Ký ức về người Đại tướng huyền thoại
(Baonghean.vn) - “5 giờ sáng, nhận được tin Đại tướng đã đi xa, tôi như lặng người, không dám tin đó là sự thật”, thiếu tướng Bùi Đức Tùng, người từng 4 lần được gặp Đại tướng nhớ lại.
Mấy ngày nay, con ngõ nhỏ dẫn vào khu gia binh, nơi sinh sống tập trung của rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đã và đang công tác trong quân đội ở xã Nghi Phú, thành phố Vinh trở nên lặng lẽ, đượm buồn. Nghe tin Đại tướng ra đi, không ai bảo ai, mọi người trong xóm cất hết cờ tổ quốc đang treo trước nhà dịp chào mừng 50 năm thành phố Vinh, một số người lặng lẽ quét dọn lại con ngõ, mang những bức ảnh được chụp chung với Đại tướng ra tẩn mẩn lau lại như để gợi nhớ về những ngày hoa lửa ở chiến trường, nhớ lại những giây phút thiêng liêng được nghe vị anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam dặn dò, chỉ bảo.
Sáng 9/10, sau khi đi dạo bộ về, thiếu tướng Bùi Đức Tùng (86 tuổi) lại tiếp tục mang những bức ảnh chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra phòng khách, lặng lẽ ngắm nhìn như muốn tâm sự, trò chuyện cùng người chỉ huy vĩ đại của mình.
![]() |
Thiếu tướng Bùi Đức Tùng và bức ảnh chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở chiến trường. |
Quê gốc ở xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn. Năm 1947, khi mới 18 tuổi, chàng trai trẻ Bùi Đức Tùng hăm hở lên đường nhập ngũ, để lại người vợ đang mang thai đứa con đầu lòng. Sau khi huấn luyện và chiến đấu ở Tây Bắc, Bùi Đức Tùng được giao nhiệm vụ Trung đội trưởng trung đội 3, Tiểu đoàn 542 thuộc Sư đoàn chủ lực 312, tham gia trực tiếp các chiến dịch chống Pháp ở Tây Bắc. Sau các chiến dịch như Biên Giới, Tây Bắc, Hòa Bình, Thượng Lào thành công, đơn vị của Bùi Đức Tùng được điều động về đánh cứ điểm Điện Biên Phủ, trận đánh lớn nhất của những người lính trong kháng chiến chống Pháp. Trong suốt thời gian ở chiến trường Tây Bắc, là cán bộ cấp trung đội, chiến sĩ trẻ Bùi Đức Tùng chưa có cơ hội được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng qua những bức tâm thư gửi cho chiến sĩ, những lời động viên kịp thời sau mỗi chiến dịch và đặc biệt là sau đợt chuyển cách đánh từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” của Đại tướng, trong tâm trí của Bùi Đức Tùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một hình ảnh mang màu sắc huyền thoại về một vị tướng chỉ huy quân đội.
Sau khi hoàn thành giải phóng Điện Biên, Bùi Đức Tùng cùng các đồng đội trong đơn vị được giao nhiệm vụ áp giải tù binh, tiếp quản các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng rồi được điều động vào chiến trường miền Nam, nơi cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc đang bước vào giai đoạn khốc liệt. Với năng lực và sự phấn đấu của mình, Bùi Đức Tùng được cấp trên giao các nhiệm vụ như Chính trị viên tiểu đoàn, Chính ủy trung đoàn 1, chính ủy Sư đoàn 2, Quân khu 5 với nhiệm vụ tiến công vào giải phóng Tam Kỳ, Đà Nẵng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Năm 1976, khi đất nước thống nhất, Sư đoàn 2 được Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm. “Hôm đó là một ngày đặc biệt, chúng tôi đứng xếp thành hai hàng ngang, chờ Đại tướng đến. Vừa thấy Đại tướng bước vào, tôi đứng lên để làm hiệu lệnh chào thì bất ngờ, Đại tượng chạy lại, ôm chầm lấy tôi như ôm một người em lâu ngày chưa gặp. Lúc đó, tôi không nói được gì, nước mắt trào ra” - người cựu binh già nhớ lại giây phút lần đầu tiên được gặp Đại tướng. Sau khi thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, Đại tướng ngồi họp cùng toàn thể cán bộ Sư đoàn và dặn dò rằng: “Các đồng chí đã góp phần rất lớn vào việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nhưng nhiệm vụ trước mắt còn hết sức nặng nề, không được chủ quan, thỏa mãn trước mọi âm mưu”.
Theo nguyện vọng của cá nhân là được về quê hương, năm 1977, Bùi Đức Tùng được chuyển về Quân khu 4 giữ các chức vụ khác nhau, được phong hàm Thiếu tướng rồi được bổ nhiệm giữ chức Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ Tĩnh, được bầu làm Đại biểu quốc hội khóa 8, Chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh.
Ở vị trí mới, Thiếu tướng Bùi Đức Tùng vinh dự được gặp gỡ vị Đại tướng vĩ đại của nhân dân Việt Nam 3 lần nữa. Vào năm 2000, Đại tướng cùng phu nhân đi nghỉ dưỡng ở thị xã biển Cửa Lò, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An lúc đó là đồng chí Nguyễn Bá và Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã xuống thăm, được vợ chồng Đại tướng mời ăn cơm, thăm hỏi tình hình kinh tế, xã hội tỉnh nhà, đồng thời nhắc nhở toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải đoàn kết để xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội. Sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhìn thẳng vào thiếu tướng Bùi Đức Tùng và nhắc nhở rằng, phải tích cực chăm lo cho các cựu chiến binh, nhất là những người thương bệnh binh, người chịu di chứng chất độc hóa học và con cái của họ. “Muốn vậy, các cựu chiến binh phải đồng lòng, đoàn kết với nhau bởi không ai có thể chăm sóc, quan tâm mình tốt hơn những người đồng đội, từng vào sinh ra tử với nhau”.
![]() |
Thiếu tướng Bùi Đức Tùng vinh dự chụp ảnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Nghệ An. |
Vài tháng sau, dịp Đại tướng tròn 90 tuổi, thiếu tướng Bùi Đức Tùng cùng đại tá Lê Xuân Tùng và đại tá Huỳnh Cơ ra Hà Nội, đến nhà riêng để chúc thọ Đại tướng. Khi biết đoàn cán bộ cựu chiến binh quê nhà ra thăm, cả Đại tướng và phu nhân hết sức cảm kích. Đại tướng thăm hỏi tình hình Nghệ An, hỏi con đường lầy lội về quê vợ ở xã Thanh Xuân huyện Thanh Chương cũng như dặn dò các cựu chiến binh tuy “cựu nhưng không được cũ”, phải vươn lên làm kinh tế, phải tuyệt đối gương mẫu, không được bảo thủ, tuyệt đối trung thành, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, không được lung lay trước bất kỳ kẻ thù nào. Buổi nói chuyện hôm đó kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, khi thấy Đại tướng và phu nhân nói chuyện say sưa về quê hương xứ Nghệ, các đồng chí thư ký không dám ngắt lời…
Năm 2002, thiếu tướng Bùi Đức Tùng có thêm vinh dự được gặp, chụp ảnh và nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp dặn dò khi ông là một trong những người được bầu vào đoàn chủ tịch Đại hội Hội cựu chiến binh Việt Nam lần thứ 3.
18 tuổi vào quân ngũ, từng vào sinh, ra tử ở các chiến trường khắp trong Nam, ngoài Bắc rồi được đứng vào hàng ngũ của Đảng, thiếu tướng Bùi Đức Tùng thấy rằng mình là người may mắn khi nhiều lần được gặp, được người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp dặn dò, chỉ bảo. Nghe tin Đại tướng qua đời, một cảm giác đau đớn, hụt hẫng ập đến trong người cựu binh già.
Buổi tối hôm Đại tướng qua đời, Thiếu tướng Bùi Đức Tùng không truy cập mạng internet. Khoảng 5 giờ sáng, khi vừa tỉnh giấc thì có người gọi cửa gấp. Vừa mở cửa, ông Tùng nhận được thông tin từ bác Bí thư chi bộ Nguyễn Xuân Biên, thông báo rằng “Đại tướng đã qua đời”. “Lúc này, tôi có cảm giác rất lạ, dẫu biết rằng Đại tướng đã yếu, quy luật sinh, lão, bệnh, tử ai cũng phải trải qua, nhưng tôi vẫn cố gắng dặn người bí thư chi bộ xóm là cứ từ từ, đừng thông báo với ai vội để chờ thông tin chính thức”, Thiếu tướng Tùng nhớ lại, hai khóe mắt đỏ hoe.
Ngay sau khi xác nhận lại thông tin một cách chính xác, Thiếu tướng Bùi Đức Tùng lập tức thông báo cho những người đồng đội cũ. Mọi người ai cũng sững sờ . “Mấy ngày nay, một cảm giác trống vắng xâm chiếm cả ngôi nhà và cả khu gia binh này. Ra ngõ gặp nhau, không ai cũng đều cảm thấy hụt hẫng, ngậm ngùi. Ai cũng muốn được ra Hà Nội hoặc vào Quảng Bình để thắp hương cho Đại tướng. Đại tướng đi xa nhưng hình ảnh và lời dạy của Bác sẽ còn sống mãi, hình ảnh về người Anh cả huyền thoại của Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ sống mãi trong lòng dân tộc, bởi bác Giáp là Đại tướng của nhân dân”, người dân trong khu gia binh ở xã Nghi Phú (TP Vinh) tâm sự.
Nguyên Khoa