Ký ức Vừ Chông Pao
(Baonghean) - Một sáng mùa hè, từ thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn), chúng tôi tìm đường đến bản Sơn Hà, xã Tà Cạ, thăm nhà ông Vừ Chông Pao, người con của dân tộc Mông từng nức tiếng núi rừng biên giới Kỳ Sơn.
Tiếp khách trong ngôi nhà gỗ xinh xắn nằm giữa bản, dù đã bước qua tuổi bát tuần nhưng ông Pao vẫn còn khá minh mẫn, dáng đi và giọng nói vẫn còn vẻ lẫm liệt của vị “thủ lĩnh” năm nào. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được nghe về cuộc đời hoạt động cách mạng, ánh mắt người anh hùng của núi rừng biên cương chợt vụt lên những tia sáng, rồi một vài phút trầm tư để tìm về miền ký ức…
|
Vừ Chông Pao sinh ra tại bản Mường ải, xã Tà Cạ (nay là xã Mường ải, huyện Kỳ Sơn). Lúc đó, núi rừng hãy còn hoang vu, tăm tối, đồng bào các dân tộc nơi đây sống triền miên trong cái đói, cái nghèo. Khi đất đai cằn cỗi, cây lúa trên rẫy còi cọc, không thể trổ bông, bà con dân bản lại cùng nhau khiêng vác đồ đạc, băng rừng, lội suối, vượt đèo để tìm vùng đất mới. Tập quán này ngỡ như ngàn đời chẳng có gì đổi thay. Cả bản không ai biết cái chữ là gì, chưa ai nghe nói đến từ “cách mạng”.
Một hôm bỗng đâu quân Pháp tràn đến từ bên kia biên giới với súng nhỏ, súng to làm vang động cả núi rừng. Chúng ra sức càn quét cả bản trên, mường dưới, chúng bắn giết bao người vô tội. Các bản mường khiếp sợ, dắt díu nhau trốn chạy khắp núi rừng dọc tuyến biên giới nhưng chúng nào có để yên, càng chạy chúng càng ra sức truy đuổi. Trước tình thế ngặt nghèo đó, chàng trai người Mông Vừ Chông Pao lúc này vừa tròn 18 tuổi (năm 1948) cùng người anh trai là Vừ Giống Chư và anh rể là Lầu Dê Tu đứng ra thành lập đội du kích với nhiệm vụ chính là chỉ huy việc sơ tán dân bản, cất dấu tài sản, không để rơi vào tay giặc. Với súng tự tạo, đội du kích ba người của Vừ Chông Pao không biết đã tổ chức bao nhiêu cuộc sơ tán cho dân bản, vượt qua không biết mấy trăm ngọn núi, con khe mà nào có được yên. Điểm sơ tán cuối cùng là vùng núi sâu Huồi Pà, một vùng núi hiểm trở thuộc dãy Pu-Xai-Lai-Leng (xã Na Ngoi), sát với đường biên giới.
Một buổi sáng ngập tràn ánh nắng, có những người mặc đồng phục màu xanh, vai mang ba lô, lưng khoách súng trường tìm đến vùng Na Ngoi và giới thiệu là Bộ đội Cụ Hồ từ dưới xuôi lên giúp bà con đánh Pháp, giữ yên bản làng. Bộ đội tổ chức họp dân bản để tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng và Bác Hồ, bà con chưa bao giờ thấy vui cái tai, sướng cái bụng đến thế. Nghe xong, mọi người đồng thanh hô to: “Đi theo Bác Hồ!”. Bộ đội còn giúp bà con vùng biên giới thành lập chính quyền cách mạng, tổ chức bầu Uỷ ban Hành chính kháng chiến. Biết được tin này, địch lại kéo đến hòng tìm cách phá hoại, nhưng đội du kích của Vừ Chông Pao quyết tâm chiến đấu bảo vệ chính quyền vừa được gây dựng. Bằng niềm tin tất thắng, đội du kích phối hợp với bộ đội làm cho địch mấy phen kinh hồn bạt vía. Trận thứ nhất làm địch hoảng loạn phải rút khỏi vùng Na Ngoi; trận thứ hai phối hợp với quân Pha-Thét (Lào) đẩy địch lui tới vùng đường biên; trận thứ ba bao vây địch tại vùng Pù Quặc (Na Ngoi), địch bị tổn thất nhiều và phải tháo chạy sang bên kia biên giới, bảo vệ được cuộc sống người dân các bản làng vùng biên.
Năm 1950, từ Đội trưởng đội du kích, Vừ Chông Pao được điều lên làm phó, rồi trưởng công an xã Na Ngoi. Với cương vị này, Vừ Chông Pao luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, vận động bà con không nghe theo sự xúi khiến của bọn xấu bên kia biên giới, trấn áp những kẻ đột nhập trái phép vào địa bàn. Năm 1959, Vừ Chông Pao được điều về công tác tại UBND huyện Tương Dương.
Hai năm sau (1961), Chính phủ quyết định tách huyện Tương Dương thành hai huyện là Tương Dương và Kỳ Sơn, Vừ Chông Pao được giao nhiệm vụ làm Chủ tịch UBMT đầu tiên của huyện Kỳ Sơn. Một thời gian sau đó, tình hình huyện biên giới Kỳ Sơn trở nên khá phức tạp bởi nạn truyền đạo trái phép, bọn địch lại tràn sang phá hoại, xui khiến bọn Châu Phà đứng lên làm loạn, đốt phá bản làng, tàn sát nhân dân. Đợt này, đồng chí bí thư đảng uỷ xã Huồi Tụ bị bọn Châu Phà sát hại, đồng chí chủ tịch xã Mường Lống bị chúng bắn trọng thương. Với tư cách là Chủ tịch UBMT huyện, ngày 02/9/1963 Vừ Chông Pao được ra Hà Nội dự lễ kỷ niệm Quốc khánh, ngày hôm sau ông được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Phủ Chủ tịch. Tại đây, Bác hỏi đồng chí Lê Duẩn: “Anh Ba, ở Kỳ Sơn - Nghệ An xẩy ra chuyện gì vậy?”. Đồng chí Lê Duẩn trả lời: “Thưa Bác! Ở Kỳ Sơn - Nghệ An xẩy ra loạn Châu Phà”. Lúc này, Bác quay sang hỏi Vừ Chông Pao: “Các chú trong đó định giải quyết thế nào?”. Vừ Chông Pao nói thật suy nghĩ của mình rằng: “Kính thưa Bác! Kỳ Sơn - Nghệ An có loạn Châu Phà xưng vua, chúng lôi kéo bà con dân bản đi theo nhiều lắm. Chúng còn quay súng lại bắn cả bộ đội. Bắt được chúng phải xử tử hình”. Bác liền xua tay và nói: “Không được các chú ơi! Như thế sẽ đánh địch suốt đời không xong. Chúng ta phải xác định được ai là bạn, ai là thù. Đế quốc Mỹ muốn bắt chúng ta làm nô lệ, chúng cậy nhiều tiền, nhiều súng hòng đè bẹp ý chí độc lập của dân tộc ta. Cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam đều là anh em, bè bạn, không nên đẩy bạn thành thù mà phải tuyên truyền, cảm hoá để mở lối cho họ trở về với cách mạng”.
Trở về Kỳ Sơn, Vừ Chông Pao báo cáo với lãnh đạo huyện và tổ chức mở hội nghị kéo dài ba ngày, ba đêm tại Xốp Nhị (xã Hữu Lập) để truyền đạt ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tìm cách vận động, thuyết phục những người lầm lỗi trở về với cách mạng. Vừ Chông Pao cùng mọi người tìm cách tiếp cận được Y Lầu, vợ của Lỳ Bá Chinh, một trong những kẻ cầm đầu cuộc nổi loạn. Với khả năng khéo léo trong thuyết phục của Y Lầu, không bao lâu sau người chồng “lạc đường” được cảm hoá. Từ đó, truyền đơn liên tục được gửi vào vùng căn cứ của bọn Châu Phà, tất cả những người dân theo y đều lần lượt mang súng trở về với cách mạng. Sang năm 1964, Kỳ Sơn dẹp tan được cuộc nổi loạn. Hai năm sau (1966), Đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, kể cả vùng núi rừng biên giới Kỳ Sơn. Khu vực Nậm Cắn, Noọng Dẻ, Ta Đo… trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ. Rồi bọn chúng còn thả biệt kích xuống những cánh rừng vùng biên để tìm mọi cách chống phá cách mạng. Vừ Chông Pao không thể kể hết những gian lao, vất vả và hiểm nguy trong những ngày đối đầu với không quân Mỹ. Đó là những lần tổ chức nhân dân sơ tán tránh máy bay, có khi bom rơi chỉ cách chỗ nấp mấy chục mét nên tính mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”. Rồi những lần băng rừng, vượt suối vào các bản làng nằm sát đường biên vận động bà con cảnh giác trước kẻ xấu, đặc biệt là bọn biệt kích Mỹ và phỉ Vàng Pao…
|
Từ năm 1969, Vừ Chông Pao được giao trọng trách là Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, và ông đứng ở cương vị này trong suốt 20 năm với bao chiến công trừ gian, tiễu phỉ, tên ông trở thành nỗi khiếp sợ của bọn thộc hạ Vàng Pao. Bởi mỗi lần cho quân đột nhập vào quấy nhiễu các bản làng vùng biên, Vừ Chông Pao đều mưu trí triển khai lực lượng và thực hiện tốt công tác dân vận nên bọn chúng đều bị tiêu diệt hoặc bắt sống. Sau đó, ông lại giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện thêm một nhiệm kỳ, đến năm 1995 nhận quyết định nghỉ hưu. Nhưng vừa nghỉ được một thời gian ngắn, đồng chí Nguyễn Bá, lúc đó là Bí thư Tỉnh uỷ tìm đến nhà vận động làm công tác mặt trận, bởi uy tín của ông với đồng bào các dân tộc Kỳ Sơn rất lớn. Nghĩ vẫn còn đủ sức lực để tiếp tục cống hiến cho dân, cho Đảng, Vừ Chông Pao lại tiếp tục nhận chức vụ Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh đặc cách tại Kỳ Sơn từ ngày đó đến nay. Bên cạnh đó, với cương vị người đứng đầu Ban chấp hành dòng họ Vừ ở Kỳ Sơn, ông nhiệt tình vận động con cháu trong họ tích cực tham gia công tác xã hội, đẩy mạnh phong trào khuyến học và trở thành dòng họ tiêu biểu của huyện, được các cấp tặng nhiều bằng khen.
Trong cuộc đời hoạt động và cống hiến cho cách mạng, Vừ Chông Pao là Đại biểu Quốc hội khoá VIII, được tham dự Đại hội Đảng toàn quốc các khoá IV, V và VI. Tháng 5/2010 vừa qua, ông là đại biểu của tỉnh ra Hà Nội tham dự Đại hội đại biểu Các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất, được gặp mặt tất cả các dân tộc thiểu số anh em trong cả nước nên ông rất vui.
Và tại đại hội này, ông vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, phần thưởng xứng đáng cho người suốt đời cống hiến vì sự bình yên và phát triển của huyện Kỳ Sơn, có thể nói cuộc đời ông gắn bó với từng chặng đương đi lên của huyện rẻo cao biên giới này. Ông còn cho biết thêm, bản thân còn có vinh dự mỗi lần ra thủ đô thường được các đồng chí đứng đầu Đảng, Nhà nước và Chính phủ tiếp chuyện, thăm hỏi sức khoẻ và động viên tinh thần. Đặc biệt, ông từng được đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tặng chiếc đồng hồ đeo tay và chiếc ti vi làm kỷ niệm.
Chia tay người anh hùng của núi rừng biên giới Kỳ Sơn khi mặt trời gần lên đỉnh núi, ông tiễn chúng tôi đến đầu bản và nói: “Ta đang dự kiến xuất bản cuốn hồi ký về cuộc đời hoạt động cách mạng, khi nào in xong các anh chị nhớ trở lại để ta tặng sách làm kỷ niệm!”. Tuột con dốc để rời bản Sơn Hà, thấy Vừ Chông Pao vẫn còn đứng dõi theo, dáng ông sừng sững như cây đại thụ của núi rừng biên giới...
Công Kiên