Ký ức về chiến dịch K10 trên mảnh đất Tân Kỳ
(Baonghean.vn) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người dân các huyện phía Bắc vĩ tuyến 17 đã phải chịu đựng rất nhiều thương đau. Đến nỗi, họ đã phải rời quê hương lên đường đi sơ tán. Đó là một hành trình gian nan nhưng rất nặng nghĩa tình.
Hành trình đặc biệt
Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thành công, thực hiện Hiệp định Genèver (20/7/1954), đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền theo vĩ tuyến 17. Những tưởng, việc chia cắt tạm thời này chỉ kéo dài trong vòng 2 năm (trước tháng 7/1956). Vậy nhưng, sự “tráo trở” của đế quốc Mỹ và chính phủ bù nhìn Ngô Đình Diệm cũng như các đời Tổng thống sau này của Nguỵ quyền khiến sự chia cắt ấy kéo dài đến 21 năm.
Trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cả hai miền Nam Bắc đã phải chịu đựng biết bao mất mát, đau thương. Kể từ năm 1965, đế quốc Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại ra toàn miền Bắc, từ khu vực phía Bắc vĩ tuyến 17 cho đến Hà Nội, Hải Phòng. Đặc biệt ở phía bờ Bắc sông Bến Hải, các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ đã phải hứng chịu hàng ngàn lượt bom, đạn cày xới.
Trước tình hình đó, từ năm 1966 đến 1968, Trung ương Đảng đã quyết định thực hiện các Kế hoạch mang mật danh K8 và K10, đưa người dân các huyện phía Bắc vĩ tuyến 17 thuộc Quảng Trị và các huyện phía Nam tỉnh Quảng Bình ra khỏi các vùng ác liệt nhất của chiến tranh. Trong đó, Kế hoạch K8 thực hiện từ tháng 8/1966 đến tháng 10/1967, đưa người dân sơ tán ra các tỉnh phía Bắc. Đến tháng 11/1967, Kế hoạch K10 đã được thực hiện, đưa người dân ra các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Ở Nghệ An, người dân chủ yếu được đưa đến Tân Kỳ - là huyện mới thành lập năm 1963.
Không thể kể hết những gian nan mà người dân Quảng Trị đã phải trải qua. Họ bồng bế, dắt díu nhau lầm lũi rời quê hương mà chưa biết ngày về. Đêm đi, ngày nghỉ, biết bao chuyến xe đã trở thành mục tiêu di động của bom Mỹ. Đau đớn hơn, nhiều đoàn người đã mãi nằm lại trên đường di chuyển. Sau khi đến Tân Kỳ, người dân Quảng Trị đã được đón tiếp, đùm bọc bằng tình cảm nồng hậu. Những con người ở hai vùng đất xa lạ xích lại gần nhau.
Thời điểm đó, dân số Tân Kỳ chỉ có khoảng gần 30.000 người, sau đó tiếp nhận hơn 20.000 người dân Quảng Trị (đợt đầu), gồm phần lớn dân huyện Vĩnh Linh và một số ít dân 2 huyện Gio Linh, Cam Lộ. Sau đó đồng bào ra thêm và nhiều đồng bào sơ tán theo chiến dịch K8 trước đó và từ Hà Tĩnh cũng đến Tân Kỳ, cộng với số 2.612 cháu mới sinh thêm, tất cả là trên 31.000 người.
Hơn 5 năm gắn bó với mảnh đất mới
Ông Nguyễn Xuân Thắng – Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ Tân Kỳ chia sẻ: Theo lời kể của các cán bộ lão thành cũng như các tài liệu để lại, sau khi Kế hoạch K10 được thông qua, Uỷ ban hành chính tỉnh và Uỷ ban hành chính huyện cùng các đồng chí cán bộ, bộ đội địa phương đã làm công tác chính trị, tư tưởng cho nhân dân 13 xã, trên tổng số 15 xã toàn huyện, nơi có đồng bào đến sơ tán. Nhân dân Tân Kỳ cũng đã nhận thấy rõ trách nhiệm của mình, giúp đỡ người dân sơ tán.
Cho đến lúc này, rất nhiều người dân Tân Kỳ vẫn còn nhớ như in ngày mà người dân Quảng Trị ra sơ tán. Nhân dân sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ cây con giống, chia sẻ đất đai, vật dụng sinh hoạt, giúp họ ổn định cuộc sống. Thời điểm đồng bào Quảng Trị ra đến nơi cũng gần Tết, chưa kịp dựng nhà. Đồ đạc phải bỏ lại nhiều ở quê cũ, nhưng có một thứ mà gia đình nào cũng luôn mang theo đó là bài vị tổ tiên. Là người Việt Nam, năm hết tết đến, ai mà chẳng nhớ quê, nhớ tổ tiên. Thế là ngoài việc chia cơm, chia giường chiếu, trong mỗi gia đình người Tân Kỳ, ban thờ cũng được chia làm 2 để cho người dân Quảng Trị đặt bát hương vọng tưởng về tổ tiên. Thế mới biết nghĩa đồng bào lớn lao đến nhường nào.
Theo báo cáo tổng kết công tác tiếp đón đột xuất Kế hoạch K10 tại Nghệ An hiện đang lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ tỉnh Nghệ An, thì ngay khi đồng bào sơ tán chưa đến, lực lượng địa phương đã làm được 97 ngôi nhà, đồng bào đến nơi thì làm thêm được 200 ngôi nhà. Đến đầu tháng 7/1968, đồng bào Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ cùng nhân dân và bộ đội địa phương làm thêm được 2.015 ngôi nhà; xây dựng 85 nhà tập thể để làm nhà trẻ, trạm xá… Có 18.000 nhân khẩu có nhà riêng và 3.000 nhân khẩu ở nhờ nhà dân.
Tết Mậu Thân năm 1968 là cái Tết đầu tiên đồng bào Quảng Trị phải xa quê hương. Những ngày đầu sinh sống tại Tân Kỳ, đồng bào Quảng Trị luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương Đảng và Bác Hồ. Khi nghe tin người già, phụ nữ và trẻ em Quảng Trị sơ tán ra Nghệ An, Bác đã trực tiếp điện cho 2 đồng chí Võ Thúc Đồng – Bí thư Tỉnh uỷ và đồng chí Chu Mạnh – Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh Nghệ An thời điểm đó, phải sắp xếp, bố trí nơi ăn, chốn ở cho nhân dân thật chu đáo.
Ông Thắng cũng chia sẻ thêm thông tin, qua sự thống nhất của Trung ương và của tỉnh, cán bộ các huyện ở Quảng Trị khi chuyển ra, đều được phân về sinh hoạt tại các phòng, ban, các cơ quan đoàn thể trong huyện Tân Kỳ. Huyện còn thành lập thêm Phòng K10, chuyên trách theo dõi chỉ đạo sản xuất nông nghiệp K10. Ngoài công tác sản xuất, văn hoá, xã hội, thì công tác xây dựng Đảng đối với người dân sơ tán cũng được quan tâm. Từ 815 đảng viên khi sơ tán ban đầu, đến ngày 30/4/1973, đã có 1.056 đảng viên, trong đó có 148 đảng viên được kết nạp mới, và nhiều đảng viên được các nơi giới thiệu về sinh hoạt. Trước đó, ngày 18/10/1967, Đại hội Đảng bộ huyện Tân Kỳ lần thứ 3 đã khai mạc. Tại Đại hội này đã bầu 23 uỷ viên chính thức và 2 uỷ viên dự khuyết. Đến ngày 17/5/1968, Ban chấp hành đã được bổ sung thêm 4 uỷ viên, trong đó có 3 đồng chí đến từ quê hương Vĩnh Linh.
Dựa vào điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, nhiều diện tích đồi bãi chưa được khai phá, đồng bào K10 đã sớm thích nghi với hoàn cảnh mới. Với đức tính siêng năng cần cù, chịu thương chịu khó, chẳng bao lâu bà con sơ tán đã có cuộc sống ổn định, giảm bớt gánh nặng trợ cấp cho Nhà nước. Mối quan hệ giữa cán bộ và nhân dân địa phương với K10 ngày thêm bền chặt. Bà con thực sự thương yêu giúp đỡ lẫn nhau trong mọi lĩnh vực sản xuất đời sống. Nhiều kinh nghiệm trong canh tác, chế biến của người dân Quảng Trị đã được bà con nhân dân ở Tân Kỳ học tập. Đặc biệt, người Tân Kỳ đã du nhập 2 loại cây trồng mới là hồ tiêu và dong riềng từ người dân Quảng Trị mang ra để trồng và trở thành cây chủ lực của huyện.
Tình hai quê
Sau hơn 5 năm có mặt tại Tân Kỳ, từ ngày 16/4/1973 đến 15/6/1973 lần lượt 817 chuyến xe đưa đồng bào Quảng Trị hồi hương đã được tổ chức với hơn 25.000 người, cùng hàng ngàn bộ bàn ghế, tủ, bảng của trường học, trạm y tế và trên 660 con lợn giống. Đồng thời để lại cho mảnh đất Tân Kỳ hơn 1.785ha đất mới khai hoang, 155ha sắn mới trồng, cùng hàng ngàn tấn lương thực trong kho lương các hợp tác xã.
Ngoài những người hồi hương, tại Tân Kỳ cũng có rất nhiều người con Quảng Trị đã đăng ký ở lại mảnh đất mới. Trong hành trình đi tìm hiểu về Kế hoạch K10, tôi tìm đến nhà ông Ngô Văn Khảm, hiện đang trú tại thị trấn Tân Kỳ. Ông Khảm sinh năm 1937 tại làng Vĩnh Giang (Vĩnh Linh). Dù không đi K8 hay K10, nhưng ông đến với Tân Kỳ như một cơ duyên. Năm 1968 khi đang chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị thì ông bị thương và bị địch bắt giam tại nhà lao Phú Quốc, đến năm 1973 mới được trao trả. Trong thời gian ấy, ông không có chút tin tức gì ở nhà. Mãi sau này mới biết rằng gia đình mình cũng theo K10 sơ tán ở Tân Kỳ.
Trở về từ nhà lao Phú Quốc, ông Khảm được đưa ra điều trị ở trung tâm điều dưỡng thương binh quân khu 4. Ở đây, ông đã phải lòng cô nhân viên điều dưỡng người Đô Lương - Thái Thị Minh. Năm 1978, ông bà đến với nhau bằng một tiệc cưới đạm bạc. Đến năm 1983, cuộc sống khó khăn, một nách 2 con nhỏ, lại sống trong căn phòng tập thể chật chội, bà Minh xin chuyển công tác về cơ sở của trung tâm điều dưỡng thương binh đóng tại Nghĩa Dũng (Tân Kỳ). Trùng hợp thay, đây cũng chính là nơi mà ngày xưa người dân Vĩnh Giang, trong đó có cả gia đình ông Khảm về sơ tán. Ông Khảm cười, “ngày xưa không được đi sơ tán thì nay bù lại, cứ xem như là K10 vẫn chưa kết thúc”.
Không chỉ sơ tán người dân, cuối tháng 11/1967, Trường cấp 3 Vĩnh Linh cũng được di chuyển ra Tân Kỳ. Từ chỉ dẫn của ông Thắng, tôi tìm đến xã Tân Phú, gặp thầy giáo Phan Hữu Thành, nguyên giáo viên Trường cấp 3 Vĩnh Linh. Thầy Thành sinh năm 1946 tại tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên Huế), năm 2 tuổi thì theo cha mẹ tập kết ra Bắc. Năm 1969, sau khi tốt nghiệp Khoa Sinh học, Trường Đại học Vinh, thầy giáo Thành được phân công về dạy tại Trường cấp 3 Vĩnh Linh. Thời điểm đó, do biết trường đã sơ tán về Tân Kỳ nên thầy đã đi bộ từ Vinh lên thẳng nơi này để nhận trường, nhận lớp.
Thầy giáo Phan Hữu Thành cho biết, khi thầy lên đến nơi thì học sinh đã ra học được 1 năm. Khác với học sinh cấp 1, cấp 2 thường đóng ngay tại xã mà người dân ra sơ tán; trường cấp 3, ngoài điểm chính tại rú Ổi, xã Nghĩa Hoàn thì còn đóng rải rác ở một số xã khác. Học sinh học và ở tập trung tại các dãy nhà tập thể bằng tranh tre, dựng trên các ngọn đồi thấp. Ngày đó, thầy Thành được giao chủ nhiệm lớp 8M (học hệ 10 năm), chủ yếu là người các xã Vĩnh Tú, Vĩnh Trung của huyện Vĩnh Linh. Điểm đặc biệt mà thầy Thành nhớ nhất ở học sinh của mình là em nào cũng ngoan và lễ phép. Và dường như do phải chịu quá nhiều mất mát đau thương nên em nào cũng rất rắn rỏi, cương nghị, như chính ý chí, tinh thần của người đất thép Vĩnh Linh.
Trong những năm tháng dạy học tại Trường cấp 3 Vĩnh Linh, dù chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng thầy Thành cũng kịp chứng kiến nhiều lứa học sinh trưởng thành. Có những em đi học lên đại học; cũng có những em theo gia đình hồi hương vào năm 1973. Đặc biệt, trong 5 năm sơ tán, có 1 lần vào tháng 4/1972, dù chưa tốt nghiệp nhưng nhà trường đã phải chia tay 181 em học sinh lên đường đi B.
Trong đời dạy học của mình, đó là ngày chia tay để lại trong tôi nhiều rung động nhất. Cuộc chia tay với nhiều nước mắt, nhiều cảm xúc đan xen. Các em lên đường khi tuổi đời còn rất trẻ. Thậm chí còn chưa học hết năm học, chưa kịp cầm tấm bằng tốt nghiệp (chỉ mới được xét đặc cách tốt nghiệp sớm). Sau này, lứa học sinh đi B ngày ấy đã nhiều lần gặp lại nhau. Nhưng cũng có em mãi mãi nằm lại ở chiến trường, nằm lại ngay trên mảnh đất Quảng Trị yêu thương...
Sau này, khi Trường cấp 3 Vĩnh Linh quay trở lại quê hương, thầy Thành xin được ở lại Tân Kỳ tiếp tục giảng dạy đến khi nghỉ hưu. Những năm gần đây, rất nhiều người dân, học sinh Quảng Trị đã quay lại Tân Kỳ để thăm lại quê hương thứ 2 của mình. Vĩnh Linh và Tân Kỳ cũng trở thành hai đơn vị kết nghĩa, với rất nhiều hoạt động phối hợp.
5 năm không phải là dài với một đời người, nhưng với người dân Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, chừng đó là đủ để xây dựng một mối quan hệ tình cảm thắm thiết, keo sơn, bền chặt với mảnh đất Tân Kỳ...