Ký ức thời hoa lửa

04/12/2014 08:08

(Baonghean) - Hơn 40 năm binh nghiệp, trong ký ức của Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, Nguyên Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự Nghệ Tĩnh, là những năm tháng chiến đấu khắp các chiến trường Nam, Bắc với những trận đánh sinh tử, bên những người đồng chí, đồng đội dũng cảm, kiên cường vượt lên mọi gian khó để chiến đấu và chiến thắng… 

(Baonghean) - Hơn 40 năm binh nghiệp, trong ký ức của Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, Nguyên Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự Nghệ Tĩnh, là những năm tháng chiến đấu khắp các chiến trường Nam, Bắc với những trận đánh sinh tử, bên những người đồng chí, đồng đội dũng cảm, kiên cường vượt lên mọi gian khó để chiến đấu và chiến thắng…

Mặc dù đã bước sang tuổi 87, cái tuổi xưa nay hiếm nhưng Thiếu tướng Bùi Đức Tùng vẫn giữ được phong thái cương nghị, đôi mắt tinh anh. 17 tuổi giác ngộ cách mạng, tham gia vào Đội Tự vệ làng Lạng Thạch (xã Thạch Sơn, Anh Sơn), 20 tuổi chàng trai xứ Nghệ Bùi Đức Tùng rời quê hương đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Lúc đó, ông được giao nhiệm vụ tại Trung đội 3, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165 thuộc Sư đoàn chủ lực 312 tham gia trực tiếp các chiến dịch chống Pháp ở Tây Bắc. Sau chiến thắng trong các chiến dịch lớn: Biên giới, Tây Bắc, Lý Thường Kiệt, Thượng Lào, Hòa Bình, đơn vị của ông được điều động về tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thiếu tướng Bùi Đức Tùng xem lại những bức ảnh thời chiến đấu. Ảnh: Đinh Nguyệt
Thiếu tướng Bùi Đức Tùng xem lại những bức ảnh thời chiến đấu. Ảnh: Đinh Nguyệt

60 năm trôi qua, nhưng ký ức về những ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”… trong người lính Điện Biên năm xưa vẫn vẹn nguyên. Năm ấy, ông là chàng trai 27 tuổi hăm hở có mặt trong những ngày đầu chiến dịch, tham gia kéo pháo vượt hàng trăm đèo dốc vào trận địa. Trong 56 ngày đêm ấy, ông đã cùng đồng đội thực sự sống những ngày đầy gian khổ, hy sinh. Trung đội 3 do Bùi Đức Tùng chỉ huy được giao đảm nhận mũi tấn công chủ lực từ hướng Đông Nam để đánh chiếm đồi Độc Lập. Đây là 1 trong 2 “cánh cửa thép” của tuyến phòng ngự phía Bắc bảo vệ Trung tâm Mường Thanh do Tiểu đoàn 5 Bắc Phi được trang bị nhiều vũ khí hiện đại và một đại đội lính Thái đóng giữ nghiêm ngặt. Xung quanh ngọn đồi chằng chịt dây thép gai, dày đặc các loại mìn phòng ngự. Việc tiêu diệt đồi Độc Lập là nhiệm vụ bắt buộc được đưa ra trong đêm 14/3/1954.

Thế nhưng, khi mọi phương án tấn công đã sẵn sàng thì đơn vị cối chi viện lại chưa thể tiếp cận vì trời mưa như trút. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng nhớ lại: “Trời mưa to, lầy lội bùn đất, địch bắn liên hồi, thả pháo sáng như ban ngày nên quân ta phải di chuyển thận trọng để tránh bị phát hiện. Giờ khai hỏa bắt buộc phải lùi lại đến 3 giờ sáng. Sau lệnh nổ súng, tiểu đội mũi nhọn của ta xung phong lên nhưng gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ của địch. Pháo binh phải nhích từng mét để tiếp cận trận địa, trong khi đó các mũi chủ lực bắn dồn dập về phía địch để hạn chế lại sự chống trả. Sau gần 1 giờ đấu pháo, hai bên giành giật nhau từng mét chiến hào. Người trước ngã xuống, người sau tiến lên; tấn công như vũ bão, từng đoàn quân chủ lực ào ạt tiến vào các cứ điểm trung tâm. Một mũi chủ lực của ta bắt được tù binh và ép chúng dẫn thẳng đến trận địa pháo cối, phá hủy 4 khẩu 120 ly của địch. Bị mất một số vị trí, trận địa quan trọng nhưng địch vẫn cố cầm cự. Đến 6 giờ 30 sáng 15/3, địch bỏ trận địa, tháo chạy về trung tâm Mường Thanh. Quân ta làm chủ hoàn toàn cứ điểm đồi Độc Lập, tiêu diệt gần 500 tên địch, bắt sống hơn 200 tên, xóa sổ toàn bộ Tiểu đoàn 5 Bắc Phi, tịch thu toàn bộ vũ khí”.

