Ký ức Vừ Chông Pao

07/01/2011 17:22

Lên công tác ở huyện Kỳ Sơn, tôi có may mắn được gặp Anh hùng Vừ Chông Pao tại nhà riêng của ông ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ. Ngôi nhà bình dị theo kiến trúc cổ của người Mông lặng lẽ giữa vườn cây quả, lô nhô những tảng đá bên gốc đào già.

Tiếp xúc với ông, tôi cảm nhận được sự bình dị, như cây pơmu mọc trên núi đá giữa đại ngàn hùng vĩ lặng lẽ đón cả mùa mưa bão.

Tôi lặng nghe ông kể về chặng đường hơn 60 năm hoạt động cách mạng ở cơ sở miền núi bằng giọng chậm rãi, ấm áp của già làng đã lên tuổi 80. Những năm tháng thấm đẫm bao nỗi buồn vui về một vùng biên ải như gió ngàn bất tận.

Bên dòng Keng Đu (Kỳ Sơn.)


Ông Vừ Chông Pao sinh năm 1930, ở bản Ải Khe, xã Tà Cạ, ở thượng nguồn sông Nậm Mộ. Mười bảy tuổi, ông vào đội du kích, dùng súng đạn tự chế cùng bộ đội đánh Pháp, đánh phỉ, vận động dân bản tản cư vào rừng sâu, lập bản mới vừa sản xuất, vừa đánh giặc, làm công an trưởng Na Ngoi, xã biên giới luôn nóng lên sự quấy phá của phỉ. Năm 1961, huyện mới Kỳ Sơn được thành lập (chia tách từ huyện Tương Dương), ông được tín nhiệm làm Chủ tịch MTTQ 10 năm và 20 năm Chủ tịch UBND huyện.

Ông kể về quá khứ: "Thuở trước Kỳ Sơn nghèo lắm và chồng chất khó khăn: giặc giã, đạo Vàng Chứ, tệ nạn buôn bán, sử dụng ma tuý, di dân tự do. Cơ sở hạ tầng hầu như không có gì, đời sống kinh tế của các hộ dân nhìn vào cây lúa rẫy và trồng cây thuốc phiện, tỷ lệ nghèo đói đến 97%..."

Tôi hỏi ông: Cháu nghe nhân dân Kỳ Sơn tôn vinh bác là "Thủ lĩnh" của họ? Ông Pa cười: "Nào có gì đâu, tôi là người ít chữ, chỉ có cái tâm, cái nhiệt tình nên được dân tín nhiệm, anh em trong cơ quan giúp đỡ mới hoạt động được". Ông đưa tôi đi ngược thời gian, nhớ lại một vài kỷ niệm trong chặng đường qua.

Đó là Mường Lống những năm 70 của thế kỷ trước, xã rẻo cao biên giới nổi danh "thủ phủ" của cây thuốc phiện. Đây cũng là điểm nóng những cụm phỉ ngoan cố chống phá cách mạng.

Lãnh đạo huyện quyết chọn Mường Lống làm điểm, xoá bỏ các tệ nạn và tiểu phỉ ở hang Huồi Đun, vận động những người theo kẻ xấu trở về với bản làng. Sau những ngày gian nan, nơi cổng trời mờ sương, bản làng đã sáng lên những ngày mới từ mô hình trồng cây lúa nước, chăn nuôi đại gia súc...

Hàng thổ cẩm của đồng bào Thái ở Kỳ Sơn xuống chợ.


Năm 2002, ông Pao là Phó Chủ tịch danh dự MTTQ tỉnh phụ trách Kỳ Sơn. Đã 72 tuổi, ông vẫn xung phong đi vận động cai nghiện ma tuý ở bản Khe Tang (xã Chiêu Lưu), một điểm nóng của huyện lúc bấy giờ, với 57 hộ thì có tới 47 hộ nghiện.

Dân bản sau hoàn lương, làm ăn khấm khá họ biết ơn và nhớ mãi hình ảnh ông Pao hàng ngày lọc cọc với chiếc xe đạp từ nhà xa đến 25 cây số cắm bản mỗi đợt 3 tháng cùng cán bộ cơ sở quyết tâm cai nghiện cho người Khơ Mú. Ông gần gũi, tâm tình với từng người nghiện. Ông đem từng cây chuối cho dân bản trồng, đưa từng con heo giống hướng dẫn họ chăn nuôi...

Thời gian dằng dặc hơn nửa thế kỷ, làm sao kể hết những bước chân trần bấm đá đến những bản làng xa xôi hàng trăm cây số cùng cán bộ cơ sở hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng đời sống văn hoá...

Tôi còn được nghe ông kể về kỷ niệm thiêng liêng, xúc động những lần vinh dự được gặp Bác, được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Ông nhớ: "Năm 1963, tôi là một thành viên của Đoàn đại biểu đồng bào dân tộc miền núi Nghệ An được ra Hà Nội dự lễ Quốc khánh 2-9. Đoàn được gặp Bác ở Phủ Chủ tịch. Bác hỏi: Các chú cho Bác biết tình hình đời sống của các huyện miền núi?

Tôi thưa Bác: Ở Kỳ Sơn bọn phỉ nổi dậy xưng Châu phà (Vua trời) nhiều lắm. Người Mông theo phỉ, cán bộ tuyên truyền mãi mà họ không nghe, cứ cầm súng bắn nhân dân, bộ đội. Nếu bắt được ta phải bỏ tù rồi tử hình thôi".

Bác Hồ ân cần nói: "Các chú làm như vậy là không được. Các chú nên xác định kẻ thù là ai? Bọn đế quốc muốn biến ta làm nô lệ nên lừa dân làm phỉ, làm bia đỡ đạn cho chúng. Kẻ thù chính là đế quốc. Bạn của ta là đồng bào các dân tộc Việt Nam. Các chú đừng biến bạn thành thù. Nếu biến bạn thành thù thì các chú đánh suốt đời cũng không hết giặc".

Lời căn dặn của Bác đã theo ông suốt đời và ông đã học tập, làm theo trong chặng đường hoạt động của mình. Ông kể, Thủ tướng ân tình nhận ông làm anh em, Tổng Bí thư tặng huyện chiếc xe ô tô phục vụ chương trình xoá bỏ cây thuốc phiện.

Tôi nhìn tấm ảnh của ông thời trai trẻ cùng những bằng khen của huyện, tỉnh, Ban dân tộc miền núi, Thủ tướng Chính phủ, Huy chương Kháng chiến chống Pháp, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, Huy hiệu 60 năm tuổi đảng. Ông là đại biểu Quốc hội khoá 8, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND (tháng 3-2009).


Võ Văn Vinh; Ảnh: Công Kiên

Mới nhất
x
Ký ức Vừ Chông Pao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO