"Là Thống đốc, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm…"

29/09/2014 19:19

“Chúng tôi đã kiểm điểm hết sức sâu sắc, bản kiểm điểm đó tôi có mang theo đây, để khẳng định rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan…”.

Thống đốc tại phiên chất vấn chiều 29/9 (Ảnh ND)
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tại phiên chất vấn chiều 29/9 (Ảnh ND)

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình chia sẻ khi ĐBQH chất vấn chiều 29/9 về vấn đề trách nhiệm đối với sai phạm tại các ngân hàng.

Chất vấn Thống đốc, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên chuyên trách ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đặt câu hỏi thẳng thắn: Thống đốc có trách nhiệm như thế nào trong việc để xảy ra sai phạm ở các NH, mà gần đây nhất là tại NH Xây dựng? Giải pháp để hạn chế thấp nhất những sai phạm tương tự sau này là gì?

Về việc này, ông Nguyễn Văn Bình cho biết: “Dù các sai phạm đó xảy ra ở đâu, khi nào, dù thời đó tôi có là Thống đốc hay không, thì đến bây giờ khi đang là thống đốc thì trách nhiệm cũng sẽ thuộc về thống đốc NHNN. Là Thống đốc, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về các vấn đề đó”.

Cụ thể trong thời gian vừa qua chúng ta đã triển khai rất quyết liệt hoạt động thanh tra giám sát, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật, kể cả với ngành công an.

Tuy nhiên phương châm của NHNN là không hình sự hóa các quan hệ dân sử. NH chỉ mong muốn phát hiện, tạo điều kiện cho các bên sai phạm khắc phục. Đến khi không khắc phục được, gây nên sự thất thoát tiền bạc của đất nước thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật để xử lý.

Theo Thống đốc qua thanh kiểm tra giám sát, đã phát hiện ra nhiều vụ sai pham trong thời giqn qua như vụ Huyền Như, Bầu Kiên, hay Công ty cho thuê tài chính 2… Phần lớn tất cả các vụ việc đó đều xảy ra trước năm 2011.

“Chúng tôi đã kiểm điểm hết sức sâu sắc trong báo cáo kiểm điểm phê bình và tự phê bình theo NQ TW4. Bản kiểm điểm đó tôi có mang theo đây, để khẳng định rõ trách nhiệm cá nhân tập thể có liên quan trong những vấn đề đó”.

Về sai phạm tại NH Xây dựng, Thống đốc cho biết, trong giai đoạn đầu của việc tái cơ cấu, khi đó chúng ta gặp nhiều vấn đề nan giải trong xử lý ngân hàng yếu kém. Đối với NH này, việc xử lý phải dựa vào nguyên tắc tự nguyện và chính lực lượng thị trường. Do vậy chúng ta phải tìm đối tác đầu tư, có năng lực tài sản để họ tham gia tự nguyện vào quá trình cơ cấu lại.

Theo Thống đốc Bình, tất cả các NH yếu kém trong thời gian qua đều tiến hành theo tinh thần này, như thế mới giữ được ổn định và tiết kiệm được nguồn lực nhà nước. Bên cạnh đó cũng nhờ hoạt động thanh tra giám sát, NHNN mới phát hiện và giảm thiểu được các tổn thất. Cụ thể vốn của NH Xây dựng không bị thất thoát. Còn hoạt động sai trái của họ lại không diễn ra ở tại NH này mà đi vay mượn sai trái từ các tổ chức tín dụng khác…

“Tuy nhiên dù là sai phạm lớn hay nhỏ thì trách nhiệm vẫn thuộc về Thống đốc. Nhưng chính nhờ các hoạt động thanh tra chặt chẽ trong thời gian qua cũng như giám sát tại chỗ đã phát hiện sai phạm và xử lý kịp thời” – Thống đốc Bình nói.

Nợ xấu sẽ được giải quyết căn cơ

Liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam, Đại biểu Đỗ Văn Đương đặt câu hỏi: Theo Thống đốc, đến nay còn 47% nợ xấu chưa giải quyết được, sẽ đặt ra vấn đề gì trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị hệ thống ngân hàng trong thời gian tới? Và Công ty VAMC đã mua được 60.000 tỷ đồng nợ xấu, rất lớn. Nhưng bán ra nhỏ giọt, mới 1.500 tỷ đồng, khoảng 2%. Vậy vướng mắc là gì? Do năng lực của VAMC hay do cơ chế pháp lý mua bán nợ? Nếu có vướng mắc đó có cần thiết phải có luật về mua – bán nợ không?

Ảnh minh họa: TTXVN
Ảnh minh họa: TTXVN

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, việc xử lý nợ xấu trên thế giới nói chung, ở VN nói riêng, cũng chỉ thông qua một số phương pháp: Một là, tự các tổ chức tín dụng, bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro của mình để xử lý; Hai là, các bên vay ngân hàng có điều kiện kinh tế cải thiện thì trả lợ NH để xử lý nợ xấu; Ba là, Chính phủ đứng ra xử lý nợ xấu, ở Việt Nam đang dùng hình thức công ty VAMC; Bốn là, giải pháp tổng thể, dùng cơ chế chính sách để làm ấm lên nền kinh tế để xử lý nợ xấu.

Đến nay các TCTD đã tham gia tích cực vào xử lý nợ xấu. Trước đây các TCTD thường che giấu nợ xấu, ít trích lập dự phòng rủi ro để có thêm nguồn tiền chia cổ tức chia lợi nhuận.

Nhưng trong 3 năm vừa qua, NHNN đã kiểm soát việc làm này, thanh tra giám sát chặt. Đến nay, các TCTD đã trích lập rất lớn dự phòng rủi ro, trung bình mỗi năm 70.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu, phần lớn các TCTD không chia cổ tức, dành luôn nguồn vốn này để dự phòng vốn điều lệ nâng cao hơn năng lực tài chính.

“Trong 3 năm qua, hệ thống đã xử lý được hơn 249.000 tỷ đồng nợ xấu. Loại trừ 86.000 tỷ đồng được xử lý qua công ty VAMC, số còn lại được xử lý bằng việc trích lập dự phòng của các TCTD. Đến hết tháng 7/2014, số dự phòng các TCTD đã trích lập đạt 78.000 tỷ đồng”

Tài sản đảm bảo cho các khoản nợ xấu có giá trị cao gấp hai lần so với giá trị của các khoản nợ xấu, khả năng của các TCTD đánh giá hết sức tích cực.

Qua các số liệu báo cáo các tháng trong năm 2014, nợ xấu có chiều hướng gia tăng vào những tháng trong năm, vì thường các TCTD tập trung xử lý nợ xấu vào dịp cuối năm khi họ hạch toán thu chi của cả năm. Do vậy nợ xấu thường giảm mạnh vào thời điểm 31/12 hàng năm, khi các TCTD xử lý nợ xấu bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro.

Mặt khác, trong năm có việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nâng tầm hoạt động phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro của các TCTD một cách chặt chẽ hơn so với thông lệ quốc tế nên nợ xấu theo các quy định mới cũng gia tăng hơn.

“Đến tháng 7/2014, VAMC mới chỉ mua được 14.000 tỷ đồng nhưng đến 24/9 đã tăng số mua lên tới 47.000 tỷ đồng, cộng với kế hoạch năm 2014 mua khoảng 70.000 tỷ đồng cộng với số đã trích lập dự phòng rủi ro 78.000 tỷ đồng thì hi vọng cuối năm nay con số nợ xấu của các TCTD sẽ được xử lý một cách căn cơ.”

Đến tháng 7/2014, tỷ lệ nợ xấu theo các TCTD báo cáo là 4,11% có cao hơn mức 3,9% cuối năm 2013 nhưng tại thời điểm đó theo giám sát của NHNN, nợ xấu vào khoảng xấp xỉ 8%. Sở dĩ có sự khác biệt giữa số liệu giám sát của NHNN và các TCTD do thiết lập được cơ chết giám sát chặt chẽ hơn thông qua hệ thống công nghệ thông tin.

NHNN quản lý rất sát tình hình hoạt động cũng như việc phân loại nợ của các TCTD. Thực hiện chủ trương cho phép các TCTD tiến hành cơ cấu lại nợ đối với khách hàng nhằm tạo điều kiện cho khách hàng. Trong tổng số nợ hơn 300.000 tỷ đồng cơ cấu lại, có khoảng 157.000 tỷ nếu không tiến hành cơ cấu sẽ biến thành nợ xấu. NHNN cộng thêm số nợ mà các TCTD đã tiến hành phân loại nợ xấu với số tái cơ cấu lại này mới tăng tổng mức nợ xấu lên 8%.

“Với tốc độ xử lý nợ xấu như hiện nay, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các TCTD sẽ ở trong khoảng hơn 3% còn giám sát của NHNN sẽ đưa về trong khoảng 6% cuối năm nay”.

Theo Infonet/VOV

Mới nhất

x
"Là Thống đốc, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm…"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO