Ký ức Trường Sa

31/08/2013 14:51

(Baonghean) - Không mấy ai biết vị đại tá cao lớn với mái tóc muối tiêu ngồi lặng trong triển lãm về chủ quyền biển đảo tại Bảo tàng Quân khu 4 chiều ấy đã có 20 năm gắn bó với những hòn đảo máu thịt của Tổ quốc ta. Chỉ đến khi Giám đốc Bảo tàng - một người bạn của ông giới thiệu, chúng tôi mới biết, ông chính là một "nhân chứng sống", chứng kiến những phút giây hào hùng nhất và bi thương nhất trong một chặng hành trình thực thi bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước...

Đại tá - Phó Chủ nhiệm chính trị Cục Kỹ thuật Quân khu 4 Trịnh Xuân Trường chậm rãi bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về những cái tên đã trở thành yêu thân và thiêng liêng nhất trong ông: Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn, Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma, Nam Yết, An Bang, Phan Vinh... Ông nhớ những bãi đá san hô bất ngờ nhô lên từ mặt biển ngày lặng. Nhớ cái cột mốc hình chóp nhọn khắc dòng tên đất nước. Nhớ cái màu cờ rực lên như một ngọn lửa giữa thẳm xanh. Ông nói, giờ đây, trong giấc mơ hằng đêm, hình như ông vẫn nghe tiếng sóng. Gần 20 năm cùng sóng, không nhớ sóng mới là lạ. Là còn chưa kể, ông cũng là con dân biển Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Cuộc đời ông, có rất nhiều những bất ngờ, và những bất ngờ ấy đều giúp ông quay về với những hòn đảo của Trường Sa...



Đại tá Trịnh Xuân Trường xem lại những bức ảnh, kỷ vật
về Trường Sa tại Triển lãm.

Năm 1975, khi vừa tròn 18 tuổi, chàng trai trẻ Trịnh Xuân Trường vào bộ đội, trở thành lính đặc công 126 (đặc công nước) của Binh chủng Hải quân, tham gia giải phóng bán đảo Sơn Trà - Cảng Đà Nẵng. Sau đó, Quân chủng chỉ định một bộ phận tham gia giải phóng Trường Sa. Ông theo lệnh cùng Đội 1 của Đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế tấn công Song Tử Tây tầm hơn 4 giờ ngày 14/4/1975. Cùng đồng đội, ông bơi xuồng từ tàu vào đảo quãng gần 1 cây số. Cảm giác hồi hộp khi thả người xuống biển, nhận hơi lạnh từ sóng nước, chờ tiếng súng "điểm hoả" để hô cùng tiếng "Xung phong" vẫn theo ông đến giờ.

Từ các lô cốt địch, đạn đại liên bắt đầu bắn ra. Ông Trường cảm thấy rất rõ bàn chân mình đã chạm và bay đi trên bãi cát lúc trời còn mù sớm ấy. Bất chấp hiểm nguy, những chiến sỹ của ta lao lên tiếp cận cột cờ, hạ cờ địch. Sau khoảng nửa tiếng chống trả, nguỵ quân giương cờ trắng xin hàng. Và rất nhanh sau đó, khi hoàn toàn chiếm lĩnh, tiếp quản Song Tử Tây, anh Lê Xuân Phát - một người đồng đội trong Đội 1 của ông Trường được giao nhiệm vụ kéo lá cờ giải phóng lên đỉnh cột cờ. Lá cờ ấy, anh Phát đã phải quấn quanh người để bơi ra với đảo, lúc kéo lên vẫn còn ướt. Giây phút người lính vươn mình trên cột cờ, dưới đôi tay mải miết của anh, lá cờ giải phóng tung bay trong gió và sóng, là giây phút ông Trường và đồng đội vỡ oà trong niềm vui xúc động.

Cũng như anh Phát, đã vừa khóc, vừa kéo cờ, ông Trường thấy tim mình thắt lại. Đôi mắt ông như nhoà đi khi ông dõi ra trùng khơi mênh mông sóng nước. Thế là ông được đón một bình minh đầu tiên của hòn đảo tự do, một bình minh đầu tiên nơi xa xôi mà như thấy Tổ quốc thật gần. Những con chim trú ngụ trên đảo cũng đến giờ cất cánh. Chúng vút bay lên không trung, lẫn vào nhau với muôn vàn tiếng kêu chiu chíp. Ngày ấy, đảo còn hoang sơ, thiếu thốn. "Bây giờ Song Tử Tây đẹp lắm. Có ngọn hải đăng sừng sững toả rạng dẫn đường cho những con tàu vượt đá ngầm, bãi cạn; có chùa, nhà văn hoá mới được xây dựng. Đảo còn trở thành nơi trú ngụ an toàn của ngư dân mùa bão" - Đại tá Trường kể thêm...

Sau khi giải phóng Song Tử Tây, ông cùng đội đội tới giải phóng đảo Sơn Ca. Việc giải phóng một loạt các đảo tại Trường Sa trước ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Khi đang trấn giữ tại Đảo Sơn Ca, ông và đồng đội được tin chiến thắng của đất liền. Dường như khi ấy, tất cả mọi người đều cảm thấy từng tấc đất, từng tấc cát san hô, từng bãi đá mà mình đang đứng chân đều rộn rã niềm vui. Cho đến khi bàn giao lại cho đơn vị chốt giữ vào tháng 5/1975, ông cùng đồng đội quay về Cảng Cát Lái Sài Gòn.

Khi Lữ đoàn 126 được thành lập, ông lại được ra với đảo, ở một nhiệm vụ khác: chốt giữ Đảo Sơn Ca. Ấy là khoảng tháng 5, tháng 6/1976. Đến năm 1978, ông về đất liền, tham dự các khoá học ở Sỹ quan Hải quân, rồi Chính trị Hải quân. Đến năm 1981, đáng lẽ ông nhận nhiệm vụ tại Trung đoàn 679 tại Cát Bi, Hải Phòng, nhưng sau đó do một cuộc gặp gỡ tình cờ với chỉ huy Lữ đoàn 146 Hải quân, ông đã được điều chuyển về Lữ đoàn này, và bắt đầu một chặng dài gắn bó với Trường Sa. Ông nhận nhiệm vụ làm trợ lý chính trị, Sở Chỉ huy tiền phương đóng tại đảo Nam Yết quãng thời gian 1982 đến 1984.

Đến tháng 2/1986, ông nhận nhiệm vụ tại đảo chìm mang tên Thuyền Chài. Mấy tháng chốt giữ Thuyền Chài, giữa bốn bề sóng dập "cái khó khăn của người lính hải quân biết nói sao cho xiết", ông đọc lại những vần thơ mà nhà thơ Trần Đăng Khoa viết cho "đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài": "Lều bạt chung chiêng giữa nước, giữa trời/Đến một cái gai cũng không sống được/Sớm mở mắt gió lùa ngun ngút/Đêm trong lều như trôi trong mây…". Đến tháng 3/1988, ông nhận nhiệm vụ Phó chính trị lực lượng chốt giữ cụm đảo Sinh Tồn (Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma), sau đó là Đảo phó Chính trị đảo Sinh Tồn.

Trong giai đoạn này, ông đã tham gia và chứng kiến trận hải chiến Trường Sa. Sự kiện ngày 14/3/1988, ông là một trong số những chiến sỹ trên con tàu 604 vướng làn đạn địch chìm vào thăm thẳm biển khơi. Đó là một sự kiện bi thương nhất suốt những năm dài sóng gió chiến đấu mà ông khắc vào tim, vào óc mình. Ông kể: Đó là những ngày sau Tết Nguyên đán, sau khi phía Trung Quốc tăng cường đưa tàu chiến hoạt động ở vùng biển Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Bộ Quốc phòng Việt Nam chỉ đạo Bộ Tư lệnh Hải quân tăng cường khả năng bảo vệ quần đảo Trường Sa, bao gồm việc cắm mốc khẳng định chủ quyền biển đảo, củng cố, xây dựng thêm các hạng mục công trình chiến đấu, sinh hoạt cho bộ đội.

Nhiệm vụ chốt giữ được giao cho Lữ 146 Hải quân, lực lượng xây dựng giao cho Trung đoàn E83 Công binh Hải quân, lực lượng tàu vận chuyển giao cho Lữ đoàn 125 Hải quân. 3 chiếc tàu 604, 605 và 505 neo đậu ở cụm đảo Len Đao - Gạc Ma - Cô Lin từ ngày 13/4 để bốc dỡ hàng hoá, vật liệu xây dựng xuống đảo. Tới sáng 14/4, tàu hộ vệ Trung Quốc vây ráp đảo Gạc Ma yêu cầu chiến sỹ ta rời khỏi đảo. Thuyền trưởng - Đại úy Vũ Huy Trừ của tàu HQ 604, trong giờ quyết đấu sinh tử đã hướng mũi tàu mình về phía Gạc Ma và buộc những chiếc tàu Trung Quốc đang chặn ngang mũi tàu ta lùi ra. Chúng điên cuồng nã pháo vào tàu 604. Tàu bốc cháy, Trịnh Xuân Trường cùng nhiều đồng đội bị thương dần chìm xuống biển.

Ông đã gắng sức bơi, dù cái nóng của lửa và những vệt đạn bắn sau gáy ông loang máu... Đồng đội của ông, những người lính của "Vòng tròn bất tử" kết nhau lại để giữ vững một vùng đảo, nhiều người không còn nữa. Xác họ chìm trong đại dương thăm thẳm làm nên một "Nghĩa trang xanh" của biển khơi. Hình ảnh Thiếu úy Trần Văn Phương tay cầm lá cờ Tổ quốc, lấy thân mình làm cột cờ sống và câu nói được ghi vào trang sử vàng của Hải quân Việt Nam: “Thà hy sinh chứ không thể để mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân” đã mãi sống trong lòng đồng đội, trở thành một biểu tượng bất khuất, niềm tự hào của những người lính hải quân như ông.

Sau này, ông kể, khi làm cấp lãnh đạo chỉ huy ở đảo Sinh Tồn, ông có một ký ức chẳng thể nào quên, đó là lần bốc mộ cho những đồng đội của mình sau trận chiến năm nào để đưa về đất liền. Chỉ có 4 ngôi mộ trong số 64 đồng đội hy sinh. Cái hôm bốc dời những nắm hài cốt ấy, ông Trường không ngăn được nước mắt. Ông nhớ lại những gương mặt trẻ măng, nhớ lại nụ cười, nhớ lại lời trêu chọc, nhớ lại từng giọng nói của mỗi miền quê... Bao năm qua, các anh ở lại thành một góc thiêng trên hòn đảo Sinh Tồn, và mỗi lần thắp lên nén hương trên những ngôi mộ ấy, ông đều thấy lòng mình ấm lại.

Gần 20 năm, đặt chân tới 21 điểm đảo, ông vẫn nhớ nhất cái Tết trên đảo Thuyền Chài. Gần đến Tết, từ đảo chìm này, các chiến sỹ của ta ra đảo An Bang để nhận tiếp tế nước ngọt và lương thực rồi lại trở về với "lều bạt chung chiêng giữa nước, trời". Cả đảo chỉ có một cái đài đã bị hỏng, không có đồng hồ, không có thông tin liên lạc, các chiến sỹ của đảo không biết giao thừa đến lúc nào. Bên họ chỉ có muôn trùng gió và sóng, những cánh chim biển "bay như bão nổi" bên lều.

Cả 4 người con không một lần nào sinh ra mà ông có mặt ở nhà. Ngày ông nhận tin vợ mình có mang đứa con thứ 2, ông viết thư về cho vợ nói rằng muốn đặt tên con là Hà. "Đứa đầu là Sơn, đứa sau sẽ là Hà". Cái tên của bao nhiêu gói ghém: là núi là sông, là đất nước, là tiếng sóng mà ông gắn bó từ ấu thơ cho tới suốt đời mình. Thế nhưng khi cánh thư dặn vợ ấy của ông về được đến quê, cũng là lúc vợ ông đã sinh con và đặt tên con được một thời gian rồi. Khi trở về, ông ôm lấy "bé Hà" (được đặt tên Oanh) của ông mà nghẹn ngào: Nghiệp của ba là thế đấy con ơi...Con hãy lớn nhanh và tự hào về người chiến sỹ hải quân này, con nhé!

Bây giờ, trở về với đất liền, gần gia đình, cuộc sống còn chưa hết lo toan, vất vả, nhưng Đại tá Trịnh Xuân Trường - người thương binh từ trận hải chiến năm nào luôn hướng tình yêu, sự quan tâm lớn nhất của mình về một phần lãnh hải mà ông từng gắn bó và đổ máu để bảo vệ. Ông nói rằng, biết được đời sống chiến sỹ của đảo xa ngày một tốt hơn, tấm lòng người dân hướng về biển đảo ngày thêm ấm nồng, chắc chắn rằng những người chiến sỹ thêm chắc tay súng canh giữ biển trời. Ông không quên nói với tôi: Hãy ra đảo một lần, để thấy cái cảm giác của nhà thơ Trần Đăng Khoa là rất thật khi ông viết: "Giọt máu thiêng dưới ngầu ngầu bọt sóng/ Tổ quốc ơi/ Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống" về đảo chìm của ta!


Thuỳ Vinh

Mới nhất
x
Ký ức Trường Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO