binh ta chế áp mạnh vào cứ điểm làng Vây, xe tăng lợi dụng tiếng pháo nổ bí mật cơ động theo sông Sê- Pôn, áp sát chân cứ điểm. Đại đội 3 bộc phá liên tục mở cửa, xe tăng, bộ binh, đặc công đột phá cứ điểm từ 3 hướng (nam, tây bắc và đông bắc), đè bẹp hoàn toàn kháng cự của địch. 1 giờ 5 phút ngày 7/2, ta chiếm được khu trung tâm, từ 3 giờ 30 phút đánh chiếm xong các khu vực, tiến hành truy quét, gọi hàng quân địch lẩn trốn trong các hầm ngầm, đến 10 giờ, ta làm chủ cứ điểm.

Trận Làng Vây, theo tôi đã có giá trị chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Lần đầu tiên ta tổ chức một trận đánh hiệp đồng quân binh chủng với trình độ cao và thắng lợi hoàn toàn, tiêu diệt được sinh lực địch; chiến thuật “vây – lấn – tấn – diệt” đã được bộ đội ta sáng tạo và vận dụng vào thực tế chiến đấu thành công. Đặc biệt, tiếng súng trận làng Vây đã góp phần tạo thế, tạo lực cho bộ đội và nhân dân đồng bằng, đô thị chiến trường Trị Thiên – Huế anh dũng tiến công và nổi dậy thắng lợi. 

 

Mùa Xuân của lòng quả cảm-đức hy sinh anh dũng

(Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng – Tư lệnh Quân khu 4, người tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân – 1968 tại chiến trường Trị Thiên).

 
 

Đến cuối năm 1967, đơn vị chúng tôi đã vượt sông Bến Hải vào chiến trường Trị Thiên, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Khi đó, tôi là tiểu đội trưởng, tinh thần xung phong chiến đấu, ra mặt trận của bộ đội rất cao. Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh ác liệt, ta tổ chức vây ép Khe Sanh, phối hợp với đồng bằng và thành phố… Chúng tôi đã đánh nhiều trận, đã vượt qua rất nhiều cửa mở, mà cửa mở nào cũng có cán bộ, chiến sỹ ta ngã xuống. Nhiều đêm, hơn bảy mươi tay súng vào cứ điểm, trở về còn ba, bốn người… Có trận, chúng tôi bị “phơi áo” trước hỏa điểm của địch, nhưng vẫn không nao núng, tìm mọi cách tiến lên. Tôi còn nhớ rõ chiến sỹ trong tiểu đội Hoàng Văn Tu, Nguyễn Văn Những v.v… đã vĩnh viễn nằm lại trên hàng rào dây thép gai. Anh Sự, cán bộ đại đội, anh Hồng, chính trị viên luôn theo sát bộ đội, chỉ huy từng trận đánh giành thắng lợi, nhưng rồi, các anh cũng đã nằm lại… Chúng tôi chiến đấu ở một hướng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 68, đêm đêm lắng nghe tin tức qua radio, qua bản tin chiến sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, lòng hướng về đồng bằng và thành phố, lòng như có lửa đốt….

Cuộc chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên xuân Mậu Thân đã làm tôi trưởng thành lên rất nhiều. Đến bây giờ, đã có nhiều đánh giá về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 của các nhà nghiên cứu quân sự, chính trị trong và ngoài nước, riêng tôi cho rằng, Mậu Thân 1968 đã giáng cho Mỹ một đòn quân sự - chính trị đích đáng; nhiều thành phố, đô thị ta đã chiếm giữ được trong một thời gian; phong trào nhân dân nổi dậy thành lập chính quyền cách mạng rộng khắp v.v… đã dẫn đến buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược, phải ngồi vào bàn đàm phán hội nghị Pa ri về vấn đề hòa bình ở Việt Nam… Thông qua cuộc tiến công này, ta đã có thêm nhiều kinh nghiệm tổ chức, chỉ đạo tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, chỉ huy quân đội và nghệ thuật chiến dịch, cũng như vấn đề huy động sức người, sức của cho chiến tranh giải phóng. Mậu Thân 1968 là cuộc tổng duyệt lớn để tiến đến mùa Xuân toàn thắng 1975.

Ấn tượng còn mãi trong tôi đến bây giờ, ký ức không bao giờ quên về mùa Xuân Mậu Thân 1968 là trong ác liệt, khói lửa chiến tranh ngút trời, tinh thần chiến đấu, lòng quả cảm, đức hi sinh của bộ đội và nhân dân luôn ngời sáng. Đó chính là nhân tố đã làm nên một mùa Xuân lịch sử… 

  

Bất ngờ xuất kích, bám trụ kiên cường
(Đại tá Hồ Hữu Lạn – Nguyên Trợ lý Tham mưu Trung đoàn 3 – Sư đoàn 324 tiến công thành phố Huế mùa Xuân năm 1968) 

 Đại tá Hồ Hữu Lạn

Đại tá Hồ Hữu Lạn

Khi Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324) nhận lệnh hành quân từ Khe Sanh vào Huế, tôi lúc đó là Trung uý, Trợ lý Ban Tham mưu trung đoàn. Sau 10 ngày đêm hành quân liên tục (trên đường hành quân dừng chân ở động Cao Bôi, đơn vị được xem Đoàn văn công Quân khu Trị Thiên biểu diễn, được gặp những nghệ sĩ nổi tiếng như Thuận Yến, nghệ sĩ Thanh Lữ - diễn viên xiếc, ảo thuật) chúng tôi đến ngã ba Hương Trà vào tối 30 tháng 1 năm 1968. Bất ngờ nhất tại khu vực này là tôi trông thấy có đến hàng ngàn chiếc bánh chưng và càng bất ngờ hơn nữa khi trong số bánh chưng đó có những chiếc bánh chưng mà anh em bóc ra toàn là đạn. Nhân dân đã sử dụng cách nguỵ trang, gói đạn thành những chiếc bánh chưng để tiếp tế cho quân giải phóng. Đêm giao thừa Đinh Mùi – Mậu Thân, chúng tôi xuất trận, bộ đội mặc bộ quần áo mới nhất, súng AK bóng loáng…

Tiểu đoàn 8 tiến công lực lượng địch ở làng La Chữ, Quế Chữ, buộc chúng rút chạy về làng Liễu Cốc Thượng. Tiểu đoàn 7 vượt cửa Chánh Tây đánh vào sân bay Tây Lộc, cống Thuỷ Quan. Đại đội 10, Đại đội 11 (Tiểu đoàn 9) chặn đánh, tiêu diệt tàu địch từ sông Hương lên… Địch phản kích, tạo nên thế phòng ngự giằng co giữa ta và địch. Bước vào giai đoạn chiến đấu sau, do địch đánh phá dữ dội, chặn đường tiếp tế, vận chuyển nên chúng tôi thiếu đạn, nhất là đạn ĐKZ, ĐKB. Song, chúng tôi vẫn bám trụ kiên cường. Tôi nhớ, khẩu đội của đồng chí Loạt người Quảng Bình, có ngày bắn 6 phát đạn, trúng 6 tàu địch, tiêu diệt 5 tàu địch, 1 tàu địch thoát chết do đạn không nổ)… Những ngày quần nhau với địch ở thành phố Huế mùa Xuân 1968, điều khiến tôi nhớ nhất là tất cả mọi chỉ thị, mệnh lệnh của mặt trận cho đơn vị đều nằm ở trong từng chiếc phong bì, được đánh số thứ tự. Hàng ngày Ban Tham mưu trung đoàn có nhiệm vụ bóc ra theo mệnh lệnh và quy ước, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, cho nên luôn giữ  được yếu tố bí mật, bất ngờ, kể cả khi toàn Trung đoàn rút ra An Lỗ, Quảng Điền…

Đến mùa xuân 1975 tôi lại có dịp tiến vào thành Huế, trên cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3. Đơn vị chúng tôi  tiến công “thần tốc, táo bạo, quyết thắng”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn thành phố Huế.

  

Máy ảnh và súng AK

(Đại tá Nguyễn Phi Sáu - Nguyên phóng viên TTXVN - Quân sự chiến trường Trị Thiên – Huế)  

 
 Đại tá Nguyễn Phi Sáu (phải) và tác giả bài viết
Đại tá Nguyễn Phi Sáu  (phải) và tác giả bài viết

Tổ đài 15W của bộ phận TTXVN – Quân sự chúng tôi ở chiến trường Trị Thiên – Huế luôn luôn bị máy bay địch đánh phá. Bởi vì, khi lên sóng phát tin ra Hà Nội, địch theo dõi, biết chắc chắn đó chính là khu vực đóng quân của Quân khu. Chúng tôi đối phó bằng cách di chuyển tổ đài liên tục và bố trí cách xa khoảng 3, 4 km. Phóng viên viết tin, bài xong, băng rừng, đi bộ đến đài để chuyển về “nhà”. Mậu Thân 1968, anh em phóng viên chúng tôi được phân công bám theo các cánh quân tiến công vào nội thành Huế. Tôi đi cùng một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 9 ở cánh nam thành Huế, có nhiệm vụ phối hợp với mặt trận B4 do ông Thân Trọng Một – một người đánh giặc nổi tiếng cả trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chỉ huy. Chúng tôi bí mật vượt qua sông Hai Nhánh. Rồi lại bí mật hành quân, trú lại trong lăng Gia Long suốt một đêm. Khuôn viên lăng rất rộng, bộ đội lợi dụng các công trình kiến trúc, bờ thành, hào để ẩn nấp, ngụy trang kín đáo, địch không thể phát hiện. Giờ G, chúng tôi chia ra thành 2 mũi, một tiến theo dọc bờ sông, một theo hướng Bến Ngự tiến công vào nội thành Huế. Là phóng viên, song chúng tôi cũng được trang bị súng tiểu liên AK với đầy đủ cơ số đạn dược, lương thực như một chiến sỹ. Tôi nhớ, dẫn đường cho hướng chúng tôi là một nữ chiến sỹ biệt động thành dũng cảm. Ngày hôm sau, mùng một Tết, địch phản kích dữ dội. Tôi đã viết bài báo về chiến công đánh sập hai nhịp cầu Trường Tiền chặn địch phản kích của tiểu đoàn 2 đặc công. Sự kiện đáng nhớ và xúc động nhất đối với tôi là việc ta đánh chiếm và giải phóng nhà lao Thừa Phủ. Cán bộ, chiến sỹ là tù nhân vừa thoát khỏi nơi giam cầm của địch, đã lập tức xung phong ra mặt trận, tiếp tục chiến đấu. Trong số họ, nhiều người đã hi sinh. Có người chưa kịp điền tên vào danh sách, đã hi sinh giữa đường phố Huế.

Hai tuần sau, tôi vượt sông Hương ra cánh bắc, đi cùng một đơn vị pháo binh. Tại hòn Vượn, Hương Trà, tôi đã chụp một bức ảnh khẩu đội ĐKB nhả đạn vào quân thù. Trong đêm, máy ảnh cầm tay, để tốc độ B, đạn ĐKB phóng vút đi ghi vào khuôn hình một vệt sáng dài thẳng tắp. Bức ảnh rất đẹp, hồi đó đã được đăng lên nhiều tờ báo lớn trong và ngoài nước.

Tổ phóng viên TTXVN – Quân sự chúng tôi đã có người ngã xuống trong mùa xuân Mậu Thân, đó là anh Báu, ở phía Bắc thành Huế, trong khi đang tác nghiệp. Kỷ vật còn lại bây giờ của một thời làm phóng viên chiến trường, trong mùa xuân 1968 là chiếc máy ảnh EXKATA. Chiếc máy ảnh và khẩu súng AK đã cùng tôi đi qua hết cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân lịch sử, cho đến tận ngày toàn thắng mùa xuân 1975…

Trần Hoài - Hồ Công Lĩnh (thực hiện)

tin mới

Sẵn sàng cho màn diễu binh hàng không tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sẵn sàng cho màn diễu binh hàng không tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sau khoảng 2 tuần khẩn trương luyện tập, đến nay các tổ bay của Trung đoàn 916, Sư đoàn 371, Trung đoàn 930, Sư đoàn 372 và Trung đoàn 917, Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không Không quân, Bộ Quốc phòng) đã sẵn sàng cho cuộc diễu binh, diễu hành phục vụ Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.

[Infographics] Chiến thắng Điện Biên Phủ - Cột mốc vàng của lịch sử dân tộc Việt Nam

[Infographics] Chiến thắng Điện Biên Phủ - Cột mốc vàng của lịch sử dân tộc Việt Nam

(Baonghean.vn) - Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cánh đồng Mường Thanh, quân và dân ta đã lập nên một trong những chiến công hiển hách, vang dội nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc - Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Nhà hát Chèo Quân đội biểu diễn phục vụ chiến sĩ Nghệ An

Nhà hát Chèo Quân đội biểu diễn phục vụ chiến sĩ Nghệ An

(Baonghean.vn) - Tối 6/4, tại Trung đoàn 764, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Nhà hát Chèo Quân đội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức biểu diễn chương trình nghệ thuật phục vụ cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và nhân dân trên địa bàn đóng quân.

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

(Baonghean.vn) - Sáng 27/3, tại thủ đô Hà Nội, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Báo Quân đội Nhân dân và Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

(Baonghean.vn) - Sáng 21/3, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành đã đến thăm, động viên cán bộ, nhân viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tại tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.

Bộ đội Biên phòng tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh về phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Bộ đội Biên phòng tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh về phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

(Baonghean.vn) - Chiều 14/3, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến với các điểm cầu trong toàn lực lượng.

Những hy sinh thầm lặng của các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An

Những hy sinh thầm lặng của các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An

(Baonghean.vn) - Thường xuyên phải gác lại nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ, các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An luôn nêu cao tinh thần vượt khó, vượt gian khổ, tận tụy phụng sự tổ quốc và nhân dân. Họ không quản ngại mưa gió, nắng cháy, hiểm nguy để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.