Sau khi các đồi Độc Lập, Him Lam, A1 bị quân ta chiếm đóng, địch co cụm ở trung tâm Mường Thanh. Toàn bộ lực lượng chủ lực của quân ta được huy động tiến về tiêu diệt cứ điểm Mường Thanh, giải phóng Điện Biên. Bùi Đức Tùng cùng đơn vị được lệnh đào hầm công sự tiến về Sân bay Mường Thanh. Hào đào đến đâu, bùn non lấp đến đó khiến việc di chuyển vô cùng khó khăn. Ông nhớ lại, những năm tháng đó, anh em ban ngày phải đi đào khoai, sắn về nấu cháo. Những bát cháo đầu tiên dành cho các đồng đội bị ốm; rồi đi chặt lá chuối về cho đồng đội bị sốt rét nằm… Thế nhưng, chiến sỹ ta vẫn luôn lạc quan phơi phới. Anh em ban đêm đào hầm dưới mưa bom, bão đạn, dù mệt nhọc, đói lả nhưng vẫn làm thơ… “Ngày 7/5, khi lá cờ quyết chiến quyết thắng của ta tung bay dưới bầu trời Điện Biên Phủ, đứng trên đồi D1 nhìn xuống, từng đoàn quân lính thực dân Pháp kéo cờ trắng lần lượt ra đầu hàng, chiến sỹ ta ai nấy đều rạo rực, vui sướng không nói thành lời… Cảm xúc ấy những người lính Điện Biên chúng tôi không thể nào quên" – Thiếu tướng Bùi Đức Tùng tâm sự.

Năm 1963, đơn vị của ông được lệnh bí mật hành quân vào chiến đấu và mở rộng vùng kiểm soát ở chiến trường Quân khu V và Tây Nguyên, trực tiếp tham gia các trận đánh lớn như Hà Thành, Hiệp Đức, Ba Tơ,... Đặc biệt là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, Chiến dịch đường 9 Nam Lào... Quãng thời gian chiến đấu đầy ác liệt, cam go này, ông không thể quên được 2 trận đánh, góp phần tạo nên bước ngoặt lớn về mặt chiến thuật trong cuộc chiến với đế quốc Mỹ, đó là trận Ba Gia và trận Vạn Tường (Quảng Ngãi). Sau chiến thắng Vạn Tường, Sư đoàn 2, thuộc Quân khu V của ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng Thị xã Tam Kỳ, tiêu diệt địch và đóng chốt tại khu vực này. Trên đà thắng lợi, Sư đoàn 2 tiếp tục tiến vào giải phóng Đà Nẵng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Năm 1976, ông chuyển về công tác tại Bộ Tư lệnh Quân khu IV, giữ cương vị Chính ủy Sư đoàn 337; sau đó là Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự Nghệ Tĩnh; Phó Ban kiểm tra Đảng bộ Quân khu. Ông được điều chuyển sang làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Nghệ Tĩnh năm 1987. Năm 1995, ông về hưu và được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An. Năm 1984, ông Bùi Đức Tùng được phong hàm Thiếu tướng.

Trong số những ký ức đẹp về thời hoa lửa mà Thiếu tướng Bùi Đức Tùng luôn nhắc đến như một niềm tự hào riêng, đó là những lần được gặp người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là năm 1976, Sư đoàn 2 được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm. “Hôm đó là một ngày đặc biệt, chúng tôi đứng xếp thành hai hàng ngang, chờ Đại tướng đến. Vừa thấy Đại tướng bước vào, tôi đứng lên để làm hiệu lệnh chào thì bất ngờ, Đại tướng chạy lại, ôm chầm lấy tôi và các đồng đội như anh em lâu gặp mặt. Rồi Đại tướng ân cần thăm hỏi các cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị”.

Khi đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, ông luôn nhiệt tình với các hoạt động chăm lo và giúp đỡ các cựu chiến binh nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; phát triển kinh tế gia đình, xoá đói, giảm nghèo, đẩy mạnh các hoạt động tình nghĩa, tương trợ nhau trong cuộc sống.

Nay đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, ông vẫn còn minh mẫn, tinh anh; ngày ngày vui thú điền viên, hưởng niềm vui tuổi già bên vợ, con và các cháu. Ngôi nhà nhỏ của Thiếu tướng bình dị và khiêm nhường trong khu gia binh ở xóm 24, xã Nghi Phú (Thành phố Vinh), là nơi gặp mặt của các đồng đội của ông một thời cùng vào sinh ra tử khắp các chiến trường Nam, Bắc. Ông còn cùng các đồng đội lặn lội tới từng địa chỉ, vận động thành lập được Ban Liên lạc chiến sỹ Điện Biên Phủ tại Thành phố Vinh với hơn 70 người và thường xuyên gặp mặt, chuyện trò, quan tâm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ qua những câu chuyện về một thời gian khó nhưng tự hào. Dù thời gian làm những mái đầu thêm bạc, nhưng câu chuyện của những người lính năm xưa vẫn ấm tình đồng chí, đồng đội, cuộc đời của họ đẹp tựa một bài ca về tình yêu đất nước.

Đinh Nguyệt

Mới nhất
x
Ký ức thời hoa lửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO